Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Sáng kiến Sông Mêkông – Sông Hằng: thực trạng và giải pháp (Phần 2)

Sáng kiến Sông Mêkông – Sông Hằng: thực trạng và giải pháp (Phần 2)

Sáng kiến hợp tác Sông Mêkông – Sông Hằng (MGC) đã được triển khai hơn 2 thập kỷ. Trong bài viết này, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tổng hợp lại những thành tựu và thách thức để thấy bức tranh toàn cảnh trong sáng kiến MGC, đồng thời đưa ra một số gợi mở cho hướng phát triển của mối quan hệ hợp tác trong tương lai (Phần 2).

01:36 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

III. Thực trạng hợp tác khu vực Sông Mêkông – Sông Hằng 2000-2022

Thực trạng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững

Sông Mê Kông là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng nơi sông bắt nguồn thuộc tỉnh Thanh Hải, chảy qua Vân Nam Trung Quốc, qua các nước Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam.

Sông Hằng là con sông quan trọng nhất của tiểu lục địa Ấn Độ. Sông Hằng dài 2.510 km bắt nguồn từ dãy Hymalaya của Bắc Trung Bộ Ấn Độ, chảy theo hướng Đông Nam qua Bangladesh và chảy vào vịnh Bengal.

Trong danh sách 5 tuyến du lịch trên sông hàng đầu châu Á do Telegraph bình chọn, đứng đầu là tour sông Hằng (Ấn Độ), sông MêKông đoạn Việt Nam - Campuchia đứng ở vị trí thứ 4. Trong 3 năm qua (2019-2022), các dòng chảy chính của sông MêKông đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 60 năm, trong đó năm 2020 là năm khô hạn nhất của lưu vực hạ lưu sông MêKông khi lượng mưa dưới mức bình thường hằng tháng, trừ tháng 10. Ngày 13-1, Ban thư ký Ủy hội sông MêKông (MRC) tiếp tục kêu gọi 6 nước dọc sông MêKông khẩn trương giải quyết vấn đề dòng chảy thấp trong khu vực, sự thay đổi bất thường của mực nước và tình trạng hạn hán trong bối cảnh khu vực hạ lưu sông MêKông tiếp tục có dòng chảy thấp kỷ lục năm thứ 3 liên tiếp.

Báo cáo mới có tên “Dòng chảy thấp và tình trạng hạn hán của sông MêKông giai đoạn 2019-2023” do Ban thư ký MRC công bố ngày 13/1/2022 cho thấy trong 3 năm qua, các dòng chảy chính của sông MêKông đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 60 năm, trong đó năm 2020 là năm khô hạn nhất của lưu vực hạ lưu sông MêKông khi lượng mưa dưới mức bình thường hằng tháng, trừ tháng 10. Báo cáo nhấn mạnh, kể từ năm 2015, chế độ thủy văn đã thay đổi, với dòng chảy mùa khô nhiều hơn và dòng chảy mùa mưa giảm do số lượng hồ chứa trong lưu vực tăng lên, điều mang lại những kết quả vừa tích cực vừa tiêu cực. Tuy nhiên giai đoạn 2019-2021 rất khác thường do lượng mưa giảm nhiều và điều kiện khí hậu ngày càng xấu đi. Theo báo cáo, những yếu tố trên kết hợp với nhau có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng thủy sản và nông nghiệp, gây áp lực lên sinh kế của người dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đe dọa gây xáo trộn các hệ sinh thái mong manh của lưu vực sông MêKông.

Các bộ trưởng ngoại giao của sáu nước thành viên MGC (Campuchia, Ấn Độ, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam) đã nhất trí về sự cần thiết phải tăng cường hợp tác về quản lý tài nguyên nước bền vững. Kế hoạch hành động của MGC cho giai đoạn 2019-2022, các bước liên quan đến biến đổi khí hậu là triển khai các dự án hợp tác trong các lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý lũ lụt và hạn hán, giảm nhẹ thiên tai và quản lý tài nguyên nước.

