Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phán quyết của Tòa Trọng tài: Cơ hội để Ấn Độ thúc đẩy chính sách đối ngoại

Phán quyết của Tòa Trọng tài: Cơ hội để Ấn Độ thúc đẩy chính sách đối ngoại

Chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong tiếp cận với khu vực Đông Nam Á sẽ tăng sau phán quyết của Tòa Trọng tài. Có thể không đóng vai trò là người bảo đảm an ninh cho khu vực như Mỹ, nhưng Ấn Độ đang và sẽ tiếp tục là động lực chính của thiện chí và hòa bình cho khu vực.

05:23 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phán quyết của Tòa Trọng tài: Cơ hội để Ấn Độ thúc đẩy chính sách đối ngoại

Asma Masood

Nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Chennai, Ấn Độ

Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài ra phán quyết liên quan đến vụ kiện của Philippines chống lại các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, theo đó Tòa Trọng tài tuyên bố: (1) Trung Quốc không có quyền lịch sử trong “đường 9 đoạn”; (2) các thực thể ở quần đảo Trường Sa chỉ là bãi đá, không phải là đảo, do đó Trung Quốc và các quốc gia khác chỉ có thể tuyên bố lãnh hải trong phạm vị tối đa 12 hải lý, không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ); (3) các hoạt động bồi đắp, xây dựng của Trung Quốc tại bãi đá Vành Khăn (Mischief Reef) vi phạm chủ quyền của Philippines. Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài. 

Ấn Độ đã kêu gọi tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế dựa trên Công ước liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và tìm kiếm giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ nêu rõ: “Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong UNCLOS. Các tuyến thương mại hàng hải đi qua Biển Đông rất quan trọng cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển”. 
Vậy sau những tuyên bố đó, lợi ích của Ấn Độ ở Biển Đông là gì? Liệu phán quyết của Tòa Trọng tài có mang đến cơ hội để Ấn Độ thúc đẩy chính sách đối ngoại với Trung Quốc và Đông Nam Á hay không? 

Biển Đông – “ngân hàng nước ngoài” cho Ấn Độ 

Ấn Độ có thể được gọi là một bên tham gia ngoài khu vực ở Biển Đông. Nhưng xét về lịch sử, không có vấn đề gì khi sự kết nối các đại dương vượt qua ranh giới của sự phân chia biên giới. Ấn Độ liên kết với Biển Đông về địa lý, chiến lược và kinh tế. Ấn Độ Dương và eo biển Malacca là những chiếc cầu nối với vùng biển tranh chấp. Khoảng 25% ngoại thương của Ấn Độ, trị giá khoảng 190 tỷ USD đi qua khu vực Biển Đông (đến và đi từ Việt Nam, Campuchia, Lào, Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, bao gồm Hongkong, Nhật Bản, Nga, và bờ biển phía Tây của Mỹ) và chắc chắn nó sẽ dễ bị tác động bởi sự thay đổi địa chính trị và gián đoạn ở Biển Đông. 

Biển Đông cũng là khu vực giàu tài nguyên, từ dầu khí đến khoáng sản và các nguồn lợi thủy sản. Ấn Độ quan tâm đến việc khai thác các nguồn tài nguyên năng lượng. Trên thực tế, Ấn Độ đã được trao tặng lô dầu khí trong vùng EEZ của Việt Nam. Cho dù Trung Quốc không quan tâm về hợp đồng này, nhưng Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC Videsh Limited) tiếp tục cung cấp năng lượng cho Việt Nam từ những lô dầu khí. Điều này đem lại cơ hội để Ấn Độ duy trì sự hiện diện kinh tế chiến lược của mình trong khu vực. 

Một khoản đầu tư khác của Ấn Độ ở Biển Đông sẽ giúp Ấn Độ tăng sức nặng của chính sách ngoại giao. Ấn Độ cần phải là bên tham gia kinh tế năng động trong khu vực để chứng tỏ thiện chí chính trị của New Delhi trong quan hệ với các nước ASEAN, nhất là các quốc gia liên quan đến tranh chấp Biển Đông, gồm Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng cần phải thúc đẩy sức mạnh mềm của mình ở khu vực, qua đó thể hiện sức mạnh cứng (quân sự) ở Biển Đông khi cần thiết. Mục đích cuối cùng của New Delhi là tìm cách cân bằng với sự hiện diện kinh tế và quân sự áp đảo của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Phán quyết của Tòa Trọng tài – nuôi trai lấy ngọc cho Ấn Độ 

Phán quyết của Tòa Trọng tài có thể đã mở chiếc hộp “Pandora” (mang những điều tồi tệ) cho Bắc Kinh, nhưng nó đã chỉ ra con đường "nuôi trai lấy ngọc" cho New Delhi. Trong khi ủng hộ Philippines, phán quyết cũng tạo ra một tiền lệ quan trọng để Việt Nam có thể tiếp cận Tòa Trọng tài trong giải quyết tranh chấp với Trung Quốc. Nếu Tòa ủng hộ Việt Nam, Trung Quốc không thể tiếp tục phản đối Hà Nội và New Delhi tham gia khai thác dầu khí ở Biển Đông. Ấn Độ có thể thăm dò, khai thác năng lượng và mang chiến lợi phẩm về nhà. 

Trong khi tuyên bố sẽ không can thiệp vào tự do hàng hải quốc tế ở Biển Đông, Trung Quốc lại ngăn cản các tàu nước ngoài đi qua khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố EEZ. Đó là bản chất của tranh chấp. Đáng chú ý, tuyên bố gần đây của một đô đốc hải quân Trung Quốc cho rằng quyền tự do tiến hành các cuộc tuần tra của hải quân nước ngoài ở khu vực Biển Đông có thể sẽ là một “thảm họa” và mang lại những tác động trong tương lai không chỉ đối với Mỹ mà còn cả Ấn Độ. Tuy nhiên là một bên tham gia quốc tế có trách nhiệm, Trung Quốc sẽ phải thận trọng trước khi leo thang xung đột với sự theo dõi của thế giới. 

Những lợi ích của phán quyết của Tòa Trọng tài không chỉ nằm trong khu vực Biển Đông. Ấn Độ giờ đây có cơ hội vàng để cải thiện sự hiện diện chiến lược ở biên giới Ấn-Trung khi mà Bắc Kinh đang bận lo lắng với các yêu sách tại khu vực “sân sau” - Biển Đông. Là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Ấn Độ (19/7/2016) đã triển khai các xe tăng chiến đấu T-72 cho các quân đoàn dọc biên giới Ấn-Trung ở Ladakh. Với động thái này, một lữ đoàn đầy đủ sẽ được hình thành và sẵn sàng cho các hành động mạnh khi cần thiết. Trước đó (hôm 15/7/2016), Ấn Độ cũng đã cử 3 tàu chiến tới Malaysia để tham gia các cuộc diễn tập tìm kiếm cứu hộ và tăng cường khả năng phối hợp giữa hải quân hai nước. 

Các nhà lập pháp quyết định New Delhi sẽ làm tốt các kế hoạch trước và tiếp tục triển khai các tàu chiến hải quân đến khu vực Đông Nam Á theo thỏa thuận với các nước trong khu vực. Mục đích không phải là để có hành động quân sự, mà là một động thái để an ủi các nước ASEAN khi đang phải đối phó với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi quyết định leo thang xung đột ở Biển Đông vì sự hiện diện chiến lược của Ấn Độ có thể gia tăng nếu bị khiêu khích. Thêm vào đó, sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Mỹ ở khu vực cũng sẽ không có lợi cho Bắc Kinh. Ấn Độ cũng có thể là một hình mẫu cho Trung Quốc khi New Delhi chấp nhận nguyên tắc UNCLOS trong giải quyết tranh chấp trên biển với Bangladesh - khi mà phán quyết có lợi cho Dhaka. 

Ngoài ra, phán quyết của Tòa Trọng tài có thể làm suy yếu lập trường của Trung Quốc chống lại tư cách thành viên Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG) của Ấn Độ tại kỳ họp tiếp theo. Thêm vào đó, vị thế của Ấn Độ có thể được tăng cường khi Trung Quốc cố gắng tham gia Cơ chế kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR). 

Do đó, có thể thấy rằng Ấn Độ vui mừng về phán quyết của Tòa Trọng tài trong khi Trung Quốc phải cố "nuốt viên thuốc đắng". Mỹ đang sử dụng phán quyết như là “nhiên liệu” để gia tăng sự hiện diện hải quân ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Ấn Độ đang tìm kiếm các “đồng tiền ngoại giao và kinh tế” có thể đạt được từ “ngân hàng ở nước ngoài” - đó là Biển Đông. Ấn Độ phải chứng minh mình là một cường quốc đang nổi có trách nhiệm trong thế kỷ châu Á, bằng cách không tham gia quân sự hóa trong tranh chấp Biển Đông. 

Sự hiện diện kinh tế và chính trị của New Delhi là đủ để làm dịu nỗi sợ hãi và giảm leo thang căng thẳng. Đông Nam Á sẽ nhớ tới mối liên kết lịch sử tự nhiên với Ấn Độ. Chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong tiếp cận với khu vực Đông Nam Á sẽ tăng sau phán quyết của Tòa Trọng tài, thông qua việc thúc đẩy triển khai chính sách “Hành động phía Đông”. Có thể không đóng vai trò là người bảo đảm an ninh cho khu vực như Mỹ, nhưng Ấn Độ đang và sẽ tiếp tục là động lực chính của thiện chí và hòa bình cho khu vực.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Chennai, Ấn Độ.
(http://nghiencuubiendong.vn/)

 

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục