Những tranh luận mới của các học giả trên thế giới về chủ nghĩa xã hội (Phần 4)
Những tư tưởng về chủ nghĩa xã hội đã xuất hiện từ thế kỷ XVI trong tác phẩm Utopia (Xã hội không tưởng) của Thomas More - một nhà nghiên cứu người Anh. Trong tiến trình hình thành và phát triển tư tưởng về chủ nghĩa xã hội đã xuất hiện nhiều tên gọi khác nhau, nhiều quan niệm, tư tưởng khác nhau về chủ nghĩa xã hội. Từ khi chủ nghĩa xã hội trở thành hiện thực đến nay, cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản ngày càng chứng tỏ là cuộc đấu tranh trung tâm của nhân loại, luôn là vấn đề trung tâm của thời đại, chi phối mọi giai cấp và dân tộc trên toàn thế giới. Riêng những luận chiến trong chính vấn đề chủ nghĩa xã hội đã, luôn và mãi mãi vẫn là đề tài nóng đầy hấp dẫn.
Những tranh luận mới của các học giả trên thế giới về chủ nghĩa xã hội
GS, TS Tạ Ngọc Tấn
Trong công trình nghiên cứu Tương lai của chủ nghĩa cộng sản, tác giả A. Shendrik tiếp cận từ góc độ triết học, phân tích sâu các trào lưu tư tưởng thế giới đương đại của phương Đông và phương Tây, phân tích những biến động trong dòng chảy thế giới thực tiễn, sự khủng hoảng tài chính, khủng hoảng sinh thái toàn cầu, kiểm nghiệm lại giá trị trường tồn của học thuyết Mác. Ông đề xuất “chủ nghĩa xã hội sinh thái”, cũng như ông thống nhất với quan điểm của học giả Moiseev N. N. rằng, nếu như chúng ta muốn bảo vệ nền văn minh nhân loại thì không có con đường nào khác, việc tất cả các nước trên thế giới đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội (chủ nghĩa cộng sản) là điều tiên định[1]. Để khẳng định chủ nghĩa xã hội: nền chính trị cách mạng trước một thế kỷ mới, các tác giả Dianne Feeley, David Finkel & Christopher Phelps đi sâu phản bác những tư tưởng ca ngợi chủ nghĩa tư bản, phủ nhận vai trò, thành quả của chủ nghĩa xã hội và rằng, các nước xã hội chủ nghĩa là nguồn trợ giúp để duy trì sự ổn định kinh tế và chính trị của thế giới. Các học giả đi sâu phân tích nguyên nhân tích tụ dẫn đến chủ nghĩa tư bản thắng lợi và chủ nghĩa tư bản đổ vỡ, chỉ rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản là gì, mối quan hệ giữa chủ nghĩa tư bản và quyền tự do, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa tư bản, phân tích kỹ nền chính trị của các tập đoàn bá chủ, chủ nghĩa bảo thủ hùng mạnh, chủ nghĩa tự do hèn nhát và sự sụp đổ của phe cánh tả. Trên những căn cứ đó, các tác giả khẳng định sự hồi sinh, phát triển của chủ nghĩa xã hội là tất yếu lịch sử. Nhưng chủ nghĩa xã hội mới sẽ như thế nào? Từ cách làm, các tác giả nêu những ý chính sau: (1) chủ nghĩa xã hội từ bên dưới: sự lựa chọn dân chủ; (2) cách mạng là điều cần thiết; (3) hoạt động chính trị của giai cấp công nhân ngày nay[2].
Khi bàn về tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ XXI, tác giả Xecgey Mrachcốpxki đã luận giải sâu tư tưởng xã hội chủ nghĩa và con người, khẳng định tư tưởng xã hội chủ nghĩa đem lại cho con người cái nhìn có tính phê phán đối với thế giới và xã hội, phân tích rõ xã hội tất yếu đi đến chủ nghĩa xã hội và đề xuất tư tưởng xã hội chủ nghĩa sẽ phải như thế nào? Tư tưởng xã hội chủ nghĩa không thể tồn tại giản đơn như là một tư tưởng, một luận đề khoa học, nó phải được nhận thức thấu đáo để hướng vào cải tạo thế giới trong thực tiễn.
