Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ và ý nghĩa của nó (Phần 1)
Bài viết tập trung làm rõ sự những bước phát triển của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ từ năm 2007 trong sự so sánh với một số quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và quan hệ chiến lược của Việt Nam với một số đối tác trên các lĩnh vực hợp tác, cụ thể là trong lĩnh vực chính trị và quốc phòng. Ý nghĩa của mối quan hệ này đối với quan hệ quốc tế của Việt Nam cũng sẽ được phân tích trong bài viết.
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ và ý nghĩa của nó*
TS Võ Xuân Vinh**
Năm 2007, trong chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới Ấn Độ, Việt Nam và Ấn Độ đã nhất trí nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước từ quan hệ đối tác hợp tác toàn diện (thiết lập từ năm 2003) lên quan hệ đối tác chiến lược. Nội dung của mối quan hệ đối tác chiến lược bao gồm các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa, khoa học và công nghệ. Hai bên cũng nhất trí hướng hợp tác trong các diễn đàn khu vực và đa phương. Năm 2013, trong chuyến viếng thăm nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee, Việt Nam và Ấn Độ thống nhất tập trung phát triển quan hệ chiến lược trên các lĩnh vực chính trị và an ninh, kinh tế, khoa học và công nghệ, văn hóa và nhân dân, công nghệ cũng như hợp tác trên các diễn đàn khu vực và đa phương.
Bài viết tập trung làm rõ sự những bước phát triển của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ từ năm 2007 trong sự so sánh với một số quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và quan hệ chiến lược của Việt Nam với một số đối tác trên các lĩnh vực hợp tác, cụ thể là trong lĩnh vực chính trị và quốc phòng. Ý nghĩa của mối quan hệ này đối với quan hệ quốc tế của Việt Nam cũng sẽ được phân tích trong bài viết.
Hợp tác chính trị và quân sự giữa hai nước
Năm 2001, Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược đầu tiên với Nga. Đối tác chiến lược thứ hai của Việt Nam là Nhật Bản (2006). Mặc dù quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ được hình thành vào năm 2007, nhưng trước đó, trong Tuyên bố chung năm 2003 về Khung khổ Hợp tác toàn diện giữa Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiến vào thế kỷ XXI, các lãnh đạo của Việt Nam và Ấn Độ đã “nhận thức được tầm quan trọng chiến lược của hợp tác song phương giữa hai nước”. Hai bên thể hiện “nỗ lực của mình trong việc phát triển đường hướng chiến lược cho mối quan hệ đối tác của mình vì lợi ích của hai dân tộc, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới”[1].
Không giống như các mối quan hệ chiến lược, thậm chí là các mối quan hệ chiến lược toàn diện khác, Việt Nam và Ấn Độ đã đạt được sự tin tưởng mạnh mẽ ở nhau trong nhiều thập kỷ qua. Đơn cử, mặc dù Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2008 nhưng hai nước vẫn phải nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc “tăng cường lòng tin toàn diện lẫn nhau”[2]. Trong Tuyên bố chung giữa Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn sang và Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 7/2013, “việc làm sâu sắc thêm lòng tin lẫn nhau” giữa Việt Nam và Mỹ cũng đã được nhấn mạnh[3]. Ngược lại, quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ dựa trên cơ sở “mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hiểu biết lẫn nhau, tin tưởng mạnh mẽ, ủng hộ và hội tụ các quan điểm về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế”[4]. Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee thậm chí còn miêu tả rằng, “quan hệ chính trị giữa Ấn Độ và Việt Nam luôn mạnh mẽ và không một gợn mây”[5]. Đây chính là nền tảng quan trọng nhất cho sự hợp tác chiến lược giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong các lĩnh vực chính trị và quân sự.
Hợp tác chính trị
Việt Nam và Ấn Độ đã đạt được những bước tiến bộ quan trọng trong lĩnh vực hợp tác chính trị. Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ năm 2007 nhấn mạnh rằng, hai bên “thống nhất thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược ở cấp thứ trưởng ngoại giao”[6]. Kết quả là, đối thoại chiến lược lần đầu tiên giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ vào ngày 15/10/2009. Đối thoại chiến lược lần thứ hai và cuộc họp tham vấn chính trị lần thứ năm giữa hai nước đã được tổ chức vào tháng 8/2011. Điều đáng chú ý là trong đối thoại chiến lược lần thứ hai và cuộc họp tham vấn chính trị lần thứ năm, các quan chức của cả hai nước đã trao đổi quan điểm về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, vấn đề rất ít khi được đề cập trong các cuộc họp song phương giữa hai nước trước đó. Trong cuộc đối thoại chiến lược này, hai bên cũng đã thảo luận về hợp tác song phương trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là quân sự và an ninh, công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, và các phương thức nhằm củng cố và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ[7]. Tháng 4/2014, hai nước tổ chức cuộc họp tham vấn chính trị lần thứ sáu và đối thoại chiến lược lần thứ ba. Trong các cuộc họp này, cả Việt Nam và Ấn Độ đều nhất trí về việc có những bước đi cụ thể để phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước dựa trên năm trụ cột là chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế, khoa học công nghệ và văn hóa - giáo dục. Cũng cần nói thêm rằng, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore) có các cuộc đối thoại chiến lược song phương với Ấn Độ trong những năm gần đây. Ngoài đối thoại chiến lược và tham vấn chính trị, Việt Nam và Ấn Độ cũng đã thống nhất có các cuộc đối thoại quốc phòng giữa hai nước ở cấp bộ trưởng quốc phòng.
Trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, Việt Nam và Ấn Độ đã và đang có sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho nhau trong các vấn đề chính trị chiến lược. Việt Nam ủng hộ Chính sách Hướng (hành động phía) Đông của Ấn Độ và sự can dự của Ấn Độ vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua các cơ chế hợp tác khu vực. Việt Nam cũng ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi tổ chức này được cải cách và mở rộng. Về phần mình, Ấn Độ ủng hộ việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). (Xem tiếp phần 2)
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Một phần của bài viết này là một trong những nội dung của tham luận “Quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - Việt Nam: Một quan điểm từ Việt Nam” của tác giả trình bày tại Hội nghị An ninh châu Á lần thứ 17 được tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ từ ngày 11-13/2/2015.
** Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
[1] Joint Declaration on the Framework of Comprehensive Cooperation between the Republic of India and the Socialist Republic of Vietnam as they enter the 21st Century, May 01, 2003, http://www.mea.gov.in/bilateral-documents.htm?dtl/7658/Joint_Declaration_on_the_Framework_of_Comprehensive_Cooperation_between_the_Republic_of_India_and_the_Socialist_Republic_of_Vietnam_as_they_enter_the_
[2] Vietnam-China Joint Declaration (in Vietnamese), June 2, 2008, http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-198423.html (accessed January 15, 2015).
[3] Joint Statement by President Barack Obama of the United States of America and President Truong Tan Sang of the Socialist Republic of Vietnam, July 25, 2013, http://www.whitehouse.gov/the-press-office/2013/07/25/joint-statement-president-barack-obama-united-states-america-and-preside
[4] Joint Statement on the State Visit of Prime Minister of the Socialist Republic of Vietnam to India (October 27-28, 2014), October 28, 2014, http://www.mea.gov.in/bilateral-documents.htm?dtl/24142/Joint_Statement_on_the_State_Visit_of_Prime_Minister_of_the_Socialist_Republic_of_Vietnam_to_India_October_2728_2014
[5] Statement to the Media by President on return from Vietnam (17th September 2014), http://www.mea.gov.in/Speeches-Statements.htm?dtl/24010/Statement_to_the_Media_by_President_on_return_from_Vietnam_17th_September_2014
[6] Vietnam - India joint declaration on strategic partnership, http://www.mofa.gov.vn/en/nr040807104143/nr040807105001/ns070709164916#IhrFZb14XT4F
[7] VN, India hold second strategic dialogue, 09/08/2011, http://news.gov.vn/Home/VN-India-hold-second-strategic-dialogue/20118/11290.vgp
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục