Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phong trào cách mạng ở Ấn Độ - (8 và 9-1921) - Nguyễn Ái Quốc

Phong trào cách mạng ở Ấn Độ - (8 và 9-1921) - Nguyễn Ái Quốc

Bài viết được đăng trên Tạp chí La Revue Communiste, số 18-19, tháng 8, 9-1921, được đăng trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, NXB Chính trị quốc gia, 2002.

01:11 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Cuộc xung đột Hy Lạp - Kêman hay đúng hơn là cuộc xung đột Anh - Thổ đang diễn ra. Các cuộc khởi nghĩa ở Malaba đang được dư luận hết sức chú ý. Đế quốc Anh đang phải chống đỡ khắp nơi. Nhắc lại lịch sử phong trào cách mạng ấn Độ lúc này là một việc lý thú. Từ cuộc khởi nghĩa năm 1857, đế quốc Anh tưởng đã dìm được tinh thần cách mạng của nhân dân ấn Độ trong cuộc đàn áp đẫm máu và thiết lập vĩnh viễn sự bóc lột áp bức dã man của phương Tây lên hai bờ sông Hằng. Chúng đã lầm to. Năm 1880, nhà triết học Rama Kơrisơna dùng tôn giáo để truyền bá cách mạng. Ông tôn thờ nữ thần Kali và khuyên đồng bào mình tôn thờ nữ thần, người mẹ của lực lượng phá hoại và xây dựng. Đamôđa và Bankơrisơna kế tục sự nghiệp của Rama và giáo dục chủ trương cách mạng một cách dũng cảm, công khai. Tất nhiên cả hai đều bị bắt giữ và đày biệt xứ. Đến năm 1897 tờ báo Kêxari mới ra đời, người chủ trương là Tilắc. Bài báo đầu tiên của ông là bài văn xuất sắc "Lời than của Xiôgi". Nội dung kể chuyện một ông vua cũ tỉnh dậy từ dưới mồ sâu, trở lại thăm vương quốc thân yêu. Ông rất buồn khi thấy thần dân của mình phải chịu kiếp nô lệ khổ nhục. Ông kêu gọi tất cả những người ấn Độ hãy thức tỉnh và hợp lực để lật đổ ách ngoại bang và giành lại nền độc lập mà ông đã truyền lại cho họ. Tờ báo thường xuyên phổ biến cho độc giả tìm hiểu phương pháp cách mạng Nga. Một phong trào giải phóng được lãnh đạo dũng cảm, cho đến khi tờ báo bị đình bản và chủ nhiệm bị đi đày. Nhân tiện xin nói rằng ở châu á, người ta quan niệm sự chân thật và lương tâm nhà báo khác với châu Âu. Những nhà báo tư sản phương Tây sẽ cười nếu chúng ta nói với họ rằng phần lớn các bài ở các báo xã hội chủ nghĩa như tờ Kêxari, Vihari, v.v. đều viết không lấy tiền và đôi khi cả biên tập viên còn được trả công bằng những tháng, thậm chí bằng những năm tù. Đấy là trường hợp của tờ Vihari, ba biên tập viên đều bị bắt và lần lượt bị kết án. Nhưng điều đó không làm thay đổi thái độ lẫn cách suy nghĩ của họ. Trong số "người làm công", những ai có thể tự cho mình như thế? Cuộc vận động đặc biệt lên cao từ sau chiến tranh Nga - Nhật. Hai sự kiện tiêu biểu sau đây đánh dấu tình hình tư tưởng của người bản xứ. Tượng nữ hoàng Víchtôria bị bôi nhọ vào đêm trước lễ kỷ niệm ngày sinh của nữ hoàng. Bài hát Banđêmataran - bài Mácxâye của người ấn Độ - được phổ biến nhanh chóng và được hát bằng tất cả các thổ ngữ của ấn Độ. Những hội Amxilam Xanitơ - tổ chức rèn luyện tinh thần và thể lực - được thành lập khắp nơi như có phép lạ. Việc tẩy chay hàng hoá Anh và làm tan rã tinh thần các đơn vị lính bản xứ được nghiên cứu rất công phu. Những nỗ lực không ngừng đó đã đem lại kết quả. Tháng 1 năm 1915, nhiều trung đoàn nổi lên bạo động và do sự gián đoạn của mậu dịch Anh - ấn, các ngân hàng thuộc địa ở khu Xiti đã bị thua thiệt một triệu phrăng do những cổ phiếu không được thanh toán trong năm 1920. Thảm hoạ của đất nước đã xoá bỏ sự phân biệt đẳng cấp và tôn giáo. Người giàu người nghèo, quý tộc và nông dân, Hồi giáo và Phật giáo, đều hợp sức đoàn kết. Nhiều nhân vật tiên tiến, nhiều giáo sư đại học như Hácđayan và những người khác đã hy sinh tài sản, đã từ chối những chức vụ cao mà chính phủ thuộc địa muốn ban cho họ để dễ bề khuất phục. Họ đi từ làng này qua làng khác, kêu gọi đấu tranh cho độc lập. Sinh viên, học sinh cũng tham gia công tác tuyên truyền. Về phía mình, những chiến sĩ chủ trương hành động trực tiếp cũng không ngồi yên. Họ chịu trách nhiệm thủ tiêu những quan chức thiên vị, những kẻ phản bội và những tên ác ôn cảnh sát chính trị. Với những chức vị rất kêu, các phó vương và thống đốc cũng không làm cho họ sợ, những sự kiện năm 1907, 1908 và 1909 (14) đã chứng minh điều đó. Năm 1916, một cậu bé 16 tuổi đã ném bom ngay giữa đường và giữa ban ngày vào xe của tên cầm đầu nổi tiếng của cục điều tra. Lòng dũng cảm không trừ già hay trẻ. Danh sách những người bị hy sinh kéo dài rất đau xót. Trong mười năm, không kể những vụ thảm sát tập thể, đã có hơn 200 người lấy máu đào tưới gốc cây cách mạng và lý tưởng. Trong số những người tuẫn tiết, có 70 sinh viên, 16 thầy giáo, 20 điền chủ, 23 hay 25 nhà buôn, 7 thầy thuốc, 20 công chức. Trong số những người hy sinh có 50 người tuổi chỉ từ 16 đến 20! Vì vậy mà bọn chủ hốt hoảng, gần như kinh hoàng. Một nhân vật thượng lưu đã thốt lên: "Nếu sự việc đó còn tiếp diễn, thì những người đáng kính của chúng ta buộc phải cuốn gói khỏi nơi này". Lúc đó, song song với bộ máy đàn áp thẳng tay, người ta thi hành một chính sách ngu dân hoàn toàn. Các hội "Xamiti" bị giải tán, hội viên bị bắt giam, mọi cuộc hội họp và các tổ chức chính trị đều bị ngăn cấm. Các biện pháp "cấp cứu" mọc lên như nấm. Trận mưa đàn áp đó chỉ làm cho hoa cách mạng thêm nở rộ. Một cuộc tổng khởi nghĩa đang được chuẩn bị trong năm 1914 và 1915. Không may cuộc khởi nghĩa bị thất bại. Hàng trăm người lưu vong trở về nước với quyết tâm giáng một đòn đập tan ách thống trị đang đè nặng đất nước. Họ bị phát hiện và đều bị bắt giữ trước khi đặt được chân lên quê hương mà họ đã hứa hẹn sẽ giải phóng hoặc hy sinh. Một lần nữa, bọn kẻ cắp lại gặp may! Nhưng lò lửa đã nhóm lên, không gì có thể dập tắt nổi. Các khẩu hiệu được truyền từ người này qua người khác. Các hội "Xamiti" bí mật hội họp. Những cuộc lạc quyên vì độc lập được tiến hành nhanh chóng, hoặc là do tự nguyện đóng góp, đôi khi bằng hình thức "đaicốt". Chúng tôi thấy cần phải giải thích một tí về chữ "đaicốt", mà từ trước đến nay những người phương Tây thường hiểu sai. Người Anh gọi là "đaicốt" cũng như người Pháp gọi cướp bóc. Cả hai đều không hề phân biệt giữa sự cướp bóc với sự đóng góp đôi khi bắt buộc cho sự nghiệp chung, cũng như họ không hề phân biệt giữa những người yêu nước đấu tranh cho đất nước mình với bọn cặn bã ở thành thị. Muốn làm một việc gì, tất nhiên phải có tiền vốn, và muốn có vốn, phải biết nơi nào có để tìm. Để chứng minh sự cương trực của những hội viên "Xamiti" phụ trách tài chính của Uỷ ban cách mạng, chỉ cần kể những thí dụ sau đây: Một trong những điều của điều lệ hội "Xamiti" nêu rằng những người gia nhập hội phải luôn nhớ rằng họ đang hoạt động cho cách mạng nhằm thiết lập lại những quyền đã bị chà đạp chứ không phải vì sự hưởng thụ cá nhân của một số người. Rằng tất cả các hội viên phải từ bỏ việc uống rượu, từ bỏ mọi thứ xa hoa phù phiếm. Mỗi lần đóng góp bắt buộc hay đaicốt, người đóng được gửi đến một biên lai. Sau đây là một đoạn trích trong biên lai: "Đồng bào thân mến, bạn phải biết rằng muốn giải phóng đất nước thân yêu của chúng ta thoát vòng nô lệ, thì cần phải có sự hy sinh, lòng tin cậy và cảm tình của tất cả đồng bào chúng ta. Nếu tất cả những người có khả năng như bạn đều hiểu những khó khăn của công việc chúng tôi và tự nguyện đóng góp vào sự nghiệp của chúng tôi, thì chúng tôi không bị buộc phải quấy rầy bạn như thế này; nước Nhật được tự do và hùng cường là nhờ có lòng hy sinh và sự thắt lưng buộc bụng của toàn dân Nhật. Anh linh của Tổ quốc hãy hun đúc trái tim và soi sáng tâm thần của anh em chúng ta! v.v.. Ký tên: I.B. Thư ký tài chính của phân cục B. của Hội Độc lập ấn Độ". Phong trào càng lan rộng càng được củng cố. Khi thấy đã tương đối mạnh, phong trào rời khỏi bóng tối để ra giữa ánh sáng, dưới những con mắt kinh ngạc của nhà cầm quyền. Một đại hội được triệu tập với hai vạn đại biểu có mặt. Một vài đảng viên "xã hội" Anh cũng tham dự, họ được tiếp đón không lấy gì làm nồng nhiệt lắm vì những lý luận màu hồng nhạt của họ. Mahatma Găngđi đã đặt viên đá đầu tiên để dựng lên thuyết bất hợp tác và bất bạo động. Đường lối đó được theo đuổi một cách thắng lợi. Trẻ em rời bỏ trường học của người Anh. Các luật sư rời khỏi toà án của người Anh. Các viên chức và thợ thuyền không làm việc trong các công sở và nhà máy mà chủ là người Anh. Không còn quan hệ, không còn buôn bán giữa người Anh và người ấn. Để giữ vững phong trào, cần phải có những quỹ cứu tế. Trong thời gian ba tháng, người ta đã quyên được hơn sáu mươi triệu phrăng. Những người ấn Độ giàu có lấy nhà mình làm trường học. Những vụ kiện được đưa ra xử trước các toà án bản xứ mới thành lập. Một số người ấn Độ tự nguyện góp đến ba mươi triệu đồng một năm "cho đến khi độc lập hoàn toàn". Trước làn sóng như vậy, lá cờ không bao giờ thấy mặt trời lặn có nguy cơ rơi xuống mặt trăng. Đế quốc Anh không biết xoay xở cách nào. Chúng tưởng rằng ký một hiệp định thương mại với nước Cộng hoà Nga là có thể ngăn chặn tư tưởng cách mạng thâm nhập ấn Độ, như một tờ giấy thấm hút một giọt mực! Chúng dùng Côngxtăngtin làm cái chụp để dập tắt lò lửa của phong trào Liên Hồi giáo. Chúng nhặt Phayxan lên để chống đỡ toà nhà đế quốc đang sụp đổ ở phương Đông. Và sau nữa thì sao? ít ra chúng có thể tự an ủi khi thời hạn rời khỏi ấn Độ của chúng đã đến, bằng cách tự nhủ rằng chúng đã tàn nhẫn kéo theo sự sụp đổ của đế quốc Pháp, đang hoạt động ở Đông Dương một cách xấu xa. 

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục