Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Hợp tác sức mạnh mềm (Phần 2)
GS Rajaram Panda*
Thế mạnh sức mạnh mềm của Ấn Độ
Tiềm năng sức mạnh mềm của Ấn Độ kể từ thời cổ đại vẫn còn rất lớn. Trong quá khứ, chưa bao giờ Ấn Độ sử dụng sức mạnh cứng trong công cuộc tìm kiếm của mình vươn tới nhân dân các nước khác, bất chấp thực tế rằng, họ là nạn nhân của các cuộc xâm lược nước ngoài trong hàng thế kỷ. Thậm chí, trước khi các tín đồ Hồi giáo xâm lược Ấn Độ vào thế kỷ XII và thiết lập sự cai trị của họ, thì Ấn Độ chỉ kháng cự bằng các biện pháp phi bạo lực, trong khi đồng thời chấp nhận những ảnh hưởng tích cực của văn hóa Hồi giáo. Điều tương tự cũng đã xảy ra với những kẻ thống trị người Anh. Ấn Độ đã bị thực dân hóa nhưng cuối cùng tất cả các nước bên ngoài xâm lược Ấn Độ đều phải quay trở về. Sức mạnh của Ấn Độ, gắn liền với nền văn hóa bao dung và cùng chung sống hòa bình phong phú của họ, không bao giờ có thể bị xói mòn. Ấn Độ là điển hình mẫu mực cho tính độc nhất của họ trong sự đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, tầng lớp, tín ngưỡng và phong tục...
Phật giáo đã đi đến các vùng bờ biển nước ngoài và tìm thấy sức hấp dẫn phổ quát ở nhiều nước phương Đông và Đông Nam Á. Trong cuộc hành trình trên biển, các thương gia Ấn Độ đã mang theo các nhà sư đạo Phật truyền bá giáo lý của họ. Cộng đồng Ấn Độ đã đóng góp cho nền kinh tế địa phương và dễ dàng hòa nhập với cộng đồng địa phương. Các di tích của Ấn Độ giáo được tìm thấy ở nhiều nước như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Campuchia là một bằng chứng cho thấy sự phồn thịnh về văn hóa của Ấn Độ mà thậm chí hiện nay vẫn còn nguyên vẹn.
Với một lịch sử phong phú về việc truyền bá sức mạnh mềm của mình như vậy, nước này chưa bao giờ cần phải sử dụng sức mạnh cứng như một lựa chọn để đạt được kết quả mong muốn. Trong thời hiện đại, việc sử dụng sức mạnh mềm được cho là một khuôn khổ mang tính thể chế và hiện có tổ chức hơn với sự tham gia của người dân và các khu vực tư nhân.
Trong thời hiện đại, tài sản sức mạnh mềm của Ấn Độ hầu như không liên quan đến chính phủ vì các khía cạnh quan trọng khác đã nổi lên. Trong khi các sáng kiến của chính phủ nhằm thúc đẩy sức mạnh mềm của đất nước là có tầm quan trọng lớn, thì các công cụ khác như Bollywood, các chương trình truyền hình và các sản phẩm có thể xuất khẩu về văn hóa đại chúng của Ấn Độ cũng quan trọng trong việc đưa Ấn Độ trở thành một siêu cường văn hóa. Sự khác biệt ở đây là các sáng kiến của chính phủ nhằm thúc đẩy sức mạnh mềm là để đáp ứng các mục đích chính trị. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng là giống nhau và không có mâu thuẫn khi áp dụng. Điều mà các sáng kiến của chính phủ làm, như các thỏa thuận văn hóa hay vai trò mà Hội đồng quan hệ văn hóa Ấn Độ đảm nhận, là ưu tiên các mục tiêu trên quy mô toàn cầu theo một cách có tổ chức trái ngược với các văn hóa phẩm xuất khẩu vô hình, như vai trò mà Bollywood hay các bộ phim/vở kịch truyền hình đảm nhận.
Các công cụ khác của văn hóa phẩm xuất khẩu do chính phủ khởi xướng tồn tại dưới hình thức kể chuyện lịch sử mang tính biểu diễn dựa trên thần thoại, như Ramayana, Mahabharata và các câu chuyện lịch sử khác, được thể hiện dưới nhiều thể loại khác nhau, như kịch, sân khấu và bài hát. Ví dụ như một vở nhạc kịch dựa trên sử thi Ramayana được biểu diễn trong Hội nghị Cấp cao Đông Á ở Manila được tổ chức vào tháng 11/2017 đã cuốn hút các nhà lãnh đạo tại lễ khai mạc ASEAN. Vở kịch này phản ánh những mối liên kết văn hóa giữa Ấn Độ với Philippines và một vài quốc gia thành viên trong khối quyền lực gồm 10 thành viên này. Màn trình diễn âm nhạc dựa trên sử thi Ramayana đã nhận được một tràng pháo tay lớn từ một số nhà lãnh đạo và đại biểu thế giới.
Ban lãnh đạo Campuchia tại Hội nghị cấp cao này đã đề xuất rằng, nên mời các đoàn kịch của ASEAN biểu diễn phiên bản Ramayana của riêng họ tại Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm quan hệ Ấn Độ - ASEAN vào ngày 25/1/2018, đánh dấu kỷ niệm 25 năm quan hệ của Ấn Độ với tổ chức này. Đó là lần đầu tiên Ấn Độ mời các nhà lãnh đạo của 10 quốc gia Đông Nam Á tham dự lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa. Ấn Độ đã chấp nhận lời đề nghị và hoan nghênh các nhóm biểu diễn từ cả 10 quốc gia ASEAN với phần trình diễn dựa trên Ramayana, vì nó phản ánh những liên kết văn minh của Ấn Độ với các nước ASEAN. Kiểu công cụ sức mạnh mềm trong ngoại giao quốc tế này giúp làm sâu sắc thêm mối liên kết giữa các quốc gia.
Sức mạnh mềm của Việt Nam
Giống như trường hợp của Ấn Độ, sức mạnh mềm cũng có thể được định nghĩa bằng di sản văn minh và văn hoá phong phú của Việt Nam. Cả Ấn Độ lẫn Việt Nam đều hưởng lợi lớn từ nền văn hóa tương ứng của họ trong lịch sử và đã sử dụng thành công công cụ sức mạnh mềm như một yếu tố quan trọng để đạt được các mục tiêu cuối cùng của mình. Phần lớn việc áp dụng sức mạnh mềm vẫn chưa được biết tới khi chưa có công nghệ. Cuộc cách mạng thông tin hiện nay đã truyền bá các lợi ích của yếu tố ngoại giao quan trọng này.
Bên cạnh việc là đối tác chiến lược của Ấn Độ, Việt Nam cũng có mối quan hệ văn hóa tương đối sâu sắc với Ấn Độ. Cả Ấn Độ lẫn Việt Nam đều mong muốn tăng cường hợp tác thông qua trao đổi văn hóa và xuất khẩu văn hóa phẩm, giúp thúc đẩy sự hiểu biết hơn nữa về di sản và lịch sử chung của họ. Sự hòa nhập giữa hai xã hội cần phải phát triển song song với sự hợp tác an ninh-chính trị và kinh tế. Trong câu chuyện chung về sự hòa nhập văn hóa này, lịch sử của các tương tác về văn hóa giữa Ấn Độ và Việt Nam được gắn trong bối cảnh văn hóa xã hội rộng lớn hơn ở Đông Nam Á.
Chúng ta có thể thấy bằng chứng về lịch sử thuở sơ khai giữa Ấn Độ và Đông Nam Á, bắt đầu từ những cuộc khai quật từ thế kỷ I sau Công nguyên tại một số quốc gia Đông Nam Á. Các đền thờ nổi tiếng của Campuchia, như Angkor Wat và Ta Prohm, đều mang những dấu ấn mạnh mẽ của Ấn Độ. Các nước khác trong khu vực như Myanmar, Thái Lan, Indonesia, Lào và các nước khác đều chịu ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ, vốn vẫn còn nguyên vẹn trong quan hệ giữa nhân dân các nước này cho đến ngày nay. Dvaravati của Thái Lan vào thế kỷ VII sau Công nguyên là minh chứng cho ảnh hưởng của nền văn hóa Ấn Độ, bao gồm truyền thống Phật giáo, Vaishnava và Shaiva. Nhưng điểm nổi bật liên quan tới Việt Nam là Vương quốc Chăm ở phía Nam nước này, nơi tầm ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ được minh chứng bởi khu vực thánh địa Mỹ Sơn nổi tiếng với một khu phức hợp gồm các đền thờ thần Shiva.
Thương mại mạnh mẽ và năng động giữa Ấn Độ và khu vực đã giúp tăng cường những ảnh hưởng văn hoá như vậy từ mỗi nước. Chúng đã có từ triều đại Gupta khi thương mại nở rộ từ thế kỷ IV đến thế kỷ VI sau Công nguyên, kết nối Kedah trên bán đảo Malay và các tuyến đường biển với bờ biển Việt Nam và Thái Lan.
Cũng có những bản khắc phản ánh ảnh hưởng về ngôn ngữ của Ấn Độ đối với các vương quốc ở Đông Nam Á, như Việt Nam và Indonesia. Tiếng Phạn cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ không kém được phản ánh qua các bản khắc từ thế kỷ VI sau Công nguyên, bằng chứng cổ xưa nhất của ảnh hưởng này có thể tìm thấy ở Java từ thế kỷ V sau Công nguyên.
Ngay cả tiếng Phạn trong các văn bản cổ của Ấn Độ cũng có âm hưởng ở nhiều nước Đông Nam Á. Chẳng hạn, Bahasa Malaysia (tiếng Malaysia) và Bahasa Indonesia (tiếng Indonesia) được sử dụng tương ứng ở Malaysia và Indonesia đều có nguồn gốc từ tiếng Phạn vì bản thân từ “Bahasa” cũng có nghĩa là tiếng Phạn. Từ “Bharat”, tên địa phương chỉ Ấn Độ, trong tiếng Bahasa có nghĩa là “phía Tây” (barat) và cho thấy nhận thức của họ từ trong lịch sử về Ấn Độ. Biên giới Ấn Độ đã được mở rộng ồ ạt với sự thâm nhập của Bollywood trên khắp các lục địa và chúng ta cũng không thể bỏ sót dấu ấn của nền điện ảnh tiếng Hindi ở Đông Nam Á.
Với một truyền thống lịch sử phong phú như vậy, Ấn Độ và Việt Nam giờ đây đang tăng cường hợp tác trong lĩnh vực văn hóa thông qua hàng loạt sáng kiến, chẳng hạn như các chương trình trao đổi nghệ sĩ, học giả, nhà báo, nông dân, thành viên quốc hội và nhiều đối tượng khác. Các chương trình này tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển của người dân giữa cả hai nước để trực tiếp trải nghiệm hai nền văn hóa đẹp đẽ có sự hòa hợp này.
Việc thành lập trường Đại học Nalanda - từng là trung tâm kiến thức nổi tiếng thế giới nơi các học giả từ khắp thế giới, bao gồm cả Đông Nam Á và Ấn Độ, trao đổi kiến thức và ý tưởng - là một minh chứng điển hình cho sức mạnh mềm vốn vẫn đang bao trùm toàn khu vực. Ấn Độ đã trao học bổng cho các sinh viên từ Campuchia, Lào, Myanmar, và Việt Nam để tới đó học tập.
Sự đóng góp của những người Ấn Độ đến định cư tại nhiều nước Đông Nam Á từ thế kỷ XVIII và XIX là vô cùng to lớn. Dù lớn hay nhỏ, cộng đồng người Ấn Độ vẫn duy trì lối sống khiêm nhường và làm việc với tất cả sự chân thành tại các quốc gia họ đang sinh sống. Mặc dù có số lượng nhỏ ở Việt Nam, ước tính chỉ khoảng 1.500 người, nhưng những người định cư Ấn Độ đều sôi nổi, tuân thủ pháp luật, có trình độ học vấn và phát đạt. Họ duy trì mối quan hệ gia đình, văn hoá và kinh doanh mạnh mẽ với Ấn Độ, và do đó là cầu nối của nước này với Việt Nam.
* Tác giả là Chủ tịch Giáo sư liên kết của Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ (ICCR) tại Khoa Kinh tế và Doanh nghiệp, Đại học Reitaku, Nhật Bản. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả và không phản ánh quan điểm của ICCR hay Chính phủ Ấn Độ. Bài viết được đăng trên The Pioneer.
Nguồn: http://nghiencuubiendong.vn/quan-h-quc-t/6884-quan-he-viet-nam-an-do-hop-tac-suc-manh-mem
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục