Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Ấn Độ - ASEAN và một số tác động đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI (Phần 4)

Quan hệ Ấn Độ - ASEAN và một số tác động đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI (Phần 4)

Trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI, Ấn Độ như “một con sư tử đang chuyển mình”, đang phấn đấu trở thành một cường quốc khu vực, một cực có vai trò chi phối thế giới nên việc tăng cường quan hệ toàn diện với các nước ASEAN mà với Việt Nam là một ưu tiên hàng đầu; bên cạnh đó, quan hệ toàn diện với Ấn Độ cũng là một trọng điểm của các nước ASEAN.

01:03 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 3)

Quan hệ Độ - ASEAN và một số tác động đến 
quan hệ 
Việt Nam - Độ trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI

PGS, TS Nguyễn Tất Giáp*

 

Như vậy, cả Việt Nam và Ấn Độ đều đi tìm những người bạn trên cơ sở lòng tin và lợi ích chung, cho yêu cầu chiến lược, gần gũi và đáng tin cậy trong nhiều thập kỷ. Với Việt Nam, Ấn Độ là một cường quốc kinh tế đang lên sẽ là điểm kết nối phù hợp cho những quan tâm an ninh và tăng trưởng kinh tế của mình[1].

Thứ tư là: Sức mạnh của văn hóa là nền tảng tinh thần trong sự thẩm thấu, đồng cảm và sẻ chia của hai dân tộc, là tâm tư tình cảm và ý chí, khát vọng về hòa bình và nhân văn cao cả. Qua những tác phẩm văn học - nghệ thuật, triết học và tôn giáo, kiến trúc, điện ảnh, giáo giục và đào tạo… làm khơi dậy và sống động lại về lịch sử Ấn Độ vĩ đại. Đây cũng là sự tiếp nhận và giao thao giữa các nền văn minh, với sự lan tỏa của văn hóa Ấn Độ đến Việt Nam, điều thú vị là những giá trị văn hóa đó được lưu giữ, phát triển và có ảnh hưởng tích cực đối với xã hội Việt Nam, nhất là tư tưởng hòa bình của Phật giáo ở Đông Nam Á.

Trong điều kiện hiện nay, sự kết nối văn minh và văn hóa của nhân loại là nhu cầu tự nhiên, điều này đang diễn ra mạnh mẽ trong quan hệ Ấn Độ - ASEAN nói chung và giữa Việt Nam và Ấn Độ nói riêng sẽ góp phần củng cố hòa bình và thịnh vượng, tạo nên sự tương tác đa chiều trong quan hệ Ấn Độ - ASEAN – Việt Nam.

Thứ năm là: Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng là điểm đầu tiên được đề cập đến trong Tuyên bố chung được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong tháng 10/2014, Ấn Độ tiếp tục khẳng định hợp tác về quốc phòng là một trong những những vấn đề quan trọng nhất giữa hai nước, sẵn sàng cung cấp bất cứ vũ khí quân sự nào mà Việt Nam muốn. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9/2014, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukhejee đã phát biểu “Quan hệ hai nước chưa bao giờ tốt đẹp hơn hiện nay”, trong đó an ninh – quốc phòng là một trong những trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược. . Xu thế cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Đông Nam Á, Chính sách xoay trục của Mỹ sang Châu Á – Thái Bình Dương, trước âm mưu đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, điều này thúc đẩy quan hệ Ấn Độ - ASEAN không chỉ vì lợi ích của mỗi bên, mà còn vì ổn định và thịnh vượng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó vấn đề an ninh là trọng tâm kết nối Ấn Độ - ASEAN trên cơ sở chia sẻ những nhận thức chung.

Đặc biệt là sau khi Tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết cuối cùng trong vụ Philippin kiện Trung Quốc về tranh chấp biển đảo trên Biển Đông. Trung Quốc ngày càng có những hành động quyết đoán trong việc bồi đắp bãi đá, đảo nhân tạo làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông.

Ngày 2/8, trong khuôn khổ cuộc Đối thoại chiến lược Việt - Ấn lần thứ 5, Việt Nam và Ấn Độ đã lên tiếng kêu gọi tuân thủ luật lệ quốc tế trong phán quyết của Trọng tài quốc tế về Biển Đông. Tại cuộc họp do Thứ trưởng Ngại giao Việt Nam Vũ Hồng Nam và Quốc Vụ Khanh phụ trách Phương Đông của Bộ Ngoại giao Ấn Độ Preeti Suran chủ trì, hai bên đã thảo luận nhiều hồ sơ hợp tác song phương về vấn đề an ninh, trong đó những diễn biến mới nhất là “lĩnh vực hàng hải” và nhu cầu giải quyết mọi tranh chấp một cách hòa bình đã được nêu bật. Bản thông cáo về cuộc họp do Bộ Ngoại giao Ấn Độ công bố đã ghi rõ: “Hai bên đã thảo luận về những diễn biến mới đây trong lĩnh vực hàng hải và nhu cầu giải quyết hòa bình mọi tranh chấp trên cơ sở những nguyên tắc luật lệ quốc tế đã được chấp nhận, như được phản ánh trong Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982”. Hai bên còn kêu gọi tất cả các bên có tranh chấp ở Biển Đông phải “thực hiện kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, nhất là không quân sự hóa, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông và sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử”. Về phán quyết của Tòa trọng tài, Bắc kinh từng mập mờ đưa Ấn Độ nằm trong số quốc gia ủng hộ lập trường của Trung Quốc. Theo nhật báo Ấn Độ Hindustan Times ngày 19/7, hành vi bóp méo sự thật của Bắc Kinh đã bị New Dehli phản đối.

Dự kiến tháng 9/2016, Thủ tướng Ấn Độ N. Modi sẽ thăm Việt Nam, đồng thời dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Lào (6-7/9/2016), đây là hoạt đông ngoại giao đa phương, một dấu hiệu cho thấy Ấn Độ muốn thắt chặt quan hệ với đối tác khu vực chủ chốt này trong bối cảnh Trung Quốc đang có những phản ứng sau phán quyết về Biển Đông gần đây của Tòa trọng tài quốc tế.

Các chuyến thăm song phương gần đây cho thấy quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ đang được gia tăng, được đưa ra bởi các phát biểu của lãnh đạo hai nước cũng như triển khai các hoạt động cụ thể. Hai bên tập trung giải ngân khoản tín dụng 100 triệu USD trong lĩnh vực mua sắm quốc phòng và Ấn Độ đẩy mạnh các lớp đào tạo hải quân, kỹ sư tầu ngầm cho Việt Nam đã triển khai trước đó.

Về vấn đề Biển Đông, thái độ của Ấn Độ ngày càng bày tỏ rõ quan điểm dựa trên lập trường truyền thống là giải quyết thông qua các qui định của luật pháp quốc tế theo UNCLOS 1982, cũng trùng hợp với lập trường của Việt Nam và Philippin về giải quyết đa phương trong khi lập trường của Trung Quốc coi đây hoàn toàn là tranh chấp song phương. Nhằm giữ quan điểm truyền thống và cân bằng sau phán quyết của Tòa, Ấn Độ đang tỏ rõ ý muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam.

Thứ sáu là: ASEAN được nhiều nước lớn và các tổ chức quốc tế ngoài khu vực ủng hộ là trung tâm định hướng kết nối các tổ chức liên khu vực. Ấn Độ ủng hộ một ASEAN đoàn kết và thịnh vượng, có vai trò lớn hơn, giữ vị trí cân bằng trong chiến lược cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nước lớn tại khu vực này. ASEAN là đầu tầu trong việc kết nối Á – Âu, Châu Á và Châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam có quan hệ tốt với Ấn Độ, là nhân tố thúc đẩy và là cầu nối Ấn Độ - ASEAN. Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ, là thành viên tích cực, có trách nhiệm với ASEAN và cộng đồng quốc tế. Theo đó, Việt Nam nỗ lực thể hiện trách nhiệm của mình trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI, Ấn Độ như “một con sư tử đang chuyển mình”, đang phấn đấu trở thành một cường quốc khu vực, một cực có vai trò chi phối thế giới nên việc tăng cường quan hệ toàn diện với các nước ASEAN mà với Việt Nam là một ưu tiên hàng đầu; bên cạnh đó, quan hệ toàn diện với Ấn Độ cũng là một trọng điểm của các nước ASEAN. Hiện nay, Việt Nam đang cùng với các nước ASEAN quyết tâm đưa quan hệ ASEAN - Ấn Độ lên tầm cao mới, nhất trí là trong thời gian Việt Nam đảm nhiệm cương vị nước Điều phối quan hệ ASEAN - Ấn Độ từ 8/2015 đến tháng 8/2018. Trên nhiều cơ sở, trên nhiều lĩnh vực, Việt Nam và Ấn Độ luôn tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ ASEAN - Ấn Độ trong thế kỷ XXI và trong tương lai.

* Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

[1] Bhabani Dikshit “Hợp tác Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và một số lĩnh vực khác” (Kỷ yếu hội thảo quốc tế - Hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ: Thực trạng và triển vọng).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Arianne S. Bobilo and Amirah Penalber (2010), Issues and Challenges in ASEAN – India Relations: Politcal-Security Aspects.

2. Bhabani Dikshit “Hợp tác Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ trong lĩnh vực văn hóa, giáodục, đào tạo, khoa học, công nghệ và một số lĩnh vực khác” (Kỷ yếu hội thảo quốc tế - Hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ: Thực trạng và triển vọng)

3. Mohit Anand, (2009), India - Asean Relations, www.ipcs.org/pdf_file/issue/SR72-Final.pdf

4. Tạp chí cộng sản – ASEAN trong “Hành động phía Đông” của Ấn Độ, 30/3/2016

5. PM (Manmohan Singh)’s address at the 5th india – ASEAN Summit Cebu, Philippines, Jannuary 14, 2007.

6. Trần Thị Lý (chủ biên), (2002), Sự điều chỉnh chính sách của Cộng hòa Ấn Độ từ năm 1991 đến năm 2000, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội

luoc-asean-an-do-di-vao-chieu-sau.html

7. Thông tấn xã Việt Nam (2003), Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 2/5/2003

8. Thông tấn xã Việt Nam (2001), Ấn Độ củng cố quan hệ ASEAN, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 16/1/2001

9. Thông tấn xã Việt Nam (2001), Quan hệ Ấn Độ - ASEAN , Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 18/11/2002

Nguồn:

Cùng chuyên mục