Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phát triển mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Phát triển mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Trong lịch sử, Ấn Độ và Việt Nam luôn hỗ trợ nhau trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Ngày nay, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ càng thể hiện rõ tình bạn tin cậy, tình cảm sâu sắc mà lãnh đạo và nhân dân hai nước dành cho nhau.

01:11 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Mối quan hệ hợp tác Ấn Độ-Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, an ninh-quốc phòng, khoa học-công nghệ, kinh tế-thương mại. Mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước đang trong giai đoạn có những bối cảnh mới, như sự hình thành khái niệm khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, vấn đề Trung Quốc trên Biển Đông, vấn đề quản trị số toàn cầu, và vấn đề đại dịch Covid-19 đang diễn ra. Tháng 12/2020, hai quốc gia đã công bố tầm nhìn chung Việt Nam - Ấn Độ về hòa bình, thịnh vượng và nhân dân. Trong bối cảnh mới, tầm nhìn mới, hợp tác song phương Việt Nam - Ấn Độ cần toàn diện hơn, bao gồm hợp tác trên mọi phương diện, hợp tác sâu rộng về kinh tế, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, văn hóa, giáo dục - đào tạo. Mối quan hệ đối tác này sẽ đóng góp quan trọng vào việc tăng cường sự ổn định và phát triển ở khu vực, đem lại nhiều lợi ích cho cả Việt Nam và Ấn Độ.

Một trong những điểm khác biệt cơ bản của khái niệm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương so với khái niệm châu Á - Thái Bình Dương chính là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có sự hiện diện của Ấn Độ.[1] Ấn Độ với vị thế là quốc gia lớn nhất ở khu vực vành đai Ấn Độ Dương, đã đại diện cho sự tham gia của khu vực này vào chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ. Nằm ôm trọn trên tiểu lục địa Ấn Độ và vươn sâu vào Ấn Độ Dương, sở hữu hai quần đảo An-đa-man và Ni-cô-ba nằm trên tuyến đường biển kết nối Nam Á với Đông Nam Á, Ấn Độ có vị thế ưu việt mà hiếm quốc gia nào trong khu vực có được, khiến nước này trở thành “mảnh ghép” không thể thiếu trên bản đồ địa lý Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Về sức mạnh tổng hợp, Ấn Độ được dự đoán sẽ vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2024 và vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030. Ấn Độ được đánh giá là cường quốc về quân sự, là một trong những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và có lực lượng quân đội mạnh hàng đầu thế giới. Đây là ưu thế và cũng chính là vị thế mà Ấn Độ hiện sở hữu trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vị trí địa lý đặc biệt cùng với sức mạnh vượt trội khiến Ấn Độ trở thành một nhân tố cốt lõi trong sự định hình cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Từ đó, Ấn Độ đóng nhiều vai trò quan trọng trong khu vực, như vai trò nhà đảm bảo an ninh, thể chế hóa quản trị khu vực, thúc đẩy kết nối và hợp tác trong khu vực, và đặc biệt là vai trò cân bằng quyền lực trong khu vực. Việt Nam với vị thế là một quốc gia ở khu vực trung tâm trong cái khái niệm khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, luôn mong muốn có hòa bình, ổn định lâu dài. Hợp tác chiến lược với Ấn Độ là một trong những cách thức giúp Việt Nam đạt được khát vọng hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng, là đối tác quan trọng và đáng tin cậy trong khu vực.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tất Giáp, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc Ấn Độ điều chỉnh chính sách đối ngoại, chuyển chính sách “hướng Đông” thành chính sách “Hành động phía Đông” sẽ tạo bối cảnh thuận lợi cho Việt Nam và Ấn Độ thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác hơn nữa. Theo PGS TS Nguyễn Tất Giáp: “Mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là nhân tố quan trọng chúng ta cần phải thúc đẩy, đặc biệt trong bối cảnh Ấn Độ đang trỗi dậy với thành tựu lớn lao và thực lực của họ được tăng cường và hiện nay Việt Nam phải tăng cường mọi mặt với Ấn Độ. Hiện nay các lĩnh vực hợp tác hai nước đã phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sự tin cậy chính trị hai nước. Nhưng chúng ta cùng đẩy mạnh các lĩnh vực khác để làm cho mối quan hệ này phát triển toàn diện hơn”[2]

Như vậy, có thể khẳng định, lòng tin chính trị chính là điểm khởi đầu tốt đẹp, là tiền đề quyết định sự phát triển của mối quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ. Trong tương lai gần, với sự bất định của toàn cầu, vấn đề nan giải của biến đổi khí hậu, an ninh truyền thống và phi truyền thống, các đại dịch đã, đang và sẽ tiếp tục hoành hành trên thế giới, việc hai nước chúng ta thể hiện rõ quyết tâm chính trị, cam kết đoàn kết, hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề khu vực và thế giới, sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để hai nước có thể đạt được hòa bình và ổn định, góp phần vào sự thịnh vượng và hạnh phúc chung của thế giới.  Trong lời kết, chúng tôi trích lời Đại sứ Tôn Sinh Thành, đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ (đến năm 2018). Ông nhận xét: “Trước hết cả hai bên đều cần tích cực hơn trong việc hiểu biết lẫn nhau, quảng bá, tuyên truyền, chia sẻ thông tin, đặc biệt là những thông tin cập nhật về tình hình mỗi nước, các cơ hội trao đổi hợp tác, đầu tư kinh doanh, du lịch, văn hóa, tâm linh”. Đại sứ khẳng định rõ: Việt Nam cần thực sự coi Ấn Độ là đối tác quan trọng của Việt Nam và chủ động hơn trong khai thác tiềm năng với Ấn Độ.

Chính sách Hành động Phía Đông đã có nhiều tác động lớn mạnh lên mối quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ, đặc biệt từ khi hai nước nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện từ năm 2016. Tại cuộc Hội đàm cấp cao trực tuyến 21/12/2020, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định Việt Nam đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ. Hai bên đã có nhiều nỗ lực đưa quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đi vào chiều sâu trên cơ sở hữu nghị truyền thống, những gắn kết về lịch sử, văn hóa và tôn giáo, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, cũng như tầm nhìn và lợi ích tương đồng giữa hai nước đối với các vấn đề khu vực và quốc tế.

Việt Nam cần lựa chọn chính sách đối ngoại cân bằng nước lớn trên nguyên tắc tự chủ chiến lược để không quá phụ thuộc hoặc chịu ảnh hưởng lớn từ nước này, nước khác. Cụ thể, chính sách đối ngoại của Việt Nam cần cân bằng quan hệ với cả Ấn Độ và các nước đối tác chiến lược toàn diện, và đối tác chiến lược khác. Theo đó, Việt Nam tranh thủ Ấn Độ về chính trị, an ninh nhưng không ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia khác. Theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng nước lớn, đa phương hóa là lựa chọn tối ưu để đảm bảo lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Chú thích ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Venkaiah Naidu, tháng 12/2021. Ảnh: TTXVN

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ 


[1] PGS TS Nguyễn Xuân Trung, Vai trò của Ấn Độ đối với sự hình thành cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Tạp chí Cộng sản, 6/2021

[2] https://vov.vn/chinh-tri/quan-he-viet-nam-an-do-trong-boi-canh-moi-tam-nhin-moi-545986.vov

 

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục