Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan điểm của Rabindranath Tagore về Chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ

Quan điểm của Rabindranath Tagore về Chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ

Tuyển tập các bài phát biểu của Tagore về chủ nghĩa dân tộc đã được xuất bản vào năm 1917 và một trong những bài phát biểu, được đưa vào cuốn sách, biểu thị những quan điểm tổng hợp, độc đáo của Tagore về chủ nghĩa dân tộc của Ấn Độ.

08:00 29-05-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Rabindranath Tagore là một thiên tài đa lĩnh vực, một nhà dân tộc chủ nghĩa thực sự và hơn hết là một nhà nhân văn không thể chối bỏ, người đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ trí thức và tạo ra sự đồng cảm không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, ngôn ngữ và cả những rào cản như nhà nước và quốc gia. Thiên tài văn học và nghệ thuật Tagore, kéo dài hơn sáu thập kỷ, không gì khác ngoài sự phản ánh của một nghệ sĩ nhạy cảm, một người đồng cảm trong từng chữ viết, một nhà tư tưởng sâu sắc và một nhà thực nghiệm chiến lược. Thật hão huyền nếu ai đó mong muốn có thể giới thiệu ngắn gọn về trí tuệ toàn diện của Tagore; do đó, tác giả chỉ tập trung nói một ý nhỏ trong tư tưởng của Tagore về chủ nghĩa dân tộc của Ấn Độ, tập trung vào trí tuệ của ông.

Rabindranath Tagore (1861-1941), thường được gọi là Gurudev, đã bày tỏ quan điểm của mình về chủ nghĩa dân tộc của Ấn Độ trong nhiều dịp khác nhau. Một bộ sưu tập các bài phát biểu của ông về chủ nghĩa dân tộc đã được xuất bản vào năm 1917 với cùng tiêu đề và một trong những bài phát biểu trong đó thể hiện quan điểm tổng hợp, độc đáo của Tagore về chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ. Bản chất của sự cân nhắc của ông là tinh thần thực sự của chủ nghĩa dân tộc nằm trong mối quan tâm nhân văn chứ không phải là chiến lược chính trị bị hạn chế. Sự lan rộng của chủ nghĩa dân tộc cuồng tín trong Chiến tranh thế giới thứ nhất có thể đã buộc ông phải cố gắng lật lại ý tưởng phổ biến dùng chủ nghĩa dân tộc như một biện minh chính trị cho việc chiếm đoạt tài nguyên của các quốc gia khác. 

Nhận thức của Tagore về chủ nghĩa dân tộc chủ yếu dựa vào triết học Ấn Độ cổ đại. Tagore đã cố gắng tách mình ra khỏi niềm tin chung về chủ nghĩa dân tộc và cố gắng gắn nó với những ý tưởng như hòa bình, hòa hợp và phúc lợi. Ông lập luận thêm rằng nếu Ấn Độ đóng góp gì cho thế giới thì đóng góp đó cũng là vì con người và rất nhân văn.

Thế giới không cần chủ nghĩa dân tộc nghĩa hẹp mà cần theo nghĩa rộng. Vì vậy, chủ nghĩa dân tộc nên được xây dựng thông qua các phương tiện khác nhau của cuộc sống. Ý tưởng của Tagore về chủ nghĩa nhân văn vượt ra khỏi bất kỳ ranh giới hay rào cản nào và tìm kiếm một điểm chung, nơi đó chủ nghĩa nhân văn là trên hết. Ông nói thêm rằng các vị thánh như Nanak, Kabir, Chaitanya đã thổi bùng ngọn lửa của chủ nghĩa nhân văn trong tâm trí người Ấn Độ. Nhưng thật không may, nó đã bị lụi tàn theo thời gian với sự gia tăng mạnh mẽ của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự tan rã dựa trên đẳng cấp của xã hội Ấn Độ.

Những ý tưởng như sự thuần khiết của chủng tộc đã tàn sát hàng triệu người trong nhiều thế kỷ. Ngay cả hai cuộc Chiến tranh Thế giới và các cuộc xung đột chủng tộc khác cũng được kích động dựa trên những quan niệm sai lầm về phân biệt chủng tộc. Sự thật là trên thế gian này không thể có chủng tộc nào ở vị thế cao hơn chủng tộc khác. Vì vậy, niềm tin của Tagore là: “Chỉ những dân tộc có tinh thần hợp tác mạnh mẽ mới tồn tại được và đạt được trình độ văn minh”. Niềm tin này mang ý nghĩa quan trọng. Nhìn chung, con người trên toàn thế giới chỉ nên được nhìn qua lăng kính hợp tác và nhân văn.

Tagore cho rằng ngoài tự do chính trị, tự do tâm hồn là quan trọng hơn cả. Các quan niệm về tự do lấy người châu Âu làm trung tâm đã buộc chúng ta phải coi tự do chính trị như một điểm đến cuối cùng trong hành trình của phong trào tự do ở đất nước Ấn Độ. Thay vào đó, niềm tin mù quáng vào châu Âu sẽ làm gia tăng lòng tham chiếm hữu. Do đó, chúng ta nên từ bỏ sự hẹp hòi này và toàn diện hơn trong các biểu hiện hướng nội và hướng ngoại của chúng ta để mở rộng sự tự do của tâm trí. Cuối cùng, sự tự do của tâm trí này tìm thấy sự đồng điệu với tâm hồn con người và cuộc sống rộng lớn của con người. Ông cũng tin rằng chỉ có một lịch sử, tức là lịch sử của con người và các lịch sử khác chỉ là các chương trong một lịch sử lớn hơn của nhân loại.

Các quốc gia có sự hòa nhập tâm linh, tình yêu thương và sự cảm thông đối với người khác có thể tìm thấy một vị trí lâu dài trong mọi thời đại. Do đó, chủ nghĩa dân tộc của Ấn Độ dưới bất kỳ hình thức nào, không gì khác ngoài sự pha trộn của những lý tưởng tổng hợp về nhân loại và phúc lợi con người. Nó phải là một sự tiến triển có thể kiểm soát được bắt đầu từ bên trong mỗi bản thân con người.

Quan điểm của Tagore về chủ nghĩa dân tộc rất đi trước thời đại và sẽ đến được với quần chúng. Giữa cơn cuồng phong của đại dịch Covid, hãy nhớ về Tagore và những mối quan tâm nhân văn của ông ấy để làm phương châm tồn tại trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tác giả: Tiến sĩ Durgesh Ravande, Phó giáo sư Khoa tiếng Anh, Trường Cao đẳng KKM, Ấn Độ.

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục