Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nội dung, giá trị của hệ thống tôn giáo bản địa và tôn giáo ngoại lai ở Ấn Độ (Phần 3)

Nội dung, giá trị của hệ thống tôn giáo bản địa và tôn giáo ngoại lai ở Ấn Độ (Phần 3)

Ấn Độ là một trong những cái nôi sớm nhất của nền văn minh nhân loại. Nền văn minh Ấn - Hằng, từ 3000 năm trước CN tồn tại và bồi đắp theo dòng lịch sử, to cao sừng sững như dãy núi Hymalaya hùng vĩ với ngọn Meru thần thánh được gọi là cột trụ trời, là cõi trời tỏa chiếu ánh hào quang lấp lánh, rực sáng cả vùng trời phương Đông. Cũng chính từ cột trụ trời ấy mà Ấn Độ huyền bí, nền văn hóa Ấn Độ huyền bí đi vào cõi tâm linh, và chính Ấn Độ chứ không phải nơi nào khác dẫn đưa các vùng đất phương Đông trở thành duy linh. Đó là kết tinh sâu thẳm mọi giá trị của văn hóa Ấn Độ, và chừng nào đó, của văn hóa phương Đông.

05:52 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

PGS, TS. Vũ Trọng Dung*

Cấm giới và Khổ hạnh là phương pháp tu tập cơ bản của Kỳ Na giáo. Về cấm giới, Kỳ Na giáo cũng có năm giới là: không sát sinh, không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm và không sở hữu. Trong đó, giới không sát sinh của Kỳ Na giáo được phát triển đến mức cực đoan. Theo đó, khi đi đường phải cực kỳ cẩn thận, phải quét đường rồi mới đi; uống nước phải dùng lược lọc nước rồi mới uống để tránh làm tổn hại đến côn trùng trong nước; thậm chí, hít thở cũng phải mang khẩu trang, sợ hít phải các loài trùng bay vào mũi, hay nuốt phải vào miệng. Điểm đáng chú ý nhất trong Kỳ Na giáo là chủ trương lõa thể, như kinh Trung A-hàm miêu tả: “Hoặc có Phạm chí Sa-môn lõa hình, không y phục hoặc dùng tay làm y phục, hoặc lấy lá làm y phục, hoặc lấy hạt châu làm y phục”.

Chủ trương nghiêm khắc khổ hạnh của Kỳ Na giáo, đến nay, có thể nói là đặc điểm độc nhất vô nhị của giáo phái này. Vì họ tin rằng, chỉ có khổ hạnh mới làm tiêu trừ vĩnh viễn Nghiệp vật chất bao vây đeo bám vào linh hồn. Kinh Trung A Hàm ghi: Các Ni Kiền ấy liền trả lời Ta rằng: Thưa Cù Đàm, chúng tôi có tôn sư tên là Thân Tử Ni Kiền có nói thế này: ‘Các Ni Kiền, nếu các ngươi trước kia đã tạo tác ác nghiệp; những nghiệp ấy đều có thể nhân sự khổ hạnh này mà bị diệt tận. Nếu nay hộ trì thân, khẩu, ý; nhân đó không còn tạo ác nghiệp nữa”[1].

Từ những phương thức tu tập khổ hạnh dẫn trên cho thấy, Kỳ Na giáo không quá xem trọng thân thể của mình, và thái độ không quan tâm nhiều đến các nhu cầu trong đời sống thực tế. Mà, thay vào đó, họ lại rất chú trọng đến thiền định, thông qua thiền định để giảm thiểu, hạn chế nhu cầu vật chất từ bên ngoài. Với họ mà nói, càng khổ hạnh nghiêm khắc, càng tiết chế tối đa sự xâm nhập của vật chất từ bên ngoài thì càng mau đạt đến mục đích giải thoát.

Hiện nay, tại Ấn Độ có khoảng 4,2 triệu tín đồ Kỳ Na giáo. Tính theo tổng dân số Ấn Độ thì đó chỉ là nhóm tôn giáo thiểu số, nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức, chính trị và kinh tế của Ấn Độ. Bên ngoài Ấn Độ, trên thế giới, hiện thời có khoảng 12 triệu tín đồ Kỳ Na giáo, và tất nhiên, đó cũng chỉ là nhóm tôn giáo rất nhỏ. Các cộng đồng Kỳ Na giáo có mặt khắp nơi trên thế giới tại Hoa Kỳ, Anh Quốc, Gia Nã Đại, Kenya, Tanzania và Uganda, Nepal, South Africa, Nhật, Tân Gia Ba, Mã Lai Á, Úc Đại Lợi, Fiji, Suriname, Bỉ, v.v.... Ngôi chùa Kỳ Na giáo được xây dựng đầu tiên bên ngoài Ấn Độ là tại thành phố Mombasa của Kenya, Phi Châu, vào thập niên 1960. Kỳ Na giáo thực sự truyền bá đến Tây Phương vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980.

1.4. Đạo Sikh

Dưới vương triều Hồi giáo Đêli (1206 - 1526), Ấn Độ thường xuyên bị phân liệt về lãnh thổ và chính trị bởi các thủ lĩnh Hồi giáo chia nhau cầm quyền ở các địa phương và nhiều lần bị quân Mông Cổ tấn công xâm lược, nhất là ở vùng Tây Bắc rộng lớn. Bên cạnh đó, người Hồi giáo cai trị lại thực hiện chính sách phân biệt tôn giáo. Họ dành nhiều ưu ái, quyền lợi về chính trị, kinh tế cho tín đồ Hồi giáo cũng tức là hạn chế quyền lợi của các tôn giáo khác, trong đó có đông đảo tín đồ Ấn giáo. Cùng với những lí do khác về kinh tế, xã hội đã dẫn đến phong trào đấu tranh của các giáo phái ở Ấn Độ. Những nhà tư tưởng của các phong trào này đều phủ nhận sự phân chia đẳng cấp, đòi bình đẳng của mọi người trước thần linh và chủ trương không phân biệt biệt địa vị xã hội và tôn giáo, tín ngưỡng[2] . Trong bối cảnh lịch sử đó, thánh sư Nanak đã sáng lập ra đạo Sikh (Sikhism) vào đầu thế kỷ XVI tại bang Punjab thuộc miền Bắc Ấn Độ cùng chung sống hòa bình với các tôn giáo khác đã có ở Ấn Độ như Ấn giáo (Hinduism), Kỳ Na giáo (Jainism), Phật giáo (Buddhism), Hồi giáo (Islam), Thiên Chúa giáo (Catholicism), Do Thái giáo (Judaism)… Đạo Sikh được xem như một tôn giáo cải cách, ra đời trên cơ sở tiếp nhận tư tưởng, giáo luật, lễ nghi… của các tôn giáo đã có ở Ấn Độ như đạo Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Phật giáo…

Đạo Sikh chủ trương đồng nhất thể tâm với Thượng Đế. Tín đồ Sikh tu tập để tư tưởng và hành động thoát khỏi sự ô nhiễm của tham lam, giận dữ, dục vọng, vật chất, và bản ngã và từ đó hợp nhất tâm với Thượng Đế. Đạo Sikh tin rằng, vòng sinh tử luân hồi là thoát ra từ đồng nhất thể này. Đạo Sikh cho rằng, tất cả mọi người đều bình đẳng, và tình huynh đệ bao trùm khắp vũ trụ giữa con người và Thượng Đế Tối Cao. Năm nguyên lý căn bản mà tín đồ Đạo Sikh đặt niềm tin và thực hành là Sự Thật, Bình Đẳng, Tự Do, Công Lý, và Nghiệp.

Tín đồ Đạo Sikh được nhận dạng dựa vào 5 chữ K: 1) Kesh là tóc để dài và quấn lại; 2) Kara là vòng đeo tay bằng sắt tượng trưng cho sự bất diệt; 3) Kirpan là cây kiếm nhỏ mang theo người; 4) Kashera là cái quần lót làm bằng bông vải đặc biệt để nhắc nhở giữ gìn trinh bạch; và 5) Kanga là cái lược bằng gỗ thường để ở dưới chiếc khăn.

Bảo vệ quyền tự do tôn giáo và chính trị của tất cả mọi người và ngăn chặn sự kỳ thị là một trong những phần quan trọng của niềm tin trong Đạo Sikh. Đạo sư thứ 5 của Đạo Sikh Arjan Dev đã tử vì đạo dưới chế độ Mughal vào ngày 16 tháng 5 năm 1606. Đạo sư thứ 9 của Đạo Sikh Teg Bahadur Ji cũng đã tử vì đạo để bảo vệ Ấn Độ giáo từ cuộc đàn áp tôn giáo tại Delhi vào ngày 11 tháng 11 năm 1675, là một bằng chứng khác về sự bảo vệ tự do tôn giáo của nhóm thiểu số.

Trong đạo Sikh, người phụ nữ rất được coi trọng, và quan niệm của họ về người phụ nữ có phần nào đồng tình với quan niệm đa thê của Hồi giáo: “Chúng ta được sinh ra từ người phụ nữ, Người phụ nữ đã mang thai chúng ta, chúng ta đính hôn và kết hôn với phụ nữ. Chúng ta làm bạn với người phụ nữ, và nhờ người phụ nữ nòi giống mới được nối dõi. Khi một người phụ nữ chết, chúng ta lại kết hôn với người khác, chúng ta ràng buộc với thế giới qua người phụ nữ. Vậy tại sao chúng ta lại nói điều không tốt về người phụ nữ, những người đã sinh ra các vị Vua chúa? Người phụ nữ do chính người phụ nữ sinh ra, chẳng có một ai được sinh ra mà không có người phụ nữ. Duy nhất Chúa trời là không phải do người phụ nữ sinh ra”[3]. Đó là điểm ưu việt của Đạo Sikh trong bối cảnh xã hội của thế kỷ thứ XV sau Công nguyên, khi mà xã hội loài người và đặc biệt xã hội Ấn Độ còn nhiều kỳ thị bất công đối với nữ giới.

Đạo Sikh hiện là một trong những tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và tư tưởng của người dân Ấn Độ, với khoảng hơn 23 triệu tín đồ, trong đó 90% sống ở tiểu bang Punjab và khoảng hơn 1 triệu tín đồ sống ở Anh và các thuộc địa cũ của Anh. Mặc dù dân số theo Sikh giáo không bằng dân số theo Ấn Độ giáo nhưng họ là một cộng đồng gắn bó và thịnh vượng với sự liên kết văn hoá, tôn giáo mạnh mẽ, có khuynh hướng vươn tới một nhà nước Sikh độc lập tự chủ nhưng vẫn dung hoà, với một bản sắc riêng biệt của đạo Sikh. Đạo Sikh chỉ chiếm 1.87% dân số Ấn Độ, nhưng lại rất có thế lực trong quân đội Ấn Độ. Số quân nhân và sĩ quan theo Đạo Sikh chiếm tới 15% quân số Ấn Độ, đó là tỉ lệ nhiều gấp 10 lần so với tất cả các tôn giáo khác tại Ấn. Đương kim Thủ Tướng Ấn Độ Manmohan Singh là tín độ Đạo Sikh. Ông sinh ngày 26 tháng 9 năm 1932 tại Gah, khu vực Punjab, là người không thuộc Ấn Độ giáo mà nắm quyền hành cao nhất trong hệ thống chính trị của Ấn Độ lần đầu tiên từ trước tới nay. Năm 2010, báo Newsweek ca tụng ông là “Nhà lãnh đạo được các nhà lãnh đạo khác quý mến nhất.” Báo Forbes trong năm 2010 đã chọn ông là người đứng hạng thứ 18 trong số những người có quyền lực nhất thế giới và là vị thủ tướng Ấn Độ có uy tín nhất trên toàn cầu kể từ Thủ Tướng Nehru. (Xem tiếp phần 4)


[1] Kōgen Mizuno trước tác, Sđd, trang 443

[2] Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Văn Ánh, Lịch sử thế giới trung đại, Nxb Giáo dục, H, 2003, trang 355.

[3] Teja Singh, The Sikh Religion, An Outline of Its Doctrines, Gurupdesh Printers, New Delhi,1997, tr. 9


* Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị Khu vực I

Nguồn:

Cùng chuyên mục