Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

“Nước cờ xuất sắc” của Thủ tướng Ấn Độ

“Nước cờ xuất sắc” của Thủ tướng Ấn Độ

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kết thúc chuyến thăm 3 ngày tại Trung Quốc và tới Mông Cổ bắt đầu chuyến thăm chính thức nước này trong ngày 17/5. Mặc dù Trung Quốc có thể là trọng tâm chuyến công du các nước Bắc Á của Thủ tướng Modi, song Mông Cổ và Hàn Quốc cũng giữ những vai trò chính trị quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ.

05:13 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chuyến thăm Mông Cổ của ông Modi mang ý nghĩa quan trọng vì đây là chuyến thăm đầu tiên của một vị Thủ tướng Ấn Độ, đồng thời diễn ra trong bối cảnh 60 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong chuyến thăm, Chính phủ Mông Cổ dành cho Thủ tướng Modi một sự tiếp đãi đặc biệt: Lần đầu tiên triệu tập phiên họp Quốc hội trong kỳ nghỉ để cho phép một nhà lãnh đạo nước ngoài phát biểu.

Trên thực tế, Mông Cổ luôn có mối quan hệ ngoại giao tốt với Ấn Độ, coi nước này như một “láng giềng tinh thần”. Mặc dù vẫn coi Trung Quốc là trọng tâm hàng đầu trong chính sách tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại, song Ấn Độ vẫn dành cho Mông Cổ một chỗ đứng quan trọng trong chiến lược Đông Á của mình.

Quan hệ giữa Ấn Độ và nước Mông Cổ hiện đại đã được chính thức hóa kể từ tháng 12/1955. Ấn Độ trở thành nước đầu tiên ngoài khối Xô viết thiết lập quan hệ với Mông Cổ, lúc đó còn gọi là Cộng hòa nhân dân Mông Cổ. Năm 1970, Ấn Độ thành lập Đại sứ quán tại thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ, đóng vai trò quan trọng đưa Mông Cổ trở thành thành viên của các diễn đàn quốc tế chủ chốt, trong đó có Liên hợp quốc (LHQ), bất chấp sự phản đối của Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan.

Quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Mông Cổ phát triển đáng kể từ năm 1973, khi hai nước ký Tuyên bố chung 8 diểm, tạo nền móng cơ bản cho hợp tác song phương. Năm 1994, Ấn Độ và Mông Cổ đã ký Hiệp định quan hệ hữu nghị và hợp tác và năm 2009 nâng quan hệ lên Đối tác toàn diện. Mối quan hệ này chủ yếu xoay quanh hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, năng lượng hạt nhân và thương mại. Hai bên đã ký một hiệp định hạt nhân dân sự, cho phép Mông Cổ xuất khẩu urani cho Ấn Độ một khi Quốc hội Mông Cổ thông qua dự luật về vấn đề này.

Trong lĩnh vực quốc phòng, Ấn Độ đóng vai trò quan trọng giúp Mông Cổ hiện đại hóa vũ khí. Trong chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil tới Mông Cổ năm 2011, hai bên đã ký hiệp định hợp tác quốc phòng, cho phép tiến hành cuộc tập trận chung mang mật danh “Nomadic Elephant”. Ấn Độ cũng tham gia tích cực trong chương trình huấn luyện quân sự chung thường niên mang tên “Khaan Quest”, do Mông Cổ đăng cai.

Thương mại giữa Ấn Độ và Mông Cổ đã tăng đáng kể trong vài năm qua, mặc dù vẫn rất khiêm tốn. Theo số liệu thống kê chính thức, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 17,4 triệu USD năm 2010, và tăng lên 46,7 triệu USD trong năm 2011; 60,2 triệu USD năm 2012, nhưng lại giảm xuống còn 35 triệu USD năm 2013.

Mông Cổ là một trong số ít nước - gồm Pháp, Nga, Namibia, Argentina, Anh, Canada, Kazakhstan, Hàn Quốc và Mỹ - ký thỏa thuận cung cấp urani cho Ấn Độ sau khi được Nhóm cung cấp hạt nhân (NSG) “bật đèn xanh” năm 2008. Tuy nhiên, cho đến nay, Ấn Độ vẫn chưa nhận được urani từ Mông Cổ do Quốc hội nước này chưa thông qua thỏa thuận đã ký giữa chính phủ hai nước.

Quyết định của Thủ tướng Modi tiến hành chuyến thăm chính thức Mông Cổ được xem là một “nước cờ xuất sắc” về chính trị. Từ sau thời Thủ tướng Nerhu, chưa có Thủ tướng nào của Ấn Độ đưa Mông Cổ vào danh mục các nước “phải đến thăm”. Ông Modi muốn thay đổi quan niệm. Quan hệ gần gũi hơn giữa Mông Cổ và Ấn Độ sẽ có lợi đối với hai nước cả về mặt chính trị lẫn chiến lược. Mông Cổ là nước sản xuất đồng, sắt, than và urani chủ chốt, có thể là nhà cung cấp tiềm năng các nguồn khoáng sản cho Ấn Độ. Mông Cổ cũng là công cụ chiến lược tiềm năng để Ấn Độ thiết lập một cán cân quyền lực trong khu vực nhằm đối trọng với Trung Quốc.

(Theo TTXVN, Zee News)

Nguồn:

Cùng chuyên mục