Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phân tích sự tăng cường hợp tác giữa Ấn Độ với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương và ảnh hưởng của nó (Phần 4)

Phân tích sự tăng cường hợp tác giữa Ấn Độ với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương và ảnh hưởng của nó (Phần 4)

Những năm gần đây, Ấn Độ tăng cường hợp tác chiến lược với các quốc gia như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, phương thức chủ yếu bao gồm tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác kinh tế và giao lưu quân sự. Nguyên nhân của sự tăng cường hợp tác chiến lược giữa Ấn Độ và các nước châu Á - Thái Bình Dương rất phức tạp, tức có suy nghĩ về mặt chiến lược kinh tế, nhưng đồng thời cũng có sự sắp xếp chiến lược về mặt địa chính trị. Nhìn từ phương diện ngắn hạn, mối hợp tác chiến lược Ấn Độ và các nước châu Á - Thái Bình Dương có thể mang ý nghĩa thay đổi sâu sắc cục diện chiến lược khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

05:45 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 3)

Phân tích sự tăng cường hợp tác giữa Ấn Độ với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương và ảnh hưởng của nó

Yang Siling*

IV. Xu thế phát triển nhiều tam giác chiến lược

Ngoại trừ việc tạo nên ảnh hưởng nhất định với môi trường an ninh của Trung Quốc và quan hệ Ấn - Trung, việc Ấn Độ tăng cường hợp tác chiến lược với các nước châu Á - Thái Bình Dương có thể gây ảnh hưởng sâu sắc đối với cục diện khu vực này. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tương lai sẽ hình thành nên cục diện mới với nhiều tam giác chiến lược có sự tham gia của Trung Quốc và Ấn Độ. Đối với việc giới định quan hệ tam giác chiến lược, giới học thuật vẫn còn tranh luận. Thông thường cho rằng, sự hình thành nên quan hệ tam giác phải có hai điều kiện tất yếu: Một là, ba nước cấu thành nên tam giác chiến lược phải là trung tâm sức mạnh; hai là, trong ba cặp quan hệ song phương đó, mỗi cặp quan hệ song phương đều tạo sự ảnh hưởng lúc ẩn lúc hiện đối với bên thứ ba, cả ba bên đều tồn tại mối quan hệ kiềm chế và cân bằng lẫn nhau[1]. Từ đó đã xác lập nên khung phân tích về khả năng hình thành nhiều tam giác chiến lược có sự tham gia của Ấn Độ và Trung Quốc: Một là, bất kỳ bên nào trong tam giác chiến lược phải là trung tâm sức mạnh của một khu vực độc lập nào đó; hai là, một bên trong tam giác chiến lược bất kể hy vọng phát triển quan hệ với Ấn Độ ra sao để ứng phó với Trung Quốc, nhưng mâu thuẫn giữa đôi bên sẽ quyết định việc khó thực hiện ý đồ này; ba là, các nước châu Á - Thái Bình Dương bất kể có sự thù địch như thế nào với Trung Quốc, nhưng trên một vài phương diện đều không thể tách rời khỏi Trung Quốc (ví dụ như lĩnh vực an ninh và hợp tác kinh tế); bốn là, tam giác chiến lược có tính chung, ba bên phải xây dựng nên cơ chế điều phối chiến lược mang tính ổn định nào đó.

Dựa trên khung này, việc Ấn Độ cùng với các nước lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương rất có thể hình thành nên nhiều tam giác chiến lược, chí ít bao gồm các tam giác chiến lược như: Trung Mỹ Ấn, Trung Nhật Ấn, Trung Nga Ấn, Trung ASEAN Ấn… Từ đó có thể dự đoán được, việc Ấn Độ tăng cường hợp tác với các nước lớn trong khu vực này có thể tạo nên nhiều tam giác chiến lược không phải là một khả năng, mà sẽ là một xu thế.

Đầu tiên, việc Ấn Độ tăng cường hợp tác với các nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tạo nên cục diện nhiều tam giác chiến lược là điều khả thi.

Một là, tam giác chiến lược Trung Nga Ấn. Nhìn từ khung phân tích ở trên, tam giác chiến lược này đã cơ bản hình thành. Ba nước không chỉ là trung tâm sức mạnh mỗi khu vực, mà còn cùng tồn tại một số mâu thuẫn, ví dụ như chia rẽ giữa Trung và Ấn, ở một mức độ nhất định, Nga cũng có tâm lý đề phòng Trung Quốc. Nhưng điều quan trọng hơn là, sở dĩ chúng ta nói rằng, tam giác này cơ bản đã hình thành là vì đối mặt với tính chung, ba nước đã xây dựng được cơ chế mắt xích kết nối về một hình thức nào đó, ví dụ cơ chế hội nghị ngoại trưởng ba nước.

Hai là, tam giác chiến lược Trung Mỹ Ấn. Những năm gần đây, quan hệ chiến lược Ấn - Mỹ được tăng cường mạnh mẽ. Ấn Độ không chỉ hy vọng Mỹ giúp nước này trở thành cường quốc thế giới, mà còn hy vọng Mỹ thu hẹp không gian chiến lược của Pakistan, hạn chế phát huy ảnh hưởng ở khu vực Nam Á, đồng thời hy vọng liên hợp với Mỹ đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc; nhưng Mỹ lại hy vọng Ấn Độ phục vụ cho chiến lược bá chủ quân sự toàn cầu của nước này, hy vọng Ấn Độ phối hợp với Mỹ và Pakistan chống khủng bố, và cũng hy vọng nước này trở thành một trụ cột chiến lược lớn khắc chế Trung Quốc. Ngoài ra, còn hy vọng Ấn Độ mở rộng cửa với Mỹ. Nhưng nhìn từ mặt khách quan, mâu thuẫn giữa Mỹ và Ấn vẫn rất lớn, Ấn Độ không thể cùng tiến bước với Mỹ. Đối với Ấn Độ mà nói, quan hệ Mỹ - Pakistan vẫn khiến nước này không tin Mỹ, đồng thời vẫn hoài nghi về quan hệ chiến lược Mỹ - Ấn, trong đó bao hàm rất nhiều nhân tố, ví dụ Mỹ có lúc hòa hoãn trong quan hệ với Trung Quốc, nên đã gây ra sự lo lắng của Ấn Độ. Điều quan trọng nhất là, Ấn Độ với mục tiêu nỗ lực giành lấy vị trí cường quốc thế giới sợ mất đi tính độc lập của chính sách ngoại giao khi dựa vào Mỹ. Về phía Mỹ mà nói, Mỹ cùng đầy bất mãn đối với Ấn Độ. Ví dụ nước này dùng Hiệp định năng lượng hạt nhân dân dụng để lôi kéo Ấn Độ với mục đích chiếm lấy thị trường này, nhưng trong lĩnh vực này Ấn Độ chưa ngả về phía các công ty Mỹ. Ngoài ra, về chiến lược địa chính trị, Mỹ phát hiện Ấn Độ không hề ngả theo nước này, ví dụ Ấn Độ luôn hy vọng phát triển hợp tác năng lượng với Iran. Biểu hiện rõ ràng hơn khiến Mỹ lo lắng là, ngày 17/11/2011, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta công khai bày tỏ rằng, Ấn Độ và Trung Quốc là mối uy hiếp đối với Mỹ. Điều này chứng tỏ, Mỹ không hề dùng tiêu chuẩn ý thức hệ để nhận diện kẻ thù, mà là dựa vào việc có uy hiếp đến lợi ích của Mỹ. Một nguyên nhân quan trọng khác hình thành nên tam giác chiến lược này chính là hai nước Ấn Mỹ không thể bỏ quan Trung Quốc trong một số vấn đề, ví dụ như lĩnh vực hợp tác kinh tế. Hiện tại, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Trung Quốc. Điều thú vị là, bộ Thương mại Mỹ dự đoán lượng xuất khẩu trong 5 năm tới của nước này thì Trung Quốc chiếm đến 15.6%, còn Canada, Nhật, Mexico và Hàn Quốc chỉ lần lượt chiếm 2.4%, 0.4%, 3.7%  và 2.8%. Ấn Độ cũng có kế hoạch mở rộng thương mại với Trung Quốc, ví dụ nâng mục tiêu thương mại lên con số 100 tỉ USD vào năm 2015.

Ba là, tam giác chiến lược Trung Nhật Ấn. Động lực mà Ấn Độ tích cực phát triển hợp tác chiến lược với Nhật Bản chủ yếu đến từ hai phương diện: Một là, Ấn Độ cần nguồn vốn và kỹ thuật từ Nhật Bản; hai là, Ấn Độ cho rằng, Nhật Bản là chỗ dựa quan trọng để nước này mở rộng tầm ảnh hưởng ra khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tức vừa có thể nâng cao địa vị và tầm ảnh hưởng, đồng thời có thể ức chế được sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Nhật Bản tích cực cải thiện quan hệ với Ấn Độ chủ yếu xuất phát từ suy nghĩ chiến lược: Một là, sự phát triển kinh tế của Nhật Bản cần đến thị trường khổng lồ tiềm tàng Ấn Độ. Hai là, nhu cầu để Nhật Bản thực hiện lý tưởng cường quốc chính trị. Ba là, Nhật Bản cần đến Ấn Độ về an ninh của tuyến đường kinh tế. Nguồn lực bên trong Nhật Bản rất nghèo nàn, đặc biệt là 90% nguồn tài nguyên năng lượng phải dựa vào nhập khẩu, tuyệt đại bộ phận lượng nhập khẩu đến từ khu vực Trung Đông, con đường trên biển ngang qua Ấn Độ Dương được xem là “tuyến đường huyết mạch về kinh tế Nhật Bản”. Vì thế, thực hiện tốt quan hệ với Ấn Độ mang ý nghĩa và tác dụng quan trọng trong việc đảm bảo an ninh đường biển cho Nhật Bản. Bốn là, Nhật Bản mượn Ấn Độ để khắc chế Trung Quốc. Tương tự với tam giác chiến lược Trung Mỹ Ấn, tuy quan hệ Ấn Nhật phát triển rất nhanh, hơn nữa nhân tố Trung Quốc có tác dụng cực lớn, nhưng hai nước Ấn Nhật vẫ phải hợp tác với Trung Quốc trong nhiều vấn đề, ví dụ như an ninh quân sự, an ninh kinh tế và biến đổi khí hậu… Hơn nữa, quan hệ kinh tế Ấn Nhật không thể nào so sánh với quan hệ kinh tế Trung Nhật và Trung Ấn, tính đến năm 2003, Nhật Bản liên tục 9 năm là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, kim ngạc thương mại Trung Nhật năm 2011 đạt con số 345.29 tỉ USD, kim ngạch thương mại Trung Ấn đạt mức 73.9 tỉ USD, trong khí đó kim ngạch thương mại Ấn Nhật chỉ ở con số 13.8 tỉ USD.

Bốn là, tam giác chiến lược Trung Quốc - ASEAN - Ấn Độ. Những năm gần đây, ASEAN đã trở thành một trong những sức mạnh có sức ảnh hưởng nhất khu vực châu Á. ASEAN luôn tuân thủ chính sách cân bằng các cường quốc, không chép một cường quốc đơn lẻ nào phát huy ảnh hưởng trong khu vực này. Vì thế, ASEAN trong thực tế luôn có tâm lý phòng bị đối với Trung Quốc lẫn Ấn Độ, đồng thời phát triển mối quan hệ hợp tác với cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc làm sự lựa chọn tốt nhất của khối.

Tiếp theo là, Ấn Độ tăng cường hợp tác khu vực và các nước lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương tạo nên cục diện nhiều tam giác chiến lược sẽ là một xu thế.

Một là, sự phát triển của một số sức mạnh trong khu vực có thể bền vững hay không còn cần phải quan sát. Đối với Ấn Độ mà nói, có rất nhiều lời kêu gọi ủng hộ sự trỗi dậy của nước này, nhưng nhiều khi lại xem nhẹ những thành tựu mà Ấn Độ đạt được, mà đa phần chịu sự ảnh hưởng của sự biến đổi của cục diện thế giới, ví dụ như chịu sự ảnh hưởng của sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc. Ấn Độ còn tồn tại nhiều vấn đề, chịu ảnh hưởng của các nhân tố bất ổn như nền dân chủ không hiệu quả, tình hình an ninh xã hội…, liệu nước này có trở thành nhân tố phải suy nghĩ đến trong tam giác chiến lược hay không vẫn chưa rõ ràng, ví dụ như trong giai đoạn hiện tại, ảnh hưởng của Ấn Độ đến mối quan hệ Trung Mỹ, Trung Nhật, Trung Nga vẫn còn hạn chế. Nhưng trong tam giác chiến lược Trung Quốc - ASEAN - Ấn Độ, tiền đồ phát triển của ASEAN sẽ trở thành một nhân tố then chốt khác tạo nên tam giác chiến lược. Mặc dù ASEAN phát triển rất nhanh chóng, nhưng rốt cuộc tính bền vững của sự phát triển trong tương lai khối ASEAN vẫn còn những mâu thuẫn thách thức nội bộ, có thể trở thành một góc trong tam giác chiến lược ổn định hay không vẫn còn chờ sự kiểm nghiệm.

Hai là, đối mặt với tính chung, tức lợi ích chung và vấn đề chung, những quốc gia này và cả khu vực có thể xây dựng được cơ chế điều hòa chiến lược hay không vẫn còn chờ thời gian đánh giá. Đây chính là một trong những sự tham khảo quan trọng để đánh giá mối quan hệ ba bên có thể trở thành tam giác chiến lược hay không, bởi vì chỉ có cơ chế như thế, tam giác chiến lược mới có thể thực sự hình thành.

Ba là, giữa các tam giác chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có sự ảnh hưởng và khắc chế lẫn nhau. Ví dụ giữa tam giác Trung Nga Ấn và tam giác Trung Mỹ Ấn, nước Mỹ vẫn là siêu cường duy nhất, có năng lực ảnh hưởng đến các tam giác chiến lược khác.

Bốn là, trong nội bộ các tam giác chiến lược vẫn chưa thể có được sự phát triển cân bằng tuyệt đối, mà chỉ đạt được trạng thái cân bằng tương đối trong sự phát triển động.

Cuối cùng, Trung Quốc ở vị trí trung tâm trong tam giác chiến lược nêu trên, điều này chủ yếu là do sự trỗi dậy của nước này là một trong những sự thúc đẩy quan trọng đang hình thành nên các tam giác chiến lược tại khu vực này, tức cùng với sự phát triển của nước này, các nước khác trong khu vực vừa muốn đề phòng Trung Quốc, nhưng lại không thể không phát triển sự hợp tác với Trung Quốc trên nhiều phương diện.

*Chủ nghiệm Phòng nghiên cứu Chính sách và pháp luật, Viện Nghiên cứu Nam Á, Viện Khoa học xã hội Vân Nam, Trung Quốc

[1]Liu Shaohua, Gao Zuji, “Ảnh hưởng của sự trỗi dậy của Ấn Độ đối với địa chính trị Trung Quốc”, Tạp chí Nghiên cứu Nam Á, 2011 (2), tr.28.

Người dịch: ThS Đỗ Khương Mạnh Linh
Hiệu đính: PGS, TS Lê Văn Toan

Nguồn:

Cùng chuyên mục