Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phân tích sự gia tăng liên kết trong quan hệ Ấn Độ - Việt Nam (Phần 1)

Phân tích sự gia tăng liên kết trong quan hệ Ấn Độ - Việt Nam (Phần 1)

Mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng ở châu Á, bên cạnh quan hệ hợp tác Ấn Độ - Nhật Bản. Trong những năm qua, đặc biệt kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước ngày 7/1/1972, mối quan hệ song phương này đã cho thấy sự vững chắc trên các phương diện từ chiến lược chính trị, quốc phòng cho đến kinh tế và văn hóa, giáo dục, đào tạo, phát triển doanh nghiệp, v.v…

05:09 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

           Phân tích sự gia tăng liên kết trong quan hệ Ấn Độ - Việt Nam

DR. RAJARAM PANDA*

Hai bên thường xuyên trao đổi các chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao giữa hai nước trên cơ sở thường xuyên củng cố quan hệ và tìm kiếm các biện pháp để khám phá ra các tiềm năng mới, từ đó tối đa hóa lợi ích đôi bên. Thực tế là, không một quốc gia nào trong khu vực ASEAN lại nhận được sự quan tâm và chú trọng của Ấn Độ như Việt Nam. Chính điều đó đã làm cho mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam có gì đó rất đặc biệt.

Trong năm 2017 tới đây sẽ đánh dấu kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - Việt Nam, đã được nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, đến Việt Nam tháng 9/2016. Đây là hai là cột mốc quan trọng trong quan hệ hai nước. Kể từ thời Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, Jawaharlal Nehru, và Tổng thống Rajendra Prasad, hầu như tất cả các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu của Ấn Độ - Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Người phát ngôn và nhiều Bộ trưởng cấp cao, .v.v. - đã tới thăm Việt Nam trong những năm qua, nhấn mạnh tầm quan trọng mà Ấn Độ dành cho Việt Nam.

Những chuyến thăm này cũng đã được phía Việt Nam vui vẻ đáp lại. Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh, đã nhận được sự tôn kính của người dân Ấn Độ. Tiếp nối cho những cuộc đối thoại đang diễn ra này, tuần đầu tiên của tháng 12/2016 đã chứng kiến hai chuyến thăm của các đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang Ấn Độ như là một bước đầu tiên cho lễ kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2017. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, đã tới thăm Ấn Độ từ ngày 3-5/12/2016, và hội đàm với người đồng nhiệm của ông là Bộ trưởng Manohar Parrikar, bên cạnh đó còn gặp gỡ với Thủ tướng Modi và Cố vấn an ninh Quốc gia Ấn Độ, Ajit Doval.

Mục đích chuyến thăm Ấn Độ của Đại tướng Ngô Xuân Lịch là để tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng song phương với Ấn Độ. Khẳng tầm quan trọng của chuyến thăm này, một phái đoàn thăm nước ngoài lớn chưa từng có cho đến nay, gồm 30 thành viên, đã đi kèm với Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch trong chuyến thăm Ấn Độ lần này, trong đó bao gồm các Tổng tham mưu trưởng, Phó Tổng tham mưu trưởng của Không quân và Hải quân Việt Nam.

Về khả năng Ấn Độ bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam vẫn đang được đặt trên bàn đàm phán và cần được thảo luận thêm một thời gian nữa. Nhưng Việt Nam đã chứng tỏ sự quan tâm để có được hệ thống vũ khí này từ Ấn Độ và Ấn Độ cũng đã cam kết tăng cường khả năng quốc phòng của Việt Nam khi môi trường an ninh trong khu vực đang xấu đi nhanh chóng.

Việt Nam hiện vẫn đang liên quan tới một cuộc tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông, và phía Ấn Độ cũng đang tham gia vào các hoạt động khai thác dầu trong vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền và do đó cần phải bảo vệ phần lợi ích kinh tế của mình nếu bị đe dọa từ một quyền lực bên ngoài. Về nguyên tắc, Ấn Độ đã đồng ý bán tên lửa cho Việt Nam và vẫn đang tiếp tục thương lượng đàm phán. Việt Nam rất muốn sở hữu những tên lửa siêu thanh có thể được bắn từ đất, nước và dưới nước. Ấn Độ hợp tác với Nga để sản xuất hệ thống vũ khí này và Nga sẽ không phản đối nếu Ấn Độ tham gia vào một thỏa thuận thương mại với Việt Nam về vấn đề này.

Các vấn đề thảo luận khác bao gồm dự án đào tạo phi công Việt Nam lái Su 30 đã bị trì hoãn trước đây. Yêu cầu đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu Sukhoi do Nga sản xuất của Hà Nội đã bị treo lại do hạn chế về tài chính và các vấn đề hậu cần. Gần đây, Việt Nam đã mua 36 máy bay chiến đấu Su-30MK2 từ Nga. Do Ấn Độ nắm rất vững chuyên môn về loại máy bay chiến đấu này, chỉ sau Nga, và hiện đang điều hành một hạm đội Su-MKIs lớn - một biến thể của Ấn Độ, nên phía Việt Nam đã yêu cầu Ấn Độ đào tạo phi công cho mình. Theo như dự kiến, các cuộc đàm phán của Đại tướng Ngô Xuân Lịch với Bộ trưởng Parrikar đã bàn về vấn đề này. Cuối cùng, hai bên đã đạt được thỏa thuận huấn luyện phi công máy bay Sukhoi-30 của Việt Nam vào ngày 05/12/2016.

Mặc dù cả Ấn Độ và Việt Nam đều điều khiển các máy bay phản lực Nga Su-30, nhưng mẫu máy bay của hai nước khác nhau về cấu hình. Ấn Độ điều khiển trên 200 máy bay chiến đấu Su-30 MK1 và có chuyên môn sâu về loại máy bay này. Hải quân hai nước sẽ sớm làm việc chi tiết về việc đào tạo và có khả năng sẽ được bắt đầu từ năm 2017. Một bản ghi nhớ về việc gìn giữ hòa bình và trao đổi các đoàn đại biểu đã được ký kết. Bộ trưởng Parrikar đưa ra đề xuất “sự hợp tác của Ấn Độ trong vai trò là một đối tác đáng tin cậy về chuyển giao công nghệ và xây dựng một ngành công nghiệp quốc phòng bản địa”. Hai Bộ trưởng quốc phòng cũng đã thảo luận về tình hình khu vực và ghi nhận lợi ích chung của đôi bên.

Bên cạnh việc đào tạo phi công, chương trình hợp tác giữa lực lượng không quân hai nước còn bao gồm trao đổi chuyên gia, sửa chữa và bảo trì. Tiếp theo thỏa thuận về đào tạo phi công, phi công Việt Nam sẽ bắt đầu tới Ấn Độ từ đầu năm 2017 để được huấn luyện cơ bản và nâng cao lái máy bay Sukhois của Không quân Ấn Độ.

Ấn Độ đã công bố hai dòng tín dụng - 100 triệu USD và 500 triệu USD – dành cho thanh toán quốc phòng. Ấn Độ cũng đã cung cấp 50 suất học bổng cho nhân viên quốc phòng Việt Nm theo Chương trình Hợp tác kỹ thuật và kinh tế Ấn Độ. Dưới sự hợp tác chiến lược, Ấn Độ đã đào tạo 550 thủy thủ tàu ngầm Việt để vận hành 9 chiếc tàu ngầm diesel điện tấn công  Kilo do Nga xây dựng trong suốt ba năm qua. Việt Nam bắt đầu đưa vào vận hành các tàu ngầm lớp Kilo kể từ năm 2014 còn Ấn Độ đã sử dụng một số tàu ngầm Kilo. Trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã tìm cách nhân rộng sự thành công của hợp tác hải quân hai nước cũng như là hợp tác giữa quân đội và không quân hai nước. Trong vai trò là một đối tác chiến lược, Ấn Độ rất cởi mở với các ý kiến của phía Việt Nam.

Tiếp theo sau thỏa thuận này, Thư ký Quốc phòng của hai nước sẽ họp vào đầu năm 2017 để xác định các dự án và thiết bị quân sự trong khuôn khổ dòng tín dụng quốc phòng 500 triệu USD do Thủ tướng Modi công bố trong chuyến thăm Việt Nam tháng 9/2016 vừa qua. (Xem tiếp phần 2)

Chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề an ninh và chiến lược khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hiện là Chủ tịch ICCR về nghiên cứu Ấn Độ, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Reitaku, Nhật Bản.

Người dịch: ThS Phùng Thị Thanh Hà

Hiệu đính: TS Nguyễn Thị Phương Thảo

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục