Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Siêu sức mạnh mềm: kết hợp nghệ thuật và văn hóa trong vũ trụ ảo metaverse

Siêu sức mạnh mềm: kết hợp nghệ thuật và văn hóa trong vũ trụ ảo metaverse

Về mặt chính trị, vì văn hóa là phương tiện mạnh mẽ nhất để xác định một quốc gia và do đó, là động lực mạnh nhất cho sức mạnh vô hình của quốc gia đó, nên cần phải đầu tư vào metaverse.

03:00 07-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nghệ thuật lũng đoạn kim tiền như thế nào

Mười nghìn bức tranh, dường như giống hệt nhau, gồm các chấm tròn cùng kích thước, và chỉ có thể phân biệt nhờ vào hình mờ ba chiều in chìm vào tranh. Giống như tiền giấy, tranh trên toan rất khó làm giả. NFT cũng sử dụng nguyên tắc tương tự như vậy (thay vì dải màu in chìm, NFT dùng mã token không thể hoán đổi hay thay thế). Vào ngày 14 tháng 7 năm 2021, một NFT đã được tạo ra cho mỗi tác phẩm nghệ thuật từ dự án The Currency (Tiền tệ) đáng chú ý của Damien Hirst. Một năm kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá, mỗi người mua sẽ phải quyết định xem họ sở hữu tiền ở dạng vật lý (tờ tiền giấy) hay dạng kỹ thuật số NFT tương ứng. Người mua lựa chọn dạng nào thì dạng còn lại bị hủy vĩnh viễn. Vào ngày 27 tháng 7 năm 2022, cuộc đấu giá kết thúc. Buổi bình minh của NFT, và nói chung là metaverse, ghi dấu ấn trong thế giới nghệ thuật, ghi lại dấu mốc cho sự phát triển không ngừng của số hóa.

Sự thay đổi đã được tiến hành từ ngày 23 tháng 8 năm 2021, khi dự án đầu tiên tạo ra 25 triệu đô la Mỹ bằng NFT. Con số này được nghệ sĩ công khai trên trang cá nhân Instagram. Khi đưa tác phẩm nghệ thuật Shark in Formaldehyde (Con cá mập ngâm trong bể phooc môn) nổi tiếng được mở bán dạng NFT, Hirst đưa ra chú thích cho tác phẩm: “Ngay khi bạn nghĩ rằng vùng nước này là an toàn”[1]. Nói một cách đơn giản, metaverse mở ra đại dương rộng lớn với nhiều cơ hội của thế giới nghệ thuật. Nhưng giống như loài cá mập, chúng dường như sống động khi chết và chết khi nó còn sống[2].

Sống trong thời hậu đại dịch, ý tưởng về một vũ trụ số thay cho thế giới thật cung cấp những hướng phát triển mới chưa được khám phá, để thu lợi và biến đổi lĩnh vực văn hóa. Trong “thời đại tái tạo kỹ thuật số” và thực tế ảo, NFT mang đến cơ hội độc đáo và chân thực để sở hữu một tác phẩm nghệ thuật thông qua hợp đồng thông minh và công nghệ chuỗi khối (blockchain).[3]  Trong bối cảnh này, NFT tập trung vào văn hóa và nghệ thuật, và cũng có thể đóng vai trò như một loại thay thế cho tiền tệ. Joe Hage, người sáng lập Heni Group và là nhà xuất bản các kiệt tác của Hirst, đã tuyên bố rằng: “người ta thường nói rằng tiền bạc làm hỏng nghệ thuật, nhưng đây là một nỗ lực của nghệ thuật nhằm mục đích tác động ngược lại tiền bạc”[4]. Đây là ý kiến ​​hoặc quan điểm vượt ra ngoài khuôn khổ của Dự án tiền tệ, nó có khả năng ảnh hưởng đến bất kỳ sự kết hợp nào giữa biểu hiện nghệ thuật, văn hóa và metaverse.

 

Có thể coi văn hóa như một loại tiền tệ?

Văn hóa là một trong những dạng quyền lực vô hình, có tác động mạnh nhất, và vì vậy, nó đã tồn tại trong nhiều thế kỷ. Quyền lực mềm của văn hóa là khả năng quốc gia sử dụng văn hóa để tạo ra mức độ ảnh hưởng nhất định, định hình các mối quan tâm bằng đòn bẩy có ảnh hưởng. Đó là khả năng “khiến người khác thay đổi hành vi của họ theo hướng mong muốn nhờ sự thuyết phục”, là một dạng tiền tệ vô hình.[5] Là một phương tiện hấp dẫn về mặt khái niệm và do đó, có ảnh hưởng, văn hóa duy trì vai trò quan trọng trong việc hiểu thực tế đương đại. Bảng xếp hạng ArtRewiew đã chứng minh rằng trong số 100 người có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực nghệ thuật, một cá nhân không thể chiếm được vị trí số một. Thay vào đó, lần đầu tiên trong lịch sử, thuật toán ERC-721, một tiêu chuẩn cho NFT trong Ethereum, đã giành được danh hiệu đứng đầu. Đây là một minh chứng rõ ràng về cách mà văn hóa đang phát triển mạnh mẽ trong metaverse, tạo ra ảnh hưởng vô hình trong thế giới thực cũng như ở không gian khác không gian thực. Trong tương lai gần, các công dân toàn cầu và quốc gia của họ cũng sẽ đối mặt với không gian này trên con đường của chủ nghĩa hiện thực nhị phân. Với lý do này, các chính phủ sẽ cần đầu tư vào quyền lực mềm để vượt ra khỏi hình ảnh của họ trong thế giới thực, và đưa thương hiệu và giá trị của họ vào metaverse.

Trước sự gia tăng của các chiều không gian ảo, các quốc gia đã liên tục phát triển các chính sách đối ngoại và tương tác với các quốc gia khác. Tuy nhiên, thực tế là không gian ảo đang phát triển và ngày càng phù hợp với thế giới hiện nay khiến các nhà lãnh đạo toàn cầu phải đi vào con đường có hướng khác với cách làm truyền thống. Theo báo cáo phân tích của DappRadar, thị trường NFT đạt 10,67 tỷ đô la Mỹ vào năm 2021, con số giữa quý 3 năm 2021 tăng 704% so với quý 2.[6] Kết thúc năm 2021, ngành công nghiệp này đã tăng lên mức ấn tượng 23 tỷ đô la Mỹ.[7] Đáng chú ý không kém là tốc độ tăng trưởng bất chấp sự cố tiền điện tử từ tháng 1 năm 2022. Nắm bắt được tiềm năng của sức mạnh mềm mới trong hành động, biểu hiện và lợi nhuận, phù hợp với sức kéo của thị trường, các chính phủ cần chủ động chuyển các chiến lược quyền lực mềm hiện tại sang chế độ metaverse. Điều này sẽ đạt được bằng cách sử dụng văn hóa như một loại nguồn lực tài chính vô hình có khả năng tạo ra giá trị có thể đo lường được trong cả hai vũ trụ thực và ảo.

 

Sức mạnh siêu mềm, vượt ra ngoài biên giới của thế giới thực

Đến nay, việc mở rộng quyền lực mềm về mặt chính trị thường được thực hiện thông qua việc các bảo tàng quan trọng mở rộng ảnh hưởng tới các vùng địa lý, chẳng hạn như Louvre mở gian trưng bày ở Abu Dhabi hay bảo tàng Pompidou mở ở Thượng Hải. Với sự gia tăng của metaverse, không có ranh giới lãnh thổ và vật lý, về lý thuyết, các bảo tàng có thể cho tất cả mọi người được tiếp cận. Trong hai năm đại dịch, việc tạo ra các không gian ảo tương ứng đã trở thành phần không thể thiếu để giải quyết việc bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật phải đóng cửa. Giống như không gian vật lý, trải nghiệm 3D được sử dụng để giới thiệu nghệ thuật và di sản văn hóa cho công chúng toàn cầu, cuối cùng nó thuyết phục và ảnh hưởng đến thế giới thực. Có vẻ như không phải ngẫu nhiên mà quảng cáo đầu tiên của Meta, do Zuckerberg xuất bản trên tài khoản của anh ấy, được lấy bối cảnh trong một viện bảo tàng, với bốn sinh viên trải nghiệm thực tế sống động trước tác phẩm nghệ thuật của Henri Rosseau. Bằng cách nắm bắt cả cơ hội nghệ thuật và kinh tế, một số bảo tàng lớn, và chủ yếu thuộc sở hữu nhà nước, trên khắp thế giới đã chấp nhận thị trường ảo mới này. Russia’s Hermitage là phòng trưng bày nghệ thuật đầu tiên tham gia vào siêu thị bằng cách trưng bày cuộc triển lãm các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số NFT, There Ethereal Aether, là hình ảnh ảo của địa điểm trong thực tế.[8] Bảo tàng Anh đã tạo ra thị trường NFT và bán đấu giá 200 kiệt tác từ các bộ sưu tập độc đáo. Các ví dụ nổi bật khác bao gồm mã hóa 200 bức vẽ của nghệ sĩ Nhật Bản Hokusai[9] (cộng tác với nền tảng LaCollection.io) và gần đây là phiên bản giới hạn The Kiss của Klimt, được chia thành 10.000 ô kỹ thuật số[10],  sao chép bức tranh gốc do Bảo tàng Belvedere ở Vienna đưa ra vào Ngày lễ tình nhân. Các bảo tàng đã nâng cao tri thức và thay đổi chiến lược phát triển của họ không chỉ về mặt kinh tế mà còn từ quan điểm nghệ thuật, bằng cách chứng minh tiềm năng của tính xác thực và tính độc đáo của metaverse. 

Các bảo tàng trên toàn thế giới đang từng bước cho công chúng thấy hình thức nghệ thuật mới qua việc kết nối quá khứ và hiện tại. Sự hoang mang từng gây ra bởi các loại hình nghệ thuật hiện đại và đương đại, chẳng hạn như trường phái Ấn tượng hay trường phái tiên phong của trường phái Biểu hiện “Die Brücke”, giờ đây được tạo ra bởi Cryptoart (kết hợp giữa nghệ thuật và tiền ảo), thể hiện những phẩm chất độc nhất vô nhị, đặc sắc ngay từ tên gọi của nó . Tuy nhiên, ví dụ nổi bật nhất về thành công của Cryptoart có liên quan đến nhà đấu giá Christie, hãng đã bán tác phẩm kỹ thuật số Everydays: The First 5000 Days của Beeple (Mike Winkelmann) với giá 69 triệu đô la Mỹ[11], và The Merge by Pak với giá 91,8 triệu đô la Mỹ.[12]

 

Ngành công nghiệp sáng tạo: Cuộc chinh phục mới

Trong vũ trụ vật chất của chúng ta, sức mạnh mềm cũng có thể được áp dụng hầu như thông qua các biểu tượng dễ nhận biết. Arco della Pace ở Milan là tượng đài đầu tiên tham gia vào không gian ảo với sự hợp tác của startup Reasoned Art ở Ý.[13] Ban đầu, họ tạo ra một tác phẩm điêu khắc kiến ​​trúc và sau đó biến nó thành một NFT. Số tiền thu được dùng để tài trợ cho việc xây dựng diễn đàn giáo dục dành riêng cho nghệ thuật và công nghệ kỹ thuật số. Sáng kiến ​​theo định hướng metaverse này đã củng cố ảnh hưởng hiện có của quyền lực mềm và đồng thời tạo ra sự say mê sâu sắc hơn đối với thương hiệu nước Ý. Chiến lược này có thể được nhân rộng ở nhiều nơi. Bất kể loại tượng đài và kiểu kiến ​​trúc như thế nào cũng có thể kết hợp với metaverse. Để xác nhận điều này, Art Basel Miami Beach năm 2021 đã giới thiệu phòng trưng bày ảo “Chủ nghĩa NFT”[14] được thiết kế bởi Zaha Hadid Architects để chứng minh sự kết hợp giữa trải nghiệm không gian và tương tác.

 

Thực tế ảo mới của âm nhạc

Đại dịch COVID-19 đã làm nổi lên những vấn đề lớn của ngành công nghiệp âm nhạc. Các nghệ sĩ và hãng thu âm đã phát hiện ra những cơ hội bất ngờ để kiếm lợi và tăng cường khả năng hiển thị trong thế giới ảo. Warner Music Group đã khánh thành công viên chủ đề âm nhạc The Sandbox,[15] một thế giới ảo để tổ chức các sự kiện và buổi hòa nhạc cho công chúng từ khắp nơi trên thế giới, đồng thời khởi động một dự án ở Trung Quốc với các DJ và nhạc sĩ ảo được chuyển đổi thành NFT.[16] Universal Music cũng đã ký thỏa thuận với công ty công nghệ Genies để đưa những người nổi tiếng, như Billie Eilish và Taylor Swift, vào metaverse.[17] Các nghệ sĩ như Justin Bieber đã biểu diễn với tính năng ghi chuyển động theo thời gian thực trong không gian mới này, giống như ABBA gần đây đã xác nhận sắp tới họ sẽ tổ chức các chuyến lưu diễn ảo.[18] Trong bối cảnh này, những cân nhắc của Cryptoart cũng có thể áp dụng cho âm nhạc: Khi nói đến quyền lực mềm, những lợi thế bao gồm việc bán NFT thông qua một nền tảng chi phí thấp. Điều này đặc biệt có lợi cho những nghệ sĩ và quốc gia xuất xứ của họ, những người còn chưa được có cơ hội biểu diễn nhiều trên thế giới. Điều cốt lõi nằm ở việc thể chế hóa một di sản hiện đã có nhưng nhiều tiềm năng trong một không gian mới.

 

Vũ trụ ảo có khả năng làm sụp đổ hệ thống rạp chiếu phim

Trong nhiều thập kỷ, văn hóa điện ảnh toàn cầu thực thi quyền lực mềm trong việc thu hút du khách thông qua quảng bá du lịch qua màn ảnh.[19] Điện ảnh nhập vai dường như đạt được điều tưởng chừng không đạt được của các phong trào tiên phong của Thế kỷ XX, vốn khao khát các tác phẩm nghệ thuật nhập vai và đồng cảm. Khi khán giả tích cực tham gia vào một câu chuyện mới bằng cách sử dụng thiết bị thực tại ảo VR, điều đó tạo cơ hội để lấp đầy những chỗ trống trong rạp chiếu phim. Tuy nhiên, một thế giới song song, nơi không phải chúng ta, mà đại diện của chúng ta đến rạp chiếu phim, cũng đã xuất hiện: Trường hợp chiếu Tenent của Christopher Nolan trên Fortnite vào tháng 6 năm 2020[20] là tiền đề của xu hướng này, thể hiện tiềm năng chưa được khai thác trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình. Liên quan đến việc phát sóng trực tuyến, giờ đây không thể bỏ qua điện ảnh, nhưng tương lai vẫn không thể đoán trước. Tuy nhiên, một nhóm các nhà đầu tư của DAO, hoạt động trên blockchain, có kế hoạch mua thương hiệu Blockbuster từ Dish Network để khởi chạy lại nền tảng này như một dịch vụ phát trực tuyến ảo theo yêu cầu.[21]

 

Tác phẩm văn học 3D

Cuối cùng, cần phải xem xét vai trò của văn học. Văn học nuôi dưỡng trí tưởng tượng tập thể của mọi người và sự sẵn sàng đi du lịch đến các quốc gia xa xôi. Ngày nay, sự giao nhau giữa văn học và metaverse vẫn còn chưa phổ biến, nhưng có một số phát hiện thú vị. Alessandro Baricco là tác giả đầu tiên biến kiệt tác văn học, tiểu thuyết Novecento của ông, thành NFT, và nó được bán với giá cao hơn so với phiên bản in (tính tới tháng 7/2022, nó có giá 179,73 đô la Mỹ trên OpenSea).[22] Miyuki Ono đã xuất bản Pure phiên bản NFT để cung cấp văn bản bằng một số ngôn ngữ, điều này rất hiếm đối với các tác phẩm văn học Nhật Bản, và do đó, tác phẩm tiếp cận khán giả toàn cầu.[23] Những ví dụ này có thể khuyến khích các tác giả khác tiếp cận công nghệ blockchain, đặc biệt là để tránh phí môi giới biên tập. Ví dụ, nền tảng tự xuất bản NFTBooks[24] cũng hoạt động như một hiệu sách kỹ thuật số chi phí thấp, hiện đang đi theo hướng này.

 

Phi tập trung, nền kinh tế mới nổi đi kèm những rủi ro mới

Do tận dụng công cụ kỹ thuật số trong cả quá trình sáng tạo và bán hàng, các nghệ sĩ có được những lợi ích xứng đáng từ metaverse về mặt phân phối. Thứ nhất, nhờ NFTs, không gian triển lãm thay thế này khắc phục được vấn đề về quyền sở hữu và xử lý các tác phẩm không thể bán được trước đây. Không giống như trước đây, giờ đây có thể chứng nhận tài sản trong thế giới ảo. Các quảng cáo của Cryptoart cũng có thể giới thiệu các tác phẩm của họ cho nhiều khán giả quốc tế hơn, kiếm tiền bản quyền từ việc bán hàng. “Bản quyền” được bảo đảm bằng hợp đồng thông minh này đặc biệt liên quan đến các nghệ sĩ Mỹ, những người không được bảo vệ theo luật liên bang cụ thể. Bất chấp việc ngày càng nhiều các nhà đấu giá tham gia vào metaverse (ví dụ: Sotheby’s metaverse) và sự hiện diện của những gã khổng lồ trên thị trường (ví dụ: SuperRare, OpenSea, Nifty, Rarible), Cryptoart vẫn là một không gian chưa có người môi giới. Việc phân cấp nghệ thuật, vượt ra ngoài các phòng trưng bày nghệ thuật và nhà đấu giá thông thường, đã cho phép những người sáng tạo chưa nổi tiếng đạt được mức định giá cao. Các tác giả này thực hiện độc lập, thường chỉ được hỗ trợ bởi các nền tảng thị trường hỗ trợ các nghệ sĩ nghiệp dư tạo ra NFT của họ (ví dụ: Artsted).

Tại sao các chính phủ nên tham gia vào loại hình nghệ thuật hiện đại này? Làm thế nào những khoản đầu tư như vậy có thể tăng sức mạnh mềm của họ? Để trả lời những câu hỏi này, cần tìm hiểu dữ liệu do Ban biên tập Finder biên soạn. Cho đến nay, Philippines có số lượng chủ sở hữu NFT cao nhất (32%) so với 20 quốc gia khác, tiếp theo là Thái Lan (27%), Malaysia (24%), UAE (23%) và Việt Nam (17%). Ngược lại, Nhật Bản có tỷ lệ mẫu thấp nhất (2%), sau Anh và Mỹ (3%), Đức (4%), Úc (5%) và Canada (6%). Báo cáo NFT 2021 chỉ ra mối tương quan nghịch giữa quyền sở hữu NFT và mức lương trung bình trên đầu người. Ngày càng nhiều công dân từ các nền kinh tế mới nổi đang thay thế hoặc bổ sung thu nhập bằng lợi nhuận thông qua việc tạo và buôn bán NFT (kiếm tiền từ trò chơi và nghệ thuật trực tuyến). Hiện tượng này hiện đang phát triển thành một khu vực kinh tế chính thức và do đó, trở thành nguồn thu nhập mới.[25]

Bên cạnh một số lợi ích do các nền tảng và công nghệ này mang lại, điều quan trọng là phải đề cập đến những rủi ro chính do sự hội tụ này giữa văn hóa và quyền lực mềm trong metaverse. Thông qua phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta đã có thể kiểm soát một lượng lớn thông tin và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự lựa chọn của người tiêu dùng; trong Metaverse, thật dễ dàng để theo dõi từng sở thích cá nhân của người dùng và sau đó thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng. Liên quan đến chủ đề được đề cập trong bài báo này, kịch bản có thể dẫn đến sự tích tụ quyền lực trong tay một số chủ thể chính phủ, gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sự ổn định dân chủ quốc tế. Với khả năng thao túng các tương tác xã hội của người dân, công cụ mới có thể mang lại tầm ảnh hưởng cho cả quốc gia, chứ không chỉ đối với các cá nhân. Do đó, chúng ta phải khẩn trương điều chỉnh vấn đề quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng trong Metaverse, để giảm thiểu nguy cơ vi phạm dữ liệu hoặc thậm chí giao dịch nội gián (hiện không thể truy tố, vì NFT không được coi trọng như công cụ tài chính). Điều cần thiết không kém là đảm bảo luật chống lợi dụng dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực văn hóa, để tránh việc lạm dụng vị thế có dữ liệu để có quyền thống lĩnh. Trên thực tế, trong quá trình chuyển đổi từ vũ trụ thực sang Metaverse, sự biến chất nguy hiểm của văn hóa cũng cần được dự báo để thấy quá trình chuyển đổi từ một công cụ của quyền lực mềm trở thành vũ khí của quyền lực cứng.

 

Hàm ý chính sách đối với vũ trụ ảo

Hiện tại, bất kỳ sự kiện văn hóa nào cũng có thể được chuyển đổi thành một chuỗi kỹ thuật số và đưa vào vũ trụ ảo metaverse. Điều này định hình lại cách các quốc gia phát huy sức mạnh vô hình của họ. Cần có những can thiệp về mặt lập pháp và chính trị để tận dụng ảnh hưởng này và tối đa hóa tác động của những công nghệ đó đối với sự phát triển kinh tế xã hội.

Ở cấp độ lập pháp, việc áp dụng các chính sách công để bảo vệ các khoản đầu tư NFT có thể là một biện pháp để giảm bớt tình trạng mất an toàn việc làm không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật mà còn cho toàn Thế hệ Z - những thành viên hiện đang tham gia vào lĩnh vực tài chính phi tập trung với lợi nhuận đáng kể và tác động đáng kể đến thị trường. Tuy nhiên, các chính phủ nên đảm bảo bảo vệ khỏi nguy cơ đầu cơ thị trường có hại thông qua quy định khẩn cấp về tài sản kỹ thuật số. Ví dụ, hiệp hội các tác giả và nhà xuất bản ở Ý (SIAE) đang hợp tác với Algorand, một blockchain của Ý, để tạo ra một nền tảng nơi bản quyền có thể được thể hiện dưới dạng tài sản kỹ thuật số.[26] Các quyền cá nhân do SIAE môi giới sẽ được đăng ký dưới dạng NFT: Bốn triệu tài sản được ghép nối với các tài khoản, mỗi tài khoản tương ứng với một thành viên của tổ chức. Người sáng lập Algorand, Silvio Micali, tuyên bố rằng quá trình này sẽ đặt nền tảng để “tạo và quản lý NFT, tức là, quyền kỹ thuật số vì lợi ích của chính tác giả,” với hy vọng “người sáng tạo sẽ không phải làm các công việc phụ nhưng được đền bù thỏa đáng cho sự sáng tạo của họ”.[27] Chiến lược này bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế của toàn bộ khu vực vốn luôn đưa ra mô hình văn hóa có thể xuất khẩu.

Về mặt chính trị, vì văn hóa là phương tiện mạnh mẽ nhất để xác định một quốc gia và do đó, là động lực mạnh nhất cho sức mạnh vô hình của quốc gia đó, nên cần phải đầu tư vào metaverse. Đối với các chính phủ, không gian mới này có thể mở ra các kênh hành động mới, đồng thời củng cố các kênh đã được sử dụng. Hàn Quốc nổi bật với sự tham gia vào doanh nghiệp ảo mới này khi quốc gia này tài trợ cho ảnh hưởng quyền lực mềm của mình thông qua làn sóng Hàn Quốc tiếp tục gây bão trên thị trường quốc tế. Vào tháng 5 năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin Hàn Quốc đã thành lập hội đồng metaverse để điều phối và phát triển các nền tảng thực tế ảo và tăng cường. Trong suốt năm 2022, Tổng thống Moon Jae-in triển khai 30 tỷ Won, tương đương 26 triệu đô la Mỹ, như một phần của Thỏa thuận mới kỹ thuật số 2.0.[28] Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn bong bóng đầu cơ gây sụp đổ thị trường vẫn chưa được kiểm soát. Khi các công nghệ như vậy phát triển, và trợ cấp của chính phủ có thể là yếu tố quan trọng để tạo điều kiện cho sự thay đổi này, thì ngày càng nhiều công dân sẽ đầu tư vào metaverse.

Paul Klee, một nghệ sĩ người Đức gốc Thụy Sĩ có ảnh hưởng, đã viết rằng “nghệ thuật không tái tạo cái nhìn thấy được; đúng hơn, nó giúp cho những cảm nhận của con người được thể hiện thành những vật hữu hình”[29] Ông mô tả thế giới nghệ thuật là hình thức biểu hiện duy nhất có thể tách rời khỏi cảm giác nhận thức. Nói cách khác, điều cần thiết là phải giữ cho văn hóa “hữu hình” bằng cách thể hiện “vô hình” dù giá trị kinh tế của nó như thế nào chăng nữa. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng vô hình của văn hóa trong vũ trụ ảo để bộc lộ tính vật chất tiềm ẩn của nghệ thuật cũng là hợp lý.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tác giả: Nicolo ’Andreula, Giám đốc Khoa học của Thạc sĩ Kinh doanh Kỹ thuật số tại H-Farm; và Tiến sĩ Stefania Petruzzelli, chuyên gia người Ý về Văn học Hiện đại và Đương đại và về cách con người tiếp cận các thế giới khác, chẳng hạn như Metaverse.[1] Damien Hirst (@damienhirst), “Just when you thought it was safe to go back in the water,” Instagram photo, 23/8/2021.
[2] Stuart Morgan interviews Damien Hirst, “Damien Hirst”, Frieze, no. 1 (1990).
[3] Walter Benjamin, The Work of Art in Age of Mechanical Reproduction (London: Penguin Books, 2008).
[4] James Tarmy, “Damien Hirst Has Created 10,000 Artworks That Can Be NFTs, If You Want,” Bloomberg, 14/7/2021.
[5] Joseph Samuel Nye, “Soft Power and Cultural Diplomacy” (article adapted from a speech delivered at Syracuse University Cultural Diplomacy Symposium, September 20, 2009), Cultural Diplomacy, (New York, 2006).
[6] Pedro Herrera, comment on “Dapp Industry Report: Q3 2021 Overview,” DappRadar Blog, comment posted 1/10/2021.
[7] Pedro Herrera, comment on “2021 Dapp Industry Report,” DappRadar Blog, comment posted 17/12/2021.
[8] The Ethereal Aether, “In The Aether, Pure and Ethereal. A Work of Art in The Metaverse Era,” The State Hermitage Museum.
[9] La Collection, “NFT platform certified by the British Museum,” The British Museum.
[10] The Kiss NFT Drop, “Gustav Klimt’s world-famous masterpiece is joining the metaverse,” belvedere The Kiss NFT Drop.
[11] “Beeple. Everydays: The First 5000 Days,” Christie’s.
[12] “merge”, Nifty Gateway.
[13] Ouchhh, “AI Dataportal_ Arch of Light,” Reasoned Art.
[14] “NFTism at Art Basel Miami Beach,” Zaha Hadid Architects.
[15] “The Sandbox Partners with Warner Music Group to Create Music-Themed World in the Metaverse,” Warner Music Group, 27/1/2022.
[16] Coco Feng, “Warner Music backs NFT project that aims to mint virtual superstars in the metaverse,” South China Morning Post, 21/1/2022.
[17] “Universal Music Group and Genies Announce Global Partnership to Develop Avatars and Digital Wearable NFTs for the Company’s Iconic Roster of Artists,” Universal Music Group, 9/12/2021.
[18] Tali Fraser, “UnBeliebable! Metaverse revolutions means young fans of Justin Bieber, Michael Buble, cardi B and Co can now go to live ‘gigs’ in their own bedrooms,” Daily Mail Online, 6/2/2022.
[19] World Tourism Organization and Netflix (2021), Cultural Affinity and Screen Tourism – The Case of Internet Entertainment Services, UNWTO, Madrid.
[20] David Molloy and Leo Kelion, “Fornite Movie Nite: Christopher Nolan’s hit films screen in-game,” BBC, 26/6/2020.
[21] BlockbusterDAO (@BlockbusterDAO), Twitter.
[22] Paolo Armelli, “Alessandro Baricco lancia l’NFT del suo Novecento,” Wired, 18/1/2022.
[23] Miyki Ono, “Why NFTs? – Author’s Statement about Japanese first SF novel NFT “Pure,” translated in English,” 5/11/2021.
[24] “NFTBOOKS,” NFTBooks.
[25] Richard Laycock, “NFT statistics 2021,” Finder, 23/11/2021.
[26] “SIAE Rappresenta i Diritti Degli Autori Con Asset Digitali,” SIAE, 24/3/2021.
[27] Daniele Monaco, “Anche Siae sperimenta gli Nft,” Wired, 25/3/2021.
[28] Ministry of Science and ICT, Republic of Korea.
[29] Paul Klee, Paul Klee Notebooks. The Thinking Eye, vol. 1 (London: Lund Humphries, 1961), tr. 76.

Cùng chuyên mục