Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Ấn Độ - ASEAN và một số tác động đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI (Phần 2)

Quan hệ Ấn Độ - ASEAN và một số tác động đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI (Phần 2)

Trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI, Ấn Độ như “một con sư tử đang chuyển mình”, đang phấn đấu trở thành một cường quốc khu vực, một cực có vai trò chi phối thế giới nên việc tăng cường quan hệ toàn diện với các nước ASEAN mà với Việt Nam là một ưu tiên hàng đầu; bên cạnh đó, quan hệ toàn diện với Ấn Độ cũng là một trọng điểm của các nước ASEAN.

01:04 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Quan hệ Độ - ASEAN và một số tác động đến 
quan hệ 
Việt Nam - Độ trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI

PGS, TS Nguyễn Tất Giáp*

Trải qua hơn 20 năm quan hệ Ấn Độ - ASEAN không ngừng phát triển, đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực Chính trị - ngoại giao. Từ thập niên 1990, những giải pháp về hòa bình ở Campuchia (1991) mà Ấn Độ là nước có tiếng nói tích cực, đã góp phần ổn định tình hình khu vực Đông Nam Á. Các mối quan hệ giao lưu được mở rộng, xu thế xích lại gần nhau giữa các nước ASEAN và Ấn Độ ngày càng rõ rệt. Ấn Độ đã đề nghị được tham gia ASEAN+3 (một cơ chế đối thoại thường xuyên giữa ASEAN với 3 đối tác cấp Thượng đỉnh của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc). Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 4 giữa hai bên được tổ chức tại Kuala Lumpur (2005), Thủ tướng Ấn Độ M. Singh khẳng định: “Mục tiêu lâu dài là tạo một cộng đồng các nước giàu có, hài hòa nhằm đối phó với những thách thức chung. Có thể nói, quan hệ Ấn Độ - ASEAN đã được nâng lên tầm cao mới, hướng tới một cộng đồng kinh tế, chính trị, văn hóa rộng lớn”1.

Bước sang thế kỉ XXI, tình hình thế giới và trong nước Ấn Độ có nhiều biến chuyển tác động tích cực tới mối quan hệ Ấn Độ - ASEAN. "Sự can dự của một nước Ấn Độ mạnh về quân sự, thịnh vượng về kinh tế, tiến bộ về dân chủ sẽ tạo ra sự ổn định hơn tại khu vực". Điều này là minh chứng cho "một  phần  chính  sách hướng Đông của Ấn  Độ và nếu thành công, có thể giúp Ấn  Độ làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á và thiết lập được vai trò lớn hơn trong ASEAN"2. Không chỉ Trung Quốc mà Ấn Độ  đã có tất cả bạn bè trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí là đồng minh có mối liên kết văn hóa, tinh thần và tình cảm, tăng cường hỗ trợ mọi mặt để góp phần đưa Ấn Độ trở thành Siêu cường Tri thức. Các nhà hoạch định chính sách của hai bên đã xây dựng văn kiện khung "Tầm nhìn ASEAN - Ấn Độ năm 2020" nhằm bảo đảm rằng Ấn Độ vẫn tham gia đầy đủ vào khu vực. Đề cập tới sự xuất hiện của Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á trong những năm đầu thế kỉ XXI, Thủ tướng A.B.Vajpayee nói: "Có thời  điểm  rất  khó có thể gõ cửa  ASEAN. Ngày nay, tình hình thế giới đã trải qua những thay đổi to lớn. Và cũng có những thay đổi trong ảnh hưởng và sức mạnh của Ấn Độ"[3].

Về kinh tế, thương mại

Với tốc độ tăng trưởng đáng kể trong thập kỷ cuối của thế kỉ XX, Ấn Độ đã nổi lên là một trong những nền kinh tế lớn nhất không chỉ ở châu Á mà còn  trên toàn thế giới. Ấn Độ có tiềm năng kinh tế lớn và cung cấp những cơ hội mới đối với các nền kinh tế trong khu vực. Điều này đã thu hút được sự chú ý của các nước ASEAN. ASEAN một khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt, chiếm 90% số cao su thiên nhiên và 84% dầu cọ xuất khẩu của thế giới, đáp ứng 70% nhu cầu của thế giới về gỗ cứng nhiệt đới và 67% về dầu lửa và củi dừa khô, chiếm 64% buôn bán thế giới về thiếc và 40% về gia vị, đặc biệt là hạt tiêu. ASEAN có quan hệ hợp tác với tất cả các nước lớn, các trung tâm kinh tế, hợp tác trong APEC, ASEM. Các nước Đông Nam Á ngày càng có vai trò quan trọng trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Kinh tế Ấn Độ bước sang thế kỉ XXI cũng có những chuyển biến đáng kể. Kinh tế Ấn Độ và kinh tế ASEAN có thể bổ sung cho nhau trên nhiều lĩnh vực. Ấn Độ cần vốn và kỹ thuật cao từ ASEAN, học tập kinh nghiệm quản lý kinh tế của Singapore, Thái Lan, Malaysia và cần thị trường rộng lớn của khu vực này. Đồng thời Ấn Độ cũng có thể đáp ứng các nhu cầu của các nước ASEAN như thị trường cho đầu tư và xuất, nhập khẩu, nguồn lao động dồi dào...

Quan hệ chính trị - ngoại giao tốt đẹp đã thúc đẩy mối quan hệ kinh tế giữa hai nước. Thủ tướng Manmohan Singh thông báo tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Ấn Độ - ASEAN diễn ra ngày 19/10/2004 là "muốn có một cộng đồng kinh tế châu Á giữ vai trò là động lực cho sự tăng trưởng và hòa nhập kinh tế trong toàn khu vực". Để mở rộng và đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế, Ấn Độ và ASEAN đã thành lập các cơ chế khác nhau, thông qua đó các cuộc thương lượng được thực thi và hai bên cần vượt qua các rào cản, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác. Hợp tác kinh tế Ấn Độ - ASEAN đang được thực thi thông qua: Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Ấn Độ - ASEAN; Hội đồng kinh doanh Ấn Độ - ASEAN; Các cuộc họp của Bộ trưởng kinh tế Ấn Độ - ASEAN; Ủy ban đàm phán thương mại Ấn Độ - ASEAN; Nhóm công tác về đầu tư và thương mại Ấn Độ - ASEAN.

Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Ấn Độ - ASEAN lần đầu tiên  được  tổ chức tại New Đêlhi vào tháng 10/2002, do Thủ tướng A.B.Vajpayee chủ trì và kể từ đó Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh thường được tổ chức trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN. Đây là diễn đàn  nhằm trao đổi kinh nghiệm kinh doanh giữa các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo kinh doanh Ấn Độ - ASEAN. Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN lần thứ hai năm 2003, hai bên đã ký một Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện, mục tiêu nhằm "tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hội nhập kinh tế hiệu quả của các nước thành viên ASEAN mới và chuyển tiếp khoảng cách phát triển giữa các bên"[4]; Hiệp định khung này đã tạo nền móng vững chắc cho sự thành lập khu vực Thương mại và Đầu tư ASEAN - Ấn Độ (RTIA),  gồm Khu vực đầu tư, thương mại Ấn Độ - ASEAN trong đó có Khu vực mậu dịch tự do (FTA) Ấn Độ - ASEAN về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Hiệp định cũng đề ra Chương trình thu hoạch sớm về buôn bán hàng hóa tiến tới giảm thuế quan đối với 105 mặt hàng đã được nhất trí. FTA Ấn Độ - ASEAN sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại với dân số 1,8 tỷ và GDP 2,75 nghìn tỷ USD, được coi là sức mạnh ngoại giao kinh tế với chính trị làm trọng tâm. FTA cung cấp cho Ấn Độ với quyền truy cập vào một thị trường 600 triệu người. Sau khi bị bế tắc tại các cuộc thương lượng vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới ( WTO), các hiệp định buôn bán khu vực là lựa chọn tốt hơn đối với  Ấn Độ.

Nhìn chung, quan hệ kinh tế hai bên từ năm 2000 đến năm 2016 đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc so với trước năm 2000 nhưng vẫn chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp, với tiềm năng mong  muốn của hai  bên. Để đẩy mạnh sự hợp tác toàn diện, hai bên cần tích cực tìm ra nguyên nhân cản trở mối quan hệ này và đề ra những giải pháp tháo gỡ thiết thực, hiệu quả.

Về an ninh – quốc phòng

Cùng với những nỗ lực về ngoại giao, sự hợp tác về an ninh quốc phòng với Đông Nam Á cũng được Ấn Độ thúc đẩy mạnh trên cơ sở lợi ích của hai  bên. Trong  bức điện mừng nhân kỷ niệm 30 năm thành lập ASEAN, Thủ tướng Ấn Độ I.K.Gujral đã viết: "Ấn Độ có chung biên giới trên đất liền và trên biển với ASEAN dài hàng trăm kilômet. Là bạn đối thoại đầy đủ và là thành viên ARF, Ấn Độ hiểu và chia sẻ nguyện vọng và những mối quan tâm của ASEAN"[5]. Năm 2001, khi Thủ tướng A.B. Vajpayee tuyên bố tầm nhìn của Ấn Độ về một cơ cấu an ninh mới đối với khu vực Đông Nam Á, ông đã nhấn mạnh tới sự cần thiết "hình thành một môi trường an ninh mới không có đối đầu và căng thẳng", theo đó những vấn đề an ninh phi quân sự sẽ được giải quyết thông qua "biện pháp hợp tác và có tính chất khu vực". Những tuyên bố này được hầu hết các nhà lãnh đạo ASEAN vui mừng đón nhận. Hai bên đã ký một Tuyên bố chung về hợp tác chống khủng bố quốc tế năm 2003. Khủng bố đã là một trở ngại chính về việc thực hiện mục tiêu ổn định khu vực, đặt ra mối đe dọa trực tiếp đến an ninh của cộng đồng và gây cản trở phát triển  kinh tế.

Hiện nay, châu Á được coi là trung tâm có nguy cơ cao về khủng bố; Đông Nam Á là một trong những cơ sở của hoạt động kinh doanh và các mục tiêu tấn công của nhóm cấp tiến cực đoan Hồi giáo. Ấn Độ phải đối mặt với các cuộc tấn công khủng bố chủ yếu vì sự đa dạng của tôn giáo và xung đột trong thời gian dài với Pakixtan. Thành viên các quốc gia ASEAN và Ấn Độ cam kết loại bỏ chủ nghĩa khủng bố trong khu vực. Vì vậy, tiềm năng hợp tác giữa ASEAN và Ấn Độ là rất lớn, sự hợp tác này được thể hiện trong Tuyên bố chung ASEAN - Ấn Độ về hợp tác Phòng chống khủng bố quốc tế nhằm mục đích ngăn chặn, làm gián đoạn và chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế thông qua việc trao đổi thông tin. Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN lần thứ 3 ở Viêng Chăn tháng 11/2004 đã ký kết văn kiện về "Đối tác Ấn Độ - ASEAN vì hòa bình, tiến bộ và cùng chia sẻ thịnh vượng"; Hội  nghị  thượng  đỉnh  lần  thứ 5 diễn ra ở Cebu tháng 1/2007 và lần thứ 7 năm 2008 đã tạo thêm động lực cho mối quan hệ này. Sự phát triển của Ấn Độ đang phụ thuộc vào các tuyến giao thông trên biển, sự an toàn của tuyến đường biển xung quanh ASEAN là điều rất quan trọng đối với Ấn Độ. Ấn Độ hiểu rằng một ASEAN thịnh vượng và ổn định là biện pháp bảo vệ quan trọng tuyến đường biển giữa Ấn Độ và Thái Bình Dương sẽ phục vụ tốt nhất cho lợi ích của mình. "Sự phối hợp giữa Ấn Độ và ASEAN trong việc bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên biển sẽ thúc đẩy sự  an toàn và an ninh hàng hải trong các khu vực đại dương phổ biến, có thể đóng góp cho cả hai phát triển hàng hải và an ninh hàng hải trong khu vực "[6]. (Xem tiếp phần 3)

* Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.


1 Thông tấn xã Việt Nam (2003), Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 2/5/2003

2 Thông tấn xã Việt Nam (2001), Ấn Độ củng cố quan hệ ASEAN, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 16/1/2001

[3] Thông tấn xã Việt Nam (2001), Quan hệ Ấn Độ - ASEAN, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 18/11/2002

[4]Mohit Anand, (2009), India - Asean Relations, www.ipcs.org/pdf_file/issue/SR72-Final.pdf

[5] Trần Thị Lý (chủ biên), (2002), Sự điều chỉnh chính sách của Cộng hòa Ấn Độ từ năm 1991 đến năm 2000, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội

[6] Arianne S. Bobilo and Amirah Penalber (2010), Issues and Challenges in ASEAN – India Relations: Politcal-Security Aspects.

Nguồn:

Cùng chuyên mục