Phải chăng Ấn Độ đã đạt tới điểm cao nhất? (Phần 2)
Liệu Ấn Độ đã đạt tới điểm cao nhất? Đây có vẻ là một câu hỏi lạ lùng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của nước này. Tuy nhiên nếu như thị phần khu vực IT toàn cầu của Ấn Độ tiếp tục giảm xuống, những hạn chế về Luật Lao động của Ấn Độ không được cải cách, nguồn nhân công dồi dào không được tận dụng thì đây là câu hỏi hoàn toàn hợp lý.
Phải chăng Ấn Độ đã đạt tới điểm cao nhất?
GS John R. Schmidt*
Các luật lao động mang tính hạn chế
Vậy tại sao Ấn Độ lại theo đuổi mô hình tăng trưởng do IT dẫn dắt này thay vì theo bước đi của Trung Quốc, và gần như mọi nền kinh tế phát triển trên Trái đất, trong việc theo đuổi tăng trưởng sử dụng nhiều nhân công? Xét cho cùng, Ấn Độ có một dân số gần tương đương với Trung Quốc và do đó, sở hữu một nguồn lao động nhà máy tiềm tàng khổng lồ, những người mà sự phục vụ của họ, theo giá cả toàn cầu, có thể chỉ tốn một lượng tiền lương nhỏ bé. Lý do chính là sự tồn tại của các luật lao động mang tính hạn chế khiến các chủ lao động gần như không thể cho nghỉ việc, hoặc sa thải, người lao động để đối phó với các điều kiện thị trường thay đổi. Những luật này đã không được các cải cách năm 1991 đụng đến.
Theo Đạo luật Tranh chấp Công nghiệp (IDA) năm 1947, được sửa đổi năm 1982, sẽ là phạm pháp nếu các công ty công nghiệp với 100 người lao động cho nghỉ việc, hoặc sa thải, người lao động mà không được phép từ chính phủ. Vì những biện pháp hạn chế trong đạo luật này, vốn rất có lợi cho các quyền của người lao động, bộ máy quan liêu chính phủ quản lý nó hiếm khi đưa ra những sự cho phép như vậy. Các tài liệu cho thấy những câu chuyện rùng rợn về các chủ lao động cuối cùng phải dành nhiều năm và nguồn lực đáng kể chỉ để loại bỏ một nhân viên tồi. Do đó, bất kỳ doanh nhân nào cân nhắc khởi đầu một công ty công nghiệp quy mô lớn ở Ấn Độ, hoặc mở rộng một công ty đang tồn tại lên hơn 100 người lao động, phải sẵn sàng đối xử với người lao động như một chi phí chìm.
Không bất ngờ, phần lớn các nhà đầu tư tiềm năng trong khu vực chế tạo không sẵn sàng đi theo con đường này. Những người làm việc đó, hoặc những người đã thuê hơn 100 người lao động, tìm cách đi đường vòng. Một trong những cách phổ biến nhất là sử dụng lao động hợp đồng, vốn được miễn trừ khỏi IDA. Các nhân viên hợp đồng được thuê theo thời vụ, nói chung được trả công ít hơn, và có thể bị cho nghỉ việc khi sự phục vụ của họ không còn cần thiết. Tuy nhiên, khả năng có thể sử dụng họ bản thân nó bị ngăn trở bởi luật pháp. Trên thực tế, người lao động hợp đồng chỉ có thể được thuê để bổ sung một lực lượng lao động công nghiệp toàn thời gian, được bảo vệ đầy đủ đang tồn tại, và ngay cả khi đó, từng bang Ấn Độ có khả năng cấm họ hoàn toàn trong những lĩnh vực nhất định. Ở những nơi lao động hợp đồng được thuê, nơi đó thường trở thành một nguồn gây xích mích giữa những người lao động toàn thời gian, những người được hưởng sự bảo vệ đầy đủ của IDA, và các đồng nghiệp ít may mắn hơn của họ. Đó là một con đường vòng cho các doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn, không phải là bài thuốc chữa bách bệnh.
Một cách đi vòng phổ biến khác là tự động hóa, thay thế các công nhân thực bằng máy móc trong phạm vi tối đa có thể. Đây là cách nhà máy thép khổng lồ của Tata Group ở Jamshedpur đã thành công trong việc giảm lực lượng lao động của mình từ 85.000 vào năm 1991 xuống 44.000 năm 2005. Kiểu đường vòng này trên thực tế là biểu hiện của toàn bộ cách tiếp cận sử dụng nhiều vốn để phát triển kinh tế đã chi phối nền kinh tế Ấn Độ kể từ năm 1991. Khu vực IT đã thúc đẩy phép màu kinh tế Ấn Độ không đơn thuần vì Nehru đã làm điều gì đó đúng đắn trong việc thành lập các Viện Công nghệ Ấn Độ, mà vì quy mô tương đối nhỏ và bản chất sử dụng nhiều vốn của nó.
Sự phản đối cải cách luật lao động
Mặc dù các luật lao động mang tính hạn chế giải thích tại sao khu vực IT đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Ấn Độ kể từ năm 1991, nó không giải thích tại sao Ấn Độ tiếp tục duy trì hệ thống pháp luật lỗi thời như vậy. Rốt cuộc, trong khi phép màu kinh tế Ấn Độ có thể đã đưa hàng chục triệu người Ấn Độ đến tầng lớp trung lưu, nó đã để lại hơn 1 tỷ người đứng ngoài, sống nhờ chưa đến 4 USD một ngày, với hơn 2/3 sống nhờ vào chưa đến 2 USD. Chắc chắn, người dân Ấn Độ sẽ khá hơn nhiều vào lúc này nếu 100 triệu người nữa có thể tìm được công ăn việc làm trong khu vực chế tạo, như ở Trung Quốc.
Một phần lớn của nguyên nhân này là từ những nguồn gốc xã hội chủ nghĩa của nhà nước. Chúng ta đã chứng kiến mô hình Xôviết tác động sâu sắc đến Nehru như thế nào, với sự nhấn mạnh của nó vào kế hoạch hóa tập trung và thay thế nhập khẩu. Nhưng không giống người Xôviết, ông đã không sẵn sàng quốc hữu hóa hoàn toàn các phương tiện sản xuất, và do đó không thể đảm bảo người lao động Ấn Độ có việc làm. Thay vào đó, IDA đã thành công trong việc đảm bảo rằng những người lao động đủ may mắn tìm được công việc có thể giữ nó đến hết quãng đời làm việc của mình, bất kể điều gì xảy ra.
Tuy nhiên, chiều hướng xã hội chủ nghĩa này trong đường hướng của Ấn Độ về kinh doanh và lao động đã chết dần chết mòn. Mặc dù nhiều khía cạnh tồi tệ nhất của License Raj đã bị loại bỏ trong cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán năm 1991, không điều gì có quy mô tương tự đã diễn ra đối với những điều khoản mang tính hạn chế của IDA. Một lý do hiển nhiên cho điều này trớ trêu thay lại là tăng trưởng mạnh do IT dẫn dắt diễn ra kể từ năm 1991 thường làm giảm bớt bất kỳ cảm giác khẩn cấp nào có thể đã xuất hiện thiên về cải cách luật lao động.
Nhiều người Ấn Độ, đặc biệt từ các đẳng cấp cao hơn, cũng bị thu hút một cách lãng mạn hóa bởi “làng quê Ấn Độ”, điều sẽ biến mất trước cuộc công nghiệp hóa khổng lồ. Số này bao gồm các cơ sở chế tạo và bán lẻ gia đình quy mô nhỏ vốn là nền tảng kinh tế của nó. Đương nhiên, Gandhi là người ủng hộ làng quê Ấn Độ nổi tiếng nhất. Ông muốn duy trì làng quê làm trung tâm của đời sống xã hội, kinh tế và chính trị Ấn Độ trong niềm tin hiển nhiên rằng đối với những người sống nhờ vào chưa đến 2 USD một ngày thì đó phần nào là được quý tộc hóa rồi. Ngay cả hiện nay, có quan điểm mạnh mẽ ở Ấn Độ phản đối việc mua lại đất làng để dọn đường cho các công ty công nghiệp.