Sự quan tâm mới đến biến đổi khí hậu có thể là một bước phát triển gần đây, nhưng lại vô cùng cần thiết khi những tác động tức thời của biến đổi khí hậu đang ngày càng được thấy rõ trên toàn thế giới, trong đó khu vực sông MêKông-sông Hằng. Biến đổi khí hậu đặc biệt là mối quan tâm đối với các nước hạ lưu sông MêKông: Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Sự gia tăng nhiệt độ cùng với những thay đổi về cường độ mưa và dòng chảy của sông, và lũ lụt xen kẽ với hạn hán đang ảnh hưởng đến cuộc sống của các cộng đồng cư trú trên lưu vực, phá hủy nhà cửa, mùa màng và nghề cá của họ, đồng thời gây ra tình trạng thiếu lương thực với việc giảm sinh kế.

Theo nghiên cứu do Ủy ban sông MêKông (MRC) thực hiện, trong 20 đến 50 năm tới sẽ có nhiều thay đổi được đánh dấu bằng sự gia tăng nhiệt độ trên toàn lưu vực hạ lưu sông MêKông. Đến năm 2060, ước tính rằng, mức tăng nhiệt độ trung bình hàng năm trong khu vực lưu vực sẽ đạt trên 3,3 độ C, với sự thay đổi về lượng mưa trong kịch bản khí hậu khô giảm 16% và trong kịch bản khí hậu ẩm ướt sẽ tăng 17%. Sông Hằng cũng chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Sự thay đổi về mưa và nhiệt độ cao hơn do biến đổi khí hậu sẽ gây ra cả lũ lớn và hạn hán khắc nghiệt. Từ năm 2002 đến năm 2008, mực nước ở lưu vực sông Hằng đã giảm trung bình một mét sau mỗi ba năm. Sự suy giảm mực nước này sẽ trở nên tồi tệ hơn do dân số Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng, ước tính sẽ tăng lên 1,6 tỷ người vào năm 2050.

Với những bất thường trong thời gian gần đây, sông MêKông đã trở thành một điểm đến của khách du lịch, khi mọi người đổ xô đến để ngắm nhìn vẻ đẹp trong suốt của dòng sông. Điểm hấp dẫn của con sông này chính là dòng nước trong vắt, nhưng với sự dao động mực nước gần đây lên đến 1m chỉ trong 48 giờ, người dân và du khách đến đây cần hết sức thận trọng.

Các tác động đối với quần thể cá đang diễn ra dọc theo sông MêKông. Tại Biển Hồ của Campuchia - nguồn cá nội địa lớn nhất thế giới - sản lượng khai thác trong năm 2019 đã giảm tới 75%. Trong khi đó, theo dự báo, tổng lượng phù sa hiện nay đổ vào Đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam Việt Nam - vựa lương thực quan trọng của khu vực chỉ bằng 1/3 so với cách đây chưa đầy 15 năm. Chất lượng đất ở Nakhon Phanom của Thái Lan và nhiều nơi khác dọc bờ sông cũng thay đổi mạnh mẽ theo chiều hướng tiêu cực. Các bờ biển đang thiếu phù sa khiến nông nghiệp ở các vùng đất này phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đồng thời, các khu vực hai bên bờ sông MêKông từng rất mát mẻ trước đây cũng đang trải qua mức nhiệt cao hơn bao giờ hết.

Tiếp theo sự hoàn tất báo cáo Nghiên cứu của MRC về Quản lý và Phát triển bền vững sông MêKông, bao gồm cả báo cáo Tác động của các Dự án Phát triển Thủy điện (còn gọi là báo cáo Nghiên cứu Hội đồng) vào năm 2017, nhiều cuộc họp đã được tổ chức giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban sông MêKông Quốc gia Việt Nam, các đại diện từ những tổ chức phi chính phủ quan trọng, các đối tác phát triển, và giới nghiên cứu. Các cuộc họp này dẫn đến việc phát triển một số kế hoạch hành động quốc gia về việc tiếp thu của báo cáo Nghiên cứu Hội đồng. Việt Nam cũng tham gia việc thực hiện thủ tục “Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận” của MRC thông qua việc tổ chức các hoạt động tham vấn quốc gia cho dự án thủy điện Pak Lay của Lào.

Năm 2020, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã đề xuất việc kiểm toán môi trường về quản lý nước trên lưu vực sông MêKông. Được bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2021, cuộc kiểm toán đã đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc liên quan đến việc sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước ở lưu vực sông MêKông. Hai quốc gia thượng nguồn - Myanmar và Thái Lan - đã đồng ý tham gia sáng kiến này.

 

Thực trạng phát triển mạng lưới kết nối trong khu vực

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác MêKông-sông Hằng lần thứ 10 (MGC-10), trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 52 (AMM-52) và các hội nghị liên quan tại Bangkok. MGC-10 do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đồng chủ trì, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.

Về tình hình hợp tác, các bộ trưởng hoan nghênh những kết quả đã đạt được, điển hình là các chương trình học bổng của MGC cấp cho các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam; thành lập Bảo tàng dệt may truyền thống châu Á tại Siem Reap (Campuchia); dự án Trung tâm lưu trữ dữ liệu chung tại Trường Đại học Nalanda (Ấn Độ); và các hoạt động kết nối giữa Ấn Độ và các nước thuộc khu vực sông MêKông như diễn đàn doanh nghiệp, các cuộc họp Nhóm công tác về doanh nghiệp vừa và nhỏ của MGC. Các bộ trưởng cũng đánh giá cao việc Quỹ dự án hiệu quả nhanh MGC đã tài trợ cho 24 dự án của các nước MêKông, trong đó Việt Nam có 9 dự án.

Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển và ứng phó với các thách thức chung, cũng như phát huy hơn nữa tiềm năng hợp tác giữa các nước MêKông và Ấn Độ, các bộ trưởng nhất trí thông qua Kế hoạch hành động MGC giai đoạn 2019-2022, trong đó bổ sung thêm ba lĩnh vực hợp tác mới là quản lý nguồn nước, khoa học công nghệ, nâng cao năng lực và phát triển kỹ năng; tiếp tục tăng cường hợp tác về nông nghiệp, thủy sản, y tế, thương mại, văn hóa và du lịch. Hội nghị cũng hoan nghênh việc Ấn Độ trở thành đối tác phát triển của Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyarwady-Chao Phraya-MêKông (ACMECS).

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao các hoạt động mà hợp tác MGC đã triển khai trong thời gian qua và cảm ơn sự hỗ trợ của Ấn Độ dành cho khu vực MêKông. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, năm 2020 kỷ niệm 20 năm hợp tác MGC, đây là thời điểm để xây dựng lộ trình đưa hợp tác MGC lên tầm cao mới. Phó Thủ tướng đã đề xuất một số ưu tiên hợp tác trong thời gian tới, bao gồm tăng cường hợp tác kết nối, đặc biệt là việc mở rộng Hành lang kinh tế Đông-Tây, Hành lang kinh tế phía Nam tới Ấn Độ bằng đường bộ và đường biển, cũng như mở rộng tuyến đường cao tốc Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan tới Campuchia, Lào và Việt Nam.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng đã đề xuất tích cực nghiên cứu các dự án hỗ trợ phát triển mạng lưới giao thông đa phương thức nối liền khu vực MêKông và Ấn Độ; thuận lợi hóa thương mại và đầu tư thông qua xóa bỏ các rào cản thương mại, xúc tiến thương mại, hợp tác về thông quan, kiểm dịch và phát triển chuỗi cung ứng khu vực; thúc đẩy quản lý nguồn nước bền vững, đặc biệt là việc thực hiện các dự án về thu thập và giám sát dữ liệu tài nguyên nước, quản lý nước ngầm, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, kiểm soát lũ lụt và hạn hán.

 

Vấn đề bảo tồn di sản văn hóa vật thể trong khu vực

Lưu vực sông Mêkông và sông Hằng là nơi sản sinh và lưu giữ nhiều di sản văn hóa đặc sắc, bao gồm văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, trong đó có nhiều di chỉ khảo cổ và di tích cổ. Tuy nhiên, các di sản đó đang đứng trước thách thức to lớn của vấn đề biến đổi khí hậu. Thiên nhiên diễn biến bất thường gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm cho các di sản có nguy cơ bị biến dạng, mai một, thậm chí bị phá hủy. Ở Việt Nam hiện tại có 22 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt và hơn 3.000 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh, chủ yếu phân bố dọc theo lưu vực các sông Mêkông, sông Hồng, sông Hương... Các di sản văn hóa này cũng đang chịu nhiều ảnh hưởng từ tác động của thiên nhiên như bão, lũ lụt, hạn hán. Nhận thức được vấn đề này, nhiều quốc gia đã có những hành động cụ thể, những giải pháp thiết thực để ứng phó với những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, các nhà khoa học nhiều ngành đã tiến hành một số công trình nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến điều kiện tự nhiên, môi trường và kinh tế - xã hội. Nhận thức đúng đắn và xác định nguy cơ của biến đổi khí hậu tác động đến di sản văn hóa, đặc biệt là ở lưu vực sông Hằng và sông Mêkông, các nhà nghiên cứu khoa học làm công tác bảo tàng đã đưa ra nhiều giải pháp để bảo vệ các di sản văn hóa như: kết hợp giữa chính quyền và người dân để bảo tồn di sản ; cần có chính sách của nhà nước và vai trò của các nhà quản lý; các bảo tàng cần tích cực góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc ứng xử với môi trường tự nhiên và vấn đề biến đổi khí hậu; hợp tác chặt chẽ, chia sẽ kinh nghiệm thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu giữa các nước.

 

Vấn đề phát triển kinh tế trong tiểu vùng Sông Mêkông và hợp tác Sông Mêkông – Sông Hằng

Với giá trị địa chiến lược đặc biệt quan trọng, Tiểu vùng sông MêKông ngày càng thu hút sự quan tâm của các nước lớn. Cùng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, sự hiện diện của các nước lớn ở Tiểu vùng chính là cơ hội để thúc đẩy các hợp tác song phương và đa phương thông qua các cơ chế, sáng kiến, mà nổi bật là sáng kiến Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC). Với quá trình hình thành, phát triển và triển khai trên thực địa, EWEC góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân khu vực hạ lưu sông MêKông.

Tiểu vùng sông MêKông (còn được gọi là Đông Nam Á “lục địa”) với tổng diện tích khoảng gần hai triệu ki-lô-mét vuông, bao gồm năm nước là Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam. Tiểu vùng sông MêKông tiếp giáp với Trung Quốc và Ấn Độ; là điểm kết nối lục địa châu Á với biển (phía Đông kết nối với Thái Bình Dương, phía Tây kết nối với Ấn Độ Dương); là giao điểm của vùng Đông Bắc Á, Nam Á và Đông Nam Á; có giá trị địa chiến lược nối liền Đông và Tây, chi phối cục diện chung toàn khu vực Đông Nam Á, rộng hơn là vành đai Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tiểu vùng sông MêKông nằm giữa những vùng kinh tế năng động và phát triển nhất của châu Á hiện nay trong phát triển thương mại, đầu tư, kết cấu hạ tầng. Tiểu vùng ngày càng đóng vai trò quan trọng, là “cầu nối” giữa hai nền kinh tế đang nổi lên ở châu Á là Trung Quốc, Ấn Độ và các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); đồng thời, còn là hành lang giao thương từ Nhật Bản, Trung Quốc đến Ấn Độ, Tây Á và Địa Trung Hải. Vì vậy, Tiểu vùng mang giá trị chiến lược và lợi ích đặc biệt quan trọng không chỉ đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á mà còn cả với các nước ngoài khu vực. Với những giá trị về địa - chính trị, kinh tế, an ninh như vậy, Tiểu vùng sông MêKông chiếm một vị trí quan trọng trong tương quan giữa các khu vực trên thế giới; đồng thời, là cơ sở cho mục tiêu quan tâm, can dự và gây ảnh hưởng của các nước lớn đối với khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ - hai quốc gia đều muốn gia tăng, mở rộng thương mại và đầu tư trực tiếp tại khu vực này.

Các nước trong Tiểu vùng không chỉ chia sẻ chung dòng sông MêKông mà còn có nhiều nét văn hóa, xã hội và lịch sử tương đồng. Đây là nền tảng, cơ sở hình thành nên một cách tự nhiên những mối quan hệ đa dạng, đa chiều trong lịch sử quan hệ giữa các nước thuộc Tiểu vùng; là cơ sở vững chắc và lâu dài trong quan hệ hợp tác giữa các quốc gia, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế. Bước sang thế kỷ XXI, cùng với tiến trình toàn cầu hóa, liên kết hóa và đổi mới kinh tế, các nước Tiểu vùng sông MêKông đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển, trở thành khu vực hấp dẫn đầu tư nước ngoài, không chỉ bởi lợi thế về nguồn lao động dồi dào, giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, mà còn bởi đây là khu vực năng động, có nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tương đối ổn định.

Một trong những động lực để các nước trong Tiểu vùng tăng cường liên kết, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, nguồn nước là xây dựng các cơ chế hợp tác đa phương, như: Ủy hội sông MêKông quốc tế (MRC), Hợp tác kinh tế Tiểu vùng MêKông mở rộng (GMS), Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - MêKông (ACMECS)... Trong các cơ chế hợp tác này, GMS được đánh giá là chương trình hợp tác hoàn chỉnh nhất về thành viên trong Tiểu vùng mở rộng. Được thành lập từ năm 1992, với sự trợ giúp của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), GMS có sự tham gia của Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, Mi-an-ma và tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc). Sự hợp tác này được triển khai trên các lĩnh vực trọng tâm là: 1- Giao thông tận tải; 2- Năng lượng; 3- Môi trường; 4- Du lịch; 5- Bưu chính, viễn thông; 6- Thương mại; 7- Đầu tư; 8- Phát triển nguồn nhân lực; 9- Nông nghiệp và phát triển nông thôn; 10- Quản lý nguồn nước.

Với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân lưu vực sông MêKông, các nước tham gia GMS đã thỏa thuận hợp tác phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng, thương mại, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực... Hợp tác phát triển hạ tầng giao thông được ưu tiên hàng đầu và đạt nhiều kết quả nổi bật nhất, hướng tới hình thành, xây dựng ba hành lang kinh tế chính, gồm: Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC), Hành lang Kinh tế Bắc - Nam (NSEC) và Hành lang Kinh tế phía Nam (SEC). Trong đó, EWEC tạo tác động lan tỏa, lôi cuốn các vùng xung quanh vào luồng phát triển chung và là “chìa khóa” để phát triển khu vực hạ lưu sông MêKông. EWEC gắn hội nhập kinh tế khu vực với công nghiệp hóa và tạo không gian mới để các nước Tiểu vùng sông MêKông hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, EWEC góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng cường liên kết trong Tiểu vùng với các nước ASEAN cũng như với các nước khác trên thế giới. Với tầm quan trọng về địa chiến lược của Tiểu vùng sông MêKông, EWEC đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nước lớn, thông qua viện trợ, gia tăng đầu tư cùng với sự hiện diện các định chế tài chính quốc tế như: ADB, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Đầu tư kết cấu hạ tầng châu Á (AIIB)... để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình. Đây chính là cơ hội rất lớn cho các quốc gia trên tuyến EWEC có thể tăng cường hợp tác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo ra một không gian bảo đảm an ninh và lợi ích quốc gia.

 

Vấn đề phát triển hành lang kinh tế Đông-Tây

EWEC là tuyến hành lang dài 1.450km, đi qua 13 tỉnh của 4 nước Mi-an-ma, Thái Lan, Lào và Việt Nam; bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine (bang Mon) đến cửa khẩu Myawaddy (bang Kayin) ở biên giới Mi-an-ma - Thái Lan. Ở Thái Lan, EWEC được bắt đầu từ Mae Sot, chạy qua 7 tỉnh của nước này. Ở Lào, tuyến hành lang này chạy từ tỉnh Xa văn Na khẹt đến cửa khẩu Dansavanh và ở Việt Nam, chạy từ cửa khẩu Lao Bảo qua các tỉnh Quảng Trị, Huế và thành phố Đà Nẵng. EWEC còn là con đường huyết mạch nối liền GMS với không gian kinh tế sông Hằng (Ấn Độ), góp phần rút ngắn khoảng cách và phí tổn cho việc mở rộng giao lưu kinh tế giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; đồng thời, nằm trên tuyến đường xuyên Á, cầu nối giữa thị trường Trung Quốc rộng lớn với khu vực ASEAN.

Về mục tiêu, EWEC hướng tới lợi ích thiết thực và lâu dài cho các quốc gia thành viên nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thúc đẩy phát triển giao lưu thương mại, đầu tư giữa các nước; góp phần xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ phát triển các khu vực dọc biên giới, các vùng nông thôn và gia tăng thu nhập cho người dân. Đây là cơ hội để các quốc gia tiếp cận gần hơn nữa với các nguồn tài nguyên khoáng sản, hải sản và năng lượng, phục vụ cho các ngành sản xuất và chế biến; tạo điều kiện phát triển cho các thành phố, thị trấn, thị xã dọc hành lang EWEC, đồng thời thúc đẩy thương mại xuyên biên giới; thu hút đầu tư từ các quốc gia, khu vực và thế giới. Hơn nữa, EWEC tạo môi trường phát triển cho các hoạt động kinh tế thông qua việc sử dụng hiệu quả không gian, địa lý, góp phần hình thành khu vực kinh tế xuyên quốc gia; tạo điều kiện mở cửa cho hàng hóa của các địa phương và các nước nằm dọc hành lang này thâm nhập các thị trường đầy tiềm năng của Nam Á, Đông Á và châu Âu. EWEC còn tạo ra cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ ngoài khu vực thông qua việc kết nối với các thị trường quốc tế và với khu vực Đông Á, vì vậy, EWEC được kỳ vọng trở thành hành lang hợp tác hữu nghị, cùng phát triển của các nước trong và ngoài khu vực, tạo ra sự tùy thuộc lẫn nhau, đan xen lợi ích kinh tế và an ninh giữa các nước trong khu vực với các đối tác phát triển khác, góp phần cải thiện môi trường an ninh biên giới dọc tuyến hành lang EWEC, củng cố sự ổn định, phát triển ở khu vực.

Về nguyên tắc, EWEC được ưu tiên triển khai bởi GMS. Vì vậy, EWEC cũng phải tuân thủ theo các nguyên tắc hợp tác và cơ chế hoạt động của GMS. Hợp tác EWEC phải dựa trên nguyên tắc chung (tự nguyện, cùng có lợi và tôn trọng chủ quyền quốc gia) và sáu nguyên tắc hợp tác cụ thể đã được các Bộ trưởng GMS thông qua, bao gồm: Thứ nhất, hợp tác GMS phải tạo điều kiện duy trì tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống của người dân trong Tiểu vùng. Các chương trình và dự án GMS cần phản ánh sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường; thứ hai, các dự án có thể thu hút một số quốc gia trong Tiểu vùng và không nhất thiết phải bao gồm cả sáu nước. Các thỏa thuận song phương trong Tiểu vùng là bộ phận cấu thành của hợp tác Tiểu vùng; thứ ba, việc cải tạo hoặc khôi phục những cơ sở hiện có được ưu tiên cao hơn việc xây dựng những cơ sở mới; thứ tư, khuyến khích tài trợ cho các dự án Tiểu vùng từ nguồn vốn chính phủ và tư nhân; thứ năm, các nước thành viên Tiểu vùng cần thường xuyên gặp gỡ, trao đổi để duy trì động lực thúc đẩy tiến trình hợp tác phát triển; thứ sáu, các dự án hợp tác sẽ không làm tổn hại lợi ích của bất kỳ quốc gia nào, bất kể lợi ích hiện có hoặc sẽ có trong tương lai.

Từ khi thành lập đến nay, tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc EWEC đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận thông qua các dự án hợp tác đầu tư, thương mại, công nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng; chuyển giao công nghệ; giao lưu văn hóa nhằm xóa đói, giảm nghèo, phát triển nông thôn, nâng cao đời sống của người dân. Trong đó, lĩnh vực phát triển mạnh nhất, nổi bật nhất là hợp tác trong lĩnh vực giao thông, vận tải, với tuyến đường Đông - Tây đầu tiên xuyên suốt từ Biển Đông đến các cảng biển của Mi-an-ma, ven Vịnh Ben-gan trên Ấn Độ Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế EWEC và GMS. EWEC tạo điều kiện phát triển một hệ thống giao thông đạt hiệu quả cao, cho phép hàng hóa và hành khách lưu thông trong khu vực Tiểu vùng sông MêKông mở rộng mà không gặp trở ngại hay chi phí cao, đưa sự liên kết vùng trở thành một cửa ngõ phát triển của Tiểu vùng sông MêKông mở rộng, thâm nhập các thị trường đầy tiềm năng của các nước khu vực Nam Á và Tây Á. Với cực Đông là thành phố Đà Nẵng, EWEC kết nối trực tiếp Tiểu vùng ra Thái Bình Dương, mở ra cơ hội rất lớn cho các quốc gia trong việc rút ngắn quãng đường trung chuyển hàng hóa xuất khẩu đi các nước Đông Bắc Á và châu Mỹ. Việc khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi nước từng bước được cải thiện, tạo điều kiện cho các vùng và địa phương thuộc EWEC phát triển mạnh hơn về kinh tế, văn hóa, phát triển nguồn nhân lực và giáo dục - đào tạo... Đồng thời, EWEC góp phần kết nối các di sản văn hóa thế giới của các nước trong khu vực cũng như tạo ra những điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, thương mại và du lịch của thế giới vào EWEC nói riêng và ASEAN nói chung. Vì vậy, EWEC không chỉ gắn kết các nền kinh tế các quốc gia Tiểu vùng MêKông mà còn là cầu nối hợp tác, liên kết kinh tế và phát triển giữa các nước bên bờ Thái Bình Dương với các nước bên bờ Ấn Ðộ Dương và vươn xa tới Tây bán cầu. Điều này còn góp phần tăng cường an ninh mỗi nước và khu vực, tăng cường hợp tác hữu nghị giữa các nước, hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế (AEC) vào năm 2025.

Tuy nhiên, các địa phương dọc hành lang EWEC hầu hết còn nghèo, trình độ phát triển thấp, thiếu vốn, thiếu công nghệ; xa cách về mặt địa lý và xa các trung tâm, đô thị phát triển. Kết cấu hạ tầng giao thông còn kém phát triển, thiếu đồng bộ, cơ chế phối hợp giữa các địa phương trên toàn tuyến EWEC vẫn còn yếu. Hơn nữa, theo cùng các xu thế lớn như tự do hóa, toàn cầu hóa và liên kết..., nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực an ninh hoặc các vấn đề liên quan khác ở Tiểu vùng MêKông đòi hỏi cần có sự hợp tác song phương hay đa phương trên các cấp độ quốc gia, khu vực, toàn cầu mới có thể giải quyết được. EWEC ra đời và chính thức đi vào hoạt động cũng tạo ra không gian mới và làm nảy sinh những vấn đề mới liên quan đến an ninh quốc gia ở mỗi nước Tiểu vùng MêKông và ở cấp độ khu vực.

 

Vấn đề cạnh tranh giữa các cường quốc, và cạnh tranh trong tiểu vùng

Quá trình thực hiện mục tiêu chung của EWEC còn đang phải đối mặt với nhiều thách thức: 

Một là, cạnh tranh giữa nước lớn, nhất là cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực này diễn ra ngày càng gay gắt, khiến các nước Tiểu vùng ở vào thế khó xử trong việc lựa chọn và ưu tiên đối tác hợp tác, điều này đã làm phân tán nguồn lực trong thúc đẩy hợp tác phát triển ở Tiểu vùng; 

Hai là, với những động thái nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng của các nước lớn tại khu vực, các nước Tiểu vùng sẽ đứng trước thách thức bị lôi kéo, chi phối và phụ thuộc vào các nước lớn/các đối tác phát triển; sự đoàn kết, thống nhất gắn kết nội khối giữa các nước Tiểu vùng, đối diện với nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò trung tâm của Cộng đồng ASEAN; 

Ba là, các nước Tiểu vùng sẽ phải đối mặt với nguy cơ rơi vào “bẫy” của các nền kinh tế tăng trưởng dựa vào nguyên liệu; trở thành thị trường cho hàng hóa và công nghệ lạc hậu, chịu các hệ lụy đến từ môi trường, cạn kiệt tài nguyên... do thiếu quy hoạch phát triển bền vững, đe dọa trực tiếp đời sống, sản xuất của người dân ở lưu vực sông MêKông; 

Bốn là, vấn đề giao thông đi lại thuận tiện qua khu vực biên giới cũng đặt ra thách thức đối với các nước Tiểu vùng trong việc ngăn ngừa các hoạt động thâm nhập nội địa của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia; mua bán trái phép chất ma túy, mua bán phụ nữ, trẻ em; vấn đề di dân, xây dựng các khu định cư lâu dài theo các dự án kinh tế, nhất là tại các vùng biên, các vùng có vị trí chiến lược quan trọng, có thể làm xáo trộn đời sống sinh hoạt của người dân địa phương, làm nảy sinh xung đột, gây bất ổn về an ninh, trật tự và là mối đe dọa tiềm tàng đối với vấn đề chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia thuộc Tiểu vùng.

Với những khó khăn và thách thức như vậy, việc thúc đẩy EWEC đạt hiệu quả hơn trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội chính là một vấn đề cấp thiết hiện nay. Một EWEC hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào lộ trình xây dựng AEC 2025; hiện thực hóa mục tiêu mở rộng khu vực mậu dịch tự do về phạm vi và nâng cao về mức độ tự do hóa; về cơ bản không còn thuế quan đối với hàng hóa và có sự lưu chuyển thông thoáng hơn về dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, thúc đẩy kết nối với các nền kinh tế lớn trên thế giới, tăng cường hơn nữa xu thế hòa bình, hợp tác phát triển ở Tiểu vùng sông MêKông.  Hơn nữa, khi EWEC vươn xa tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ tạo ra nguồn lực kinh tế mạnh mẽ, góp phần giúp ASEAN đẩy mạnh hơn nữa hợp tác với các nước trên thế giới, mở rộng thị trường xuất khẩu, phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn, nâng cao sức cạnh tranh; đồng thời, làm cho môi trường đầu tư tại khu vực ASEAN ngày càng trở nên hấp dẫn hơn, thúc đẩy các doanh nghiệp ở những nước kém phát triển hơn, như Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma... tham gia sâu vào các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu.

Đối với Việt Nam, lưu vực sông MêKông có ý nghĩa chiến lược về kinh tế - xã hội, môi trường, sinh thái và an ninh, quốc phòng. Về cơ bản, mục đích của những chương trình hợp tác tại Tiểu vùng MêKông đều phù hợp với các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Bởi vậy, Việt Nam luôn ủng hộ và tham gia tích cực, là thành viên của hầu hết các chương trình hợp tác tại Tiểu vùng MêKông, trong đó có hợp tác trên tuyến EWEC. Việt Nam nằm ở vị trí “đắc địa” của hành lang EWEC, kết nối các nền kinh tế Ấn Độ và Nam Á tới Tiểu vùng MêKông, kết nối qua Biển Đông tới các nền kinh tế ASEAN “biển đảo” và các nước khác; góp phần tạo ra những “đại lộ” kinh tế, thương mại nằm ngoài các hành lang, tuyến đường được tạo nên bởi các sáng kiến, hợp tác như Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI), Hợp tác MêKông - Lan Thương (MLC)... Điều này đã được thể hiện qua việc Việt Nam thu hút được các dự án đầu tư nước ngoài vào các tuyến đường bộ thuộc hành lang Đông - Tây và các cảng biển. Trong khoảng hai thập niên gần đây, nhiều nguồn vốn được huy động ngoài ngân sách để đầu tư phát triển các hệ thống cảng biển tại Việt Nam với sự tham gia của các doanh nghiệp vận tải biển lớn trên thế giới. Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải và điều hành khai thác cảng biển trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam để hình thành các mô hình liên doanh đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển. Hệ thống kho vận, cảng cụm công nghiệp hiện đại, có quy mô lớn, như Khu kinh tế Nghi Sơn, Vũng Áng - Sơn Dương, Dung Quất... trên trục kết nối Đông - Tây giúp tạo ra một không gian phát triển mới, bền vững. Đây là nền tảng thuận lợi để cảng biển Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong EWEC và chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn hàng hải, khai thác cảng biển hàng đầu thế giới.

Có thể nói, EWEC đã mang lại những hiệu quả rất thiết thực đối với các nước dọc tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây. Sự phát triển về giao thông vận tải thông qua việc kết nối với nhiều tuyến đường huyết mạch đã tạo điều kiện giúp các địa phương có EWEC chạy qua tiếp cận dễ dàng hơn với các trung tâm kinh tế. Nhưng để khai thác tối đa những lợi ích do EWEC mang lại thì các nước cũng cần phải mở rộng thị trường nội địa của mình để các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia cạnh tranh bình đẳng dựa trên nền tảng những nguyên tắc của GMS và các hiệp định đã ký kết giữa ASEAN với các nước khác.

Bấm vào đây để đọc phần 1 của bài viết này

Bấm vào đây để đọc phần 3 của bài viết này

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục