Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tại sao Kashmir là điểm nóng trong quan hệ Ấn Độ – Pakistan

Tại sao Kashmir là điểm nóng trong quan hệ Ấn Độ – Pakistan

05:24 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Những ngày gần đây đã chứng kiến ​​một cuộc đối đầu nguy hiểm nhất giữa Pakistan và Ấn Độ trong hai thập niên qua. Một vụ đánh bom tự sát ở Kashmir (bởi một người Kashmir Ấn Độ), tiếp theo là các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng của các máy bay chiến đấu Ấn Độ và Pakistan, đã khiến hai cường quốc có vũ khí hạt nhân đứng trước bờ vực của một cuộc đối đầu thảm khốc. Tại sao Kashmir là điểm nóng giữa hai nước?

Khi Anh rút ​​khỏi Ấn Độ vào năm 1947, cường quốc thực dân này đã để lại một di sản là những đường biên giới được đặt ra một cách bất cẩn hoặc tùy tiện. Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc bùng phát dọc theo biên giới phía Đông Bắc Ấn Độ, thuộc bang Arunachal Pradesh. Pakistan cũng bị bao quanh bởi một đường biên giới bất ổn. Afghanistan về phía Bắc từ lâu đã là một nước láng giềng thù địch. Nhưng các đường biên giới ở Kashmir, nơi Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc đều có các yêu sách mâu thuẫn nhau, là vấn đề gây tranh cãi nhất.

Sau khi giành được độc lập, rõ ràng nhiều người Hồi giáo Ấn Độ đã quyết tâm tách ra khỏi quốc gia nơi đa số người dân theo đạo Hindu. Một công chức Anh, người không biết gì về khu vực này, đã vẽ nên một đường ranh giới giữa lãnh thổ sau này sẽ trở thành Pakistan và Ấn Độ. Pakistan đã được trao các khu vực nơi có đa số là người Hồi giáo sống ở phía Tây Bắc, cộng với một vùng lãnh thổ ở phía Đông (vùng đất đã giành được độc lập và đặt tên là Bangladesh vào năm 1971). Lãnh đạo một số khu vực tranh chấp, đặc biệt là Kashmir, được yêu cầu chọn một bên để tham gia.

Trong khi các nhà lãnh đạo Hindu giáo ở Kashmir lảng tránh vấn đề với hy vọng bằng cách nào đó sẽ trở thành một quốc gia độc lập, thì các nhà lãnh đạo Pakistan đã quyết định tự giải quyết vấn đề. Vì Kashmir là một vùng lãnh thổ có đa số dân theo Hồi giáo, Pakistan đã cho phép các lãnh chúa người Pushtun tràn vào từ vùng Tây Bắc Pakistan vào cuối năm 1947 để giành quyền kiểm soát Kashmir. Nhận được sự kêu gọi của các nhà lãnh đạo Kashmir, Ấn Độ đã đáp trả bằng cách triển khai quân đội quốc gia. Ấn Độ đã ngăn chặn những kẻ xâm lược chiếm Srinagar, thủ phủ Kashmir, nằm trong thung lũng Kashmir, khu vực đông dân nhất của vùng lãnh thổ này.

Đường biên giới kiểm soát được hình thành sau đó đến nay vẫn là đường biên giới quốc tế trên thực tế ở Kashmir và được Pakistan và Ấn Độ chấp nhận trên thực tế, nếu không phải là trên lý thuyết. Tuy nhiên, một số lượng lớn binh sĩ vẫn đồn trú trong khu vực vì cả hai nước đều tuyên bố có thẩm quyền đối với phần còn lại của Kashmir. Về phía Ấn Độ, người dân ở đây đã sống theo Đạo luật Lực lượng Vũ trang (Quyền lực Đặc biệt) kể từ năm 1990, khi một cuộc nổi dậy vũ trang đã nổ ra với sự hỗ trợ bí mật của Pakistan. Đạo luật hợp pháp hóa các biện pháp hà khắc của lực lượng an ninh. Khoảng 40.000 người đã chết trong những năm qua. Bạo lực đã giảm xuống trong thế kỷ này, nhưng số người chết đã tăng trở lại gần đây.

Theo cách hiểu của Ấn Độ, được truyền tải trên báo chí Ấn Độ và được chấp nhận rộng rãi bởi 1,3 tỷ người Ấn Độ còn lại, thì quân đội Ấn Độ đang dũng cảm tiến hành một nỗ lực nhìn chung thành công để đánh bại một nhóm khủng bố Hồi giáo nhỏ nhưng dẻo dai đang được điều hành từ xa bởi Pakistan. Tình hình thực tế ở Thung lũng Kashmir, nơi gần như toàn bộ 7 triệu người dân là người Hồi giáo nói tiếng Kashmir, lại khá khác biệt.

Nền dân chủ Ấn Độ không hoàn toàn chết ở Thung lũng Kashmir, nhưng nó chắc chắn đang trong tình trạng ốm yếu. Từ khi sự phân chia Ấn Độ - Pakistan vào năm 1947 khiến số phận Kashmir trở nên mơ hồ, vùng đất này đã trở thành con tin trong quan hệ giữa hai nước. Vì muốn tập trung vào các vấn đề lớn hơn, Ấn Độ thường làm ngơ các mối quan ngại của người dân Kashmir. Xu hướng này đã phát triển mạnh mẽ hơn kể từ khi Đảng Bharatiya Janata lên nắm quyền ở New Delhi vào năm 2014, thề sẽ chấm dứt chính sách “xoa dịu” người Hồi giáo Ấn Độ và cứng rắn hơn đối với Pakistan. Như nhà khoa học chính trị người Mỹ gốc Ấn Mohammed Ayoob đã đánh giá trên tờ Hindu, một tờ nhật báo Ấn Độ, thì “nếu giới tinh hoa chính trị có sự khôn ngoan để giải quyết hoặc ít nhất là quản lý vấn đề ‘ở’ Kashmir, thì vấn đề Kashmir sẽ dần dần không còn gai góc theo thời gian. Thật không may, họ đã làm đúng điều ngược lại.”

Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2019/03/21/tai-sao-kashmir-la-diem-nong-trong-quan-he-an-do-pakistan/

Nguồn:

Cùng chuyên mục