Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Sự khác biệt chiến lược với Trung Quốc của Mỹ và Ấn Độ

Sự khác biệt chiến lược với Trung Quốc của Mỹ và Ấn Độ

Bài viết trên mạng tin Stratfor cho rằng, mối quan ngại chung trước Trung Quốc đã khiến hai nước tăng cường hợp tác, song những ưu tiên khác nhau sẽ ngăn cản hai nước này thành lập liên minh thực sự.

05:19 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ba quốc gia đông dân nhất thế giới đang cùng tham gia cuộc cạnh tranh quyền lực tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Bình luận về quan hệ Mỹ - Ấn Độ, mạng tin của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor có bài viết cho rằng, Mỹ muốn củng cố quan hệ đối tác quốc phòng với Ấn Độ như một phần của nỗ lực rộng hơn nhằm đối phó với ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc tại khu vực và trên thế giới.

Ấn Độ cũng muốn thách thức Trung Quốc bằng cách tái khẳng định mình trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế và chính trị của Đông Nam Á trong bối cảnh nước này theo đuổi chính sách "Hành động phía Đông".

Tuy nhiên, dù hai nước có chung một đối thủ, song Washington và New Delhi có những mục tiêu khác nhau trong nỗ lực kiềm chế Bắc Kinh. Sự khác biệt trong các chiến lược rốt cuộc sẽ cản trở Mỹ và Ấn Độ cải thiện quan hệ hợp tác tại khu vực. 

Trên thực tế, tiến độ củng cố quan hệ giữa Washington và New Delhi vẫn còn xa mới đạt được ngưỡng liên minh và điều này khiến Mỹ thất vọng. Ấn Độ có truyền thống tự chủ về chiến lược và không thích thành lập các liên minh. Đây sẽ tiếp tục là mấu chốt trong quan hệ của nước này với Mỹ.

Đơn cử như New Delhi đã nhất trí chỉ ký một trong ba hiệp định căn bản với Washington để trở thành đối tác quốc phòng của Mỹ.

Văn bản có sửa đổi này là kết quả của quá trình đàm phán kéo dài tới 10 năm và rốt cuộc được ký kết chỉ nhằm để hai nước có thể sử dụng căn cứ của nhau để tiếp nhiên liệu, do đó khó có thể xem đây là một bước nhảy vọt cho hợp tác quốc phòng.

Mặt khác, Mỹ và Ấn Độ cũng có những quan điểm khác nhau đối với vấn đề Biển Đông. New Delhi cùng chung quan ngại với Washington về các vùng biển tranh chấp.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhất trí đề cập đến Biển Đông trong tuyên bố chung Ấn - Mỹ. Tuy nhiên, ngoài sự ủng hộ "miệng", New Delhi không có gì nhiều để hỗ trợ cho chiến dịch mà Washington quảng bá là đảm bảo an ninh hàng hải tại khu vực.

Năm 2016, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã từ chối tiến hành tập trận chung với Hải quân Mỹ tại những vùng biển đang tranh chấp trên Biển Đông.

Theo quan điểm của New Delhi, làm như vậy có nguy cơ sẽ chọc giận Bắc Kinh, có thể thổi bùng sự trả đũa dọc biên giới tranh chấp hay dẫn đến các cuộc tuần tra chung giữa Trung Quốc-Pakistan tại vùng biển Arập.

Trong bối cảnh cả hai bên đều tăng cường quân sự dọc biên giới, có lẽ Ấn Độ sẽ tránh vượt quá ranh giới với Bắc Kinh. Thay vào đó, New Delhi sẽ tập trung vào Ấn Độ Dương - một ưu tiên cao hơn đối với Ấn Độ do tầm quan trọng kinh tế của vùng biển này đối với họ.

Giống như Mỹ, Ấn Độ phải bảo vệ các tuyến đường biển phục vụ những hoạt động mậu dịch then chốt của mình như nhập khẩu xăng dầu và tinh lọc dầu ở ngoài khơi. Tương tự như ở Biển Đông, Trung Quốc cũng đang tăng cường hiện diện tại Ấn Độ Dương.

Bắc Kinh không chỉ có kế hoạch phát triển cảng Gwadar ở Pakistan và cảng Hambantota của Sri Lanka mà còn triển khai mỗi năm 8 tàu Trung Quốc tới khu vực dưới danh nghĩa là chống cướp biển. Chưa hết, Trung Quốc đã ký thỏa thuận với Pakistan, Bangladesh và Thái Lan để bán cho những nước này tàu ngầm, trong đó có các tàu chạy bằng dầu diesel.

Những diễn biến này lý giải tại sao năm ngoái Ấn Độ tuyên bố họ sẽ tăng cường các cuộc tuần tra tại Ấn Độ Dương bằng cách triển khai ít nhất 12 tàu để giám sát tất cả các tuyến hàng hải trọng yếu.

Mặc dù cả hai nước tiếp cận vấn đề ở những góc độ khác nhau, song Ấn Độ và Mỹ đều coi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc là lý do chính đáng để đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở cửa.

Vùng biển mênh mông nối liền Tây và Đông bán cầu sẽ đóng vai trò ngày càng quyết định đến "cuộc chơi" chính trị quyền lực trong những năm tới. Trong quá trình đó, Mỹ sẽ tiếp tục khuyến khích Ấn Độ chống Trung Quốc - đối thủ đáng gờm nhất của nước này trong cuộc đua giành quyền chỉ huy các đại dương trên./.

Theo TTXVN

Nguồn:

Cùng chuyên mục