Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nông dân Ấn Độ (18-4-1928)

Nông dân Ấn Độ (18-4-1928)

Bài viết được đăng trên Tập san Inprekorr, tiếng Pháp, số 38, ngày 18-4-1928, được đăng trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2 (1924-1930), NXB Chính trị quốc gia, 2000

01:18 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Trên 230 triệu người Ấn Độ, tức là 75% dân số, thuộc giai cấp nông dân, sống trong 685.000 làng ở Ấn Độ. 70% đất đai canh tác thuộc quyền sở hữu của các đại, trung địa chủ, số này chỉ bằng một phần ba số nông dân, trong khi đó 90 triệu nông dân tuyệt đối không có một chút ruộng đất gì. 

Những địa chủ lớn nhất là Maharátgia phong kiến. Sau đó là các Talúcđa (công chức cao cấp cha truyền con nối), các Sácđa (chỉ huy quân sự) và các Giaminđa (điền chủ lớn). Để có thể bóc lột và áp bức hơn nữa quần chúng nông dân, họ câu kết với chủ nghĩa đế quốc Anh và được nhường cho những quyền lợi kinh tế rộng rãi nhất. 

Vô cùng giàu có và cực kỳ phản động, những địa chủ đó hợp thành một khối dưới quyền lãnh đạo của các Maharátgia. Chủ nghĩa đế quốc tìm thấy ở họ một đồng minh trung thành và một chỗ dựa vững chắc. Vừa qua, một trong những người lãnh đạo của địa chủ tung ra một lời kêu gọi khuyên nhủ các địa chủ hãy đoàn kết chặt chẽ hơn nữa để nắm lấy toàn bộ chính quyền trong nước mà vẫn ở dưới "sự bảo hộ" của nước Anh. Hội nghị địa chủ các bang Bengan, Atsam và Oritxa (ngày 2-1-1928) quyết định ủng hộ Uỷ ban Ximông, yêu cầu thành lập hai viện lập pháp chứ không phải một như hiện nay, và thượng viện chỉ gồm những địa chủ. Trong bài diễn vǎn, chủ tịch hội nghị phàn nàn rằng quyền chính trị dành cho người ấn Độ còn quá rộng rãi và còn "cho phép những phần tử không có của cải đưa vào luật pháp những xu hướng xã hội và cộng sản". 

Bà Anna Bisan viết nǎm 1919: "Một nửa dân số nhà nông ở Ấn Độ chỉ có một bữa ǎn trong mỗi ngày, mà, hơn nữa, một bữa cũng 

không đủ ǎn". Tình trạng này từ ngày ấy đến nay vẫn không thay đổi vì tình hình kinh tế của người ấn Độ đáng lẽ được cải thiện thì lại mỗi ngày một trầm trọng thêm. Tháng 5 nǎm 1927, Bác sĩ Hađica nêu một bảng so sánh thu nhập theo đầu người: Hoa Kỳ 1.115 rupi; Anh 696; Pháp 546; Đức 468; ấn Độ 15. 

Nguyên nhân cái nghèo khổ cùng cực này là do đất thiếu, thuế má quá nặng, chiếm đến 75% hoa lợi của nông dân, diện tích trồng cây công nghiệp quá lớn khiến diện tích trồng ngũ cốc hụt đi. Nǎm 1925 chỉ có 32.968.000 hécta trồng lúa so với 10.645.000 hécta trồng bông, 287.000 hécta trồng chè và l.025.000 hécta trồng mía. Như vậy là một phần ba đất đai được dành riêng cho việc trồng trọt phục vụ công nghiệp và thương nghiệp của Anh. 

Bên cạnh sự bóc lột của địa chủ Anh và địa chủ bản xứ, người nông dân Ấn Độ còn bị bóc lột một cách kinh khủng bởi những tên Sahuka hay những chủ nợ, chúng cho vay 30 rupi trước mùa gặt và đòi lại 146 rupi. 

Đói kém là thường xuyên. Từ 1854 đến 1901 trên 28.825.000 nông dân chết đói! Chỉ riêng trong ba tháng cuối nǎm 1918, trên 7 triệu người Ấn Độ chết vì cúm. Những người không chết đói đi vào các thành phố, hợp thành một đội quân "vô sản mặc giẻ rách", sống vất vưởng bằng ngửa tay ǎn xin. Nǎm 1927, người ta thấy trên 250 người ǎn mày chết đói trong các phố Bombay. Cũng nǎm đó, ông Humantro, một nhà từ thiện Ấn Độ cung cấp cho chúng ta những số liệu sau đây về các làng mà ông đến thǎm: trong 79 gia đình ở Sagam chỉ còn 3 người ở lại làng. Trong 811 người làng Mađrát chỉ còn 413. ở Chankamanđimi trong số 60 người chỉ còn 3; tại Kengan trong số 200 người còn lại 40; ở Katagu trong số 500 người còn lại 125; ở Iurátgi, trong số 450 chỉ còn lại 200 và ở Khagian trong số 50 người chỉ còn 3. 

Những người khốn khổ này bỏ làng không những vì đói mà còn để tránh bọn Sahuka, bọn địa chủ và bọn thu thuế. 

Tuy không có tổ chức hoặc tổ chức còn lỏng lẻo, người nông dân- do nghèo khổ thúc bách - thường nổi dậy chống kẻ bóc lột. Từ 1792 đến 1921, chỉ trong bang Malaba, 36 cuộc khởi nghĩa của nông dân đã nổ ra. Các cuộc nổi dậy vào những nǎm 1841, 1844, 1849, 1896 và 1921 đều có tiếng vang lớn. 

Những người nông dân ở Promơ (Miến Điện) tự tổ chức thành các Unthanu Rakita hay các Hội nông dân mà mục đích công khai là đấu tranh chống rượu, cờ bạc và tội ác. Sau phong trào chống thuế nǎm 1924, các Unthanu bị cấm. Tuy vậy, các tổ chức này vẫn tồn tại bí mật và cuối nǎm 1927, các Unthanu huyện Padinbin đã không chịu đóng thuế. Chính phủ cử lực lượng quân đội đến chống lại những người kháng cự. Hai nông dân bị giết và nhiều người bị thương. 

Sau các sự kiện ở Padinbin, Chính phủ giải tán 11 tổ chức hoặc hội nông dân khác. Tuy có đàn áp nhưng cuộc vận động chống thuế vẫn tiếp tục ở Miến Điện và rải rác ở chính trên đất ấn Độ, nông dân ở Alibay (huyện Maharátgia) thẳng thắn tuyên bố chống thuế. Ngày 10 tháng 1, 500 đại biểu tại Hội nghị tá điền Iubơnpua bỏ phiếu tán thành nghị quyết chống Uỷ ban Ximông và chống việc tǎng thuế mới. Ngày 4 tháng 2, hội nghị các tiểu chủ ở Sunrat cũng đã thông qua nghị quyết ấy. 

Báo Mađratta, tuần báo có thế lực lớn xuất bản ở Puna, khuyên nên chống đối ở khắp nơi. Trong số ra ngày 12 tháng 2, báo đó viết: "Nếu tất cả những người nông dân bị bóc lột tại tất cả các địa phương nhất trí trong một mặt trận thống nhất chống Chính phủ thì có thể làm cho Chính phủ biết điều hơn trong chính sách nông nghiệp của mình". 

Ta nên nói thêm rằng Đảng Công Nông đã ghi vào chương trình ruộng đất của mình những yêu sách sau đây: quyền hoa lợi của đất trồng thuộc về nông dân và quốc hữu hoá đất đai! 

WANG 

Tập san Inprekorr, tiếng Pháp, số 38, ngày 18-4-1928

Nguồn:

Cùng chuyên mục