Sáng kiến Sông Mêkông – Sông Hằng: thực trạng và giải pháp (Phần 3)
Sáng kiến hợp tác Sông Mêkông – Sông Hằng (MGC) đã được triển khai hơn 2 thập kỷ. Trong bài viết này, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tổng hợp lại những thành tựu và thách thức để thấy bức tranh toàn cảnh trong sáng kiến MGC, đồng thời đưa ra một số gợi mở cho hướng phát triển của mối quan hệ hợp tác trong tương lai (Phần 3)
IV: Phương hướng và giải pháp thúc đẩy hợp tác Sông Mêkông – Sông Hằng
Các lĩnh vực chính mà hợp tác MGC cần tập trung thời gian tới, gồm:
Thứ nhất, tăng cường hợp tác kết nối, nhất là mở rộng hành lang Kinh tế Đông-Tây. Hành lang Kinh tế phía Nam tới Ấn Độ, mở rộng tuyến đường cao tốc Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan tới Campuchia, Lào và Việt Nam, đề nghị khởi động thảo luận về thỏa thuận giao thông đường bộ.
Thứ hai, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư thông qua xóa bỏ các ràn cản thương mại, xúc tiến thương mại, hợp tác về thông quan, kiểm dịch; nhấn mạnh nhu cầu cấp bách về ngăn ngừa thảm họa và các sự cố trên sông MêKông thông qua phát triển các cơ sở hạ tầng có chất lượng, triển khai các biện pháp, xây dựng khuôn khổ pháp lý đánh giá và quản lý rủi ro.
Thứ ba, các nước thượng nguồn và hạ nguồn đều có trách nhiệm tăng cường hợp tác, đưa ra các giải pháp chung và hành động cùng nhau hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, đặc biệt là hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông MêKông.
Thứ tư, hoan nghênh Ấn Độ tham gia hợp tác với Ủy hội sông MêKông quốc tế. Các nước ASEAN hoan nghênh việc Ấn Độ triển khai mạnh mẽ chính sách “Hướng Đông” tập trung thúc đẩy quan hệ phong phú, đa dạng và sâu sắc với ASEAN. Lãnh đạo các nước cũng đánh giá cao việc Ấn Độ ủng hộ các nguyên tắc và giá trị nêu trong các văn kiện chung giữa ASEAN và Ấn Độ. Các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ mong muốn các mối quan hệ này sẽ ngày càng nở rộ, phát triển xứng với tiềm năng của hai bên. Trao đổi về cuộc đấu tranh với đại dịch COVID-19, ASEAN mong muốn Ấn Độ sẽ chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ ASEAN phát triển vaccine COVID-19. Lãnh đạo các nước ASEAN đều cho rằng, y tế và dược phẩm là hai thế mạnh của Ấn Độ, thông qua hợp tác và phối hợp trong hai lĩnh vực này, ASEAN và Ấn Độ có thể triển khai hiệu quả các nỗ lực đẩy lùi COVID-19, bảo vệ an toàn cho người dân. Lãnh đạo các nước ASEAN giới thiệu với Ấn Độ về những sáng kiến của ASEAN trong kiểm soát COVID-19 đồng thời bày tỏ mong muốn ASEAN và Ấn Độ sẽ hợp tác bảo đảm dòng chảy thương mại và đầu tư thông suốt, giảm thiểu tác động đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh COVID-19 trên cơ sở các thỏa thuận giữa hai bên trong đó có Hiệp định Thương mại Hàng hoá ASEAN - Ấn Độ (ATIGA).
Thủ tướng Modi của Ấn Độ cũng tái khẳng định quan điểm của Ấn Độ về nhiều vấn đề đang nổi lên trong khu vực và quốc tế. Theo đó, Thủ tướng Modi bày tỏ Ấn Độ sẵn sàng cùng các nước ASEAN hợp tác, phấn đấu vì khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không. Ấn Độ khẳng định sự ủng hộ đối với lập trường của ASEAN về Biển Đông, nhất là các nguyên tắc không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp, không quân sự hóa, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Ấn Độ kêu gọi các bên thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Hợp tác trong các dự án tác động nhanh (QIP)
Kết quả đạt được trong hợp tác MGC rất đáng hoan nghênh, điển hình là dự án Bảo tàng Dệt may truyền thống Châu Á tại Siêm Riệp, Campuchia và Chương trình học bổng MGC với hơn 900 suất học bổng đã cấp cho các nước Campuchia, Lào, Myanma và Việt Nam. Tính đến nay, Quỹ Dự án Hiệu quả nhanh MGC đã tài trợ cho 20 dự án của các nước MêKông, trong đó Việt Nam có năm dự án với tổng số vốn tài trợ khoảng 250.000 USD.
Đại sứ quán Ấn Độ đã ký Bản ghi nhớ với UBND 8 tỉnh của Việt Nam gồm Hà Tĩnh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Tuyên Quang để triển khai 8 Dự án Tác động nhanh (QIP). Lễ ký kết được chủ trì bởi Ngài Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam và ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình và được tham dự bởi đại diện lãnh đạo của các UBND và các sở ngành liên quan của các tỉnh. Trước đó, Đại sứ quán đã triển khai ký kết hai Bản ghi nhớ liên quan đến Dự án tác động nhanh tại tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Những Bản ghi nhớ được ký kết nhằm triển khai các dự án hướng tới tuyến cơ sở tại 10 tỉnh thành bao gồm – hạ tầng giáo dục tại tỉnh Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Tuyên Quang, tưới tiêu và cấp nước tại Yên Bái và Quảng Bình và bảo trợ xã hội tại Hải Phòng. Với 10 dự án này, tổng các dự án Tác động Nhanh QIP của Ấn Độ tại Việt Nam đã lên con số 37 tại 33 tỉnh thành.
Các Dự án tác động nhanh, với giá trị 50.000 USD mỗi dự án được triển khai trong khuôn khổ của Chương trình Hỗ trợ phát triển thuộc Hợp tác Sông Hằng - Sông MêKông (MGC). Tại Hội Nghị Thượng đỉnh trực tuyến giữa Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng Việt Nam được tổ chức vào ngày 21/12/2020, Chính phủ Ấn Độ đã cam kết nâng số Dự án Tác động nhanh cho Việt Nam hàng năm từ 5 dự án lên 10 dự án với quan điểm rằng các dự án nhỏ đó sẽ mang lại lợi ích cho tuyến cơ sở. Mặc dù là những dự án nhỏ, những Dự án tác động nhanh được triển khai trong khoảng thời gian ngắn, mang lại lợi ích thiết thực và nhanh chóng cho các cộng đồng dân cư. Trong bài phát biểu của mình tại Lễ ký kết, Đại sứ Pranay Verma ghi nhận rằng thành công của Chương trình dự án Tác động nhanh (QIP) tại Việt Nam đã khẳng định về tính hữu dụng của chương trình trong việc mang lại những chuyển biến nhanh tại tuyến cơ sở. Đại sứ nói thêm rằng hợp tác giữa Đại sứ quán và Chính quyền của các địa phương trong việc triển khai đúng tiến độ các dự án này thể hiện sức mạnh của Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Ấn Độ và Việt Nam, đóng góp vào nỗ lực chung trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững của Việt Nam. Việt Nam đánh giá cao những lợi ích mà các dự án nhỏ mang lại đối với các vùng sâu và khó khăn tại Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng giáo dục cơ bản, đường xá, tưới tiêu và cấp nước, đóng góp vào nỗ lực phát triển kinh tế xã hội của chính quyền các địa phương.
