Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Sự phát triển, mục tiêu và lộ trình thực hiện chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Ấn Độ (Phần 6)

Sự phát triển, mục tiêu và lộ trình thực hiện chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Ấn Độ (Phần 6)

05:03 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 5)

Wu Zhaoli*

3. Thông qua việc định vị quốc gia “trụ cột” và tái định vị quan hệ chiến lược song phương để thúc đẩy chiến lược Châu Á - TBD

Mặc dù vì tính đa dạng về đặc trưng và lợi ích quốc gia, giới chiến lược Ấn Độ phổ biến cho rằng, không có nhà nước hoặc tập đoàn “tự nhiên” hoàn toàn thích hợp với Ấn Độ. Tuy nhiên, đối với kết cấu quyền lực tương lai của khu vực châu Á - TBD, Mỹ ở tầng thứ nhất, là sức mạnh lãnh đạo mang tính chủ đạo; thực lực của Ấn Độ và Trung Quốc đang tăng lên, trở thành tầng thứ hai; Nhật Bản sẽ suy thoái ở mức độ lớn; Nga sẽ suy thoái chậm hơn; tầm quan trọng của các quốc gia trung bình như Hàn Quốc, Indonesia … sẽ tăng lên tương đối, về cơ bản sẽ trở thành nhận thức phổ biến của giới chiến lược Ấn Độ[1]. Vì thế, Ấn Độ phát triển mối quan hệ với các quốc gia châu Á - TBD, đặc biệt là với các nước lớn một cách có lựa chọn, có trọng điểm và có sự phân biệt, đưa ra khái niệm “quốc gia trụ cột” trong “Chính sách Hành động hướng Đông”, nhưng cùng với sự sâu sắc hóa và phát triển của chiến lược Châu Á -TBD, Ấn Độ phân chia các quốc gia khu vực này thành các “trụ cột” ở tầm quan trọng khác nhau. Trong khuôn khổ của “Chính sách Hành động hướng Đông”, Việt Nam là trụ cột có ý nghĩa to lớn (Significant Pillar), Singapore là trụ cột then chốt (Key Pillar), khu vực Đông Á, Hàn Quốc và Thái Lan là trụ cột quan trọng (Important Pillar).

Tuy nhiên, vì “Chính sách Hành động hướng Đông” chính thức đưa ra chưa lâu, định vị một số quốc gia như Nhật Bản và Úc vẫn chưa được các nhà chức trách nhắc đến, nhưng từ sự định vị chiến lược giữa Ấn Độ với một số quốc gia có thể phán đoán được tầm quan trọng của những nước này trong khuôn khổ của “Chính sách Hành động hướng Đông”. Mỹ đóng vai trò quan trọng của quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Ấn Độ, trong Tuyên bố chung vào tháng 1 năm 2015, hai nước này đã tích cực phối hợp khu vực trong khuôn khổ chiến lược “Chính sách Hành động hướng Đông” và “Tái cân bằng” dưới sự chỉ đạo của văn kiện “Tầm nhìn chiến lược chung của Mỹ và Ấn Độ tại khu vực châu Á - TBD và Ấn Độ Dương” (US-India Joint Strategic Vision for the Asia-Pacific and the Indian Ocean Region), quan hệ song phương cũng được đẩy lên mức “quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu”, cơ chế đối thoại song phương các cấp cũng đạt đến con số 40[2]. Ấn Độ và Úc quyết định năm 2009 nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược lên một mức lòng tin mới, quan hệ Ấn Độ - Nhật Bản cũng nâng cấp lên “quan hệ đối tác mang tính chiến lược toàn cầu đặc thù” vào năm 2006.

4. Thúc đẩy việc xây dựng cơ chế hóa hợp tác kinh tế thương mại song phương và đa phương với các thể chế kinh tế quan trọng trong khu vực châu Á - TBD

Tăng cường liên kết thương mại với khu vực châu Á - TBD là nội dung quan trọng của chiến lược Châu Á - TBD của Ấn Độ, còn thúc đẩy thiết lập cơ chế thương mại với khu vực kinh tế khu vực châu Á -TBD là phương thức quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược của nước này. Cùng với sự sâu sắc hóa liên tục của chiến lược Châu Á -TBD, trong 18 khu vực hiệp định thương mại khu vực (RTA) mà Ấn Độ đã ký kết có 6 đối tượng là các quốc gia ở Đông Á và Đông Nam Á, Ấn Độ đã ký kết hiệp định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (CEPA) hoặc hiệp thương mại hàng hóa (FTA) với Singapore (2005), Hàn Quốc (2009), Malaysia (2011) và Nhật Bản (2011), đồng thời nước này đã hoàn thành đàm phán hiệp định thương mại tự do trong lĩnh vực thương mại dịch vụ và đầu tư với khối ASEAN vào cuối năm 2012. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang nghiên cứu tính khả thi hoặc đàm phán về hiệp định thương mại song phương với các nước Thái Lan, Úc, Indonesia, Mông Cổ và New Zealand.

Trước mắt, cơ chế thương mại khu vực châu Á - TBD của Ấn Độ có ba trụ cột: Một là, FTA với ASEAN; hai là, CEPA với Nhật Bản và Hàn Quốc; ba là, thành viên của RCEP với ASEAN và bao gồm Trung Quốc. Về tầm quan trọng của RCEP, Ấn Độ cho rằng, RCPE do “ASEAN + 6” tập hợp thành đã mang lại cơ hội quan trọng cho nước này, là sân chơi mang tính quyết định ảnh hưởng đến chiến lược châu Á - TBD, địa vị kinh tế cũng như việc thực hiện “Chính sách Hành động phía Đông” của Ấn Độ, tầm quan trọng của RCEP trong bối cảnh Ấn Độ chưa gia nhập APEC và TPP lại càng nổi bật. RCPE mang lại ba lợi ích trực tiếp cho Ấn Độ: Một là, Hiệp định RCPE sẽ bổ sung cho Hiệp định Thương mại tự do giữa nước này với ASEAN và các thành viên khác; hai là, sẽ thúc đẩy Ấn Độ dung hòa vào “mạng lưới sản xuất khu vực” phức tạp; ba là, Ấn Độ có ưu thế tương đối trong lĩnh vực công nghệ thông tin và y tế[3]. Ngoài ra, Ấn Độ cũng xem trọng cơ chế hợp tác khu vực và dưới khu vực, như Sáng kiến vùng Vịnh Bengal về hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật đa khu vực (BIMSTEC) và “Tổ chức Hợp tác sông Hằng - sông Mekong” (MGC), và cũng có hồi ứng tích cực nhất định đối với Hợp tác Khu vực Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar (BCIM).

5. Tích cực tham gia cơ chế đối thoại “tiểu đa phương” và đa phương khu vực châu Á - TBD, thúc đẩy Kế hoạch Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương” (Ấn - Thái)

Ấn Độ tích cực tham gia xây dựng cơ chế đối thoại đa phương ở khu vực châu Á - TBD. Trước mắt, Ấn Độ tham gia cơ chế đối thoại đa phương trong khu vực chủ yếu bao gồm: Hội nghị Thượng đỉnh và cấp bộ trưởng “ASEAN + N”, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF), Hội nghị Thượng đỉnh về phối hợp hành động và củng cố lòng tin ở châu Á (CICA)… Đồng thời, các cơ chế đối thoại ba bên và tiểu đa phương mà nước này tham gia cũng có sự phát triển, ví dụ như: Đối thoại Ngoại trưởng ba nước Trung Nga Ấn (2007), Đối thoại Chiến lược ba bên Mỹ Nhật Ấn (2011), Đối thoại Ba bên Ấn Nhật Hàn (2012) và Hội nghị Cấp thứ trưởng ba bên Nhật Úc Ấn (2015), trong đó, ba nước Trung Nga Ấn đã quyết định xây dựng cơ chế thảo luận các sự vụ Trung Nga Ấn - châu Á - TBD vào tháng 2 năm 2015. Một mục tiêu quan trọng của việc Ấn Độ tham gia vào cơ chế đa phương ở châu Á - TBD chính là phát huy vai trò mang tính xây dựng và ảnh hưởng đối với trật tự khu vực, thông qua chính sách hợp tác với Mỹ và Nhật để gây sức ảnh hưởng đối với xây dựng quy hoạch và quy tắc trong khu vực, nhằm điều động tính tích cực trong mối quan hệ với các sức mạnh chủ yếu trong khu vực. Nguyên cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Shivshankar Menon đã chỉ ra rằng, Ấn Độ luôn tập trung vào việc xây dựng “kết cấu an ninh” với các quốc gia khu vực châu Á - TBD nhằm tạo môi trường có lợi cho sự phát triển và phồn vinh của Ấn Độ[4].

Thúc đẩy sự dung hợp khu vực giữa châu Á - TBD và khu vực Ấn Độ Dương là một hướng nỗ lực khác của chiến lược Châu Á - TBD. Từ năm 2010 đến nay, một số nhà phân tích chiến lược của Mỹ, Ấn và Úc đã bắt đầu tích cực đề xướng cái gọi là “Ấn - Thái”, trong các lời tuyên bố và văn kiện chính sách của chính phủ Ấn Độ cũng nhiều lần nhắc đến việc phải xây dựng khuôn khổ an ninh đa nguyên, mở cửa và bao dung ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương[5]. Về thực tế chính sách đối ngoại sau khi Chính phủ Modi nắm quyền, có học giả cho rằng, đây là “sự quay lại Ấn - Thái mang tính chiến lược của Ấn Độ”[6], Ấn Độ dưới thời Modi đã thành công trong việc đưa tầm nhìn chiến lược từ châu Á - TBD ra khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong thực tế, việc nước Mỹ xoay trục về khu vực châu Á - TBD nổi bật tầm nhìn về “đại khu vực châu Á - TBD”, nên nước Mỹ giữ lập trường hoan nghên Ấn Độ tham gia vào các sự vụ ở khu vực này, điều này tạo ảnh hưởng tích cực đối với việc chính phủ Modi chuyển sự chú ý chiến lược từ Ấn Độ - Pakistan sang Ấn Độ - Thái Bình Dương[7]. (Xem tiếp phần 7)

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ 


[1] See Sunil Khilnani et al., "Nonalignment 2.0: A Foreign and Strategic Policy for India in the Twenty-first Century".

[2] Ministry of External Affairs, Government of India, "India - U.S. Relations," December 2014

[3] Bipul Chatterjee and Surendar Singh, "Why RCEP is Vital for Indian," The Diplomat, March 3, 2015.

[4] "India for Building Security Architecture in Asia - Pacific: Menon," Business Standard, February 3, 2014.

[5] Priya Chacko, "India and the Indo - Pacific: Three Approaches" Jan. 24, 2013

[6] Subhash Kapila, "India's Strategic Pivot to the Indo Pacific," SAAG Paper, No.5831, Nov.27, 2014​

[7] Rohan venkataramakrishnan, "Obama Visit Helped Modi Move the Hyphen from Indo - Pak to Indo - Pacific," Jan.28, 2015​

* Viện Nghiên cứu Nam Á và Chiến lược Toàn cầu, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.

Nguồn:

Cùng chuyên mục