Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt - Ấn: Cần thêm lực đẩy trong trụ cột kinh tế

Quan hệ Việt - Ấn: Cần thêm lực đẩy trong trụ cột kinh tế

Quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Ấn Độ, do chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Thủ tướng Jawaharlal Nehru tạo dựng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2007, quan hệ hai nước càng phát triển mạnh mẽ hơn, vươn ra những hướng mới, thể hiện sự hội tụ lợi ích chiến lược ngày càng gia tăng. Nhiều điểm tương đồng về cơ hội, cũng như thách thức trong một môi trường thế giới luôn biến động đã thúc đẩy hai nước gắn chặt với nhau hơn trên nhiều lĩnh vực, trong đó, kinh tế - thương mại được coi là một trong năm trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược.

01:23 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

QUAN HỆ VIỆT - ẤN: CẦN THÊM LỰC ĐẨY TRONG TRỤ CỘT KINH TẾ

Nguyễn Thị Lý*

1. Quan hệ kinh tế: Thực trạng và tiềm năng

a. Thực trạng

Bên cạnh hợp tác về chính trị, an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ, văn hóa - giáo dục, kinh tế - thương mại là trụ cột quan trọng, là mục tiêu chiến lược của quan hệ song phương, đã được xác định rõ trong Tuyên bố về quan hệ Đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam năm 2007.

Quan hệ kinh tế - thương mại hai chiều giữa Ấn Độ và Việt Nam tăng trưởng khá trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Ấn Độ - ASEAN về dịch vụ, đầu tư và trao đổi hàng hóa được ký kết. Thỏa thuận này mở ra cơ hội dịch chuyển cả về nhân lực lẫn đầu tư, cho phép Ấn Độ tận dụng lợi thế cạnh tranh trong các lĩnh vực tài chính, giáo dục, y tế, công nghệ thông tin, viễn thông và giao thông, mang lại lợi ích cho Ấn Độ và các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Lãnh đạo cấp cao Ấn Độ và Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan chức năng hai bên sử dụng các cơ chế như Tiểu ban Hỗn hợp về Thương mại, thông qua cơ chế đối tác công-tư (PPP), hợp tác Doanh nghiệp với Doanh nghiệp (B2B) nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai nước, đồng thời kêu gọi hai bên hợp tác chặt chẽ hướng tới triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Thực tế, liên tục từ năm 2007 đến nay, các đoàn chuyên ngành cấp bộ, các cơ quan địa phương và nhiều đoàn doanh nghiệp đã phối hợp với Đại sứ quán, cơ quan Thương vụ và Hiệp hội các phòng thương mại mỗi nước,… giúp doanh nghiệp hai nước thăm dò, tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn. Các đối tác thương mại và công nghiệp hàng đầu của Ấn Độ như Phòng Công nghiệp Ấn Độ (CII), Liên đoàn các Phòng Công nghiệp và Thương mại Ấn Độ (FICCI), Hiệp hội các Phòng Thương mại Ấn Độ đã tích cực phối hợp với bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đại sứ quán Việt Nam, tổ chức các hội chợ, hội thảo, tiếp xúc thương mại, diễn đàn doanh nghiêp,… để tìm hiểu cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp hai nước. Các lĩnh vực ưu tiên hợp tác như dầu-khí, điện, cơ sở hạ tầng, du lịch, dệt may, giày dép, y tế và dược phẩm, công nghệ thông tin, điện tử, nông nghiệp, nông sản, hóa chất, máy công cụ và các ngành công nghiệp phụ trợ khác đã được nêu rõ trong Tuyên bố chung hồi tháng 10/2014 giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại trong những năm qua đã đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại thứ 28 của Ấn Độ, trong khi Ấn Độ trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Theo số liệu công bố đầu năm 2016 của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất-nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ năm 2015 đạt 5,13 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ đạt 2,47 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là 2,66 tỷ USD. Hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp cũng có những bước phát triển mạnh với việc tập đoàn TATA được chấp thuận đẩy nhanh tiến độ vận hành thương mại của dự án nhiệt điện Long Phú II vào năm 2021-2022; tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ ONGC tiếp tục tham gia thăm dò và khai thác dầu-khí tại các vùng lãnh hải và thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông; tập đoàn TATA Motor hợp tác với công ty CP. TMT liên doanh lắp ráp ô tô tại Việt Nam; Ngân hàng Ấn Độ đã mở chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh vào đầu năm nay; hãng Jet Airways của Ấn Độ đã mở đường bay từ Mumbai, New Delhi tới thành phố Hồ Chí Minh, đi qua Bangkok,…

Trong lĩnh vực đầu tư, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Ấn Độ. Theo Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành, trong năm 2015, đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam tăng 179% so với năm trước đó, đạt 570 triệu USD, nâng Ấn Độ thêm hai bậc lên thứ 28 trong danh sách 110 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam có 3 dự án đầu tư vào Ấn Độ với tổng vốn đầu tư khoảng 23,6 triệu USD.

Công nghệ thông tin (IT) cũng nổi lên thành một điểm tựa quan trọng trong quan hệ đối tác dựa trên tri thức giữa hai nước. Với thế mạnh về các ngành công nghiệp tri thức, Ấn Độ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam thành lập các cơ quan xây dựng năng lực, trong đó có các trung tâm đào tạo về công nghệ thông tin, trung tâm giảng dạy tiếng Anh và các viện phát triển doanh nghiệp. Kể từ khi ký Hiệp định hợp tác Khoa học & Công nghệ ngày 23/2/1996 đến nay, Ấn Độ và Việt Nam đã tổ chức 9 khóa họp Tiểu ban về hợp tác KH&CN. Trong khuôn khổ của các Tiểu ban này, hai bên đã thực hiện được một số dự án nghiên cứu chung liên quan đến các lĩnh vực công nghệ như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ điện tử-viễn thông, công nghệ viễn thám và GIS (hệ thống thông tin địa lý), công nghệ vật liệu, năng lượng, công nghệ môi trường và một số công nghệ then chốt mà hai bên cùng quan tâm. Dự kiến trong năm 2016, Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam sẽ Phối hợp Bộ Thông tin Truyền thông, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Ấn Độ (CERT-In) lên kế hoạch hợp tác, tổ chức hội thảo về Đảm bảo an ninh thông tin cho các hệ thống máy tính trọng yếu quốc gia tại Việt Nam, tiến tới hợp tác chia sẻ dữ liệu an ninh mạng và hỗ trợ lẫn nhau khi bị tấn công mạng,…

Tuy nhiên, doanh số thương mại giữa Ấn Độ và Việt Nam năm 2015 không đạt mục tiêu 7 tỷ USD như kỳ vọng và vẫn còn nhỏ so với mức kim ngạch 76,5 tỷ giữa Ấn Độ và các nước ASEAN nói chung trong giai đoạn 2014-2015 (theo hãng Bernama của Malaysia). Trong số các nước ASEAN, Indonesia là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, với kim ngạch hai chiều đạt hơn 19 tỷ USD trong năm 2014-2015; tiếp theo là Malaysia, Singapore và Thái Lan. Như vậy, Việt Nam và Ấn Độ chưa khai thác hết tiềm năng hợp tác kinh tế mặc dù mối quan hệ truyền thống hữu nghị ngày càng khăng khít.

b. Tiềm năng

Những số liệu trên chứng tỏ Việt Nam và Ấn Độ chưa khai thác hết tiềm năng hợp tác kinh tế trong bối cảnh mối quan hệ truyền thống hữu nghị ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Nguyên nhân khiến kim ngạch thương mại hai chiều Ấn-Việt không được như kỳ vọng một phần do tình hình chính trị, kinh tế-tài chính toàn cầu trong những năm qua có nhiều biến động. Khủng hoảng nợ công tại châu Âu; nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) sụt giảm đã tác động tới kinh tế, xuất khẩu của cả hai nước, mặt khác, do hai bên chưa thật nỗ lực thúc đẩy kết nối, đặc biệt là kết nối đường không; một số thỏa thuận đã ký kết chưa được thúc đẩy triển khai đúng tiến độ.

Tiềm năng hợp tác kinh tế-thương mại giữa Ấn Độ và Việt Nam thực sự rất lớn, chỉ cần thêm lực đẩy là trụ cột chiến lược này sẽ có những bước tiến vững chắc trong tương lai.

(1)Với lợi thế đông dân thứ hai thế giới, dân số trẻ, sử dụng tiếng Anh, công nghệ cao, cùng các chính sách thúc đẩy kinh tế của Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của vị Thủ tướng có tính quyết đoán Narendra Modi, như chính sách nâng trần FDI trong nhiều lĩnh vực chủ chốt, kể cả quốc phòng; chính sách “Sản xuất tại Ấn Độ” (Make in India); “Làm sạch Ấn Độ” (Clean India); “Ấn Độ kỹ thuật số” (Digital India),… Ấn Độ sẽ mở cửa rộng hơn cho đầu tư nước ngoài, cần nhập nhiều nguyên liệu hơn cho nhu cầu sản xuất trong nước. Việt Nam cần tranh thủ cơ hội này.

(2) Theo báo cáo về “Thực trạng và Triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016” của Liên hợp quốc, kinh tế Ấn Độ tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng cao, dự kiến đạt 7,3% trong năm 2016 và 7,5% trong năm 2017 so với mức dự kiến 6,4% và 6,8% của Trung Quốc trong thời kỳ tương ứng. Tốc độ tăng trưởng cao của Ấn Độ sẽ làm bàn đạp để nước này thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại với các nước, trong đó có Việt Nam.

(3) Việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức hình thành hồi tháng 12/2015 sẽ mở ra nhiều cơ hội và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Ấn Độ đến làm ăn ở khu vực Đông Nam Á.

(4) Việc hoàn tất khu vực thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ, với Hiệp định ASEAN-Ấn Độ về thương mại dịch vụ và đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 càng mở ra tiềm năng hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam.

(5) Vai trò của Việt Nam trong chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ và trong chiến lược của New Delhi tăng cường hội nhập với các nước CLMV sẽ tạo lợi thế lớn cho Việt Nam trong tăng cường hợp tác với Ấn Độ.

(6) Ấn Độ hoàn toàn có khả năng trở thành nguồn cung cấp chính về công nghệ, dược phẩm, bông, vải, sợi và nguyên phụ liệu dệt may cho Việt Nam.

2. Giải pháp

Ấn Độ là “người bạn thủy chung” son sắt của Việt Nam. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Ấn Độ đã hết lòng ủng hộ Việt Nam về tinh thần lẫn vật chất. Trong hòa bình, Ấn Độ tiếp tục ủng hộ công cuộc hội nhập và phát triển của Việt Nam. Để thúc đẩy mối quan hệ truyền thống này sâu rộng hơn trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, hai bên cần:

(1) nỗ lực chính trị, giám sát thúc đẩy tiến trình thực hiện các thỏa thuận sao cho đạt hiệu quả cao nhất;

(2) Xác định những lĩnh vực cụ thể mà Việt Nam và Ấn Độ có thế mạnh có thể bổ trợ lẫn nhau;

(3) Từng bước giảm dần và tiến tới dỡ bỏ rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với các mặt hàng như hạt điều, cao su, cà phê, hạt tiêu, chè của Việt Nam;

(4) Tận dụng lợi thế do các FTA mang lại, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP);

(5) Mạnh dạn mời Ấn Độ đầu tư vào lĩnh vực dầu-khí, để Ấn Độ tham gia các dự án trọng điểm mang tính chiến lược, vì Ấn Độ là người bạn rất đáng tin cậy, có nhiều tương đồng về lợi ích chiến lược;

(6) Triển khai thực hiện Hiệp định Hợp tác Hải quan và Hiệp định Vận chuyển Hàng hải giữa hai nước đã được khẳng định trong Tuyên bố chung năm 2014 nhằm tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác kinh tế sâu rộng hơn;

(7) Sớm mở đường bay thẳng Hà Nội-New Delhi để tăng cường kết nối, thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp, giao lưu nhân dân;

(8) tăng cường kết nối về văn hóa, du lịch, qua đó, mở rộng sự hiểu biết, gắn bó của nhân dân hai nước. Với sự quyết tâm của hai Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, của các nhà doanh nghiệp, mục tiêu nâng kim ngạch thương mại Ấn Độ-Việt Nam lên 15 tỷ USD vào năm 2020 sẽ dễ trở thành hiện thực.

(9) Sau khi lên nắm ngọn cờ lãnh đạo hồi tháng 5/2014, Chính phủ của đảng BJP không những kế thừa mà còn thúc đẩy chính sách “Hướng Đông” được triển khai từ năm 1991 và coi Việt Nam như một “trụ cột” trong chính sách này. Việt Nam cần nắm bắt cơ hội đó để tăng cường quan hệ với Ấn Độ, làm “cầu nối” cho Ấn Độ thúc đẩy, mở rộng quan hệ toàn diện với khối ASEAN.

3. Kết luận

Như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng ví “quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong sáng như bầu trời không một gợn mây”. Hai nước không có xung đột lợi ích chiến lược, luôn tích cực ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế và khu vực; có nhiều điểm tương đồng, có mục tiêu chung về tăng trưởng và phát triển kinh tế; đều phải đối diện với nhiều thách thức giống nhau; cùng có tầm nhìn chung về sự phát triển hợp tác quốc phòng,… Bên cạnh đó, với vị trí địa-chính trị quan trọng và vị thế ngày càng gia tăng trên trường quốc tế, Ấn Độ có thể là chỗ dựa đáng tin cậy của Việt Nam. Việt Nam cần nhận rõ và tận dụng tìm cảm của Ấn Độ dành cho mình trong công cuộc phát triển đất nước, cũng như bảo vệ tổ quốc, trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp. Nhiều lúc phải đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích kinh tế để có những quyết định chính trị đúng đắn khi lựa chọn nhà thầu (ưu tiên Ấn Độ hơn); ngược lại, Ấn Độ cũng nhận thấy vị trí quan trọng và những cơ hội tiềm tàng tại Việt Nam để nhanh chân hơn trong tiến trình đầu tư, kinh doanh. Những lợi ích tương đồng và tình cảm chân thành, thủy chung chắc chắn sẽ tạo nền tảng cho hai nước duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trên mọi lĩnh vực, trong đó kinh tế là một trụ cột chính mà hai nước cần tập trung thúc đẩy phát triển./. 

* Minh Lý, Nguyên Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Ấn Độ.

Bình luận của bạn

Nguồn:

Cùng chuyên mục