Tăng cường hợp tác trong kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ
Ấn Độ và Việt Nam vừa tổ chức cuộc họp lần thứ 17 của Ủy ban hỗn hợp song phương về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học và công nghệ. Cuộc họp do Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đồng chủ trì thông qua hội nghị trực tuyến. Hai bên đều hài lòng về kết quả của cuộc họp và nhịp độ của mối quan hệ. Bộ trưởng Jaishankar đặc biệt đánh giá cao sự lãnh đạo tích cực của Việt Nam đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm nay, nhất là vào thời điểm khu vực này đang nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19. Tại cuộc họp, hai bên xác định rõ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Ấn Độ-Việt Nam và nhất trí đẩy mạnh quan hệ đối tác kinh tế và quốc phòng. Hai bên đặc biệt chú trọng vào các lĩnh vực như năng lượng hạt nhân dân dụng, vũ trụ, khoa học biển và công nghệ mới nổi. Ấn Độ và Việt Nam cũng nhất trí tăng cường quan hệ đối tác chiến lược “phù hợp với Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ (IPOI) và Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm đạt được an ninh, thịnh vượng và tăng trưởng chung cho tất cả các quốc gia trong khu vực”.
Tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, giáo dục và đào tạo
IPOI là sáng kiến do Thủ tướng Narendra Modi đưa ra tại Hội nghị cấp cao Đông Á ở Thái Lan vào tháng 11/2019. Sáng kiến này xoay quanh 7 trụ cột, bao gồm an ninh hàng hải; sinh thái biển; tài nguyên hàng hải; xây dựng năng lực và chia sẻ nguồn lực; quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai; khoa học, công nghệ và hợp tác học thuật; kết nối thương mại và vận tải biển. Ấn Độ đã kêu gọi Việt Nam tham gia vào 1 trong 7 trụ cột của IPOI. Tại cuộc họp Ủy ban hỗn hợp nêu trên, Ấn Độ cũng nhắc lại sự hỗ trợ phát triển và năng lực cho Việt Nam thông qua các dự án tác động nhanh (QIP), Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Ấn Độ (ITEC) và các sáng kiến e-ITEC, học bổng nghiên cứu sinh tiến sỹ và các đề xuất trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và kết nối kỹ thuật số.
Nghiên cứu và đào tạo cũng rất quan trọng trong chương trình nghị sự song phương và điều này đã được chuyển thành một số biên bản ghi nhớ giữa Học viện Ngoại giao Sushma Swaraj (SSIFS) của Ấn Độ và Học viện Ngoại giao Việt Nam, giữa Quỹ Hàng hải Quốc gia Ấn Độ và Viện Nghiên cứu biển đảo Việt Nam.Trước những thách thức chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Ấn Độ và Việt Nam đã quyết định phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức đa phương như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hai bên cũng quyết định tiếp tục duy trì động lực trong các nền tảng chiến lược khu vực tương tự như trong ASEAN.
Hợp tác Sông Hằng-Sông MêKông (MGC) là một phần của chuỗi các chương trình học bổng của Hội đồng Giao lưu Văn hóa Ấn Độ (ICCR). Theo đó, trong khuôn khổ quỹ học bổng MGC, Đại sứ quán Ấn Độ sẽ dành ra 10 suất học bổng để học bậc đại học/sau đại học/tiến sĩ bằng tiếng Anh tại các trường ở Ấn Độ (trừ ngành y và thời trang). Học bổng gồm lệ phí Visa, học phí, sinh hoạt phí (250-350 USD/tháng tùy bậc học), vé máy bay khứ hồi, chỗ ở ký túc xá và các chi phí y tế khác.
Phần 5: Kết luận
Thực hiện chính sách ngoại giao nguồn nước sông MêKông kể từ khi có Nghị quyết 120 của Chính phủ, Việt Nam đã khẳng định không chỉ coi trọng lợi ích quốc gia mà còn coi trọng triển vọng phát triển bền vững của khu vực tiểu vùng. Với vị trí tiếp giáp biển Đông (trừ Lào) cùng hệ thống sông ngòi, nguồn tài nguyên dồi dào, Tiểu vùng sông MêKông trở thành khu vực có tiềm năng kinh tế biển, tiềm năng thủy điện, là thị trường cung cấp sức lao động và tiêu thụ sản phẩm rất lớn. Trong những thập kỷ gần đây, với xu thế phát triển mới của quá trình toàn cầu hoá, khu vực hoá, các nước lớn có xu hướng tăng cường hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương. Tiểu vùng sông MêKông đã và đang thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế cũng như các đối tác phát triển, trong đó có các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Đến nay, tại Tiểu vùng sông MêKông đã hình thành nhiều cơ chế hợp tác khác nhau như Ủy hội sông MêKông (1995), Hợp tác Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (1999), Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - MêKông (2003), Hợp tác Tiểu vùng sông MêKông mở rộng (1992), Hợp tác MêKông - sông Hằng (2000), Hợp tác MêKông - Lan Thương (2015).
Là một trung tâm văn minh lớn của phương Đông, các thành tố văn minh Ấn Độ đã ảnh hưởng sâu rộng tới các quốc gia trong khu vực, trong đó có các nước Đông Nam Á. Theo dòng chảy lịch sử, các nước trong khu vực Tiểu vùng sông MêKông cũng có quá trình tiếp thu các thành tựu văn minh Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực như tổ chức nhà nước, phương thức canh tác lúa nước, chữ viết, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, kiến trúc, v.v. Đó cũng chính là cơ sở và nguyên nhân quan trọng để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ với các nước Tiểu vùng sông MêKông qua các thời kỳ lịch sử.
Bước sang những thập niên đầu của thế kỉ XXI, với mục tiêu tái định vị vai trò trong bản đồ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Chính phủ Ấn Độ đã ưu tiên liên kết, thắt chặt mối quan hệ với các nước láng giềng và tiếp tục “Chính sách Hướng Đông”, tập trung tăng cường quan hệ trên mọi lĩnh vực với các nước Tiểu vùng sông MêKông; cơ chế hợp tác chính là Hợp tác MêKông - sông Hằng với 5 nước Tiểu vùng sông MêKông là Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam.
Cho đến nay, Ấn Độ vẫn chưa tận dụng hết lợi thế của sáng kiến MGC bởi các vấn đề sơ bộ liên quan đến sự thiếu kết nối đường sắt, đường bộ và đường không đã cản trở nhiều cho việc thực thi sáng kiến trên của các nước. Sáng kiến MGC đã trao cho Ấn Độ cơ hội tuyệt vời để giành ảnh hưởng với các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan. Nói cách khác, các nhà lãnh đạo Ấn Độ đang nỗ lực giành thế chủ động kết nối với nhóm MGC nhằm tăng cường sự hiện diện của New Delhi ở khu vực.
Đánh giá hợp tác quốc phòng-an ninh là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước, hai bên đề nghị tăng cường hơn nữa hợp tác tin cậy và hiệu quả trong các lĩnh vực này, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan quan tâm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình hợp tác. Việt Nam mong muốn Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nâng cao năng lực, tiếng Anh, chuyển giao công nghệ quốc phòng và cung cấp tín dụng quốc phòng. Thủ tướng Modi hoan nghênh hai bên tiếp tục trao đổi đoàn, duy trì các cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh; đề nghị hai bên tích cực triển khai một số gói tín dụng quốc phòng đã thỏa thuận.
Hai bên nhất trí kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng nhanh nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hai nước cũng như các mặt hợp tác khác; đầu tư song phương vẫn còn hạn chế. Để đạt mục tiêu kim ngạch 15 tỷ USD vào năm 2020, hai Thủ tướng đề nghị Tiểu ban Thương mại hai nước sớm họp trong đầu năm 2018 để nghiên cứu, tìm hướng giải quyết, trong đó cần đẩy mạnh nghiên cứu kết nối hàng không và hàng hải nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh của hàng hóa hai nước; hạn chế và từng bước xóa bỏ các rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Ấn Độ tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đặc biệt trên các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu như hạ tầng cơ sở, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, năng lượng, xây dựng khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đề nghị phía Việt Nam tạo điều kiện để các doanh nghiệp Ấn Độ đẩy mạnh đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực dầu khí, năng lượng tái tạo, dược phẩm.
Việt Nam đánh giá cao các gói hỗ trợ phát triển không hoàn lại (ODA) và các khoản tín dụng ưu đãi Ấn Độ dành cho Việt Nam thời gian qua; cảm ơn Ấn Độ tiếp tục cấp các suất học bổng cho Việt Nam. Thủ tướng Narendra Modi cho biết Ấn Độ sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực cho Việt Nam thông qua Chương trình Hợp tác Kỹ thuật (ITEC), hợp tác Sông Hằng-Sông MêKông (MGC), các dự án thuộc Quỹ các dự án nhỏ, tác động nhanh (QIPs); xem xét tích cực việc tăng học bổng dài hạn cho sinh viên Việt Nam theo học tại một số trường đại học uy tín của Ấn Độ cũng như giúp Việt Nam xây dựng thêm một số trung tâm đào tạo nghề. Việt Nam đã liên tục đóng góp vào thành công của các cơ chế hợp tác khu vực sông MêKông bằng cách tích cực đề xuất và thực hiện các sáng kiến, tham gia soạn thảo các văn kiện chính, và phân bổ nguồn lực để hỗ trợ các dự án chung. Tháng 3/2018, Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10 về Khu vực Tam giác Phát triển và Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng MêKông mở rộng (GMS) lần thứ 6, cùng với sự kiện bên lề là Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh GMS.
Về việc chia sẻ dữ liệu, vào tháng 11/2018, Trung tâm Vũ trụ Quốc gia Việt Nam đã ký một biên bản ghi nhớ với MRC về việc sử dụng dữ liệu vệ tinh từ hệ thống Vietnam Data Cube trong việc giám sát, đánh giá nguồn nước và các nguồn tài nguyên khác trên lưu vực sông MêKông. Tại các cuộc họp được tổ chức theo cơ chế hợp tác nội khối, các quan chức Việt Nam đã nêu bật tình hình nguy cấp của đồng bằng sông MêKông đồng thời kêu gọi các nước thành viên hợp tác trong quản lý tài nguyên nước và thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh với chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ và chiến lược phát triển “hướng ra bên ngoài” của các nước MêKông, tiềm năng hợp tác của hai bên còn rất lớn. Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đề xuất các lĩnh vực chính mà hợp tác MGC cần tập trung thời gian tới như tăng cường hợp tác kết nối, nhất là mở rộng hành lang kinh tế Đông-Tây, hành lang kinh tế phía Nam tới Ấn Độ, mở rộng tuyến đường cao tốc Ấn Độ-Myanmar - Thái Lan tới Campuchia, Lào và Việt Nam đồng thời đề nghị khởi động thảo luận về thỏa thuận giao thông đường bộ; thuận lợi hóa thương mại và đầu tư thông qua xóa bỏ các rào cản thương mại, xúc tiến thương mại, hợp tác về thông quan, kiểm dịch; mở rộng hợp tác về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý lũ lụt và thiên tai và quản lý bền vững việc sử dụng nguồn tài nguyên nước.
Quan hệ giữa Ấn Độ với các nước Đông Nam Á (ASEAN) nói chung và Tiểu vùng sông MêKông nói riêng đã được hình thành và ngày càng phát triển, nhất là từ sau Chiến tranh lạnh. Đông Nam Á, trong đó có Tiểu vùng sông MêKông, giữ vị trí quan trọng trong chính sách “Hành động ở phương Đông” của Ấn Độ và Chính phủ Ấn Độ đã liên tục có những điều chỉnh theo hướng ngày càng tham gia mạnh mẽ hơn vào những vấn đề ở khu vực. Với vị thế của mình trong khu vực, Việt Nam đã thể hiện thái độ tích cực, chân thành, có nhiều đóng góp quan trọng cho việc tăng cường tính gắn kết và chia sẻ giữa các thành viên. Tính sáng tạo và năng động của Việt Nam đã khẳng định và gia tăng uy tín của Việt Nam trong nhận thức của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Có thể nói, Việt Nam ngày càng chứng tỏ được vai trò là một “cầu nối” hòa bình và tin tưởng để các quốc gia ngoài khu vực thiết lập quan hệ ngày càng sâu sắc với Tiểu vùng, đồng thời có quan hệ tốt đẹp với Ấn Độ. Do đó Việt Nam luôn giữ vị trí quan trọng trong quan hệ Ấn Độ - Tiểu vùng sông MêKông.
Tại tiểu vùng GMS, sông MêKông-Lan Thương là con sông dài thứ 12 trên thế giới và thứ 7 ở châu Á. Với chiều dài khoảng 4.350 km, sông bắt nguồn từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc) rồi đến Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tên gọi “MêKông”, mang ý nghĩa là “mẹ của nước”, dòng sông MêKông hùng vĩ đã gắn kết chặt chẽ và là không gian sinh tồn chung của chúng ta. Chủ tịch nước nhìn nhận, các dòng sông khu vực và sông MêKông-Lan Thương là mạch nguồn gắn kết, là sợi dây kết nối bền chặt đến muôn đời của các quốc gia, người dân 6 nước tiểu vùng, đòi hỏi các nước phải cùng nhau nỗ lực gìn giữ hòa bình, hợp tác phát triển nhằm đưa tiểu vùng trở thành một khu vực hội nhập, phát triển bền vững và thịnh vượng. Trách nhiệm của các Đảng cầm quyền và Chính phủ các nước là làm sao để kiến tạo được môi trường phát triển, phát huy được nguồn lực to lớn đưa quốc gia vào con đường phát triển bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo Đồng Khởi (Bến Tre) (2018). 6 nước khu vực MêKông - sông Hằng cam kết sử dụng bền vững nguồn nước
2. Bộ Ngoại giao (2012). Các khuôn khổ hợp tác trong tiểu vùng sông MêKông. https://chinhphu.vn/cac-khuon-kho-hop-tac-trong-tieu-vung-song-me-cong-68417
3. TS Bùi Thanh Tuấn (2022). Hành lang Kinh tế Đông - Tây: Thành tố quan trọng thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế ở Tiểu vùng sông MêKông. Tạp chí Cộng sản 2/2022.
4. Hà Nội Mới (2019). Việt Nam đề xuất một số ưu tiên trong hợp tác MêKông – Sông Hằng.
5. Lê Trung Kiên. (2018). Sự can dự của một số nước tại Tiểu vùng MêKông qua các cơ chế hợp tác Tiểu vùng và liên hệ tới Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, 1(112).
6. Lê Văn Toan. (chủ biên) (2017). Quan hệ Việt - Ấn trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, năng lượng. Hà Nội: NXB Thông tin và Truyền thông.
7. Lê Văn Toan. (chủ biên) (2017). Việt Nam - Ấn Độ, 45 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.
8. Mai Đan (2021). Sông MêKông trước những thay đổi bất thường về thời tiết. Tạp chí điện tử Tài Nguyên và Môi trường.
9. Minh Luyến (2020). The Diplomat: Quan hệ Ấn Độ-Việt Nam ngày càng bền chặt. Thông tấn xã Việt Nam.
10. Nguyễn Khánh (2021). Ấn Độ triển khai dự án về hạ tầng giáo dục, tưới tiêu, cấp nước tại Việt Nam. Đài Truyền hình Việt Nam.
11. Tổng cục phòng chống thiên tai (2021). Hợp tác về biến đổi khí hậu ở khu vực sông Mê Kông – sông Hằng
12. Trần Nam Tiến. (chủ biên) (2016). Ấn Độ với Đông Nam Á trong bối cảnh quốc tế mới. TP.HCM: NXB Văn hóa - Văn Nghệ.
13. TTXVN (2021). Phát huy hơn nữa tiềm năng của cộng đồng MêKông – Sông Hằng
14. Việt Đức (2022). Điểm nhấn quan trọng cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ. Thông tấn xã Việt Nam.
15. Võ Thị Thanh Tuyền (2021). Quan hệ Ấn Độ - Tiểu vùng Sông MêKông và vị trí của Việt Nam. Tạp chí Khoa học trường Đại học Sài Gòn
Bấm vào đây để đọc phần 1 của bài viết này
Bấm vào đây để đọc phần 2 của bài viết này
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục