Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phân tích sự gia tăng liên kết trong quan hệ Ấn Độ - Việt Nam (Phần 2)

Phân tích sự gia tăng liên kết trong quan hệ Ấn Độ - Việt Nam (Phần 2)

Mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng ở châu Á, bên cạnh quan hệ hợp tác Ấn Độ - Nhật Bản. Trong những năm qua, đặc biệt kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước ngày 7/1/1972, mối quan hệ song phương này đã cho thấy sự vững chắc trên các phương diện từ chiến lược chính trị, quốc phòng cho đến kinh tế và văn hóa, giáo dục, đào tạo, phát triển doanh nghiệp, v.v…

05:06 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Phân tích sự gia tăng liên kết trong quan hệ Ấn Độ - Việt Nam

DR. RAJARAM PANDA*

Ngay khi Ấn Độ đang chuẩn bị thảm đỏ chào đón tướng Ngô Xuân Lịch ngày 3/12/2016 nhằm tiếp tục tăng cường hợp tác quân sự song phương tiếp nối việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược lên mức độ toàn diện, đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Tôn Sinh Thành, được sự cho phép của Hải quân Ấn Độ, đã đến thăm tàu sân bay nội địa (Indigenous Aircraft Carrier (IAC)) đang được đóng bởi Công ty Đóng tàu Cochin, với mức độ tin cậy cao mà hai nước chia sẻ về các vấn đề quốc phòng. Có khả năng Việt Nam sẽ lựa chọn cho Ấn Độ đóng tàu sân bay trong tương lai.

Một chuyến thăm quan trọng khác từ phía Việt Nam là chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từ ngày 8-11/12/2016. Bà và người đồng cấp Ấn Độ, bà Smt. Sumitra Mahajan, sẽ ký một biên bản ghi nhớ, trong đó mở rộng giao lưu các đoàn đại biểu Quốc hội hai nước và chương trình đào tạo nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hiện có giữa hai nước. Có thể nhắc lại rằng, bà Smt. Mahajan đã từng dẫn đầu một phái đoàn gồm 8 thành viên đại biểu Quốc hội Ấn Độ tới Hà Nội để tham gia Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132. Trong hội nghị này, hai nghị sĩ từ Ấn Độ lần lượt được nhất trí bầu vào Ủy ban Thường vụ thứ nhất của IPU về các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế và Ủy ban Thường vụ thứ hai của IPU về vấn đề phát triển bền vững, tài chính, thương mại. Nhiệm kỳ bốn năm của hai nghị sĩ Ấn Độ thuộc các Uỷ ban này sẽ kết thúc vào năm 2018. Các chuyến thăm song phương này không chỉ  đóng góp cho sự hiểu biết lẫn nhau mà còn giúp xác định những đường nét mới trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Với quan điểm khôi phục năng lực hợp tác kinh tế với các nước ASEAN và một châu Á rộng lớn hơn, Chính phủ Modi đã mở rộng chính sách "Hướng Đông" trước đây và đưa ra một chính sách mới với tên gọi Hành động Phía Đông. Trong chiến lược này của Ấn Độ, Việt Nam có một vị trí đặc biệt. Ấn Độ là một trong mười đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Sau khi nâng cấp mối quan hệ lên cấp đối tác chiến lược lên mức toàn diện, thành phần kinh tế của mối quan hệ hiện nay cũng được coi là một lực đẩy chiến lược. Đặc biệt, các lĩnh vực tạo lực đẩy chính dự kiến sẽ được mở rộng là hàng may mặc và dệt may, dược phẩm, hàng nông sản, giầy da và kỹ thuật.

Về thương mại, hai nước đang làm việc để tăng khối lượng thương mại song phương từ khoảng 7-8 tỷ USD lên tới mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020. Đầu tư của Ấn Độ tại Việt Nam cũng đang gia tăng, các công ty Ấn Độ đã ký 23 dự án mới với tổng số vốn lên đến 139 triệu USD trong các lĩnh vực như chế biến thực phẩm, phân bón, linh kiện ô tô, phụ kiện dệt may. Hợp tác trong lĩnh vực CNTT cũng rất hứa hẹn.

Trong khi tăng trưởng trong lĩnh vực kinh tế đang tiến triển gia tăng, hợp tác quốc phòng cũng là một trụ cột quan trọng nhất trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Ở khía cạnh này, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng, Ngô Xuân Lịch, có ý nghĩa rất quan trọng. Các tàu Ấn Độ thường xuyên thực hiện các cuộc viếng thăm hữu nghị tới các cảng của Việt Nam. Lần đầu tiên, một tàu Việt tham gia vào cuộc Đánh giá Hải quân quốc tế (International Fleet Review – IFR) tại Vishakhapatnam, Ấn Độ, vào tháng 2/2016. Mục tiêu của việc hợp tác giữa hải quân hai nước là để duy trì trật tự trên biển và an toàn thương mại hàng hải khỏi các mối đe dọa như cướp biển, khủng bố .v.v. Nhờ hợp tác với Việt Nam trên biển, Ấn Độ cũng muốn truyền đạt thông điệp đến các nước bạn bè khác của nó mà nó cam kết tiêu chuẩn toàn cầu và thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông.

Thật vậy, Ấn Độ Dương hiện nay quan trọng hơn bao giờ hết và các vấn đề an ninh hàng hải trở nên quan trọng đối với nhiều nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với nhiều nước châu Á, hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương là rất quan trọng để phát triển kinh tế. Đặc biệt, hành vi của Trung Quốc ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương có tác động trực tiếp đến địa chính trị trong khu vực. Kết quả là, nhiều nước trong khu vực này phải điều chỉnh chính sách chiến lược nước ngoài của mình để đối phó với các tình huống mới. Theo quan điểm này, hợp tác quốc phòng Ấn Độ - Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược và do đó biện minh cho tính toàn diện của nó.

Theo quan điểm của Hành động Phía Đông, phần quan trọng nhất là làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác kinh tế với ASEAN. Tuy nhiên, ngoài lợi ích kinh tế trực tiếp hữu hạn của mình, Ấn Độ không thể bỏ qua thực tế rằng, Biển Đông là tuyến giao thông thủy quan trọng đối với thương mại của nước mình với không chỉ các nước ASEAN mà còn với Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.

Về nguyên tắc, Ấn Độ đề cao tầm quan trọng của việc bảo vệ tự do hàng hải trên biển, hàng không và tầm quan trọng của giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Trong một số tuyên bố chung Ấn Độ ký với các nước như Việt Nam, Nhật Bản và Mỹ, Ấn Độ đã nhắc lại quan điểm này, trích dẫn kinh nghiệm riêng của mình chấp nhận phán quyết của tòa án liên quan đến biên giới trên biển với Bangladesh và do đó hy vọng Trung Quốc cũng thể hiện thái độ tương tự đối với bản án ngày 12 tháng 7 năm 2016 về vấn đề Biển Đông.

Đối với Ấn Độ, điều quan trọng là Quy tắc Ứng xử liên quan đến Biển Đông cần phải được ký kết sớm nhất khi các quy tắc trật tự được đưa ra bởi hoạt động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Khi đó, thay vì khẳng định bản thân như một cường quốc đang lên, Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc có trách nhiệm như mong đợi, là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an và là một bên ký kết UNCLOS.

Ấn Độ là một cường quốc khu vực với mục đích ôn hòa và cần phải xem xét đến  độ nhạy cảm và các yêu cầu của các quốc gia bạn bè khác ở châu Á, nếu nó muốn đóng vai trò của một cường quốc cân bằng và bên cung cấp an ninh. Với vai trò như vậy sẽ giúp Ấn Độ tăng cường địa vị khu vực của mình và duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á.

Thật vậy, không phải chỉ riêng Việt Nam mà tất cả các quốc gia thành viên khác của ASEAN cũng tìm kiếm một vai trò lớn hơn của Ấn Độ đối với hòa bình và ổn định trong khu vực. Đôi khi, Trung Quốc đã cố tình truyền tải sai vị trí của Ấn Độ trên Biển Đông như muốn gợi ý Ấn Độ ủng hộ lập trường của Trung Quốc trên Biển Đông. Để không mất nhiều thời gian, Ấn Độ không cần phải cảm thấy ngần ngại khi thể hiện vị trí của mình một cách mạnh mẽ và đấu tranh luận để đưa UNCLOS trở thành nền tảng trật tự pháp lý trên biển. Trung Quốc tranh cãi dựa vào việc tham khảo Tuyên bố năm 2002 về ứng xử của các bên ở Biển Đông, trong đó nói rằng "tất cả các tranh chấp liên quan cần được giải quyết thông qua thương lượng và thỏa thuận giữa các bên liên quan", và do đó cho rằng động thái tiếp cận tòa án trọng tài của Philippines là không hợp lệ.

Ấn Độ bị đánh thức trước mức độ nghiêm trọng của tình hình mới nổi do thái độ của Trung Quốc, và Ấn Độ đã tìm cách phá vỡ xiềng xích để có một vị trí vững chắc bằng cách tìm điểm chung với Việt Nam, nơi nguồn lợi kinh tế của Ấn Độ đang bị đe dọa bởi có liên quan đến vấn đề khai thác dầu trong vùng biển ngoài khơi Việt Nam. Trong bối cảnh này và vì mối liên hệ lịch sử có cội nguồn từ Phật giáo, Ấn Độ và Việt Nam đã tìm thấy sự tương đồng về lợi ích, đó là lý do tại sao mối quan hệ song phương đã được mở rộng trên tất cả các lĩnh vực - kinh tế, an ninh/quốc phòng và cả văn hóa. Ngoài việc thương lượng bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam, Ấn Độ còn đang giúp nước này tăng cường khả năng của mình bằng cách nâng cao năng lực, đào tạo và bảo trì các thiết bị và các cuộc thăm viếng cảng biển, các cuộc tập trận giữa hải quân hai nước. Cũng chính dựa trên quan điểm nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Việt Nam, Ấn Độ đã quyết định cung cấp cho Việt Nam một khoản vay 100 triệu USD để mua thiết bị quốc phòng do Ấn Độ sản xuất.

Do đó, bên cạnh việc phù hợp với tiêu chí của Hành động Phía Đông của Ấn Độ, mối quan hệ sâu sắc với Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực. Thật vậy, Việt Nam có thể là một đối tác quan trọng của chuỗi sản xuất toàn cầu trong ASEAN và điều này bổ sung cho chiến lược của Hành động Phía Đông của Ấn Độ.

Hơn nữa, thông qua Việt Nam, Ấn Độ có thể tìm cách định hướng lợi ích quốc gia cốt lõi của mình và nhấn mạnh tầm nhìn chiến lược của mình trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Tóm lại, Hành động Phía Đông đã nhấn mạnh Ấn Độ như một đối tác liên quan và có trách nhiệm trong khu vực, và Việt Nam là móc xích quan trọng nhất đối với chiến lược này. Với quan điểm, hai chuyến thăm gần đây của các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam sang Ấn Độ là rất có ý nghĩa, nó giúp xác định các đường hướng mới trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện song phương với các khám phá tiềm năng trên các lĩnh vực, trong đó nổi bật là hợp tác chiến lược, quốc phòng và thương mại. Cần phải lưu ý rằng, không phải chỉ riêng Ấn Độ ủng hộ các nguyên tắc của luật pháp ở Biển Đông để ổn định khu vực, mà Nhật Bản cũng cam kết tăng cường khả năng an ninh hàng hải của các nước thành viên ASEAN. Vì vậy, Ấn Độ, Việt Nam và Nhật Bản có thể tìm cách tìm sự đồng thuận ba bên trong hợp tác chiến lược, quốc phòng và thương mại vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và rộng hơn nữa.

Chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề an ninh và chiến lược khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hiện là Chủ tịch ICCR về nghiên cứu Ấn Độ, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Reitaku, Nhật Bản.

** Các quan điểm được thể hiện là của riêng tác giả, không đại diện cho ICCR hay Chính phủ Ấn Độ.

Người dịch: ThS Phùng Thị Thanh Hà

Hiệu đính: TS Nguyễn Thị Phương Thảo

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục