Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới, tầm nhìn mới (Phần 2)

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới, tầm nhìn mới (Phần 2)

Bối cảnh khu vực và thế giới hiện nay mang lại rất nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít thách thức cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Thuận lợi là, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương vẫn tiếp tục duy trì sự phát triển năng động nhất trên thế giới, trong đó, cả Việt Nam lẫn Ấn Độ vẫn đang duy trì nền kinh tế tăng trưởng nhanh; quan hệ Việt - Ấn đang phát triển trên một nền tảng rất vững chắc. Tuy nhiên, quan hệ này cũng đang đứng trước một số thách thức, đặc biệt là tình hình khu vực đang có nhiều biến động, phức tạp, đan xen nhiều xu hướng khác nhau, vừa cạnh tranh ảnh hưởng, vừa gia tăng phụ thuộc lẫn nhau giữa các cường quốc. Vì thế, để đảm bảo lợi ích tổng thể, lâu dài của hai nước cũng như đảm bảo hòa bình và phát triển trong khu vực, cần phải làm cho mối quan hệ hợp tác phát triển hơn nữa nhằm khai thác sức mạnh toàn diện của nhau.

01:59 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới, tầm nhìn mới

Đại sứ Tôn Sinh Thành*

Tuy nhiên, quan hệ Việt - Ấn cũng đang đứng trước một số thách thức, đặc biệt là tình hình khu vực đang có nhiều biến động, phức tạp, đan xen nhiều xu hướng khác nhau, vừa cạnh tranh ảnh hưởng, vừa gia tăng phụ thuộc lẫn nhau giữa các cường quốc, đặt ra nhiều bài toán lợi ích cùng lúc cho mỗi nước. Đặc biệt, tình hình hình an ninh khu vực ngày càng trở nên căng thẳng do việc Trung Quốc hiện đại hóa quân sự, tăng cường yêu sách về chủ quyền và hành động ngày một hiếu chiến nhằm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông, không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ đang thực hiện chính sách “xoay trục”/tái cân bằng về châu Á, làm cho canh trạnh giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng trong khu vực, mặc dù hai nước vẫn phải phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Hành động của Trung Quốc cũng đặt ra nhiều thử thách cho sự thống nhất nội khối và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề an ninh khu vực. Đồng thời, các vấn đề an ninh phi truyền thống cũng đang trở thành vấn đề lớn trong khu vực, trong đó có vấn đề tội phạm xuyên quốc gia (khủng bố, cướp biển, an ninh mạng), dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước,.. Cùng với các thách thức an ninh nói trên là những khó khăn, bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu (kể cả tác động của hiệu ứng ‘Brexit’). Các thách thức trên đây đòi hỏi đòi hỏi sự phối hợp hành động chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các nước, đặc biệt sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Việt Nam và Ấn Độ, nhằm đảm bảo một môi trường hòa bình, an ninh và ổn định cho sự phát triển của hai nước.

Nhìn vào thực trạng hợp tác hiện nay giữa hai nước, cũng cần phải thừa nhận rằng, kết quả hợp tác song phương trong một số lĩnh vực trụ cột vẫn ở mức thấp so với kỳ vọng và đòi hỏi của hai bên. Vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy quan hệ, nhất là vấn đề kết nối, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, vấn đề triển khai hiệu quả, kịp thời những thỏa thuận đã ký. Tình hình hiện nay cho thấy, cần thúc đẩy hợp tác tích cực hơn nữa trên nhiều mặt, theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất và trên cơ sở cùng có lợi về lâu dài chứ không phải sự giúp đỡ chủ yếu mang tính một chiều của Ấn Độ dành cho Việt Nam như trước đây. Hiệu quả triển khai các chương trình, sáng kiến hợp tác đặc biệt về kinh tế, thương mại, đầu tư.. phụ thuộc vào nỗ lực từ nhiều cấp khác nhau từ cả hai phía, nhất là phía bộ ngành và doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Mặt khác, cũng cần nhìn nhận mối quan hệ này một cách đầy đủ với sự gắn kết chặt chẽ các lợi ích chiến lược với các lợi ích kinh tế để đảm bảo lợi ích tổng thể, lâu dài của hai nước cũng như đảm bảo hòa bình và phát triển trong khu vực nói chung. Cần phải làm cho mối quan hệ hợp tác phát triển hơn nữa, không chỉ về chính trị, an ninh quốc phòng mà còn cả về kinh tế và các lĩnh vực khác, nhằm khai thác sức mạnh toàn diện của nhau.

Như vậy, đã đến lúc chúng ta phải nâng mối quan hệ Việt - Ấn lên một tầm cao mới, thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Tôi tin chắc rằng, tại Hội thảo lần này sẽ tiếp tục có nhiều ý kiến đánh giá, đóng góp và đề xuất thúc đẩy hợp tác toàn diện trong nhiều lĩnh vực. Trong khuôn khổ thời gian cho phép và với vai trò là người đang tham gia kết nối trực tiếp giữa Việt Nam và Ấn Độ, tôi xin nhấn mạnh vào một số điểm sau:

Trước hết, cả hai bên đều cần tích cực hơn trong việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, quảng bá, tuyên truyền, chia sẻ thông tin, đặc biệt là những thông tin cập nhật về tình hình mỗi nước, các cơ hội trao đổi hợp tác, đầu tư kinh doanh, du lịch, văn hóa, tâm linh,.. từ đó góp phần tăng cường kết nối người dân và doanh nghiệp hai nước trong bối cảnh mới. Từ phía Việt Nam, các cấp lãnh đạo, các bộ ngành cho đến doanh nghiệp cần nhìn nhận đầy đủ hơn về vai trò, vị trí hiện nay của Ấn Độ, từ đó thực sự coi Ấn Độ là đối tác quan trọng của Việt Nam và chủ động hơn trong việc khai thác các tiềm năng trong hợp tác với Ấn Độ.

Thứ hai, cần tiếp tục tăng cường trao đổi các chuyến thăm cấp cao để củng cố sự tin cậy chính trị đặc biệt và tạo thêm động lực hợp tác về mọi mặt giữa hai bên. Chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Thủ tướng Modi chắc chắn sẽ mở ra một trang mới trong quan hệ hai nước. Đồng thời, hai bên cần tiếp tục đà hợp tác tốt đẹp và hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, cũng như phối hợp chặt chẽ hơn nữa trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Thứ ba, cần nỗ lực thúc đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai nước cho tương xứng với tiềm năng to lớn của hai nước. Để tạo đột phá nâng kim ngạch thương mại đang có nguy cơ bị suy giảm và để đạt mục tiêu 15 tỷ USD mà lãnh đạo 2 nước đã đề ra, hai nước cần mạnh dạn có hình thức giảm thuế song phương đối với một số mặt hàng có tiềm năng trao đổi giữa hai bên. Nhằm thúc đẩy du lịch, chúng tôi cho rằng việc đường bay trực tiếp giữa hai nước có ý nghĩa quyết định. Chính phủ hai nước cũng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư tham gia vào các dự án lớn tại hai nước, trước mắt tập trung vào các lĩnh vực hai bên có thế mạnh/nhu cầu như: hợp tác phát triển, đào tạo, hợp tác về năng lượng - thăm dò khai thác dầu khí tại khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo/ mặt trời, điện gió,..

Thứ tư, Việt Nam cần tích cực và chủ động hợp tác hơn nữa với Ấn Độ về khoa học công nghệ, nhằm tranh thủ những thành tựu to lớn mà Ấn Độ đã đạt trong nhiều lĩnh vực như IT, hàng không vũ trụ, hạt nhân, y học, công nghệ sinh học…Đồng thời, tăng cường hợp tác văn hóa và giáo dục, nhằm góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phát huy vai trò điều phối viên quan hệ Ấn Độ - ASEAN trong giai đoạn 2015 - 2018 để có thêm nhiều sáng kiến và khẳng định vai trò của mình trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ với khu vực, tích cực ủng hộ để Ấn Độ sớm gia nhập APEC cũng như chủ động tham gia các sáng kiến kết nối về kinh tế, khoa học, văn hóa,.. giữa Ấn Độ với các nước ASEAN, tích cực thúc đẩy việc triển khai FTA về hàng hóa, FTA về dịch vụ và đầu tư giữa ASEAN và Ấn Độ (có hiệu lực từ tháng 7/2015) và tiếp tục tham gia hiệu quả vào các cơ chế hợp tác an ninh quốc phòng đa phương trong khuôn khổ ASEAN (ADMM+) cũng như lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Cuối cùng, tôi tin tưởng rằng quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược Việt - Ấn đang đứng trước nhiều cơ hội và triển vọng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Chúc Hội thảo thành công rực rỡ./.

* Đại sứ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ.

Nguồn:

Cùng chuyên mục