Bàn về chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI, Tiến sĩ David S.Pena phân tích các đặc điểm của bốn nội dung cơ bản của phát triển bền vững: (1) Thể chế chính trị của xã hội phát triển bền vững phải là thể chế dân chủ nhân dân; (2) Thể chế kinh tế của xã hội phát triển bền vững cần phải phát huy chức năng sản xuất thỏa mãn yêu cầu vật chất cơ bản và việc thực hiện các nội dung khác nhau của chương trình chính trị nhân dân cần đến; (3) Nuôi dưỡng các nét văn hóa đặc trưng của đất nước một cách hợp lý có quan hệ mật thiết đến sự nghiệp xây dựng xã hội bền vững; (4) Phát triển bền vững môi trường thể hiện đỉnh cao của những nỗ lực xây dựng văn minh phát triển bền vững, là trụ cột quan trọng hỗ trợ cho văn minh phát triển bền vững.
Những nội dung phát triển bền vững trên, chủ nghĩa tư bản không thể làm được vì bản chất tư hữu, cạnh tranh, ăn bám, mục nát của nó. Chỉ có chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI với phương châm thực hiện sự hài hòa không ngừng tiến hóa, không ngừng được điều chỉnh theo các yêu cầu của phát triển xã hội dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của một đảng chính trị của nhân dân theo định hướng xã hội chủ nghĩa mới có thể đi tới thành công.
Giáo sư Zhao Yao phân tích những đặc điểm mới của chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI ở năm phương diện: (1) Tính tìm tòi và tính khai thác (khai mở); (2) Tính trường kỳ và tính phức tạp; (3) Tính toàn cầu và tính dân tộc; (4) Tính nhất nguyên và tính đa nguyên; (5) Tính quy tắc và tính mở. Từ đó ông khẳng định, xu thế và định hướng của chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI là: từ trở lại đến phục hưng, lần lượt là: các nước xã hội chủ nghĩa, các nước đang phát triển, các nước tư bản chủ nghĩa phát triển. Đây là xu hướng tất yếu của lịch sử?
Học giả Nhật Bản Kachi Tadashi, khi bàn về những điều kiện và khả năng dẫn tới sự thay đổi của chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI đã phân tích sâu sắc cấu trúc thế giới đương đại, chứng minh các mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản ngày càng sâu và trên phạm vi toàn cầu, luận giải những hình thức thay đổi chính trị khác nhau xảy ra ở nhiều khu vực và cho rằng, việc tiến lên chủ nghĩa xã hội thông qua nền kinh tế thị trường đã là xu thế phổ biến. Học giả Blackburn, Robin, giảng viên trường New School ở New York và Đại học Essex, Anh, sau khi phân tích những cuộc khủng hoảng xảy ra những năm đầu thế kỷ XXI đã cho rằng, để giải quyết vấn đề trên của thế giới, đưa nhân loại bước sang trang mới phát triển bền vững, lịch sử đang đặt lên vai chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI và chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI cần tôn trọng những mục tiêu của nhân loại: bình đẳng, tự do, dân chủ, hài hòa, tiến bộ,… như những gì mà Mác, Ăngghen đã nêu trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.
Nhiều học giả nêu lên những tư tưởng mới về chủ nghĩa xã hội như: con đường thứ ba - kết cấu hình thái ý thức “hậu xã hội chủ nghĩa” của Anthony Giddens; chính trị, văn hóa và chủ nghĩa xã hội của Patnaik Prabhat; chủ nghĩa xã hội ngày nay - điều gì đã xảy ra với cánh tả châu Âu của Sheri Berman; chủ nghĩa xã hội ngày nay - cần lựa chọn chủ nghĩa xã hội nào của Michael Walzer; mối nguy cơ của chủ nghĩa phát xít và tiền đồ của chủ nghĩa xã hội: suy ngẫm về cuộc khủng hoảng chủ nghĩa tư bản toàn cầu của David S.Pena.
Phần 2 tập 2 tuyển chọn, giới thiệu 16 công trình nghiên cứu khoa học của các học giả trên thế giới bàn về sự thống nhất trong đa dạng của chủ nghĩa xã hội mới.
Tác giả Xécgây Trênơnhiakhốpxki cho rằng, trong bốn hệ tư tưởng thế giới đến trước thềm thế kỷ XXI thì chỉ có 3 hệ tư tưởng là chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa dân tộc - những “dạng thức mới” - bằng cách này hay cách khác cố gắng nhận thức thực tiễn của xã hội hậu công nghiệp. Riêng hệ tư tưởng lớn - chủ nghĩa cộng sản - đã và đang nghiên cứu, nhưng chưa công bố chính thức dự án mới về chủ nghĩa cộng sản. Tác giả phân tích nguyên nhân vì sao lại như vậy và phác thảo nội dung của chủ nghĩa xã hôi mới sẽ như thế nào. Sau khi phân tích lịch sử hình thành, quá trình phát triển của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XX, tác giả John Bellamy Foster đề xuất nội dung và giải pháp làm mới lại chủ nghĩa xã hội.
Các học giả Cockshott Paul, Cottrell Allin, Dieterich Heinz nghiên cứu sâu về lịch sử những quan điểm chủ đạo về chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Nga và các Đảng Cộng sản châu Âu, phân tích những thành công và thất bại, những trải nghiệm, rút ra những bài học, từ đó lấy học thuyết giá trị lao động của Mác làm kim chỉ nam, đề xuất phương thức thay thế chủ nghĩa xã hội châu Âu với những khác biệt sau: (1) Không coi quốc hữu hóa công nghiệp là mối quan tâm chính trị, thay vào đó, nhấn mạnh rằng, người lao động cần được hưởng toàn bộ giá trị gia tăng. (2) Đề xuất một cơ cấu chính sách tiền tệ căn bản để chuyển toàn bộ nền kinh tế hướng tới một “nền kinh tế tương đương” phi tiền tệ dựa trên thời gian làm việc. (3) Dự tính quá trình chuyển đổi diễn ra không phải ở cấp độ quốc gia mà trong toàn Liên minh Châu Âu dân chủ.
Khi bàn về sự thống nhất trong đa dạng của chủ nghĩa xã hội, học giả Allberto Gabriele đã trở về với học thuyết Mác trên các vấn đề phương thức sản xuất, hình thái xã hội, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Tác giả cho rằng, chính thực tiễn chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã gợi mở cho tác giả nghiên cứu sâu hơn, đánh giá kỹ hơn các khái niệm đã nêu trên của C.Mác.
Tác giả Arenciboa Mario Gonzábz trong công trình nghiên cứu đã đi sâu luận giải khái niệm thực tiễn về phát triển chủ nghĩa xã hội trong di sản lý luận của Lênin, phân tích chủ nghĩa xã hội liên kết hoặc tách rời với toàn cầu hóa ở Đông Âu và Liên bang Xôviết; chủ nghĩa xã hội thị trường của Trung Quốc và Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và nhiều thực tiễn khác để cho rằng, các thực tiễn xã hội chủ nghĩa là quá tách rời với thế giới và những trải nghiệm dưới hình thái quá độ này đang có ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình phát triển chủ nghĩa xã hội. Toàn cầu hóa và thị trường hóa đi theo lô gic tự do mới đang tạo ra nhiều thay đổi nhanh chóng. Thực tiễn xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa và thị trường hóa đòi hỏi phải đánh giá lại quan điểm xã hội chủ nghĩa. Chỉ bằng cách này thì sự phát triển xã hội chủ nghĩa mới không làm mất đi bình đẳng và công bằng xã hội.
Tác giả John Marangos cho rằng, sự sụp đổ của nền kinh tế tập trung, bao cấp đã mở đường cho sự phát triển các nền kinh tế theo định hướng thị trường. Các sự kiện lịch sử có thể xảy ra theo một chiều hướng khác nên các mô hình kinh tế khác nhau có thể được lựa chọn. Bởi vậy, tác giả đặt vấn đề rằng, liệu chủ nghĩa xã hội thị trường có thể trở thành khả thi cho các nền kinh tế trong giai đoạn quá độ? Tác giả Alberto Gabriele cũng có nghi vấn này nhưng sau khi phân tích kỹ các hình thái kinh tế xã hội, luận giải về tương lai phát triển của thế giới, ông lại khẳng định, chủ nghĩa xã hội thị trường là hình thái bền vững duy nhất của chủ nghĩa xã hội trong thời đại chúng ta.
Các công trình nghiên cứu về vận mệnh lịch sử của chủ nghĩa xã hội ở các nước châu Á của Jakina G.; công trình “các cách diễn giải khác nhau về chủ nghĩa xã hội thị trường Trung Quốc đương đại” của Alberta; nghiên cứu về “vấn đề chủ nghĩa xã hội” dân chủ và giá trị tham khảo của Dai Xianying, công trình “các nước hậu xã hội chủ nghĩa và sự thay đổi của mô hình phát triển mới: so sánh giữa Nga và Trung Quốc” của Peter Rutland, nghiên cứu về “chủ nghĩa xã hội tự trị sinh thái và chủ nghĩa xã hội sinh thái” của Liu Yan; phân tích tình hình mới của sự phát triển chủ nghĩa xã hội dân tộc khu vực Mỹ Latinh của Li Xin và nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác về chủ nghĩa xã hội mới cho chúng ta thấy sự phong phú trong các quan điểm, tư tưởng mới trong cách tiếp cận, cách luận giải về chủ đề chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI.
Bộ sách Những tranh luận mới về chủ nghĩa xã hội tập hợp khoảng 70 công trình của gần 100 học giả trên thế giới, những người không đồng quan điểm, tư tưởng, ý thức hệ, lại có cách tiếp cận khác nhau trong nghiên cứu, trình bày công trình của mình, trên nền tảng tư tưởng, văn hóa khác nhau, trải nghiệm thực tiễn khác nhau. Hơn nữa, cái khó ở đây còn do yếu tố ngôn ngữ. Bộ sách tuyển chọn các công trình nghiên cứu của các học giả nổi tiếng trên thế giới, được thể hiện bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Trung Quốc. Với tinh thần cố gắng biên dịch trung thực, sát nội dung, chúng tôi hy vọng, sự phong phú về tác giả trong bộ sách sẽ giúp người đọc có cơ hội tiếp cận với nhiều tư tưởng, nhiều quan điểm và sự luận giải về chủ nghĩa xã hội của nhiều nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau: triết học, kinh tế, chính trị học, lịch sử, chủ nghĩa xã hội khoa học, văn học, nhân học, dân tộc học, địa chính trị học, v.v.. Và người đọc, qua đó sẽ biết được tần số ý kiến đồng tình hay phản đối về những vấn đề giống và khác nhau của chủ nghĩa xã hội, để tự mình, qua đó tìm được “xác suất”, rút ra những tri ngộ mới, cách nhìn mới, cách làm mới cho mình.
Với ý nghĩa đó, Ban Biên soạn xin giới thiệu cuốn sách với bạn đọc. Trong lần xuất bản này, chắc chắn sẽ còn nhiều sơ xuất, mong bạn đọc góp ý.
Hà Nội ngày 8 tháng 1 năm 2016
[1] Xem: A. Shendrik, “Tương lai của chủ nghĩa cộng sản”, Kommunist, 2005, No.2.
[2] Xem: Diane Feeley, David Finkel & Christopher Phelps, “Chủ nghĩa xã hội tại sao? Nền chính trị cách mạng trước một thế kỷ mới”, http://solidarity.igc.org.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục