Phong trào công nhân và nông dân mới đây tại Ấn Độ (5-1928)
Bài viết được đăng trên Tập san Inprekorr, tiếng Pháp, số 43, tháng 5-1928, được đăng trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2 (1924-1930), NXB Chính trị quốc gia, 2000
Tại Ấn Độ cũng như ở các thuộc địa khác, chủ nghĩa đế quốc Anh đang tìm cách chia rẽ giai cấp vô sản bằng cách thường xuyên khơi sâu những thành kiến về chủng tộc. Vì thế tất cả các chỗ làm được trả lương cao đều dành cho người Anh và những người lai Anh- Ấn. Trong những nhà máy điện, những người này lĩnh mỗi ngày 15 rupi; họ có nhà ở sang trọng không phải trả tiền, trong khi thợ thuyền Ấn Độ chỉ được từ 4 anna đến 1,5 rupi mỗi ngày và nhà ở phải trả tiền. Trong ngành xe hoả, một người Anh hoặc người lai lĩnh tới 7 rupi mỗi ngày; trái lại, một thợ không chuyên Ấn Độ chỉ được 8 anna và một công nhân được 13 anna mỗi ngày. Những viên chức người Anh và người lai, ngoài lương cao, còn có các trường học, vườn trẻ và hợp tác xã tiêu thụ mà Chính phủ hoặc các công ty dành riêng cho, cấm không cho người Ấn Độ đến, trong khi ấy các viên chức bàn giấy người Ấn chỉ lĩnh hằng tháng từ l0 đến 20 rupi.
Để đáp lại những đặc quyền đó, những viên chức người Anh và người lai hợp tác với giới chủ chống công nhân bản xứ. Các sự kiện đẫm máu ngày 28 tháng 3 vừa qua minh hoạ một cách rõ ràng thái độ bài vô sản của thứ thợ thuyền quý tộc này: những viên chức người Anh và người lai trên đường sắt Lilôa đã hợp tác tích cực với cảnh sát có vũ trang trong việc ám sát nǎm người bãi công có nhiệm vụ kiểm tra lệnh đình công.
Nhưng thợ thuyền Ấn Độ đấu tranh không mệt mỏi chống các mưu mô của đế quốc và các thành kiến chủng tộc. Vì thế nên mặt trận chiến đấu của họ được củng cố hằng ngày, như nhiều cuộc đấu tranh vừa qua đã cho thấy.
Ngày 21 tháng 2, 400 thợ điện các lò cao tại Iamsétpua bãi công để đòi tǎng lương. Họ đòi 5 rupi mỗi ngày chứ không phải 14-15 anna như hiện đang lĩnh.
Ngày 5 tháng 3, sau khi sáu công nhân bị đuổi vì hoạt động nghiệp đoàn, 14.000 công nhân hoả xa ở Lilôa lãn công và, ngày 8, từ lãn công chuyển thành bãi công thực sự. Những người bãi công đòi cho các đồng chí bị đuổi được trở lại làm việc, đòi tǎng 25% lương và đòi tự do nghiệp đoàn. Xin nhắc lại rằng Liên đoàn Công nhân hoả xa tồn tại đã được mười nǎm mà vẫn chưa được Chính phủ và công ty công nhận.
Ngày 7 tháng 3, 10.000 thợ làm việc cho thành phố bãi công đòi 30 rupi mỗi tháng chứ không phải 14 như hiện nay họ lĩnh.
Ngày 9 tháng 3 có cuộc bãi công của 2.500 thợ nhà máy bông ở Lútlốc vì một người thợ bị tên đốc công đánh.
Ngày 15 tháng 3, 900 thợ nhà máy Paren (Bombay) đấu tranh để đòi tǎng lương.
Ngày 10 tháng 3 có một hội nghị của nhân viên bưu điện Mađrát.
Hiện nay họ chỉ lĩnh từ 10 đến 20 rupi mỗi tháng. Nhà ở của họ tiều tuỵ đến mức đáng sợ, trong khi những viên chức có đặc lợi, người Anh và người lai, lĩnh đồng lương đế vương và có nhà đầy đủ tiện nghi. Nhân viên bưu điện Mađrát đòi nâng lương từ 30 lên 40 rupi mỗi tháng. Ta hãy nhớ rằng một người đưa thư ở nông thôn, phụ trách đến 60 làng và đi bộ mỗi ngày 30 kilômét mà chỉ lĩnh có 16 rupi mỗi tháng.
Ngày 19 tháng 3, công nhân xe điện Mađrát họp hội nghị đặc biệt đòi tǎng lương và phản kháng công ty đuổi thợ mà không hoàn lại số tiền ký quỹ họ đã phải nộp khi được nhận vào làm.
Ngày 22 tháng 3, Đại hội Liên hiệp nghiệp đoàn tỉnh Bombay, thay mặt cho 30.000 công nhân có tổ chức họp tại Đamôda. Nhiều nghị quyết đã được thông qua. Những nghị quyết đó đòi: ngày làm tám giờ, định lương tối thiểu, lương phải trả hằng tuần, có tiền bảo hiểm xã hội cho những trường hợp thất nghiệp, ốm đau, sinh đẻ, già yếu cải thiện điều kiện nhà ở cho công nhân, bãi bỏ chế độ phạt tiền và chế độ khấu lương để đền bù dụng cụ và vật liệu hỏng, trả lại tự do cho những công nhân vì hoạt động nghiệp đoàn mà bị bắt. Đại hội có dự kiến thay thế các nghiệp đoàn nghề bằng các nghiệp đoàn công nghiệp. Về phương diện chính trị, Đại hội tuyên bố chống chiến tranh và chống các luật đàn áp. Đại hội cũng đã dự kiến tổ chức một Đảng Lao động để bảo vệ các quyền chính trị của người lao động.
Những cuộc đấu tranh này của công nhân chỉ là rất thường tình nếu ta xét đến hoàn cảnh vô cùng khổ cực của vô sản Ấn Độ. Đây là một bảng so sánh minh hoạ số thu nhập theo đầu người, trong nhiều nước, do bác sĩ Hácđica lập ra vào tháng 5 nǎm 1927: Hoa Kỳ 1.116 rupi; Anh 696; Pháp 546; Đức 468, Ấn Độ 15. Ta cũng nên nói qua rằng vẤn đề nhà ở là một trong những cái ung đau nặng nhất của vô sản Ấn Độ. Theo báo cáo của ông chủ tịch Liên hiệp thợ thuyền thành phố Mađrát, hơn 10.000 người lao động của thành phố này ngủ đêm ở các chuồng bò hoặc nhà xe, và điều này cũng đúng với những thành phố khác. Sự khổ cực kinh tế này làm cho tuổi thọ của người Ấn Độ rất thấp. Dưới đây là so sánh tuổi thọ tǎng bình: Anh 51,5; Hoa Kỳ 50; Pháp 48,5; Đức 47,4; Ấn Độ 24,7. Tỷ lệ tử vong ở Ấn Độ cũng cao hơn ở bất kỳ nơi nào khác: Hoa Kỳ 12,9 phần nghìn; Anh 14,6; Đức 16,2 và Ấn Độ 30!
Nông thôn cũng nổi dậy, ngày càng có phản ứng mạnh đối với tình trạng như vậy. Ngày 15 tháng 2, tại Viện dân biểu Miến Điện, Chính phủ thuộc địa đề nghị cử "những đại biểu đặc biệt" đến các huyện đang đặc biệt tích cực chống thuế. Đề nghị đó bị bác với 24 phiếu chống trên 18 phiếu thuận. Thất bại đó của Chính phủ đã gây chẤn động trong nước; lại càng chẤn động khi Chính phủ buộc phải thú nhận rằng biện pháp cử "những đại biểu đặc biệt" là cần thiết vì từ mấy tuần nay đã có đến 22 người thu thuế bị nông dân làm cho khốn đốn.
Để trả thù, ông thống đốc đã cấm 25 tổ chức nông dân và tôn giáo hoạt động và tǎng cường cảnh sát ở 44 huyện.
Ngày 19 tháng 3, khi một người của họ bị ngược đãi, các culi ở đồn điền trồng chè lớn tại Đíchgubác đã nổi dậy và đẩy những tên đốc công vào tình trạng khốn đốn. Biến cố nhỏ này có một ý nghĩa lớn: những công nhân nông nghiệp vốn rất dễ bảo và thụ động giờ đây đã thức tỉnh và biết tự vệ. Một dấu hiệu của thời đại! Phong trào chống thuế ở Bácđôlê tiếp tục. Họ tổ chức những nhóm người tình nguyện để bảo vệ những nông dân bị doạ tịch biên. Chính cảnh sát huyện cũng có cảm tình với nông dân và tuyên bố rằng họ sẽ không thực thi những lệnh đàn áp của Chính phủ.
WANG
Tập san Inprekorr, tiếng Pháp, số 43, tháng 5-1928
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục