Sáng kiến Sông Mêkông – Sông Hằng: thực trạng và giải pháp (Phần 1)
Sáng kiến hợp tác Sông Mêkông – Sông Hằng (MGC) đã được triển khai hơn 2 thập kỷ. Trong bài viết này, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tổng hợp lại những thành tựu và thách thức để thấy bức tranh toàn cảnh trong sáng kiến MGC, đồng thời đưa ra một số gợi mở cho hướng phát triển của mối quan hệ hợp tác trong tương lai (Phần 1).
I. Giới thiệu
Hợp tác MêKông - Sông Hằng (MCG) được khởi động năm 2000 ở Vientiane, Lào trong cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên của MGC, chú trọng hợp tác trong các lĩnh vực du lịch, văn hóa, giáo dục, và giao thông vận tải. Kể từ khi thiết lập, thương mại của Ấn Độ với các quốc gia tiểu vùng sông MêKông tăng lên đáng kể, từ 1 tỷ USD năm 2000 lên 25 tỷ USD năm 2020, tăng gấp 25 lần trong 2 thập kỷ. Đến nay, các lĩnh vực hợp tác đã được mở rộng và bao gồm cả y tế và y học cổ truyền, nông nghiệp và các ngành liên quan, thủy lợi, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), khoa học và công nghệ, phát triển kỹ năng và xây dựng năng lực chuyên môn.
Hiện nay, sáng kiến MCG đang chứng kiến những sự điều chỉnh và thích nghi cũng như những nhân tố mới trong quan hệ giữa hai bên. Các động lực hiện nay trong khu vực và môi trường quốc tế đang thay đổi nhanh chóng đang mang đến những ý tưởng mới và cả những thách thức khác nhau. Các nước MCG cần chủ động làm việc và hợp tác xây dựng để giải quyết các vấn đề cấp bách xuyên quốc gia.
Từ khi quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ được thiết lập (năm 1972), trên nền tảng mối quan hệ thân thiết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru tạo dựng nền móng, trong suốt 50 năm qua, Việt Nam và Ấn Độ luôn ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau. Hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” (tháng 9/2016) và đang tích cực triển khai Chương trình Hành động triển khai Đối tác Chiến lược toàn diện giai đoạn 2021-2023. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn ở các cấp. Thời gian qua, ở cấp cao, phía Ấn Độ thăm Việt Nam có Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (9/2016), Tổng thống Ram Nath Kovind (11/2018), Phó Tổng thống Ấn Độ Venkaiah Naidu (5/2019). Phía Việt Nam thăm Ấn Độ có: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (12/2016), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (tháng 7/2017), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-Ấn Độ (tháng 1/2018), Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp Nhà nước (tháng 3/2018), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (tháng 2/2020), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (tháng 12/2021).
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Modi (tháng 12/2020); điện đàm với Thủ tướng Modi (13/4/2021); Bộ trưởng Ngoại giao hai nước điện đàm (4/2021) và gặp nhau bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Hoa Kỳ (tháng 11/2021); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ tại Hội nghị Chủ tịch Quốc hội Thế giới lần thứ 5 tại Áo (9/2021).
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các đối tác Ấn Độ, các đối tác trong khu vực Đông Nam Á đã phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp trên nhiều phương diện. Tới nay, trong tình hình bình thường mới hậu Covid, với những diễn biến mới trong kinh tế, chính trị, an ninh, văn hóa, khoa học, kỹ thuật trên thế giới và trong khu vực, chúng ta cần đánh giá thực tiễn sáng kiến hợp tác lớn giữa Ấn Độ với các nước trong tiểu vùng, từ đó có cơ sở để đề xuất những phương hướng hợp tác trong tình hình mới.
II. Bối cảnh hợp tác Sông Mêkông – Sông Hằng
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, có ít nhất 9 khuôn khổ hợp tác đã hình thành trong tiểu vùng sông MêKông, đó là:
- Hợp tác tiểu vùng MêKông mở rộng (GMS): Sáng kiến Hợp tác kinh tế tiểu vùng MêKông mở rộng (GMS) được khởi xướng năm 1992 bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Các nước thành viên của tiểu vùng MêKông mở rộng gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc (với 2 tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây). Hợp tác GMS nhằm mục tiêu thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc), đưa tiểu vùng MêKông mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á. Hợp tác GMS được đánh giá là hợp tác hiệu quả nhất trong các cơ chế hợp tác Tiểu vùng. Các sáng kiến và hoạt động trong chương trình GMS tập trung vào 9 lĩnh vực chính bao gồm: Giao thông vận tải, Năng lượng, Môi trường, Du lịch, Bưu chính Viễn thông, Thương mại, Đầu tư, Phát triển Nguồn nhân lực, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Hợp tác ACMECS: ACMECS là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Cam-pu-chia, Lào, Mianma, Thái Lan và Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác kinh tế chung và song phương để khai thác và phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển. ACMECS được thành lập tháng 11/2003 tại Hội nghị Cấp cao Bagan do Thái Lan đề xuất. Việt Nam chính thức tham gia ACMECS tại HNBT ACMECS lần thứ 1 tại Thái Lan, tháng 11/2004.
- Hợp tác trong Uỷ hội sông MêKông: Ủy ban sông MêKông quốc tế (MêKông River Committee) được Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1957 với bốn quốc gia Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam Cộng hoà để cùng khai thác sông MêKông. Tuy nhiên vì chiến tranh, kế hoạch khai thác bị ngừng trệ. Ngày 5/4/1995, Ủy hội sông MêKông (MêKông River Commission) được thành lập với 4 thành viên là Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam. Trung Quốc và Mianma không gia nhập ủy hội và chỉ tham gia với tư cách nước đối thoại (dialogue partner).
- Hợp tác MêKông – Nhật Bản: Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 12 (Philippines, tháng 1/2007), Nhật Bản đưa ra Chương trình quan hệ đối tác Nhật Bản – Mêkông vì sự thịnh vượng chung.
- Hợp tác MêKông – Mỹ: Cơ chế hợp tác Lower MêKông Initiative (LMI) được hình thành từ năm 2009 theo sáng kiến của Mỹ. Bên cạnh LMI, các nước cũng đã thành lập cơ chế hợp tác giữa các nước LMI và những người bạn (FLM). Đến nay, LMI đã và đang triển khai một số sáng kiến và hoạt động hợp tác sau: Hội nghị “Sáng kiến các nước hạ nguồn MêKông, hợp tác khu vực đáp ứng với hiểm hoạ của bệnh truyền nhiễm”; Kết nghĩa giữa Ủy hội MêKông và Ủy hội sông Mississippi nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm và hợp tác giữa hai bên; Chương trình “Dự báo MêKông” (MêKông Forecast phát triển từ chương trình DRAGON - Delta Research and Global Observation Network) và các hợp tác môi trường: nhằm xây dựng các trạm quan trắc tự động để theo dõi về biến đổi khí hậu tại khu vực Tiểu vùng; Chương trình Đào tạo tiếng Anh chuyên ngành cho các cán bộ làm việc trong 4 lĩnh vực hợp tác LMI đã tổ chức 3 khóa tại 3 nước Campuchia, Lào và Việt Nam; Tham gia Liên minh toàn cầu về Bếp sạch nhằm mục tiêu phát triển sử dụng bếp nấu và nhiên liệu không thải khí độc, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là phụ nữ, thúc đẩy thị trường thế giới về các giải pháp nấu năng lượng sạch và hiệu quả, cắt giảm khí thải, góp phần vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Hợp tác MêKông – Hàn Quốc: được triển khai với Hội nghị Bộ trưởng MêKông – Hàn Quốc lần thứ nhất tổ chức từ 27 – 28/10/2011. Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố Sông Hàn” về thiết lập “Quan hệ đối tác toàn diện giữa các nước MêKông và Hàn Quốc vì thịnh vượng chung”.
- Hợp tác sông MêKông – sông Hằng (MGC): Hợp tác MGC thành lập theo sáng kiến của Ấn Độ và Thái Lan, được thông qua tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao 6 nước Campuchia, Ấn Độ, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam được tổ chức vào dịp HNBT ASEAN (AMM) ở Bangkok ngày 28/7/2000. Mục tiêu của MGC là củng cố tình hữu nghị, đoàn kết giữa các nước thuộc lưu vực sông Mêkông và sông Hằng.
- Tam giác phát triển CLV: Tam giác phát triển (TGPT) khu vực biên giới ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia được ba Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 2004 gồm 10 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông (Việt Nam); Sekong, Attapeu, Saravan (Lào) và Stung Treng, Rattanak Kiri, Mondul Kiri (Campuchia). Năm 2009, ba nước nhất trí bổ sung tỉnh Bình Phước (Việt Nam), tỉnh Kratie (Campuchia) và tỉnh Champasak (Lào) vào TGPT. Mục tiêu TGPT CLV nhằm tăng cường đoàn kết và hợp tác ba nước nhằm phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo góp phần giữ vững ổn định, an ninh của cả 3 nước. Hợp tác tập trung vào các lĩnh vực: giao thông vận tải, thương mại, điện lực, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và y tế.
- Hợp tác bốn nước Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam (CLMV): Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản, tháng 12/2003, Tokyo, Nhật Bản, Lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam (CLMV) đã nhất trí tổ chức Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ nhất vào dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 10, cuối tháng 11/2004 tại Viên Chăn, Lào. Lĩnh vực hợp tác của khuôn khổ CLMV bao gồm: thương mại, đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, du lịch và phát triển nguồn nhân lực. CLMV khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân và doanh nghiệp các nước.
Như vậy xét trong tổng thể, sáng kiến hợp tác Sông MêKông - Sông Hằng là một trong 9 cơ chế hợp tác hiện có trong tiểu vùng Sông MêKông và đã được quan tâm chú trọng để phát triển trong thời gian tương đối dài, từ năm 2000 đến nay. Đây là một trong những sáng kiến hợp tác giữa các lưu vực sông, sông Cửu Long, sông Hằng (Ấn Độ), sông Hàn (Hàn Quốc), sông Mississippi (Mỹ). Sáng kiến hợp tác Sông MêKông - Sông Hằng được triển khai trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung vào kết nối, gồm có kết nối đường bộ, đường cảng biển, đường hàng không, kết nối văn hóa, con người, kết nối mạng.
Hợp tác MGC thành lập theo sáng kiến của Ấn Độ và Thái Lan, được thông qua tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao 6 nước Campuchia, Ấn Độ, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam được tổ chức vào dịp HNBT ASEAN (AMM) ở Bangkok ngày 28/7/2000. Mục tiêu của MGC là củng cố tình hữu nghị, đoàn kết giữa các nước thuộc lưu vực sông Mêkông và sông Hằng. Cơ chế hợp tác MGC gồm có Hội nghị Bộ trưởng họp quan chức cao cấp (SOM).
Chúng ta đánh giá cao những thành tựu MGC đạt được trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên (văn hóa, du lịch, giáo dục, y tế công cộng và y học cổ truyền, quản lý tài nguyên nước, khoa học công nghệ, giao thông và thông tin, nâng cao năng lực và phát triển kỹ năng). Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Ấn Độ và các nước MêKông đã tăng 25 lần, đạt 25 tỷ USD trong năm 2020. Các dự án kết nối giao thông từng bước được mở rộng, đặc biệt là các tuyến đường bay thẳng nối các thành phố lớn của MGC. Cùng với đó là hàng trăm suất học bổng, khóa đào tạo đã hỗ trợ các nước MêKông phát triển nguồn nhân lực.
Hợp tác về văn hóa, quản lý di sản và du lịch đạt nhiều thành tựu, nổi bật là Bảo tàng Dệt may truyền thống, Trung tâm lưu trữ chung về lịch sử và văn minh Ấn Độ-Đông Nam Á. Chương trình Dự án tác động nhanh (QIPs) triển khai được 68 dự án với tổng kinh phí 3,4 triệu USD giai đoạn 2016-2020. Ấn Độ đã cung cấp hơn 2 tỷ USD vốn vay cho các dự án về phát triển nguồn nước, kết nối, xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật số, điện khí hóa nông thôn, thủy lợi, giáo dục tại các nước MêKông.
Kế hoạch hành động MGC giai đoạn 2019-2022 đã bổ sung 3 lĩnh vực hợp tác mới là quản lý nguồn nước, khoa học công nghệ, nâng cao năng lực và phát triển kỹ năng. Để nâng cao hiệu quả hợp tác thời gian tới, Hội nghị đã thống nhất tăng cường hợp tác y tế phòng, chống COVID-19, đặc biệt là nghiên cứu, sản xuất, phân phối vaccine và thuốc kháng sinh; nâng cao năng lực về phòng ngừa, kiểm soát bệnh tật; thúc đẩy hợp tác y học cổ truyền; phục hồi kinh tế sau đại dịch thông qua thúc đẩy hợp tác thương mại, kết nối giao thông, công nghệ, chuyển đổi số, du lịch, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, giao lưu văn hóa, gắn kết MGC với các sáng kiến kết nối tại khu vực.
Cộng đồng Sông MêKông - Sông Hằng thúc đẩy hợp tác quản lý tài nguyên nước bền vững, tăng cường hợp tác về kỹ thuật trong quản lý nguồn nước; trao đổi kinh nghiệm, thông tin và thực tiễn, khuyến khích phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hợp tác MGC; cho rằng các nước cần phát huy hơn nữa tiềm năng của cộng đồng MêKông-sông Hằng để cơ chế hợp tác này đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững của khu vực.
Bấm vào đây để đọc phần 2 của bài viết này
Bấm vào đây để đọc phần 3 của bài viết này
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục