Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ và ý nghĩa của nó (Phần 2)

Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ và ý nghĩa của nó (Phần 2)

Bài viết tập trung làm rõ sự những bước phát triển của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ từ năm 2007 trong sự so sánh với một số quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và quan hệ chiến lược của Việt Nam với một số đối tác trên các lĩnh vực hợp tác, cụ thể là trong lĩnh vực chính trị và quốc phòng. Ý nghĩa của mối quan hệ này đối với quan hệ quốc tế của Việt Nam cũng sẽ được phân tích trong bài viết.

01:17 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Xem tiếp phần 1)

Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ và ý nghĩa của nó

TS Võ Xuân Vinh*

Coi Ấn Độ là một đối tác chiến lược quan trọng của mình, Việt Nam đã và đang là một người bạn đáng tin cậy của Ấn Độ trong các diễn đàn khu vực và quốc tế. Ở cấp độ khu vực, Việt Nam ủng hộ Ấn Độ can dự sâu vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam rất nhiều lần lên tiếng ủng hộ Chính sách Hướng (hành động phía) Đông, chính sách ra đời vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, của Ấn Độ. Nhờ sự ủng hộ của Việt Nam và các nước đối tác khác của Ấn Độ ở châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ đã có sự hiện diện ngày càng tăng trong các cơ chế hợp tác ở khu vực. Năm 2002, Hôi nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ được tổ chức ở Phnom Penh, Campuchia. Cũng cần nói thêm rằng, năm 1999, Ấn Độ đề xuất tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ. Về mặt địa lý, Ấn Độ không phải là nước thuộc khu vực Đông Á. Tuy vậy, Ấn Độ là một trong 16 nước thành viên chính thức của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) được tổ chức lần đầu tiên ở Kuala Lumpur, Malaysia vào năm 2005. Ấn Độ cũng là thành viên chính thức của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) được tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2010. Trước đó, Ấn Độ trở thành thành viên của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vào năm 1996. Hiện nay, Ấn Độ cùng với các nước thành viên EAS (trừ Mỹ và Liên bang Nga) đang đàm phán (các cuộc đàm phán được khởi động từ tháng 11/2012) để đạt được Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Về mặt chiến lược, với việc có quan hệ hợp tác với Việt Nam, hải quân Ấn Độ đã có sự hiện diện thường xuyên ở Biển Đông. Các cuộc viếng thăm hữu nghị thường xuyên tới Việt Nam của các tàu hải quân Ấn Độ, đặc biệt là tới Hải Phòng, đã đưa đến quan điểm cho rằng, những cuộc viếng thăm này “sẽ trao cho Ấn Độ chìa khóa để có sự hiện diện bền vững ở Biển Đông”[1]. Kể từ năm 2007, Ấn Độ đã bắt đầu có các cuộc tập trận hải quân song phương và đa phương với các nước ven Biển Đông và các dối tác khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hải quân Ấn Độ đã có cuộc tập trận chung với Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và Hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương vào năm 2007. Cũng trong năm này, Ấn Độ và Hàn Quốc đã quyết định tổ chức tập trận hải quân thường niên[2]. Tháng 6/2012, Ấn Độ và Nhật Bản lần đầu tiên tổ chức tập trận trên biển song phương ngoài khơi Tokyo[3]. Năm 2010, khu vực được chứng kiến sự triển khai có quy mô các chuyến viếng thăm hải quân cũng như tập trận của hải quân Ấn Độ tới một số nước ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và Thái Bình Dương nói chung. Cuối tháng 5 và đầu tháng 6 năm 2010, hải quân nước này đã triển khai một biên đội tàu gồm 4 chiếc gồm tàu khu trục gắn tên lửa điều khiển INS Rana, tàu khu trục gắn tên lửa điều khiển Ranjit, tàu tiếp nhiên liệu Jyoti và tàu hộ tống mang tên lửa Kulish đến một số nước ở Đông Nam Á và Australia. Đây là đợt triển khai có quy mô nhất của hải quân Ấn Độ tới khu vực, mang trên mình hai nhiệm vụ là viếng thăm hữu nghị và tập trận hải quân chung với một số nước. Các tàu của hải quân Ấn Độ đã thực hiện các cuộc tập trận song phương với hải quân của ba nước là Indonesia, Singapore và Australia. Các thành viên trong đội tàu cũng được phân công viếng thăm hữu nghị các cảng như Hải Phòng (Việt Nam), Manila (Philippin), Muara (Brunei), Bangkok (Thái Lan), Fremantle (Australia), Singapore và cảng Kelang (Malaysia)[4].

Ở cấp độ quốc tế, Việt Nam trước sau như một là nước kiên trì ủng hộ việc cải cách Liên hợp quốc cũng như các cơ quan chủ chốt của tổ chức này, bao gồm Hội đồng Bảo an, cũng như nỗ lực của Ấn Độ trong việc trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Quan điểm này được thể hiện rõ vào năm 2007 khi tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước khẳng định Việt Nam kiên trì ủng hộ Ấn Độ trong việc ứng cử làm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an khi cơ quan này được mở rộng[5]. Trước đó, kể từ khi hai nước chưa chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược thì trong tuyên bố chung vào năm 2003, Việt Nam đã khẳng định “luôn đánh giá cao vai trò truyền thống của Ấn Độ trong Liên hợp quốc và ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Bảo an mở rộng”[6]. Gần đây, trong tuyên bố chung nhân chuyến thăm tới Ấn Độ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (27-28/10/2014), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thể hiện sự biết ơn về sự ủng hộ kiên trì của Việt Nam đối với nỗ lực trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an khi cơ quan này được mở rộng…[7]. Cũng trong tuyên bố chung này, hai lãnh đạo của hai nước đã tái khẳng định ủng hộ nhau cho vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, cụ thể là cho Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2021 và cho Ấn Độ nhiệm kỳ 2021 - 2022. Ấn Độ cũng nhất trí hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng năng lực để tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Do nhìn nhận Việt Nam là một đối tác chiến lược tin cậy và ưu tiên, và là một trụ cột quan trọng của Chính sách Hướng (hành động phía) Đông của mình, Ấn Độ[8] đã tích cực ủng hộ Việt Nam trong các vấn đề chính trị chiến lược. Ngoài việc bán cho Việt Nam các trang thiết bị quân sự và vũ khí chiến lược, đào tạo thủy thủ tàu ngầm và phi công vận hành máy bay chiến đấu Sukhoi, Ấn Độ cũng đã lên tiếng ủng hộ việc áp dụng và tuân thủ luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Quan điểm của Ấn Độ trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông là: (1) khẳng định rằng, bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp; (2) ủng hộ việc giải quyết tranh chấp thông qua các phương thức hòa bình phù hợp với các nguyên tắc được công nhận phổ quát của luật pháp quốc tế; (3) lên tiếng bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; (4) ủng hộ tiếp cận quốc tế trong tranh chấp Biển Đông; (5) tiếp tục các hoạt động thăm dò dầu khí ở lô 128 do Việt Nam cấp phép; và (6) sẵn sàng triển khai lực lượng hải quân ở Biển Đông để bảo vệ các lợi ích của Ấn Độ ở đây một khi các lợi ích này bị đe dọa.

Ấn Độ thể hiện sự kiên quyết trong quan điểm của mình về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông khi nước này khẳng định rõ ràng rằng, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở Biển Đông, đặc biệt là sự phản đối của Trung Quốc đối với hoạt động thăm dò dầu khí của OVL trong EEZ của Việt Nam là “không có cơ sở pháp lý” bởi các lô này thuộc về Việt Nam[9]. Liên quan đến căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Scarborough, Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 10/5/2012 khẳng định rằng, Ấn Độ “luôn theo dõi sát sao những bước phát triển gần đây liên quan đến Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông. Việc duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực là lợi ích cốt lõi của cộng đồng quốc tế. Ấn Độ đề nghị hai nước kiềm chế và giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”.[10] Bất chấp sự phản đối, thậm chí là cảnh báo phi lý và phi pháp của Trung Quốc[11], Ấn Độ tiếp tục các hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt trong lô 128 do Việt Nam cấp phép.

Kể từ đầu tháng 9/2011, Bộ Ngoại giao Ấn Độ bắt đầu có các tuyên bố thể hiện quan điểm rõ ràng của nước này về tranh chấp ở Biển Đông. Trả lời cầu hỏi liên quan đến sự kiện INS Aivarat ở Biển Đông vào tháng 7/2011, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã phát biểu vào tháng 9/2011 rằng, “Ấn Độ ủng hộ tự do hoàng hải trong các vùng biển quốc tế, bao gồm Biển Đông, và quyền đi lại phù hợp với các nguyên tắc được chấp nhận của luật pháp quốc tế. Những nguyên tắc này cần được tất cả các bên tôn trọng”.[12] Ấn Độ giữ quan điểm giải quyết tranh chấp hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ vào ngày 16/9/2011 khẳng định rằng, New Delhi “ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông và hy vọng rằng, tất cả các bên liên quan đến tranh chấp sẽ tuân thủ Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC) 2002”.[13] Gần đây, trong một tuyên bố chung, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nhất trí rằng, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông không được bị cản trở, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh đe dọa dùng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Hai nhà lãnh đạo cũng hoan nghênh việc các bên liên quan đã có cam kết tập thể nhằm tuân thủ và thực hiện DOC và nỗ lực hướng tới đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông trên cơ sở đồng thuận. Hai nhà lãnh đạo kêu gọi hợp tác để đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển, an toàn và an ninh trên biển, chống khủng bố, tiến hành các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn. (Xem tiếp phần 3)

* Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.


[1] India set to drop anchor off China, Deccan Chronicle, Nov 13, 2012,

http://www.deccanchronicle.com/channels/nation/north/india-set-drop-anchor-china-764

[2] India, S Korea to hold joint naval exercise, Outlookindia.com, May 31, 2007, http://news.outlookindia.com/items.aspx?artid=477589

[3] India, Japan to hold first joint naval exercise today, ZEENEWS.com, June 09, 2012, http://zeenews.india.com/news/nation/indo-japan-first-joint-naval-exercise-today_780682.html

[4] India sends four warships on eastward deployment, The Indian Express, May 25 2010, http://www.indianexpress.com/news/india-sends-four-warships-on-eastward-deployment/623512

[5] Viet Nam, India issue joint declaration on strategic partnership, July 6, 2007, http://www.vietnamembassy-myanmar.org/en/vnemb.vn/tin_hddn/ns070709073902/

[6] Joint Declaration on the Framework of Comprehensive Cooperation between the Republic of India and the Socialist Republic of Vietnam as they enter the 21st Century, May 01, 2003, 

[7] Joint Statement on the State Visit of Prime Minister of the Socialist Republic of Vietnam to India (October 27-28, 2014),  

[8] Prime Minister’s Statement to the Media during the State Visit of General Secretary of the Communist Party of Vietnam, November 20, 2013, 

[9] China objects to oil hunt, India says back off, Hindustan Times, September 15, 2011,

http://www.hindustantimes.com/China-objects-to-oil-hunt-India-says-back-off/H1-Article1-745854.aspx

[10] Ministry of Foreign Affairs of India, Recent developments in South China Sea, Press Briefings, May 10, 2012

[11] China to react if India seeks oil in South China Sea, The Economic Times, August 1, 2012.

[12] Ministry of Foreign Affairs of India, Incident involving INS Airavat in South China Sea, Press Briefings, September 01, 2011

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục