Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

R. Tagore với trẻ thơ trong tác phẩm “Bản hợp đồng cuối cùng”

R. Tagore với trẻ thơ trong tác phẩm “Bản hợp đồng cuối cùng”

Từng được giải Nobel văn chương với kiệt tác Thơ Dâng, Rabindranath Tagore - Thi hào Ấn Độ còn chinh phục độc giả thế giới bằng tập thơ “Trăng non” viết về trẻ thơ. “Bản hợp đồng cuối cùng” là một trong những bài thơ hay và lạ trong tập thơ đặc sắc ấy.

01:49 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bài thơ được xây dựng như một câu chuyện ngụ ngôn. Có một người đi làm thuê đang mong muốn có được việc làm. Anh đi từ sáng đến tối rồi lại đi tiếp cho đến khi “Ánh mặt trời long lanh trên bãi cát và sóng vỗ rì rào”… Và chỉ đến khi gặp được chú bé “thuê anh với hai bàn tay trắng” thì bản hợp đồng làm thuê của anh mới được ký kết và anh hoàn toàn thỏa mãn vì đã trở thành người tự do…

Kết thúc bài thơ mang tới cho độc giả sự bất ngờ đến ngạc nhiên. Bởi vì đâu phải chàng trai nọ không có ai thuê mà phải tìm đến một em bé. Ông vua với bao quyền lực, người triệu phú với bao bạc vàng và cả cô gái xinh đẹp đầy sức hấp dẫn đều muốn thuê anh.

Chỉ cần anh thuần phục trước họ anh sẽ có tất cả… Có lẽ chàng trai đã phải đấu tranh nhiều lắm… Bởi anh đâu phải là kẻ vô tình… Nhưng trong anh, con người tự do luôn tỉnh táo. Trái tim tuổi trẻ của anh khao khát ấm no, hạnh phúc và tình yêu nhưng không phải tìm nó trong nô lệ. Anh đã khước từ tất cả để tìm đến tự do… Và theo nhà thơ, tự do ấy chỉ có thể tìm được trong tâm hồn thơ trẻ.

Bằng kết cấu hết sức chặt chẽ, logic và giàu kịch tính, Tagore muốn đề cao sự trong trắng của tâm hồn trẻ em. Tâm hồn đó đã giúp con người thoát khỏi mọi sự ràng buộc của uy quyền, tiền tài, sắc đẹp để trở về với bản chất trong sáng, hồn nhiên…

Trong lần gặp gỡ cuối cùng, nhân vật của nhà thơ đã được tiếp xúc với chú bé ở một khung cảnh tuyệt đẹp. Chỉ vài nét chấm phá mà tác giả đã dựng được bức tranh rộng lớn: có ánh mặt trời buổi mai phản chiếu long lanh, có tiếng sóng rì rào vào bờ cát trắng, có hình ảnh sinh động của chú bé đang say sưa với trò chơi của mình.

Không gian rộng mở trải ra bao la. Cuộc sống như đang trỗi dậy trước sự vô tư của trẻ thơ. Hình ảnh chú bé với hai bàn tay trắng chính là điểm sáng của bài thơ. Đó không chỉ đơn thuần là sự ngợi ca phẩm chất trong sáng của các em nhỏ mà còn là vấn đề có ý nghĩa xã hội… Theo nhà thơ, con người chỉ thực sự tự do khi họ vươn tới sự cao đẹp của tâm hồn trong trắng.

Thông điệp của ông gửi tới chúng ta lấp lánh ý nghĩa nhân văn cao cả: chân - thiện - mỹ không từ Đức Chúa Trời cao siêu mà tiềm ẩn trong tâm hồn cao quý của trẻ thơ. Hãy trân trọng, yêu quý, bảo vệ và mang đến cho các em hạnh phúc…

Ta đã từng nghe nhiều nhà thơ lỗi lạc ca ngợi tự do. Bác Hồ kính yêu tâm sự: “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng/ Cay đắng chi bằng mất tự do”. Nhà thơ Pêtôphi cũng tự nguyện: “Vì tự do muôn đời, tôi hy sinh tình ái”. Nhưng Rabindranath Tagore thì khác, ông tìm đến tự do qua hình ảnh của trẻ thơ - những thiên thần tí hon. Phải chăng đây là điều hay và lạ trong “Bản hợp đồng cuối cùng”.

 

Bản hợp đồng cuối cùng 

Buổi sáng tôi đi trên con đường lát đá, 

Và rao lên: “Nào, ai thuê tôi thì đến thuê”.

Ông vua ngồi trên xe đi tới, kiếm cầm trong tay.

Ông nắm tay tôi và bảo:

“Ta muốn thuê ngươi bằng quyền lực của ta”.

Nhưng quyền lực của y thì có gì đáng kể, và thế là y lại đi.

Dưới trời trưa nóng bỏng

Những ngôi nhà đóng cửa đứng yên.

Tôi lang thang trên con đường nhỏ quanh co.

Một ông già bước ra, mang một túi vàng.

Ông suy nghĩ rồi bảo:

“Ta sẽ thuê ngươi bằng tiền bạc của ta”.

Ông ta nhấc tiền lên, đồng này rồi đồng khác

Nhưng tôi đã quay lưng.

Chiều đã xuống

Khu vườn nở hoa đầy giậu.

Một cô gái xinh đẹp đến và bảo:

“Tôi sẽ thuê anh bằng một nụ cười”.

Nụ cười của cô ta đã nhạt đi và tan thành nước mắt, 

và cô đã trở về trong bóng tối một mình.

Ánh mặt trời long lanh trên cát, và sóng vỗ rì rào;

Một cậu bé ngồi chơi với dăm vỏ ốc.

Cậu ngẩng đầu lên, và dường như nhận ra tôi

Rồi nói: “Tôi thuê anh với hai bàn tay trắng”

Và từ khi bản hợp đồng được ký chơi với cậu bé

Tôi đã thành người tự do.

ĐÀO XUÂN QUÝ dịch

(Thơ R. Tagore, NXB Văn hóa – Thông tin, 2000)​

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục