Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tác động của chính sách Hành động phía Đông tới mối quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ

Tác động của chính sách Hành động phía Đông tới mối quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ

Trong lịch sử, Ấn Độ và Việt Nam luôn hỗ trợ nhau trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Ngày nay, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ càng thể hiện rõ tình bạn tin cậy, tình cảm sâu sắc mà lãnh đạo và nhân dân hai nước dành cho nhau. Mối quan hệ hợp tác Ấn Độ - Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, an ninh-quốc phòng, khoa học - công nghệ, kinh tế - thương mại.

01:19 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước đang trong giai đoạn có những bối cảnh mới, như sự hình thành khái niệm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vấn đề Trung Quốc trên Biển Đông, vấn đề quản trị số toàn cầu, và vấn đề đại dịch Covid-19 đang diễn ra. Tháng 12/2020, hai quốc gia đã công bố tầm nhìn chung Việt Nam - Ấn Độ về hòa bình, thịnh vượng và nhân dân. Trong bối cảnh mới, tầm nhìn mới, hợp tác song phương Việt Nam - Ấn Độ cần toàn diện hơn, bao gồm hợp tác trên mọi phương diện, hợp tác sâu rộng về kinh tế, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, văn hóa, giáo dục - đào tạo. Mối quan hệ đối tác này sẽ đóng góp quan trọng vào việc tăng cường sự ổn định và phát triển ở khu vực, đem lại nhiều lợi ích cho cả Việt Nam và Ấn Độ.

Việt Nam và Ấn Độ cùng nằm trong khu vực chiến lược mới - Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Có rất nhiều thay đổi chiến lược mạnh mẽ của các nước lớn trong khu vực này. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chủ nghĩa dân tộc thể hiện rõ hơn, các cường quốc có những động thái chuyển biến chiến lược trên toàn cầu. Đồng thời, Mỹ, Anh, Australia cho ra mắt cơ chế hợp tác an ninh 3 bên AUKUS. Bước đi này được đánh giá là nhằm cải thiện sự hiện diện của Anh và Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mở ra cánh cửa cho một cách tiếp cận đa chiều với khu vực này để đối phó với những thách thức đang nảy sinh. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chiếm 40% dân số và 60% GDP thế giới. Khu vực này có 7 nền kinh tế lớn trong nhóm G20 bao gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn quốc, Nam Phi cũng như hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong đó có Việt Nam giữ vai trò then chốt trong ASEAN. Sự phát triển năng động, đóng góp chính trị to lớn khu vực này càng ngày càng thể hiện vai trò then chốt trong việc định hình trật tự thế giới mới.

Là một cường quốc trong khu vực, Ấn Độ nhấn mạnh đến vai trò nòng cốt của Việt Nam trong Chính sách Hành động phía Đông, khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế hiện nay. Cùng với sự điều chỉnh trong chính sách đối với khu vực Đông Nam Á nói chung, Ấn Độ cũng điều chỉnh chính sách đối với Việt Nam. Việc chuyển đổi từ Chính sách Hướng Đông sang Chính sách Hành động phía Đông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam trong mối quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cấp mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Chính sách Hành động phía Đông đã có nhiều tác động lớn mạnh lên mối quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ, đặc biệt từ khi hai nước nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện từ năm 2016. Tại cuộc Hội đàm cấp cao trực tuyến 21/12/2020, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định Việt Nam đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ. Hai bên đã có nhiều nỗ lực đưa quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đi vào chiều sâu trên cơ sở hữu nghị truyền thống, những gắn kết về lịch sử, văn hóa và tôn giáo, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, cũng như tầm nhìn và lợi ích tương đồng giữa hai nước đối với các vấn đề khu vực và quốc tế.

Trước hết, phải khẳng định thành quả lớn nhất và bao trùm nhất trong mối quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ thể hiện ở cấp độ chính trị, lòng tin chiến lược giữa hai nước không ngừng được tăng cường, củng cố, tạo nền móng vững chắc cho hợp tác trong an ninh, kinh tế, thương mại, ngoại giao, tài trợ, và xử lý các vấn đề chung trên Biển Đông cũng như Covid-19. Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục phát triển mối quan hệ song phương tốt đẹp, lòng tin chính trị ngày càng được thắt chặt thông qua việc duy trì đều đặn các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp, trên kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, địa phương và giao lưu nhân dân. Tại thời điểm cuối năm 2021, trong khuôn khổ của chính sách Hành động phía Đông, hai bên đã và đang xác định những nhiệm vụ của quá trình hợp tác song phương, gồm những nhiệm vụ cốt lõi gồm: hợp tác quốc phòng và an ninh; hợp tác kinh tế, thương mại; hợp tác tại các diễn đàn quốc tế; các khoản hỗ trợ của Ấn Độ dành cho Việt Nam; Ấn Độ hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông; và những hỗ trợ mới đây trong đại dịch toàn cầu Covid-19.

Thứ nhất, hợp tác quốc phòng và an ninh: đây là một trong những trụ cột trong quan hệ song phương. Hai bên tiếp tục thúc đẩy, phát huy các cơ chế tham vấn, đối thoại, mở rộng hợp tác song phương trong công nghiệp quốc phòng, huấn luyện và phối hợp trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đẩy mạnh hợp tác ứng phó với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. 

Ấn Độ là một trong năm cường quốc quân sự (theo bảng xếp hạng chỉ số sức mạnh quân sự toàn cầu của Global Firepower năm 2021, 5 cường quốc là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản)[1]. Ấn Độ còn là một trong những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và có lực lượng quân sự mạnh. Ấn Độ cũng được coi là một cường quốc trong khu vực có khả năng góp phần định hình tình hình của Nam Á và Đông Nam Á. Do đó, quan hệ an ninh - quốc phòng với Ấn Độ giúp Việt Nam giảm bớt sức ép trước sự cạnh tranh của các nước lớn trong khu vực, trong đó có Trung Quốc. Ấn Độ và Việt Nam đều đang có xung đột lãnh thổ với Trung Quốc; xuất hiện khả năng hình thành các liên minh không chính thức giữa Việt Nam, Ấn Độ và các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia. Đây là cơ hội để tăng cường sức mạnh của Việt Nam trong việc ứng phó với vấn đề Trung Quốc. Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Ấn Độ về nhiều mặt. Đây là tác động quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với sự phát triển của Việt Nam.

Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ ngoại giao Ấn Độ đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình LHQ năm 2016 và Thỏa thuận triển khai giữa Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và Trung tâm Gìn giữ hòa bình Ấn Độ ký năm 2020. Hai bên đã nhiều lần trao đổi đoàn chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình LHQ; hợp tác, trao đổi thông tin về địa bàn phái bộ mà Việt Nam triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình. Hai bên có kế hoạch triển khai các đợt diễn tập trên thực địa luân phiên chung khi tình hình đại dịch Covid-19 cho phép, kế hoạch thúc đẩy hoạt động trao đổi giảng viên gìn giữ hòa bình, tổ chức các hoạt động chung giữa lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam và Ấn Độ tại Nam Sudan. Việt Nam tham gia ngày càng tích cực và chủ động trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình LHQ. Với kinh nghiệm và năng lực, Ấn Độ cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình LHQ sẽ ngày càng thiết thực và hiệu quả.

Thứ hai, hợp tác trong kinh tế, thương mại: Việt Nam và Ấn Độ nỗ lực để đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 15 tỷ USD/năm thông qua việc tăng cường xúc tiến hoạt động thương mại, giảm các rào cản kỹ thuật, hạn chế các biện pháp phòng vệ thương mại và chính sách không có lợi cho xuất nhập khẩu, tăng cường kết nối chuỗi sản xuất, duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng trong khu vực và trên toàn cầu; mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, mạng Internet thế hệ mới 5G, liên kết khởi nghiệp.

Với ưu thế là một quốc gia lớn, mới nổi gần đây, có nền kinh tế phát triển và thị trường rộng lớn, Ấn Độ mang lại nhiều cơ hội hợp tác phát triển kinh tế với Việt Nam thông qua các sáng kiến ​​như Make in India, Digital India, góp phần thúc đẩy Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới. Việt Nam và Ấn Độ có nhiều lợi thế so sánh, kinh tế Ấn Độ có thể bổ sung cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực dược phẩm và công nghệ thông tin. Ấn Độ là cửa ngõ vào Nam Á, đồng thời là đầu tàu có vai trò và ảnh hưởng mạnh trong khu vực Nam Á - Ấn Độ Dương, và đang triển khai nhiều chính sách kết nối hạ tầng với Đông Nam Á. Do đó, Ấn Độ trở thành nhịp cầu nối Việt Nam với các nước Nam Á đầy tiềm năng, với thị trường châu Á tại khu vực Ấn Độ Dương với nhiều ý nghĩa địa chính trị quan trọng.

Trong nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2020, 10 quốc gia thành viên ASEAN đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định thương mại tự do thương mại lớn nhất thế giới. Ấn Độ không tham gia CPTPP và đã rút khỏi RCEP do lo ngại về thâm hụt thương mại của nước này với các nước RCEP khác. Trong khi Ấn Độ đã thực hiện một số bước để thúc đẩy hội nhập kinh tế với các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) thông qua các dự án như Hiệp định Kinh doanh Ấn Độ-CLMV và Sáng kiến ​​Hợp tác Mekong-Ganga, quan hệ kinh tế nhìn chung vẫn còn nhiều dư địa để khai thác các tiềm năng. Ấn Độ coi Việt Nam là địa điểm đầu tư trực tiếp nước ngoài đáng tin cậy so với các nước láng giềng phía đông Ấn Độ. Việt Nam là một quốc gia tầm trung tích cực trong ASEAN, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến bộ kinh tế-xã hội của Đông Nam Á và khu vực thông qua các nền tảng ASEAN và Khu vực Tam giác Phát triển Campuchia – Lào - Việt Nam. Việt Nam cũng quan tâm đến việc thu hút các công ty ngoài khu vực trong khu vực sông Mekong để thúc đẩy tăng trưởng khu vực và đa dạng hóa kinh tế. Do vậy, Việt Nam đóng vai trò là cầu nối quan trọng giữa Ấn Độ và các nước CLMV trong lĩnh vực kết nối và hợp tác kinh tế.

Tuy nhiên, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước còn nhiều dư địa để phát triển. Số liệu thương mại song phương của Việt Nam với Ấn Độ chỉ chiếm 11,1 tỷ USD trong năm tài chính 2020-2021. Nhập khẩu của Ấn Độ từ Việt Nam đã tăng từ 2,5 tỷ USD trong năm 2015-2016 lên 6,1 tỷ USD trong năm 2020–2021, nhưng tốc độ tăng trưởng khiêm tốn so với quan hệ thương mại với các nước ASEAN chính. Xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam không tăng trưởng ổn định, chỉ đạt 5 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2021.[2] Quy mô đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam kém hơn so với đầu tư từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Chủ nghĩa bảo hộ cũng đang gia tăng ở Ấn Độ, cản trở triển vọng quan hệ kinh tế. Ấn Độ đang bắt đầu bằng cách nhanh chóng theo dõi việc rà soát lại FTA ASEAN-Ấn Độ thông qua các cuộc đối thoại đa phương. Việc cập nhật và rà soát Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ được mong đợi sẽ tăng cường gắn kết kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, với Ấn Độ.

Thứ ba, hợp tác tại các diễn đàn quốc tế: hai nước luôn ủng hộ ủng hộ lẫn nhau và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt là tại Liên hợp quốc khi hai nước cùng là thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) trong năm 2021, cũng như tại các cơ chế do ASEAN lãnh đạo và trong khuôn khổ hợp tác Sông Mê Kông - Sông Hằng (MGC). Hai nước cũng có sự hợp tác hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như LHQ, APEC, ASEM, WTO, EAS, ASEAN, và cuộc họp nhóm Bộ tứ (Quad) mở rộng.

Do đã có nhiều kinh nghiệm lịch sử trong việc liên kết các nền văn hóa và văn minh, Ấn Độ ngày nay sớm nhận ra tầm quan trọng của việc tham gia với ASEAN. Các liên kết văn minh của Ấn Độ với hầu hết các nước thành viên ASEAN là vô cùng mạnh mẽ. Cộng đồng Ấn kiều tại ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc thắt chặt mối quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN. Ấn Độ đã có nhiều cam kết để thúc đẩy mối quan hệ này. Ví dụ: Ấn Độ công bố nhiều khóa học mới trong Chương trình Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Ấn Độ (ITEC) dành cho các quốc gia thuộc chương trình hợp tác Sông Hằng - sông Mêkông trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch, kỹ thuật, quản lý, đào tạo giáo viên, đạo diễn phim, âm thanh, ánh sáng và quản lý sân khấu ngoài trên 1000 học bổng đã cung cấp hàng năm. Ấn Độ đã khánh thành, đưa vào hoạt động nhiều trung tâm công nghệ cao về nghiên cứu phát triển và đào tạo trong lĩnh vực phần mềm, tăng cường các chương trình nâng cao năng lực hiện có về thực thi pháp luật, thị trường tài chính, công nghệ thông tin - truyền thông và nghiên cứu không gian. Mối quan hệ ASEAN - Ấn Độ đã ngày càng được tăng cường và phát triển trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị-an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, đến khoa học-công nghệ, năng lượng, nông nghiệp, giáo dục, y tế, môi trường. Ấn Độ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với ASEAN và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, tham gia tích cực và đóng góp xây dựng vào các cơ chế hợp tác khu vực như EAS, ARF, ADMM+, Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng, xây dựng các chuẩn mực và giải quyết các thách thức an ninh khu vực.[3] 

Thứ tư, các khoản hỗ trợ của Ấn Độ dành cho Việt Nam: Chính phủ Ấn Độ tiếp tục dành cho Việt Nam các khoản viện trợ không hoàn lại, tín dụng ưu đãi, và cấp vốn cho các dự án tác động nhanh (QIPs), đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương cũng như công tác bảo tồn di sản văn hóa, góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị và giao lưu nhân dân giữa hai nước.

Tại Hội Nghị Thượng đỉnh trực tuyến giữa Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng Việt Nam được tổ chức vào ngày 21/12/2020, Chính phủ Ấn Độ đã cam kết nâng số Dự án Tác động nhanh cho Việt Nam hằng năm từ 5 dự án lên 10 dự ánTại cuộc họp trực tuyến được tổ chức vào ngày 27/10/2021, Đại sứ quán Ấn Độ đã ký Bản ghi nhớ với Ủy ban Nhân dân của tám tỉnh Việt Nam để triển khai tám dự án Tác động nhanh (QIPs). Tám tỉnh là Hà Tĩnh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Tuyên Quang. Trước đó vào đầu tháng 10/2021, Đại sứ quán đã triển khai ký kết hai Bản ghi nhớ liên quan đến Dự án tác động nhanh tại tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Như vậy, với 10 dự án mới ký kết thêm trong tháng 10/2021, tổng các Dự án Tác động nhanh QIP của Ấn Độ tại Việt Nam đã lên con số 37, tại 33 tỉnh, thành phố.[4]

Mỗi dự án tác động nhanh có giá trị 50,000 USD, được triển khai trong khuôn khổ của chương trình Hỗ trợ phát triển thuộc Hợp tác Mê Công - sông Hằng (MGC). Tuy các dự án có quy mô nhỏ nhưng mang lại lợi ích thiết thực và nhanh chóng cho các cộng đồng dân cư. Đại sứ Pranay Verma ghi nhận thành công của chương trình Dự án QIPs tại Việt Nam và đã khẳng định về tính hữu dụng của chương trình trong việc mang lại những chuyển biến nhanh tại tuyến cơ sở. Đại sứ quán và Chính quyền của các địa phương đã phối hợp chặt chẽ để đảm bảo việc triển khai đúng tiến độ các dự án này, thể hiện sức mạnh của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Ấn Độ và Việt Nam, đóng góp vào nỗ lực chung trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Thứ năm, Ấn Độ hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông: Ấn Độ hỗ trợ Việt Nam duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Hai nước kêu gọi các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trong bối cảnh Ấn Độ tăng cường thực hiện các chính sách can dự và hiện diện ở Đông Nam Á, ASEAN có thể trở thành chủ thể cần tác động của cả Ấn Độ và Trung Quốc. Trong khi Ấn Độ đang mở rộng quan hệ song phương với các nước Đông Nam Á và thắt chặt quan hệ đa phương với ASEAN thì Trung Quốc tìm cách lôi kéo ASEAN, kể cả bằng các hình thức không chính thức với từng nước ASEAN thông qua các điều kiện kinh tế, gây ảnh hưởng lớn đến cơ chế đoàn kết và đồng thuận của ASEAN, và có tác động tiêu cực đến Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Cuộc họp của ASEAN tại Lào tháng 7/2016 không đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), điều này hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam trong việc coi ASEAN là một cơ chế khu vực để có tiếng nói phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc trên biển và lấy đó làm cơ sở để đấu tranh hợp pháp về chủ quyền các vùng biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông.

Việc Ấn Độ tăng cường can dự vào Đông Nam Á góp phần quốc tế hóa vấn đề Biển Đông hơn nữa. Sự đồng thuận ủng hộ các vấn đề Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế giữa Ấn Độ và Việt Nam giúp Việt Nam có thêm một đối tác trong giải quyết vấn đề Biển Đông. Hiện tại, Ấn Độ có cùng quan điểm với các nước Đông Nam Á về tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền tự do hàng hải trên biển và trên không, và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Điều này hoàn toàn phù hợp với cách tiếp cận và lợi ích của Việt Nam. Ngoài ra, Ấn Độ cũng ủng hộ việc thực hiện Tuyên bố về Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) ở Biển Đông. Tất cả những điều này đều có lợi cho Việt Nam trong vấn đề bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Trong nhiều thập kỷ vừa qua, Ấn Độ luôn là một trong những đối tác tin cậy của Việt Nam trong việc thăm dò, khai thác dầu khí trên Biển Đông. Ngay từ thập niên 1980, Công ty dầu khí ONGC Videsh Ltd (OVL) của Ấn Độ đã tiến hành các dự án khai thác năng lượng xa bờ ở Biển Đông với Việt Nam. OVL vào Việt Nam từ năm 1988 và đã có được giấy phép khai thác lô 6.1. Năm 2006, OVL được quyền thăm dò các lô 127 và 128. Lô 127 sau đó được xác định không có dầu khí. Sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Ấn Độ năm 2014, hai bên đã ký Thỏa thuận Hợp tác giữa OVL và PetroVietnam, và OVL đã gia hạn giấy phép thăm dò tại lô số 128, khu vực mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền, nhằm duy trì lợi ích chiến lược của Ấn Độ tại Biển Đông. Việt Nam khẳng định lô 128 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo UNCLOS.

Hiện OVL đang giữ 45% cổ phần trong lô 6.1, cách bờ biển Việt Nam 375km. Rosneft Vietnam BV nắm 35% và Petro Vietnam nắm giữ 20% còn lại. OVL đã hoàn thành khảo sát tại lô 128 khơi miền Trung Việt Nam do họ nắm 100% quyền điều hành. Trong những năm OLV thăm dò và khai thác dầu khí tại Biển Đông, Trung Quốc luôn lên tiếng phản đối và nhiều lần tìm cách gây hắn. Nhưng sự hiện diện của các tàu chiến Ấn Độ để bảo vệ lợi ích kinh tế của Ấn Độ tại các lô Ấn Độ thăm dò, khai thác dầu đã khiến Trung Quốc khó có thể dùng vũ lực để gây sức ép. Nếu xảy ra đụng độ trong khu vực, cộng đồng quốc tế sẽ xem xét việc này một cách nghiêm túc.

Thứ sáu, những hỗ trợ mới đây trong đại dịch toàn cầu Covid-19: trong đại dịch toàn cầu Covid-19, tuy đều chịu ảnh hưởng nặng nề trong những đợt dịch trong năm 2021, nhưng hai bên vẫn liên tục hỗ trợ lẫn nhau trên tinh thần đoàn kết quốc tế. Việt Nam đã hỗ trợ Ấn Độ ứng phó với làn sóng đại dịch COVID-19 thứ 2 vào tháng 6/2021. Ấn Độ cũng luôn cố gắng hết sức để hỗ trợ cho Việt Nam qua các hình thức như cung cấp những loại thuốc chữa trị COVID-19 cho Việt Nam, hỗ trợ cho thử nghiệm giai đoạn 3 mở rộng, sản xuất, phân phối vắc xin Nanocovax của Việt Nam trên quy mô lớn, cung cấp máy tạo oxy, thiết bị y tế, và đặc biệt là tham mưu để thành lập các khu công nghiệp dược tại Việt Nam, và nhiều nhiệm vụ khác. 

Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã thành lập Nhóm phản ứng nhanh về Thuốc và Vaccine thuộc Đại sứ quán. Trong cuối năm 2021, nhóm đang tích cực trao đổi và đám phán với các doanh nghiệp Ấn Độ để sớm đưa những lô thuốc Molnupiravir về Việt Nam để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 không cần nhập viện. Molnupiravir là thuốc uống chống vi rút nhằm ức chế sự sao chép của nhiều loại vi rút trong đó có SARS-CoV-2, do tập đoàn Merck Sharp & Dohme (MSD) phối hợp với Ridgeback Biotherapy nghiên cứu và thử nghiệm độc quyền để điều trị bệnh nhân Covid-19.[5] Trước đó, Các doanh nghiệp Ấn Độ đã cam kết cung cấp một triệu liều thuốc đặc trị Covid-19 Remdesivir. Từng lô hàng trong số này đã và đang được vận chuyển về Việt Nam tính tới thời điểm tháng 10/2021. Với vị thế là công xưởng sản xuất vắc xin của thế giới, Ấn Độ đã giúp Việt Nam thử nghiệm giai đoạn 3 của vắc xin NanoCovax do Việt Nam phát triển. Tháng 8/2021, Công ty Vekaria Healthcare LLP của Ấn Độ và Công ty Nanogen của Việt Nam ký biên bản thỏa thuận để tiến tới thảo luận sâu hơn về các nội dung hợp tác cụ thể liên quan đến việc thử nghiệm giai đoạn 3 mở rộng, sản xuất, phân phối vắc xin Nanocovax quy mô lớn khi các cơ quan chức năng cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 18, tháng 10/2021, với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng Thư ký ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính của Việt Nam ghi nhận tiềm năng và thế mạnh của ASEAN và Ấn Độ, kêu gọi hai bên hỗ trợ lẫn nhau trong ứng phó Covid-19 và phục hồi bền vững.[6] Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ấn Độ tích cực hỗ trợ các nước ASEAN phát triển công nghiệp dược, tiếp cận đầy đủ và kịp thời các nguồn vaccine, thuốc điều trị COVID-19, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc chữa bệnh; trao đổi thông tin, kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 và các bệnh dịch khác có thể xuất hiện.

Nói tóm lại, xem xét trên góc độ quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ từ khi Ấn Độ đưa ra chính sách hướng Đông năm 1991, đến chính sách Hành động phía Đông năm 2014 đến nay, mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã gặt hái được thành quả lớn, tạo ra nền tảng vững chắc cho hai bên đi sâu hợp tác. Ấn Độ là một cường quốc mới nổi, trong khi Việt Nam là một nước tầm trung. Mỗi nước có đối sách, có phương pháp thực hiện chính sách đối nội, đối ngoại riêng, nhưng cách tiếp cận hoà bình, tôn trọng lợi ích của các quốc gia liên quan, tôn trọng luật pháp quốc tế là cách thức được hoan nghênh nhất. Trong một thế giới đang hội nhập mạnh mẽ, nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau dựa trên luật pháp quốc tế là điều kiện tiên quyết để cùng nhau đi trên con đường tiến tới thịnh vượng.

Đánh giá về con đường phát triển lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, học giả Ấn Độ Jayachandra Reddy, Giáo sư Đại học Tirupati Ấn Độ, đối tác thân thiết của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhận xét, Việt Nam rất cần “khuôn khổ kinh tế cho tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo; môi trường hỗ trợ khởi nghiệp; chuyển đổi kinh tế nông thôn; tăng cường nguồn nhân lực với năng lực quốc tế; cung cấp các tiện ích cơ sở hạ tầng và dịch vụ hiệu quả; cải thiện chất lượng môi trường; xây dựng năng lực quản trị hiện đại với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và xây dựng lòng tin ở cấp độ toàn cầu”[7]. Hợp tác song phương với Ấn Độ có thể là chìa khóa để Việt Nam sớm đạt được những điều này để vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ


[1] https://vtc.vn/bang-xep-hang-suc-manh-quan-su-global-firepower-2021-viet-nam-xep-thu-24-ar622851.html

[2] https://congthuong.vn/viet-nam-an-do-dua-hop-tac-thuong-mai-di-vao-chieu-sau-166332.html

[3] https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/an-do-day-manh-hop-tac-kinh-te-voi-cac-nuoc-asean-230436

[4] https://vtv.vn/xa-hoi/an-do-trien-khai-du-an-ve-ha-tang-giao-duc-tuoi-tieu-cap-nuoc-tai-viet-nam-20211027232723462.htm

[5] https://haiquanonline.com.vn/an-do-la-nguon-cung-tin-cay-thuoc-molnupiravir-dieu-tri-covid-19-cho-viet-nam-151349.html

[6] https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/thu-tuong-e-nghi-an-o-tich-cuc-ho-tro-asean-ve-vaccine-va-thuoc-ieu-tri-covid-19

[7] https://dangcongsan.vn/thoi-su/hoc-gia-an-do-danh-gia-cao-y-nghia-bai-viet-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-586365.html

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục