Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ chiến lược Ấn Độ - Việt Nam trong thế kỷ XXI (Phần 1)

Quan hệ chiến lược Ấn Độ - Việt Nam trong thế kỷ XXI (Phần 1)

Ấn Độ luôn coi Việt Nam là một người bạn lâu đời và đáng tin cậy. Hiện tại, Hà Nội đang dần trở thành trụ cột trong các hành động hướng về phía Đông của New Delhi. Trong thời gian gần đây, việc tăng cường tiếp xúc chính trị đã được phản ánh qua nhiều chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai bên, quan hệ chiến lược giữa hai nước đã được phản ánh đậm nét trên nhiều phương diện. Cả Việt Nam và Ấn Độ nhận thức được rằng, một Ấn Độ tham gia nhiều hơn trong khu vực cũng sẽ dẫn đến một sự cân bằng ổn định quyền lực trong khu vực hơn.

01:30 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

QUAN HỆ CHIẾN LƯỢC ẤN ĐỘ - VIỆT NAM TRONG THẾ KỶ XXI        

Pramoda Patel*

Ấn Độ luôn coi Việt Nam là một người bạn lâu đời và đáng tin cậy. Trên thực tế, hai nước đã cùng chia sẻ một mối liên kết lịch sử từ thế kỷ thứ 2, khi các thương nhân Ấn Độ đi thuyền qua khu vực Đông Dương. Vương quốc Hindu Champa đã xuất hiện đầu tiên ở khu vực xung quanh Đà Nẵng hiện nay - một thành phố cảng ở miền Trung Việt Nam, trong những năm cuối thế kỷ thứ 2. Người dân ở đây đã du nhập đạo Hindu, sử dụng tiếng Phạn như một ngôn ngữ thiêng liêng và vay mượn rất nhiều từ nghệ thuật Ấn Độ. Cho đến ngày nay, linh hồn của hai dân tộc chúng ta vẫn tiếp tục được kết nối và được dẫn dắt bởi những lời dạy của Đức Phật, điều này không chỉ ảnh hưởng đến cách sống của chúng ta, niềm tin và giá trị của chúng ta, mà còn cả trong cách chúng ta đối xử, xử sự với nhau. Có một thời gian Việt Nam đã là một cái tên thân thuộc với các gia đình Ấn Độ, đặc biệt là ở bang Tây Bengal, nơi đã từng gắn bó với Việt Nam thông qua các khẩu hiệu, “Aamar naam, tomar naam, Việt Nam Việt Nam” (tên của tôi, tên của bạn, Việt Nam, Việt Nam). Ấn Độ tự hào vì đã luôn ủng hộ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước. Và thực tế là, Thủ tướng Ấn Độ, Jawaharlal Nehru, là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Việt Nam sau chiến thắng chống Pháp của nhân dân Việt Nam.

Trong thời gian gần đây, việc tăng cường tiếp xúc chính trị đã được phản ánh qua nhiều chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai bên. Quan hệ thương mại và kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Sự thúc đẩy của Ấn Độ chuyển từ Chính sách Hướng Đông sang Hành động Phía Đông, kết hợp với sự tham gia ngày càng tăng của Việt Nam với khu vực và Ấn Độ đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Việt Nam là một đối tác khu vực quan trọng của Ấn Độ ở Đông Nam Á. Bên cạnh Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại thế giới WTO, hai nước còn hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực khác nhau như ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Hợp tác sông Hằng - Sông Cửu Long, Hội nghị Á - Âu (ASEM).

Việc Việt Nam tham gia vào Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) cũng có nghĩa là để tăng cường an ninh chung thông qua việc liên kết sâu rộng hơn với các nước Đông Dương. Việc Ấn Độ tham gia ARF, ban đầu đã được Trung Quốc ủng hộ, cho thấy Bắc Kinh coi Ấn Độ là một cường quốc độc lập có khả năng cân bằng với Hoa Kỳ trên diễn đàn này[1]. Tuy nhiên, trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) vị trí của Trung Quốc đã thay đổi và phản đối sự gia nhập của Ấn Độ. Trung Quốc nghĩ rằng, điều này sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của mình trong tổ chức. Mặt khác, Trung Quốc cũng lo lắng về sự suy giảm quyền lực bá chủ khu vực của mình do ảnh hưởng của Ấn Độ và sự gần gũi ngày càng tăng giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ. Điều này cho thấy, những ưu tiên của Trung Quốc đối với Ấn Độ đang thay đổi. Do đó, Ấn Độ cần phải liên kết với các nước thân thiện như Việt Nam, những nước ủng hộ cho mục tiêu của Ấn Độ trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, để Ấn Độ có tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề của khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, nhận thức của hai nước về Trung Quốc cũng rõ nét hơn so với những nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Ấn Độ cũng nên liên kết với các quốc gia thuộc ngoại vi chiến lược của Trung Quốc, tương tự như chiến lược của Trung Quốc về tăng cường quan hệ với các quốc gia láng giềng của Ấn Độ. Ấn Độ đã có sáng kiến ​​liên kết các quốc gia lưu vực sông Mekong thông qua các sáng kiến ​​tiểu vùng như Hợp tác Sông Hằng – Sông Mêkong (MGC) và sáng kiến Vùng vịnh Bengal về Hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa khu vực (BIMSTEC). Tuy nhiên, MGC trong vai trò là một tổ chức, đang trên bờ vực của sự dư thừa. Lý do chính cho sự thất bại này là thiếu kinh phí của chính phủ cùng các sáng kiến ​​và sự chủ động theo đuổi sáng kiến Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rông (GMS) của Trung Quốc. Nhưng trong Ủy ban Sông Mêkong, đại diện của Trung Quốc là Vân Nam, điều này nhấn mạnh một thực tế rằng, miền nam Trung Quốc và  Đông Dương có sự hội tụ phát triển, và nó không nên trở thành một công cụ của quyền bá chủ của Trung Quốc trong khu vực[2].

Quan hệ kinh tế và thương mại

Ấn Độ dành cho Việt Nam quy chế “tối huệ quốc” vào năm 1975[3], cả hai nước đã ký kết một hiệp định thương mại song phương trong năm 1978 và Hiệp định Bảo vệ và thúc đẩy đầu tư song phương (BIPPA) vào ngày 8 tháng 3 năm 1997. Hội đồng Hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ đã làm việc để thúc đẩy thương mại và đầu tư từ năm 1993. Năm 2003, hai nước đã ban hành Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm Ấn Độ, và hai nước đang đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do[4]. Năm 2007, một Tuyên bố chung mới đã được ban hành trong chuyến thăm nhà nước của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam[5].

Thương mại song phương đã tăng lên nhanh chóng kể từ khi hai nước Việt Nam và Ấn Độ thực hiện tự do hóa nền kinh tế. Ấn Độ là nước xuất khẩu sang Việt Nam lớn thứ 13, với kim ngạch xuất khẩu đã tăng đều từ 11,5 triệu USD trong giai đoạn 1985-86 đến 395,68 triệu USD vào năm 2003. Xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đã tăng lên 180 triệu USD, bao gồm nông sản, thủ công mỹ nghệ, dệt may, điện tử và các hàng hoá khác. Giữa năm 2001 và 2006, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 20-30% mỗi năm, đạt 1 tỷ USD vào năm 2006[6]. Ấn Độ và Việt Nam cũng đã mở rộng hợp tác trong công nghệ thông tin, giáo dục và hợp tác trong các chương trình không gian quốc gia. Liên kết đường bay thẳng và việc nới lỏng các quy định visa đã thúc đẩy ngành du lịch phát triển[7]. Năm 2010, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ có hiệu lực, thương mại song phương đã bùng nổ với 3,917 tỷ USD vào cuối năm 2012, Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ 1,7 tỷ USD vào năm 2012, tăng 56,5% so với năm 2011. Thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đã tăng trưởng liên tục trong vài năm qua. Ấn Độ hiện nay là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Theo số liệu chính thức của Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại chạm mức 3,94 tỷ USD trong năm 2012. Theo số liệu chính thức của Ấn Độ, thương mại song phương chạm 6,1 tỷ USD trong năm 2012. Sự khác biệt này là do, trên thực tế, dữ liệu phía Việt Nam không bao gồm phần xuất khẩu/nhập khẩu với Ấn Độ chuyển qua nước thứ ba, chẳng hạn như Singapore hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba thông qua Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2013, thương mại hai chiều đã tăng 39% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu của Ấn Độ đạt 2,1 USD, tăng 31% trong khi xuất khẩu từ Việt Nam là 1,84 tỷ USD, tăng 49%. Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Ấn Độ vào tháng 11 năm 2013, hai bên đã thay đổi mục tiêu thương mại từ 7 tỷ USD năm 2015 thành 15 tỷ USD năm 2020.

Việt Nam tiếp tục là một điểm đầu tư hấp dẫn cho các công ty Ấn Độ. Tính đến tháng 6 năm 2013, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài của Việt Nam, Ấn Độ có 73 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 252,21 triệu USD. Nếu bao gồm cả đầu tư của các công ty Ấn Độ từ các nước thứ ba, ước tính tổng vốn đầu tư của Ấn Độ rơi vào khoảng 936,23 triệu USD. Các công ty Ấn Độ đang đầu tư vào các lĩnh vực thăm dò dầu khí; thăm dò khoáng sản; chế biến, sản xuất đường; hóa chất nông nghiệp; công nghệ thông tin và chế biến nông nghiệp. Việt Nam có ba dự án đầu tư tại Ấn Độ với tổng vốn đầu tư 23,6 triệu USD[8]. Năm 2015, thương mại song phương đứng ở mức 7 tỷ USD và hai quốc gia đã nhất trí đạt mục tiêu 20 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam tiếp tục là một điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các công ty Ấn Độ. Ấn Độ được xếp hạng là nhà đầu tư lớn thứ 27 tại Việt Nam với 141 dự án và với vốn đăng ký là 630,49 triệu USD. Tuy nhiên, nếu bao gồm cả đầu tư của các công ty Ấn Độ từ các nước thứ ba thì tổng vốn đầu tư ​​của Ấn Độ vượt qua con số 1 tỷ USD của Mỹ. Công ty Ấn Độ đang đầu tư vào thăm dò dầu khí, thăm dò khoáng sản, chế biến, sản xuất đường, hóa chất nông nghiệp, công nghệ thông tin và chế biến nông nghiệp. Ngoài ra Tập đoàn TATA đã được phân bổ một dự án 2,1 tỷ USD trong nhà máy nhiệt điện tại tỉnh Sóc Trăng. Việt Nam cũng có ba dự án đầu tư tại Ấn Độ với tổng vốn đầu tư 23,6 triệu USD. Một số nhà đầu tư lớn chủ chốt của Ấn Độ ở Việt Nam là ONGC Videsh Ltd (OVL), NIVL Ltd, KCP Industries Limited, Sản xuất Cà phê Ngon, Tech Mahindra, CCL. (Xem tiếp phần 2)

 


Tổng Biên tập Tạp chí quốc tế NAM Today, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, New Delhi, Ấn Độ

[1] Ralf Emmers, An ninh hợp tác và Cân bằng quyền lực trong ASEAN và ARF, Routledge Curzon, London, 2003, p.33. Xem International Institute of Strategic Studies (IISS), Điều tra chiến lược: 1996/1997, IISS, London, tháng 4 năm 1997, tr.193.

[2] Evelyn Goh, Khu vực Mekong: Chủ nghĩa khu vực và an ninh khu vực ở khu vực Trung Quốc – Đông Nam Á.

[3] “Việt Nam ủng hộ AFTA với Ấn Độ”, The Hindu, 07/07/2007.

[4] “Thương mại với Ấn Độ đạt đến 2 tỷ USD vào năm 2008”, Tài chính doanh nghiệp Việt Nam, 3/5/2008.

[5] “Việt Nam - Ấn Độ: Phát triển quan hệ Đối tác chiến lược”, Asian Affairs.

[6] “Ấn Độ, Việt Nam bắt đầu các đường bay thẳng”, The Hindu Business Line, 18/10/2004.

[7] Bộ Ngoại giao, Chính phủ Ấn Độ.

[8] Bộ Ngoại giao, Chính phủ Ấn Độ. https://www.mea.gov.in/Portal/ForeignRelation/Vietnam_Dec_2013.

Nguồn:

Cùng chuyên mục