Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tăng cường tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ qua nhịp cầu giao lưu văn hóa

Tăng cường tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ qua nhịp cầu giao lưu văn hóa

Có thể nói, hoạt động giao lưu văn hóa Việt-Ấn là nét đặc trưng tiêu biểu trong hoạt động của Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ qua đó giúp cho hội viên, sinh viên cùng đông đảo tầng lớp nhân dân Thủ đô hiểu biết thêm về đất nước, con người Ấn Độ cũng như giới thiệu văn hóa Việt Nam đến với nhân dân Ấn Độ.

01:24 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tăng cường tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ qua nhịp cầu giao lưu văn hóa

NSND Chu Thúy Quỳnh*

 

Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Ấn Độ đã có từ lâu đời, khởi nguồn từ những mối liên hệ và giao lưu lịch sử sâu xa về văn hóa-tôn giáo-thương mại. Trong thời kỳ hiện đại, mối quan hệ giữa hai dân tộc đã được hai vị lãnh đạo tiền bối kiệt xuất của hai nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Pandit Jawaharlal Nehru tạo dựng nền móng, các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Thủ tướng Ấn Độ J. Nehru là một trong những vị khách đến thăm Việt Nam đầu tiên ngay sau khi nước ta giành được chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1954). Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ấn Độ, và một năm sau, Tổng thống Ấn Độ thăm Việt Nam.

Hai nước hết lòng ủng hộ và giúp đỡ nhau trong công cuộc kháng chiến giành độc lập trước đây cũng như trong sự nghiệp tái thiết đất nước, đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội ngày nay. Ngày 7-1-1972, Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước. Vào những năm đầu của thế kỷ XXI, quan hệ Việt Nam và Ấn Độ đã dần đi vào chiều sâu và là hình mẫu cho sự hợp tác hòa bình, hữu nghị giữa hai quốc gia, hai dân tộc, cùng nhau hợp tác phát triển vì sự phồn vinh của mỗi nước. Tháng 7-2007, Ấn Độ và Việt Nam chính thức thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược, đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển lên một tầm cao mới.

Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế, thương mại tốt đẹp, giao lưu văn hóa và ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và Ấn Độ không ngừng được củng cố và phát triển. Trong bối cảnh nhiều thuận lợi đó, Hội hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ thành phố Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 527/QĐ-UB ngày 18/1/2002 của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Hội là một trong những tổ chức thành viên của TW Hội hữu nghị Việt Nam-Ấn và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội. Hội đã tiến hành ba kỳ đại hội bầu ra Ban chấp hành gồm những nhân sỹ trí thức, nhà hoạt động văn hóa đồng thời phát triển được 11 Chi hội hữu nghị Việt-Ấn cấp cơ sở trong đó có Chi hội trường Cao đẳng Múa Việt Nam, Khoa Đông phương học- Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa Quốc tế-Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Viện Âm nhạc, Trường Đại học FPT, Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, .... Hội có mối quan hệ tốt đẹp với Đại sứ quán Ấn Độ, duy trì các  hoạt động lễ tân đối ngoại thường xuyên nhân dịp kỷ niệm ngày Độc lập, ngày Cộng hòa, Tết Ánh sáng Diwali, Ngày thế giới nói tiếng Hindi, Ngày hội ITEC, Ngày Quốc tế Phi bạo lực.

Ở cấp quốc gia, Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Ấn Độ lần thứ I do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ và Tổ chức Hòa bình đoàn kết toàn Ấn Độ tổ chức thành công vào năm 2007 đã tạo tiền đề thuận lợi cho các hoạt động giao lưu nhân dân tổ chức luôn phiên tại hai nước.Tính đến năm 2015, Liên hoan đã được tổ chức 7 lần, Hội Việt-Ấn Hà Nội thường xuyên cử đại biểu tham đoàn và tổ chức các hoạt động giao lưu nghệ thuật. Khi hoạt động trong khuôn khổ Liên hoan diễn ra tại Hà Nội, Hội đã tích cực huy động hội viên tham gia đồng thời bố trí và hướng dẫn đoàn thăm quan tại Chùa Trấn Quốc nơi trồng cây Bồ đề của Tổng thống Ấn Độ tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt hoa tại Tượng đài Indira Gandhi trong Công viên I.Gandhi, dàn dựng và biểu diễn chào mừng tại tiệc chiêu đãi đoàn của UBND TP Hà Nội, đưa đoàn nghệ thuật của Ấn Độ giao lưu với các nghệ sỹ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.

Năm 2012, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Việt Nam và Ấn Độ, đồng thời đánh dấu 5 năm thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược” giữa hai nước, Hội phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội và Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật Việt Nam-Ấn Độ do các nghệ sỹ của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Quân Đội và Hội nghệ sỹ Múa Việt Nam trình diễn .

Nghệ thuật múa Ấn Độ với nhiều trường phái khác nhau từ múa dân gian, cổ điển, múa Bollywood hàng năm được trình diễn trên các sân khấu chuyên nghiệp đưa nghệ thuật múa đến gần với hội viên và đặc biệt là sinh viên – thế hệ tương lai của tình hữu nghị giữa hai nước. Phát huy thế mạnh của mình, các chi hội của Hội Việt-Ấn Hà Nội cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa. Chi hội hữu nghị Việt-Ấn trường Cao đẳng Múa Việt Nam tổ chức buổi giới thiệu và hướng dẫn múa cổ điển Ấn Độ của GS.Sonal Mansigh (2012); Chi hội hữu nghị Việt-Ấn khoa Đông phương học tổ chức buổi biểu diễn của đoàn múa dân gian Panghat múa Odissi (2012), ban nhạc rock Indian Ocean và Parikrama ( 2011), biểu diễn ca múa nhạc Ấn Độ trong  Festival  Đêm Phương Đông của khoa ; xuất bản giáo trình về văn hoá Ấn Độ phục vụ giảng dạy (tác giả PGS.TS Đỗ Thu Hà, dày 780 trang); cử các sinh viên theo học tiếng Hindi, tham gia dịch phim Ấn Độ, duy trì mối quan hệ gắn bó với các trường Đại học tại Ấn Độ như  Đại học Jawaharlal Nehru, Học viện Nghệ thuật Quốc gia Ấn Độ. Gần đây nhất, ngày 14/4/2016, Chi hội phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức triển lãm ảnh về TS. B.R Ambedkar , người được coi là kiến trúc sư của Hiến pháp Ấn Độ nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh của ông. Chi hội Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức triển lãm sách về Ấn Độ, duy trì trao đổi học tập kinh nghiệm về công tác Thư viện với các đối tác Ấn Độ. Chi hội Viện Âm nhạc nghiên cứu phổ biến các tác phẩm âm nhạc Ấn Độ cho trình diễn nhạc nhẹ và nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Chi hội Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á thường xuyên đón tiếp các các học giả Ấn Độ Độ tham gia hội thảo quốc tế, giao lưu học thuật tại Việt Nam; cùng với Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Quốc tế (ICCS), New Delhi, công bố “Góc Sách ICCS” (ICCS Book Corner) tại Viện. ICCS đã dành tặng cho Viện 101 đầu sách về tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hóa, tôn giáo...

Phật giáo góp phần hình thành nên mối quan hệ giao lưu, giao thoa về văn hóa  từ rất lâu đời giữa hai dân tộc Việt Nam và Ấn Độ. Năm 2014, trong khuôn khổ Lễ hội Phật giáo Ấn Độ chùa Phật tích, tỉnh Bắc Ninh, BCH Hội và Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã tổ chức trồng cây Bồ đề được nhân giống từ cây Bồ đề ở đất Phật - Ấn Độ tại khuôn viên của chùa. Đồng thời, Chi hội hữu nghị Việt-Ấn Tạp chí Kinh tế Môi trường đã triển khai trồng cây Bồ đề nhân giống từ Ấn Độ ở các chùa và di tích lịch sử của Việt Nam. Hội cùng với Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức khai mạc triển lãm tranh của các họa sĩ Ấn Độ mang tên “Con đường giác ngộ của Đức Phật” trưng bày 70 bức tranh đặc sắc của các họa sỹ Ấn Độ do họa sỹ Amandeep Singh Vaseer, thuộc Tổ chức IEMA tuyển chọn và giới thiệu. Các tác phẩm này trước đó đã tham gia triển lãm tại Đại lễ VESAK của Liên hiệp quốc do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình. Đặc biệt những năm gần đây, Hội góp phần đưa lễ hội sắc mầu holy, ẩm thực Ấn Độ đến với đông đảo người dân Thủ đô thông qua việc phối hợp với Đại sứ quán và Liên hiệp hữu nghị Hà Nội tổ chức Tết cổ truyền một số nước châu Á.

Bộ môn yoga là một trong những tinh hoa lâu đời của văn hóa Ấn Độ. Hiện nay ở Hà Nội yoga trở nên khá phổ biến. Vào ngày 11/12/2014, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố chọn ngày 21 tháng 6 là Ngày Quốc tế Yoga. Tuyên bố này được đưa ra sau lời kêu gọi chọn ngày 21 tháng 6 là Ngày Quốc tế Yoga của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong bài phát biểu của ông trước Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 27/09/2014. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đồng bảo trợ Nghị quyết này. Qua hai năm tổ chức tại Hà Nội, ngày Quốc tế Yoga do Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức đã nhận được sự quan tâm của đông đảo hội viên và những người yêu thích yoga và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Tại ngày Quốc tế Yoga lần thứ II ngày 26/6/2016, hội viên của Hội đã tham gia hát Quốc ca Việt Nam và Ấn Độ tại lễ khai mạc và đồng diễn các giao thức Yoga dưới sự hướng dẫn của giáo viên Yoga đến từ Ấn Độ.

Có thể nói, hoạt động giao lưu văn hóa Việt-Ấn là nét đặc trưng tiêu biểu trong hoạt động của Hội qua đó giúp cho hội viên, sinh viên cùng đông đảo tầng lớp nhân dân Thủ đô hiểu biết thêm về đất nước, con người Ấn Độ cũng như giới thiệu văn hóa Việt Nam đến với nhân dân Ấn Độ.


* Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ thành phố Hà Nội

Nguồn:

Cùng chuyên mục