Một số nhà kinh tế thậm chí đã lập luận rằng những hạn chế của luật lao động không phải là nguyên nhân cho sự thất bại trong việc chuyển sang một đường hướng công nghiệp hóa sử dụng nhiều nhân công. Họ nói thủ phạm thực sự là tình trạng cơ sở hạ tầng được thừa nhận là tệ hại ở Ấn Độ, đặc biệt trong các khu vực năng lượng và vận tải. Người Ấn Độ vẫn nhớ những kỷ niệm sâu sắc về vụ mất điện ngày 30-31/7/2012, vụ mất điện lớn nhất trong lịch sử thế giới, tác động đến một nửa dân số Ấn Độ. Và bất kỳ ai từng lái xe trên các con đường của Ấn Độ có thể chứng nhận sự khó khăn kinh niên trong việc vận chuyển bất kỳ loại hàng hóa nào đến thị trường. Nhưng đây là những kiểu vấn đề tác động đến tất cả các nền kinh tế đang phát triển. Cách mọi thứ diễn ra trong thế giới thực tế là công nghiệp hóa và những cải thiện cơ sở hạ tầng điển hình thường đi với nhau. Có thể sự thất bại của Ấn Độ trong việc tiến tới tăng trưởng sử dụng nhiều nhân công đã làm chậm lại những nỗ lực để cải thiện cơ sở hạ tầng của đất nước bằng cách một lần nữa loại bỏ cảm giác cấp bách.
Các nhà kinh tế khác đã chỉ ra những cuộc thăm dò niềm tin kinh doanh, mà hiếm khi dẫn ra những hạn chế về cho nghỉ việc hay sa thải người lao động như là một vấn đề. Đáp lại, các nhà kinh tế Jagdish Bhagwati và Arind Panagariya đã chỉ ra rằng phần lớn doanh nhân được thăm dò hoạt động trong khu vực dịch vụ hoặc các doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn, nơi các hạn chế của luật lao động không phải là một vấn đề lớn. Một lần nữa, đây giống như là một hậu quả của thực tế rằng Ấn Độ đã không thể theo đuổi tăng trưởng sử dụng nhiều lao động hơn là bằng chứng cho thấy các luật lao động đã không đóng một vai trò to lớn. Xét về mọi mặt, để tin tất cả những người hoài nghi này, người ta phải sẵn sàng tin rằng đơn thuần chỉ là một sự trùng hợp đáng kinh ngạc khi Ấn Độ có những luật lao động hạn chế nhất trên thế giới và cũng là nước phát triển muộn duy nhất đã không thể theo đuổi tăng trưởng sử dụng nhiều lao động.
Không bất ngờ, sự phản đối mạnh mẽ nhất đối với việc cải cách các luật lao động của Ấn Độ đến từ cánh tả chính trị, bị chi phối bởi phong trào công đoàn, và Mặt trận Cánh tả, một nhóm các đảng chính trị do Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mácxít, tức CPI(M), đứng đầu. Các đảng này phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm giảm hiệu quả của những đảm bảo an ninh việc làm có trong IDA, ngay dù chúng hiện tại bảo vệ cho chưa đến 10 triệu công nhân. Có lẽ họ sẽ vui mừng chứng kiến những hàng ngũ này lên đến những mức độ như ở Trung Quốc, nhưng không phải thông qua sự mở rộng tư bản, điều họ coi là vốn đã mang tính bóc lột. Giải pháp được CPI(M) ủng hộ sẽ là quốc hữu hóa các phương tiện sản xuất, điều Nehru đã không làm được. Thực tế rằng điều này đã dẫn tới những kết quả không mong muốn ở những nơi như Liên Xô dường như không ngăn cản được họ.
Mặc dù CPI(M) là một lực lượng có ảnh hưởng ở những bang như Tây Bengal và Kerala, nó không có hy vọng chi phối sân khấu chính trị quốc gia. Mặt trận Cánh tả chỉ nắm 24 ghế trong Lok Sabha gồm 543 ghế đã mãn nhiệm và chỉ có 10 ghế trong Lok Sabha mới. Mặt khác, nó đã giành được 60 ghế trong cuộc bầu cử năm 2004. Điều này đem lại cho nó tầm ảnh hưởng thực sự về chính sách, vì đa số đạt được bởi liên minh chiến thắng do đảng Quốc đại lãnh đạo là quá sít sao, liên minh này cảm thấy cần phải dựa vào sự ủng hộ của Mặt trận Cánh tả trong phần lớn nhiệm kỳ của mình. Không cần phải nói, đã gần như không có triển vọng diễn ra cải cách luật lao động đáng kể trong thời kỳ này.
Nhưng cánh tả chính trị truyền thống không phải là lực lượng duy nhất trong chính trị Ấn Độ phản đối cải cách luật lao động. Trong 2 thập kỷ qua, một loạt cái gọi là những đảng của đẳng cấp thấp hơn đã nổi lên ở Ấn Độ, chủ yếu ở vành đai Hindu khổng lồ ở phía Bắc, một khu vực cũng là nơi nghèo nhất và lạc hậu nhất của đất nước. Các đảng này vốn đã mang tính xã hội chủ nghĩa trong định hướng chính trị và có vẻ đại diện cho lợi ích của những nhóm thiệt thòi nhất trong lịch sử của xã hội Ấn Độ. Uttar Pradesh, bang đông dân nhất Ấn Độ, bị chi phối bởi hai đảng như vậy, BSP (vốn tuyên bố đại diện cho người Dalit tức cộng đồng không thể đụng tới) và đảng Samajwadi kình địch (có những cử tri đến từ cái gọi là các Tầng lớp Lạc hậu Khác, một hỗn hợp các nhóm đẳng cấp thấp hơn và Hồi giáo). Hoạt động chính trị ở Bihar, bang nghèo nhất và đông dân thứ ba Ấn Độ, cũng bị chi phối bởi hai đảng chủ yếu thuộc đẳng cấp thấp – Janata Dal (Đoàn kết) và kình địch chính, Rashtriya Janata Dal. Cùng nhau, 4 đảng này đã nắm 68 ghế trong Lok Sabha nhiệm kỳ trước. Vào lúc này hay lúc khác, chính phủ do đảng Quốc đại lãnh đạo được bầu lên năm 2009 đã phải dựa vào sự ủng hộ từ ít nhất 3 trong số họ để duy trì đa số trong quốc hội.
Điều này đã tác động đến những triển vọng cải cách luật lao động vì các đảng này coi nhiệm vụ chính của họ là giành được sự bảo trợ cho những người ủng hộ họ dưới hình thức việc làm trong chính phủ, mà có thể được cung cấp thông qua bảo trợ chính trị. Khi tới lúc thành lập các chính phủ liên minh quốc gia, những đảng này thường ủng hộ một trong 2 đảng quốc gia, Quốc đại hoặc BJP, để đổi lấy những hứa hẹn rằng các thành viên của họ sẽ có quyền tiếp cận đặc biệt những công ăn việc làm như vậy. Khi các đảng này đang nắm quyền ở cấp bang, như Samajwadi và Janata Dal (Đoàn kết) hiện nay, họ có thể đem lại sự bảo trợ này một cách trực tiếp hơn. Những việc làm được đề xuất có thể không trả lương cao, nhưng chúng thường yêu cầu không nhiều nỗ lực về phần những người đảm nhận chúng.
Trong cuốn sách rất sâu sắc của mình về Ấn Độ hiện đại, Bất chấp Chúa, tác giả Edward Luce đưa ra một ví dụ về việc điều này có thể dẫn tới đâu. Ông lưu ý rằng cơ quan quản lý quốc lộ ở Uttar Pradesh thuê một nhân viên trên mỗi 1,5 dặm đường, một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới, tuy nhiên vẫn có một trong những hệ thống đường sá được bảo dưỡng tồi nhất ở Ấn Độ. Thậm chí quan trọng hơn, nhờ những hạn chế đối với việc cho tạm nghỉ việc và sa thải người lao động được ghi trong các luật lao động Ấn Độ, những công việc như vậy được đảm bảo suốt đời. Vì khả năng giành được chúng cho những người ủng hộ họ là điểm quyết định của họ, các đảng thuộc đẳng cấp thấp hơn này phản đối cải cách luật lao động ngay dù các thành viên của đẳng cấp họ chắc chắn sẽ là bên hưởng lợi chính. (Xem tiếp phần 3)
*Giáo sư tại Washington Quarterly, Đại học The George Washington, Hoa Kỳ
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục