Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới, tầm nhìn mới (Phần 1)

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới, tầm nhìn mới (Phần 1)

Bối cảnh khu vực và thế giới hiện nay mang lại rất nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít thách thức cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Thuận lợi là, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương vẫn tiếp tục duy trì sự phát triển năng động nhất trên thế giới, trong đó, cả Việt Nam lẫn Ấn Độ vẫn đang duy trì nền kinh tế tăng trưởng nhanh; quan hệ Việt - Ấn đang phát triển trên một nền tảng rất vững chắc. Tuy nhiên, quan hệ này cũng đang đứng trước một số thách thức, đặc biệt là tình hình khu vực đang có nhiều biến động, phức tạp, đan xen nhiều xu hướng khác nhau, vừa cạnh tranh ảnh hưởng, vừa gia tăng phụ thuộc lẫn nhau giữa các cường quốc. Vì thế, để đảm bảo lợi ích tổng thể, lâu dài của hai nước cũng như đảm bảo hòa bình và phát triển trong khu vực, cần phải làm cho mối quan hệ hợp tác phát triển hơn nữa nhằm khai thác sức mạnh toàn diện của nhau.

01:01 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới, tầm nhìn mới

Đại sứ Tôn Sinh Thành*

Kính thưa các qúy vị đại biểu,

Trước hết, tôi đánh giá cao sáng kiến của Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, Tầm nhìn mới” vào thời điểm rất có ý nghĩa, trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Thủ Tướng Ấn Độ, Narendra Modi, và hai nước đang chuẩn bị kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Tôi tin tưởng rằng, hội thảo lần này với sự tham gia đông đảo các học giả xuất sắc đến từ hai nước, sẽ là một cơ hội qúy báu để chúng ta trao đổi kỹ lưỡng và đưa ra được những sáng kiến nhằm thúc đẩy quan hệ Việt - Ấn trong bối cảnh mới.

Tại hội thảo này, tôi xin chia xẻ một số ý kiến cá nhân về những cơ hội và thách thức cho quan hệ Việt - Ấn trong bối cảnh mới, cũng như những suy nghĩ về phương hướng và biện pháp nhằm đưa quan hệ giữa hai nước lên một tầm cao mới.

Phải nói rằng bối cảnh hiện nay có rất nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít thách thức cho quan hệ hai nước. Thuận lợi cơ bản là, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương vẫn tiếp tục duy trì sự phát triển năng động nhất trên thế giới, trong đó cả Việt Nam và Ấn Độ đang trở thành hai trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất với những triển vọng khá sáng sủa nhờ tích cực cải cách và mở cửa[1]. Trong khi kinh tế toàn cầu phục hồi yếu, kinh tế Trung Quốc có giảm tốc và đang phải tập trung tái cơ cấu, thì Ấn Độ đang trở thành “điểm sáng” về tăng trưởng GDP và thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2015. Với tốc độ tăng trưởng GDP trong năm tài khóa 2015-2016 đạt 7,6%, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành “nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới”. Cùng với nền tảng phát triển tốt, nhiều lợi thế về “sức mạnh mềm”, các biện pháp đẩy mạnh cải cách và những quyết sách đối ngoại tích cực, chủ động đang giúp Ấn Độ khẳng định vị thế cường quốc lãnh đạo trong khu vực và trên thế giới. Các nước và trung tâm kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, EU… đều ngày càng coi trọng vị thế và vai trò của Ấn Độ trong việc đảm bảo cân bằng an ninh chiến lược trong khu vực.

Cùng với sự mở rộng quy mô nền kinh tế của Việt Nam và Ấn Độ là quá trình tự do hóa và liên kết khu vực, do sự phụ thuộc lẫn nhau và nhu cầu đối thoại, hợp tác giữa các nước. Các cơ chế đối thoại như Cấp cao ASEAN, Thượng đỉnh Đông Á (EAS),.. đã được thể chế hóa, trở thành diễn đàn thường niên để các nhà lãnh đạo cấp cao trong khu vực tăng cường gặp gỡ, chia sẻ quan điểm và xây dựng lòng tin. Đặc biệt về hợp tác kinh tế, cùng với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến các nước chưa tham gia, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, phải tìm cách thúc đẩy đàm phán các hiệp định khác, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện Khu vực (RCEP) để không bỏ lỡ cơ hội từ việc tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Các diễn biến này đang đem lại nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho cả Việt Nam và Ấn Độ. Việt Nam, với việc tham gia cùng một lúc 16 Hiệp định tự do thương mại, đã trở thành một tụ điểm (hub) cho các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Ấn Độ, có thể dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, EU. Trong khi đó, Ấn Độ dưới sự lãnh đạo quyết đoán của Thủ tướng Modi đang đẩy mạnh công cuộc cải cách mở cửa nền kinh tế Ấn Độ và chuyển sang Chính sách Hành động Phía Đông nhằm tăng cường liên kết với ASEAN và các nước khác ở Châu Á. Chính sách này thể hiện sự can dự sâu hơn của Ấn Độ vào khu vực Đông Nam Á thông qua việc tham gia ngày một tích cực vào các diễn đàn khu vực với nhiều đề xuất và cam kết cụ thể, trong đó có Quỹ hỗ trợ phát triển dự án tại các nước Camphuchia, Lào, Mianmar, Viêt Nam (mà Việt Nam là đối tác trụ cột) và khoản tín dụng trị giá 1 tỷ USD nhằm tăng cường kết nối giữa Ấn Độ và ASEAN. Ấn Độ cũng có những thay đổi theo hướng tích cực hơn về vấn đề Biển Đông, từ việc các nhà lãnh đạo Ấn Độ gần đây thể hiện lập trường rõ ràng, mạnh mẽ hơn trong việc bảo đảm tự do, an ninh hàng hải và quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên trong khu vực, đến việc tăng cường hợp tác quốc phòng với một số nước trong khu vực, cũng như quyết định tiếp tục ở lại cùng hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Sự thay đổi này cho thấy, giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng có sự tương đồng rõ nét về lợi ích chiến lược. Chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ cũng mở ra những cơ hội rất to lớn cho các nước, trong đó có Việt Nam, tiếp cận thị trường Ấn Độ khổng lồ chưa được khai thác và tranh thủ các cơ hội đầu tư, du lịch to lớn tại nước này. Việc Việt Nam là điều phối viên của ASEAN trong quan hệ với Ấn Độ từ nay tới 2018 đã bổ sung thêm một thuận lợi nữa cho quan hệ Việt - Ấn.

Một thuận lợi lớn là, quan hệ Việt - Ấn đang phát triển trên một nền tảng rất vững chắc. Đây là một mối quan hệ lâu đời, có nguồn gốc từ những trao đổi thương mại và tôn giáo từ hàng ngàn năm trước, được khởi dựng bởi mối quan hệ cá nhân sâu sắc giữa các vị lãnh đạo tiền bối như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru, bởi sự đoàn kết gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau những lúc khó khăn nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ nền độc lập và phát triển kinh tế - xã hội của hai nước. Mối quan hệ trong sáng không một gợn mây giữa hai nước như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đánh giá, đã được nâng cấp lên tầm quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2007 trên cơ sở sự tương đồng về lợi ích chiến lược thực sự giữa hai nước. Chưa đầy 10 năm qua, quan hệ đối tác chiến lược giữa nước phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy, với việc trao đổi thường xuyên các chuyến thăm cấp cao, trong đó, đáng chú ý là các chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2014 và chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Ấn Độ, Pranab Mukhajee năm 2014. Các cơ chế hợp tác như Ủy ban Hỗn hợp hai nước, Tham khảo Chính trị và Đối thoại Chiến lược giữa hai Bộ ngoại giao, Đối thoại Quốc phòng đã phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy hợp tác nhiều mặt và phối hợp giữa hai nước trên các diễn đàn quốc tế. Quan hệ kinh tế đã có những phát triển đáng kể: thương mại tăng gấp 5 lần từ 1 tỷ năm 2007 lên trên 5 tỷ năm 2015, du lịch 2 chiều tăng 6 lần từ 20 ngàn năm 2007 lên 120 ngàn năm 2015, đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam tăng gần gấp 3 lần từ khoảng 200 triệu năm 2007 lên 570 triệu năm 2015. Hai bên hợp tác rất hiệu quả trong các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, nhất là về chia sẻ thông tin, đào tạo huấn luyện, cung cấp trang thiết bị. Hợp tác khoa học công nghệ, văn hóa và giáo dục đào tạo cũng có nhiều tiến bộ. Nhìn chung, hợp tác giữa hai nước đã phát triển đến mức độ đòi hỏi chuyển sang một giai đoạn mới, nâng lên một tầm cao hơn nữa. (Xem tiếp phần 2)


Đại sứ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ.

[1] Tháng 7/2016 vừa qua đánh dấu 25 năm cải cách tự do hóa kinh tế của Ấn Độ và trong năm 2016 VN cũng đang đánh giá 30 năm Đổi mới.

Nguồn:

Cùng chuyên mục