Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phát triển quan hệ Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương

Phát triển quan hệ Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương

Trong những ngày tháng 3 vừa qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có những chuyến thăm tới các quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương.

01:40 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đêm 3-3, tại Phủ Tổng thống ở Thủ đô New Delhi, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind.Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh, Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời với nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa. Mối quan hệ tốt đẹp này đã được cố Thủ tướng Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo cùng nhân dân hai nước dày công vun đắp.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ram Nath Kovind bày tỏ vui mừng khi quan hệ hợp tác giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là về chính trị, quốc phòng-an ninh, kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ và văn hóa-giáo dục. Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực này, đồng thời khai thác thêm tiềm năng, cơ hội hợp tác về năng lượng, kết cấu hạ tầng, công nghệ thông tin, nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao và tăng cường kết nối cả về kinh tế, văn hóa, con người.

Hai bên nhất trí tiếp tục ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Tổng thống Ram Nath Kovind tái khẳng định Ấn Độ ủng hộ Việt Nam ứng cử là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và cảm ơn Việt Nam đã cam kết ủng hộ Ấn Độ đảm nhiệm vị trí này nhiệm kỳ 2021-2022.Nhân dịp này, Tổng thống Ram Nath Kovind đánh giá cao việc tổ chức “Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Ấn Độ” nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và cảm ơn Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức Ngày quốc tế Yoga  tại Việt Nam.

Kết nối chặt chẽ

Chiều 4-3 tại Bảo tàng tưởng niệm Nehru ở thủ đô New Delhi, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi gặp gỡ và nói chuyện trước khoảng 300 chính khách, giáo sư, nhà nghiên cứu, học giả và các sinh viên Ấn Độ.Mở đầu bài nói chuyện, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã điểm lại những biến chuyển nhanh chóng, sâu sắc và toàn diện của thế giới trong 2 thập niên đầu của thế kỷ 21, trong đó sự trỗi dậy của châu Á được xem là một trong những chuyển dịch mạnh mẽ nhất, khơi dậy nhiều cảm hứng nhất.

Chủ tịch nước nêu rõ, chỉ trong vài thập niên, thế giới đã liên tục chứng kiến những kỳ tích mà Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)... đã lập nên. Điều trùng hợp lý thú là trung tâm của các kỳ tích đó đều nằm ở khu vực Ấn Độ Dương và châu Á - Thái Bình Dương... Thời gian qua, tại khu vực này đã xuất hiện hàng loạt các ý tưởng, sáng kiến, chiến lược hợp tác dài hạn mang tầm liên khu vực và toàn cầu. Đó là: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực của ASEAN và 6 nước đối tác; chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ; sáng kiến liên kết “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc; chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Nhật Bản; tầm nhìn “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ và gần đây nhất là sự hình thành của Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương với sự tham gia của 11 nền kinh tế ở hai bờ Thái Bình Dương…

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Nếu những ý tưởng, sáng kiến và chiến lược nêu trên trở thành hiện thực như tuyên bố của những người sáng lập, chúng ta sẽ chứng kiến sự hình thành một không gian an ninh và phát triển mới: Không gian Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương. Và sự kết nối ngày càng chặt chẽ hơn cả về kinh tế, chính trị, văn hóa giữa châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương sẽ tạo dựng một động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy xu hướng đưa thế kỷ của châu Á trở thành thế kỷ của Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương”.

Đứng trước các câu hỏi: Thế kỷ này có trở thành thế kỷ của Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương hay không? Khu vực này có thật sự trở thành tâm điểm kết nối các nguồn lực, hài hòa các lợi ích để tiếp tục phát triển năng động, bền vững hơn nữa hay không?, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu quan điểm, khát vọng chỉ có thể trở thành hiện thực khi tất cả các nước đều chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực mở, dựa trên luật pháp quốc tế..., không một quốc gia, một dân tộc, một nhóm dân cư nào bị bỏ lại phía sau; khát vọng chỉ có thể trở thành hiện thực khi tất cả các nước cùng nỗ lực bảo vệ sự tự do, thông suốt của các tuyến đường hàng hải, hàng không, thương mại, không để Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương bị chia cắt, ngăn cản hay bị chia rẽ; các nước cần kề vai, sát cánh xây dựng một không gian sinh tồn và phát triển chung với niềm tin Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương đủ lớn để tất cả các nước cùng phát triển thịnh vượng.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dự lễ ra mắt sách về quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, mang tên “Emerging Horizons in India - Viet Nam Relations” (Những chân trời tương lai trong quan hệ Ấn Độ - Việt Nam) và dự lễ công bố thành lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam trực thuộc Viện Khoa học xã hội (ISS) Ấn Độ.

Cùng ngày 4-3, tại thủ đô New Delhi, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có các cuộc tiếp Chủ tịch Đảng Cộng sản Ấn Độ, Chủ tịch Đảng Cộng sản Mác-xít Ấn Độ, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Ấn - Việt và Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Nepal.Chiều cùng ngày, tại thủ đô New Delhi, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân, cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thăm, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho tập thể Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ./.

Nguồn: http://vietnam.vn/phat-trien-quan-he-an-do-duong---chau-a---thai-binh-duong-1597468.html

Nguồn:

Cùng chuyên mục