Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ hợp tác quốc phòng và đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam (Phần 1)

Quan hệ hợp tác quốc phòng và đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam (Phần 1)

Mặc dù Ấn Độ có nhiều mối quan hệ xã hội, kinh tế và chiến lược với hầu hết các nước Đông Nam Á nhưng Việt Nam vẫn là đối tác quan trọng nhất xét về lợi ích an ninh của Ấn Độ. Với bối cảnh chiến lược đang thay đổi nhanh chóng trong khu vực cùng với những thách thức ngày càng gia tăng mà Việt Nam phải đối mặt, Ấn Độ có thể đóng một vai trò lớn hơn trong việc củng cố vị trí chiến lược khu vực thông qua tiếp cận gần hơn với Việt Nam trong lĩnh vực chiến lược và quốc phòng.

01:35 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

QUAN HỆ HỢP TÁC QUỐC PHÒNG VÀ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC GIỮA ẤN ĐỘ VÀ VIỆT NAM

TS Dhrubajyoti Bhattacharjee*

Ấn Độ và các quốc gia ở Đông Nam Á có mối liên kết sâu sắc từ lâu trong lịch sử. Mặc dù Ấn Độ có nhiều mối quan hệ xã hội, kinh tế và chiến lược với hầu hết các nước Đông Nam Á nhưng Việt Nam vẫn là đối tác quan trọng nhất xét về lợi ích an ninh của Ấn Độ. Việt Nam là đối tác thực chất về an ninh lâu dài nhất của Ấn Độ và mối quan hệ này vẫn vô cùng mạnh mẽ.

Ngày nay, hợp tác quốc phòng và đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ đã đạt được các cam kết tích cực. Chính phủ Ấn Độ cung cấp dòng tín dụng trị giá 100 triệu đô la Mỹ năm 2015 để giúp Việt Nam mua sắm quốc phòng và hiện đại hóa lực lượng vũ trang, bao gồm đào tạo thủy thủ tàu ngầm.[1] Dòng tín dụng này hiện đang được Việt Nam sử dụng để mua 4 chiếc tàu tuần tra xa bờ (OPV) cho lực lượng bảo vệ biên bờ biển của nước này.[2]

Ấn Độ đảm bảo cam kết toàn bộ với Việt Nam về quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trong một cuộc gặp mặt giữa nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tháng 5 năm 2015 tại New Delhi. Ngày 27-28 tháng 10 năm 2014, Thủ tướng tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng tới thăm Ấn Độ. Trong chuyến thăm này, Ấn Độ đồng ý cung cấp 4 tàu tuần tra hải quân cho Việt Nam, tăng mức độ đào đạo sỹ quan quân đội và tăng sự tham gia của Ấn Độ trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam. Việc Ấn Độ bán cho Việt Nam tên lửa hành trình Brahmos do Ấn Độ và Nga đồng phát triển cũng được đưa ra thảo luận trong chuyến thăm này.[3] Sự tham gia của Ấn Độ vào Hiệp ước Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR) sẽ hợp pháp hóa và thúc đẩy quá trình bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam. Cùng với Việt Nam, một số nước như Philippines, Hàn Quốc, An-giê-ri, Hy Lạp, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Singapore, Venezuela và Bun-ga-ri cũng thể hiện mong muốn mua tên lửa này[4]. Năm nay, người ta dự đoán rằng một trong những quốc gia ở Châu Á – Thái Bình Dương sẽ là nước đầu tiên nhận tên lửa BrahMos và có vẻ như là Việt Nam chính là quốc gia đó.

Cam kết chiến lược gần đây với Việt Nam đã được nhiều nhà phân tích xem như là ước muốn của Ấn Độ nhằm bảo vệ các khoản đầu tư của mình vào các khu khai thác dầu mỏ ngoài thềm lục địa Việt Nam, trong khi tăng cường sức mạnh hải quân của nước này.

Năm 2007, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới Ấn Độ, Việt Nam và Ấn Độ đã đồng ý nâng tầm hợp tác toàn diện đưa ra vào năm 2003 giữa hai nước lên thành quan hệ đối tác chiến lược. Quan hệ đối tác chiến lược bao gồm quan hệ song phương về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa, khoa học và công nghệ và hướng sự hợp tác giữa hai nước trong các diễn đàn khu vực và đa phương. Cả hai bên thể hiện “nỗ lực của mình trong việc phát triển đường hướng chiến lược cho mối quan hệ đối tác của mình vì lợi ích của hai dân tộc, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới”[5].

Quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ được dựa trên cơ sở “mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hiểu biết lẫn  nhau, tin tưởng mạnh mẽ, ủng hộ và hội tụ các quan điểm về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế”[6]. Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ năm 2007 khẳng định rằng cả hai nước “thống nhất thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược ở cấp thứ trưởng ngoại giao” và hoạt động này đã diễn ra khá là thường xuyên[7].

Lợi ích chiến lược và lợi ích thương mại của Ấn Độ

Ấn Độ trở thành một phần của cuộc tranh chấp tại khu vực Biển Đông thông qua Việt Nam. Ấn Độ ký một hiệp định với Việt Nam vào tháng 10 năm 2011 để mở rộng và thúc đẩy thăm dò dầu mỏ ở Biển Đông và sau đó tái khẳng định quyết định của mình sẽ tiếp tục hoạt động thăm dò mặc dù vấp phải sự phản đối của Trung Quốc về tính hợp pháp của sự hiện diện của Ấn Độ. Bắc Kinh nói rằng New Delhi cần phải được sự cho phép của nước này đối với các công ty dầu mỏ và khí đốt do nhà nước sở hữu của Ấn Độ để khai thác năng lượng tại hai lô ở Biển Đông mà Trung Quốc khẳng định là hải phận của mình. Để đối phó với bước chuyển đó, Trung Quốc dựng lên cùng lô dầu mà Việt Nam đã cho Ấn Độ thuê để đấu thầu quốc tế[8]. Tuy nhiên Việt Nam nhanh chóng trích Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai lô dầu còn đang tranh chấp.

Ấn Độ quyết định ủng hộ khẳng định của Hà Nội và nhận lời mời của Việt Nam để thăm dò dầu mỏ và khí đốt tại lô 127 và lô 128. Công ty dầu khí do nhà nước sở hữu ONGC Videsh Ltd của Ấn Độ đã tham gia vào chương trình thăm dò này.

Ấn Độ và Việt Nam đã trao cho nhau các hỗ trợ khác về mặt ngoại giao và thể chế, thậm chí là hi sinh quan hệ với các nước khác. Khi Việt Nam vào giải phóng Campuchia năm 1978 và hất cẳng chế độ độc tài Khmer đỏ, hành động đó đã bị lên án mạnh mẽ bởi Mỹ, Trung Quốc và ASEAN. Sự hỗ trợ về mặt ngoại giao của Ấn Độ dành cho Việt Nam gây ra xích mích với hầu hết các nước Đông Nam Á khác trong hơn một thập kỷ. Về phần mình, Việt Nam là một trong những quốc gia duy nhất trên thế giới ủng hộ vụ thử vũ khí hạt nhân năm 1998 của Ấn Độ. Việt Nam là là người ủng hộ sớm cho việc Ấn Độ trở thành ứng viên cho một ghế thường thực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ủng hộ quyết định của Ấn Độ trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á năm 2005, và đã có lúc giúp ngăn cản sự tham dự của Pakistan trong Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Ấn Độ ủng hộ sự tham gia của Việt Nam vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và giúp đỡ Việt Nam đảm bảo một ghế không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2007.[9] (Xem tiếp phần 2)


* Nghiên cứu sinh tại Hội đồng Các vấn đề Thế giới của Ấn Độ (ICWA), New Delhi

[1] Vivek Mishra, “Modi’s Asia Pacific Push”, Center for International Maritime Security, April 28, 2016, http://cimsec.org/modis-asia-pacific-push/24919.

[2] “Parrikar holds talks with Vietnamese President, Prime Minister and Defence minister”, The Indian Express, June 6, 2016, http://indianexpress.com/article/india/india-news-india/manohar-parrikar-vietnam-president-prime-defence-ministe r-military-india-2838016/; Scott Cheney-Peters, “India’s Maritime Acts inthe East”, Asia Maritime Transperancy Initiative, June 18, 2015, https://amti.csis.org/indias-maritime-acts-in-the-east/

[3] Joint Statement on the State Visit of Prime Minister of the Socialist Republic of Vietnam to India (October 27- 28, 2014), Ministry of External Affairs, October 28, 2014, http://www.mea.gov.in/bilateraldocuments.htm?dtl/24142/Joint+Statement+on+the+State+

[4] “India's Missile Technology Group Entry May Be Cause Of Worry For China, Say Strategists”, NDTV, July 02,

2016, http://www.ndtv.com/india-news/indias-missile-technology-group-entry-may-be-cause-of-worry-for-china-say-strategists-1427140

[5] Ministry of External Affairs (Government of India), Joint Declaration on the Framework of Comprehensive Cooperation between the Republic of India and the Socialist Republic of Vietnam as they enter the 21st Century, May 01, 2003.

[6] Ministry of External Affairs (Government of India), Joint Statement on the State Visit of Prime Minister of the Socialist Republic of Vietnam to India (October 27-28, 2014), October 28, 2014, at http://www.mea.gov.in/bilateral-

documents.htm?dtl/24142/Joint_Statement_on_the_State_Visit_of_Prime_Minister_of_the_Socialist_Republic_of_Vietnam_to_India_October_2728 _2014

[7] Ministry of Foreign Affairs (Socialist Republic of Vietnam), Vietnam - India joint declaration on strategic partnership, http://www.mofa.gov.vn/en /nr040807104143/nr040807105001/ns070709164916#IhrFZb14XT4F

[8] Harsh V. Pant, “South China Sea: New Arena of Sino-Indian Rivalry,” Yale Global, August 2, 2012

[9] Iskander Rehman, “The Indo-Vietnamese Strategic Partnership,” BBC World Backgrounder, September 17, 2009 ; Nhan Dan, “India, Vietnam Pledge Closer Strategic Ties”, Vietnam Communist Government News, July 7, 2007 ; Ambassador Rajiv Bhatia, “Statement at the Inaugural Session Seminar on India-Vietnam Strategic Partnership: Future Directions,” Hanoi: Indian Council of World Affairs, July 17, 2012 ; and “Vietnam -India Strategic Partnership in Spotlight,” VietNamNet, July 18, 2012

Nguồn:

Cùng chuyên mục