Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Rabindranath Tagore: Nhà thơ vĩ đại của đạo Phật (Phần 3)

Rabindranath Tagore: Nhà thơ vĩ đại của đạo Phật (Phần 3)

Tagore biết rõ là trên hoàn vũ và trong suốt lịch sử nhân thế, đức Phật lên tiếng trước tất cả, tìm cách ngăn chận và chỉ rõ hậu quả tác hại do sự độc ác của loài người đối với cầm thú, đối với môi trường thiên nhiên gây ra, hãm hại đời sống ngày mai. Bởi vậy mà nhà thơ cầu nguyện xin đức Phật tái sinh.

01:52 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

Nguyễn Phúc Bửu Tập

Thật vậy, hài hòa giữa muôn loài để tìm lối thoát nghiệp chướng khổ đau "cứu cánh tận cùng của con người (man's find goal)" là ý nguyện của đức Phật. Ngài đã liên kết chúng sinh trên trái đất bằng tình yêu và nhà thơ Tagore đã nhận chân được điều đó. Phương tiện đạt tới hài hòa là làm theo lời dạy của đức Phật: tin Phật, tin vào Pháp của Phật, và xem tăng lữ là người bạn dẫn đường. Tagore viết:

Khi lời rao giảng quy y Tam Bảo 

Như sấm vang trên thinh không qua đồi qua núi 

Qua sa mạc, qua biển khơi 

Các quốc gia thức tỉnh cùng vùng dậy đáp ứng 

giữa miếu đường, quyết tâm dứt nghiệp 

dâng lời thề nguyện hướng về giải thoát 

đập tan xiềng xích trói buộc nhục thân 

(Bài thơ tặng nước Xiêm, Parisesh)

*

Giáo sư Buddhadeva Bose thuộc Viện đại học Bombay là một trong những chuyên gia nghiên cứu Tagore, đã mô tả ông như là "một hiện tượng của thế kỷ"..., "một sức mạnh của Tạo hóa thổi vào nền văn học"... và "điểm đặc trưng nhất của ông là khối lượng, bao xuyến mọi lãnh vực, muôn hình muôn trạng"... "Rabindranath Tagore là nhà văn toàn diện, đầy đủ bậc nhất trên thế giới." Buddhadeva Bose cũng như các nhà học giả cổ điển khác sắp văn phẩm của Tagore thành bốn mục: thơ trữ tình; chuyện ngắn và tiểu thuyết; kịch nghệ và âm nhạc; tư tưởng triết học và chính trị.

Trong lãnh vực thi ca trữ tình, địa vị của Tagore tại Ấn Ðộ có thể đem so sánh với Nguyễn Du trong thi văn nước ta trong mực thước khiêm tốn hơn, dĩ nhiên khiêm tốn về phần chúng ta. Trước Tagore,thơ trữ tình Bengali không ai để ý; sau Tagore chưa có một nhà thơ nào sánh kịp được một phần. Thơ Tagore lại còn là loại thơ để phổ nhạc vì lẽ âm thanh đặc biệt của tiếng nói Bengali, và cũng vì lẽ Tagore là một nhạc sĩ thiên tài.

Chuyện ngắn và tiểu thuyết của Tagore phần đã được dịch ra Anh ngữ được sắp xếp thành ba bộ lớn, gồm bốn đề tài: sự cách biệt giữa đời sống thôn quê và thành thị; giáo dục là phương tiện để tiến bộ; tinh thần quốc gia và ý kiến chính trị; khai phóng nữ lưu và cộng đồng.

Tác phẩm kịch nghệ và phần phổ nhạc là phần sáng tác Tagore vừa ý nhất. Như ở trên đã minh định giới hạn, trong bài này ta không bàn tới tư tưởng triết lý và chính trị của Tagore, mà chỉ tìm hiểu phần sáng tác thuần túy văn nghệ của ông liên hệ đến đạo Phật.

Ðiều cần phải nhắc lại ngay là chín mươi phần trăm sáng tác thi văn của Tagore viết bằng tiếng Bengali, và chỉ khoảng gần một nửa được dịch qua Anh ngữ. Trong số tác phẩm được dịch ra Anh Ngữ, phần liên hệ tới đạo Phật không đếm được bao nhiêu bởi lẽ người Tây phương làm quen với Ấn Ðộ ngày đó rất nghi ngại, nếu không nói là khinh khi đạo của Thích Ca.

Năm 1961, kỷ niệm 100 năm sinh hạ Tagore, nhà xuất bản Macmillan tổng kê tác phẩm Tagore trong tập sách Centenary Volume trong đó ghi chú 41 tác phẩm kịch nghệ. Chín bổn đã được dịch lúc sinh thời tác giả, tám bổn được in sau khi ông mất, 24 bổn còn lại nguyên tiếng Bengali. Trong những bài đã dịch qua tiếng Anh chỉ có đôi bổn như kịch bản Prayaschitta đã dẫn trên quen thuộc với chúng ta về mặt đạo Phật. Bây giờ nếu ta đọc giáo sư Bimal Barna, một học giả Phật giáo trường Nalanda (Calcutta Reviews, 1960) ta học được là rất nhiều bài thơ trữ tình, chuyện ngắn, kịch bản của Tagore được sáng tác rút chất liệu trong những Chuyện Tiền thân đức Phật (Kinh Jataka). Bismal Barna dẫn những bài thơ ngắn hoặc trường thiên, nhiều bài đã viết ra kịch bản, tiểu thuyết như tập thơ Katha, Sreshta-Bhiksha, Mastakbikray, Nagarlaksmi, Pujarini... những đề mục quen thuộc trong kỹ nghệ điện ảnh Ấn Ðộ ngày nay! Nhà sưu khảo còn viết thêm là những bài thơ, truyện ngắn ,kịch bản này được diễn tả với bút pháp "không so sánh được trong lịch sử văn chương."

Rất tiếc vì hàng rào ngôn ngữ, thế hệ chúng ta bắt buộc trở thành xa lạ với những kỳ quan này. Phương Tây -- vì lý do hoàn cảnh, có chúng ta trong đó -- chỉ biết được Tagore thoáng qua và không trọn vẹn. Sau này những người trẻ tìm học đạo Phật, nếu đến với Tagore, chắc chắn sẽ gặp một kho tàng vô giá chờ đợi được khai thác.

(* chữ trong vòng đơn là lời của người dịch. Tập thơ Parisesh viết bằng tiếng Pali năm 1887, dịch ra Anh ngữ và xuất bản tại Luân đôn năm 1932.)

Nguồn: http://www.phatgiaohue.vn/news.aspx?KenhID=68&ChuDeID=0&TinTucID=1713

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục