Thế khó trong an ninh của Ấn Độ: tham gia với các nước lớn và bảo đảm quyền tự chủ chiến lược
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trân trọng giới thiệu bản dịch bài báo “Thế khó trong an ninh của Ấn Độ: tham gia với các nước lớn và bảo đảm quyền tự chủ chiến lược” của 3 tác giả Alexey D. Muraviev và Lindsay Hughes, trường Truyền thông, Nghệ thuật sáng tạo và Khám phá xã hội, Đại học Curtin, Úc và Dalbir Ahlawat, Khoa An ninh và Tội phạm học, Đại học Macquarie, Úc. Bài báo xuất bản trên tạp chí Chính trị quốc tế (International Politics) số 59, năm 2022. (Muraviev, A.D., Ahlawat, D. & Hughes, L. India’s security dilemma: engaging big powers while retaining strategic autonomy. Int Polit 59, 1119–1138 (2022). https://doi.org/10.1057/s41311-021-00350-z)
Tóm tắt
Ấn Độ hiện đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh, đặc biệt là do sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự hội tụ chiến lược của Nga với Trung Quốc và lập trường chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không xác định của Mỹ. Để vượt qua tình thế tiến thoái lưỡng nan này, việc Ấn Độ chuyển từ không liên kết sang tự chủ chiến lược đặt ra một số câu hỏi về định hướng chiến lược trong tương lai của nước này, đáng chú ý là: Liệu Ấn Độ có tham gia vào một liên minh chính thức với Mỹ, liệu Ấn Độ có tiếp tục căng thẳng với Trung Quốc, liệu Ấn Độ có duy trì mối quan hệ lịch sử chặt chẽ với Nga, hay sẽ thực hiện mạnh hơn chính sách 'Hành động phía Đông'? Bài viết này cố gắng phân tích các lựa chọn chiến lược mà Ấn Độ có thể áp dụng và lập luận rằng trong khi tham gia vào mối quan hệ nửa liên minh với Mỹ, Ấn Độ sẽ giữ được quyền tự chủ chiến lược. Ấn Độ có thể đồng thời duy trì quan hệ với Nga, Trung Quốc và ASEAN. Tuy nhiên, trong chừng mực có thể, Ấn Độ có xu hướng ủng hộ mô hình châu Á đa cực hơn là một hệ thống liên minh có tổng bằng không để đóng vai trò lãnh đạo trong các diễn đàn quốc tế.
Giới thiệu
Từ khi giành độc lập vào năm 1947, Ấn Độ đã hướng đến đóng vai trò tích cực trên các diễn đàn quốc tế. Theo hướng đó, trong Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ đã đi theo chính sách “không liên kết”, trong khi “nửa- liên kết” với Liên Xô. Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ theo đuổi chính sách “tự chủ chiến lược”, đồng thời tìm kiếm quan hệ đối tác chặt chẽ với các cường quốc lâu đời. Tuy nhiên, trong thế bế tắc chiến lược hiện nay, Ấn Độ phải đối mặt với những thách thức an ninh đáng kể từ Trung Quốc đang trỗi dậy cả ở biên giới tranh chấp trên đất liền và ở Ấn Độ Dương. Do đó, New Delhi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh, chủ yếu là do mối quan hệ liên tục xấu đi với Bắc Kinh.
“Mối quan hệ gần như liên minh” đã có bề dày truyền thống và đã được thử thách qua thời gian mà Ấn Độ có được với Liên Xô trước đây và Nga hiện nay mặc dù vẫn tiếp tục, nhưng với sự hội tụ chiến lược Nga-Trung, mối quan hệ song phương đang bị giảm xuống thành hợp tác quốc phòng và quan hệ kinh tế quy mô hạn chế. Do đó, trong khi Moscow có đòn bẩy hạn chế đối với Bắc Kinh, thì “sự xấu đi trong quan hệ của Ấn Độ với Trung Quốc trùng hợp với sự rạn nứt trong cam kết của Mỹ với Trung Quốc” (Mohan 2021). Quỹ đạo hội tụ đó trong hai thập kỷ qua đã chứng kiến Ấn Độ đã ký kết một số thỏa thuận an ninh cơ bản với Mỹ, tham gia Đối thoại An ninh Tứ giác (Quad). Ấn Độ cũng đang theo đuổi mạnh mẽ chính sách “Hành động phía Đông” bằng cách hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Để giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh mà nước này hiện đang phải đối mặt, Ấn Độ vẫn duy trì tự chủ chiến lược và tìm cách đối phó với Trung Quốc bằng cách đề phòng rủi ro.
Bài viết này phác thảo sự phát triển của khuôn khổ chiến lược và an ninh của Ấn Độ từ khi nước này giành độc lập vào năm 1947. Bài viết cố gắng phân tích một cách có phê phán các lựa chọn chiến lược mà Ấn Độ có thể áp dụng để giảm thiểu tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh mà nước này hiện đang phải đối mặt và chứng minh rằng Ấn Độ đang đứng trước ngưỡng cửa tham gia vào một mối quan hệ gần như liên minh với Mỹ. Từ trong khuôn khổ “gần như liên minh” này, Ấn Độ muốn duy trì quyền tự chủ chiến lược để đề phòng Trung Quốc bằng cách vừa tham gia, vừa đề phòng với Bắc Kinh. Ấn Độ cũng sẽ duy trì mối quan hệ đã qua thời gian thử thách với Nga chủ yếu là do 70% nguồn cung quốc phòng của nước này đang ở trong tay Nga. Nhìn chung, Ấn Độ trong khi ở trong mối quan hệ “gần như liên minh” với Mỹ sẽ đồng thời lựa chọn duy trì quan hệ với Nga, Trung Quốc và ASEAN. Trong chừng mực có thể, xu hướng của New Delhi sẽ là ủng hộ mô hình châu Á đa cực hơn là một hệ thống liên minh có tổng bằng không.
Từ NAM đến Quad: Tìm kiếm chiến lược của Ấn Độ
Sau khi giành độc lập vào năm 1947, bắt đầu Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ mong muốn “đạt được vị trí xứng đáng trên thế giới và sẵn sàng đóng góp đầy đủ cho việc thúc đẩy hòa bình thế giới và phúc lợi của nhân loại” (Subrahmanyam 2012, 13). Để đạt được mục tiêu đó, giới lãnh đạo Ấn Độ đi theo con đường không liên kết, từ đó đưa ra các quyết định dựa trên năng lực của Ấn Độ, mà không liên kết với bất kỳ khối quyền lực nào. Quyết định đó đã có hiệu quả trong Chiến tranh Lạnh khi phong trào không liên kết (NAM) trở thành khối lớn nhất với 125 quốc gia thành viên. Mục tiêu chính của Ấn Độ trong NAM là hỗ trợ “quyền tự quyết, độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” (Bộ Ngoại giao 2012).
Tuy nhiên, NAM đã bộc lộ một số hạn chế trong cuộc chiến tranh biên giới Trung Quốc-Ấn Độ năm 1962. New Delhi, không hề dự đoán trước và không chuẩn bị, nên đã tiếp cận cả hai siêu cường để mong được hỗ trợ. Mỹ, mặc dù là liên minh với Pakistan, đã đề nghị hỗ trợ có điều kiện, rằng Ấn Độ sẽ nỗ lực hết sức để giải quyết tranh chấp với Pakistan về vấn đề Kashmir (Steele 2002, 5–6). Liên Xô, mặc dù cũng là quốc gia cộng sản như Trung Quốc, đã đề nghị hỗ trợ, mặc dù sự hỗ trợ sau đó bị trì hoãn. Sau đó, mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh xấu đi vào những năm 1960, góp phần vào việc thúc đẩy Ấn Độ và Liên Xô lại gần nhau. Liên Xô đã hỗ trợ hành động cân bằng của Ấn Độ chống lại Pakistan do Trung Quốc hậu thuẫn bằng cách liên tục đến giải cứu New Delhi trong vấn đề Kashmir, cung cấp viện trợ phát triển, hỗ trợ công nghệ và sau đó là hỗ trợ quân sự. Mối quan hệ đang phát triển này thậm chí còn ảnh hưởng đến phong trào NAM của Ấn Độ, lần thứ nhất vào năm 1971 khi Ấn Độ ký Hiệp ước Hòa bình, Hữu nghị và Hợp tác với Liên Xô, và lần thứ hai vào năm 1979 khi Ấn Độ ủng hộ sự can thiệp của Liên Xô vào Afghanistan. Một điều khoản quan trọng của Hiệp ước năm 1971 đã hạn chế cả hai bên tham gia các liên minh an ninh và quốc phòng có thể đe dọa một trong hai bên, hoặc cung cấp bất kỳ hình thức hỗ trợ nào cho bên thứ ba có thể tham gia vào các hoạt động thù địch chống lại một trong hai bên (Gromyko et al 1986, 165– 166). Trong thập niên 1970–1980, nhờ Hiệp ước 1971, Ấn Độ trở thành nước lớn nhất bên ngoài khối xã hội chủ nghĩa nhận viện trợ kinh tế của Liên Xô, thương mại song phương đạt gần 5 tỷ USD vào thập niên 1990. Trên thực tế, đối với Ấn Độ, Moscow đã từ một người bạn quan trọng và đáng tin cậy trở thành một đồng minh gần như then chốt ở châu Á.
Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, chính sách và chiến lược đối ngoại của Ấn Độ đã chuyển từ không liên kết sang tự chủ chiến lược. Điều đó có nghĩa là Ấn Độ theo đuổi chiến lược phòng ngừa rủi ro trong khi tham gia với tất cả các cường quốc nhằm duy trì sự cân bằng quyền lực có lợi cho mình. Để cân bằng với Trung Quốc, Ấn Độ xích lại gần ASEAN thông qua chính sách “Hành động phía Đông”, tham gia vào các cấu trúc địa chiến lược do Mỹ khởi xướng. Để cân bằng với Mỹ, Ấn Độ tham gia với Trung Quốc và gia nhập các khuôn khổ thể chế do Trung Quốc khởi xướng. Để cân bằng với Trung Quốc và Mỹ, Ấn Độ tiếp tục nuôi dưỡng mối quan hệ đặc biệt với Nga, mặc dù ở mức độ thấp hơn trước đây. Cách làm này mang lại hiệu quả tốt cho Ấn Độ vào đầu những năm 2000.
Đến thập kỷ thứ hai, quá trình chuyển đổi chiến lược của Trung Quốc thành một siêu cường toàn cầu đầy tham vọng trùng hợp với sự suy giảm tương đối về sức nặng chiến lược của Mỹ với tư cách là siêu cường toàn cầu. Sự thay đổi địa chiến lược này đã làm gia tăng mối lo ngại của Ấn Độ chính trong khu vực lân cận của Ấn Độ. Năm 2014, chính phủ của Đảng Bharatiya Janata dưới thời Thủ tướng Narendra Modi nhận ra rằng Trung Quốc coi việc Ấn Độ cân bằng nước lớn là không mang lại hiệu quả cho lợi ích của Bắc Kinh.
Theo Jervis (1978, 169), “nhiều phương tiện mà một quốc gia sử dụng để tăng cường an ninh của mình lại làm giảm an ninh của các quốc gia khác”, do đó các quốc gia bị ảnh hưởng sẽ tìm cách đối phó. Một tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh được đặt ra khi một quốc gia tăng cường vị thế an ninh của mình, dẫn đến việc các quốc gia khác phải tìm cách cân bằng đối trọng, và các quốc gia khác trở nên dễ bị tổn thương về mặt an ninh. Ấn Độ chứng kiến các Trung Quốc thể hiện ý định bá quyền ngày càng tăng, thông qua các tranh chấp cả ở biên giới trên đất liền và ở Ấn Độ Dương, và đã xác định rằng Trung Quốc có nhiều ý định ngăn chặn hơn là cạnh tranh với Ấn Độ. Để giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh, Ấn Độ đã vạch ra một số chiến lược bao gồm tăng cường lực lượng dọc theo biên giới tranh chấp với Trung Quốc, mua sắm hệ thống vũ khí tiên tiến từ một loạt quốc gia để xây dựng khả năng răn đe tối thiểu đáng tin cậy, cũng như lôi kéo các cường quốc làm hàng rào chống lại Trung Quốc. Do đó, Ấn Độ dường như đang hành động dựa trên tiên đề rằng “Nếu hành vi cố tình gây hấn ít có cơ hội thực hiện, thì sẽ có nhiều cơ hội cho sự ổn định và hợp tác” (Jervis 1978, 213).
Trong trật tự thế giới đa cực đang phát triển, tư duy chiến lược của Ấn Độ thiên về phòng ngừa rủi ro (Twining 2020, 38). Mặc dù mỗi học giả có cách giải thích khác nhau về phòng ngừa rủi ro chiến lược nhau nhưng cách hiểu phổ biến là lựa chọn giữa việc hoạt động trong nhóm, hay để “tối đa hóa lợi nhuận”, và cân bằng, hay “phòng ngừa nguy cơ” (Kuik 2008, 171). Ngoài ra, nó cũng được coi là gửi “tín hiệu mơ hồ tới các cường quốc cạnh tranh về các hệ lụy có thể xảy ra trong tương lai” để xây dựng sự răn đe cần thiết (Haacke 2019, 396). Nói cách khác, phòng ngừa rủi ro chiến lược tạo điều kiện cân bằng quyền lực để duy trì hòa bình và ổn định trước cường quốc muốn giữ cho tình hình không thay đổi.
Để giảm thiểu tình trạng tiến thoái lưỡng nan về an ninh hiện nay liên quan đến những thay đổi kiến tạo này, Ấn Độ đang mở rộng các lựa chọn chiến lược, như được phân tích trong bài báo này, bằng cách hỗ trợ Nhóm Bộ tứ và củng cố quan hệ với Mỹ; củng cố mối quan hệ đặc biệt với Nga; củng cố các thỏa thuận đa phương thông qua ASEAN để theo đuổi các lợi ích chiến lược.
Nhóm Bộ tứ (Quad) nổi lên như một cuộc đối thoại chiến lược không chính thức vào năm 2007 giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ để thảo luận về các vấn đề lợi ích chung trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, việc thiếu các mục tiêu rõ ràng và áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc, bao gồm cả việc nộp đơn phản đối chính thức, đã khiến Quad tan rã. Quad tái xuất hiện vào năm 2017, lần này một cách kiên quyết hơn, để ngăn chặn các yêu sách bá quyền và quyết đoán của Trung Quốc trên vùng Biển Đông (của Việt Nam) và các vùng lãnh thổ tranh chấp khác. Đặc biệt, Bộ Tứ ủng hộ “tự do hàng hải và hàng không”, “trật tự dựa trên quy tắc” và “an ninh hàng hải” ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Bennett và Garrick 2020).
Với vị thế quyết đoán hơn của Trung Quốc trong khu vực, Quad đã tiến triển từ cấp quan chức cấp cao lên cấp bộ trưởng vào tháng 9 năm 2019. Nhận thấy Trung Quốc không hề nao núng trong việc khẳng định quân sự và ý định địa chính trị, Quad đã tiến lên cấp hội nghị thượng đỉnh. Tổng thống Joe Biden tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo Bộ tứ vào tháng 3 năm 2021. Hội nghị thượng đỉnh mang tính lịch sử theo nghĩa là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo đưa ra một tuyên bố chung có tựa đề “Tinh thần của Nhóm Bộ tứ” (Nhà Trắng 2021).
Dù Quad được nâng lên cấp độ thượng đỉnh, vẫn còn những khác biệt lớn giữa các quốc gia thành viên. Từ khi thành lập, các thành viên của Quad đã có nhiều ý kiến khác nhau về bản chất và phạm vi của nó, cũng như “sự thiếu đồng thuận về các vấn đề mà khu vực phải đối mặt” (Nicholson 2020). Ngay cả sau khi hồi sinh vào năm 2017, bốn quốc gia đã không đưa ra tuyên bố báo chí chung. Trong thông cáo báo chí của mình, Ấn Độ đồng ý về “một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, thịnh vượng” đã nhấn mạnh tính “bao trùm”, ngầm bao gồm cả Trung Quốc và vẫn chưa công khai tuyên bố về tự do hàng hải, hàng không và an ninh hàng hải. Ấn Độ cũng ngần ngại sử dụng thuật ngữ “Tứ giác” trong thông cáo báo chí của mình (Bộ Ngoại giao 2017).
Các tín hiệu lẫn lộn được đưa ra bởi chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Trump, những thay đổi chính sách ở Nhật Bản sau khi Thủ tướng Shinzo Abe từ chức và sau đó là sự đảo ngược chính sách của Thủ tướng Úc Kevin Rudd cho thấy rằng Bộ tứ, ít nhất là cho đến bây giờ, là một nền tảng dựa trên cá tính của từng nhà lãnh đạo. Hơn nữa, các nền kinh tế Mỹ, Nhật Bản và Úc hiện đang trải qua thời kỳ suy thoái và cách họ sẽ đối phó với sự hiếu chiến về mặt thương mại của Trung Quốc vẫn chưa ai đoán được. Ấn Độ nhìn nhận Bắc Kinh khác với các thành viên Quad khác vì Ấn Độ có chung đường biên giới tranh chấp dài 3488 km với Trung Quốc. Do đó, khi xem xét sự biến động của các đường biên giới đang tranh chấp với Pakistan và Trung Quốc, Ấn Độ không chắc liệu các thành viên Bộ tứ “có mạo hiểm mối quan hệ của họ với Trung Quốc để đứng về phía Ấn Độ hay không” (White 2020) vì không nước nào trong số đó có lợi ích trực tiếp trong tranh chấp lãnh thổ giữa Ấn Độ và Trung Quốc (Jha 2020).[1] Do đó, Ấn Độ tin rằng họ có thể phải tự mình đối phó với Trung Quốc và Pakistan. Ngay cả Trung Quốc cũng thừa nhận rằng một “trận chiến” với Ấn Độ đang “diễn biến nhanh chóng trong bối cảnh mô hình địa chính trị đang thay đổi” nhưng tự tin sẽ tìm ra “cách làm hài hòa” (Editorial 2020). Điều hoàn toàn phù hợp là trong trường hợp không có khuôn khổ chiến lược và an ninh Bộ tứ toàn diện, cùng với sự ủng hộ của hiệp ước đối với cấu trúc đó, việc khiêu khích Trung Quốc sẽ không có lợi cho Ấn Độ.
Theo truyền thống, Ấn Độ là một cường quốc lấy Ấn Độ Dương làm trung tâm, tầm nhìn và chiến lược của nước này chủ yếu chỉ giới hạn ở Ấn Độ Dương. An ninh hàng hải và cân bằng chiến lược trong khu vực hàng hải Thái Bình Dương dường như vẫn nằm ngoài khả năng của Ấn Độ, do đó, trong ngắn hạn, sự can dự của nước này phần lớn sẽ vẫn bị giới hạn ở các cấp độ “ngoại giao, kinh tế và chỉ dừng lại ở lời nói chứ không can thiệp bằng hành động” (Roy-Chaudhury và Sullivan de Estrada 2018, 181) .
Trung Quốc, ASEAN và Nhóm Bộ tứ
Trung Quốc và Ấn Độ, cả hai đều là nạn nhân của quá khứ thuộc địa, sau khi giành độc lập vào cuối những năm 1940 đã đi trên những con đường khác nhau. Trung Quốc đã chọn làm cách mạng theo chủ nghĩa Mao bản địa và sau đó gia nhập khối cộng sản, trong khi Ấn Độ áp dụng mô hình dân chủ và tham gia phong trào không liên kết. Sự khác biệt thêm gia tăng sau cuộc chiến năm 1962, tạo ra sự thiếu hụt lòng tin sâu sắc giữa hai bên. Hơn nữa, sự hình thành của trục Trung Quốc-Pakistan-Mỹ khiến Ấn Độ tham gia vào một khuôn khổ thể chế với Liên Xô. Ngoài ra, các vụ thử hạt nhân của Ấn Độ vào năm 1974 đã khiến Trung Quốc tức giận, kích hoạt sự hợp tác công nghệ-quân sự (MTC) mạnh mẽ giữa Bắc Kinh và Islamabad. Do đó, để kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Ấn Độ, Bắc Kinh đã tạm hoãn việc giải quyết xung đột biên giới để sử dụng nó làm đòn bẩy trong các giao dịch với Ấn Độ.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, để giành được chỗ đứng vững chắc ở châu Á, Trung Quốc đã cố gắng lôi kéo Ấn Độ bằng cách khởi xướng một số biện pháp xây dựng lòng tin. Chính trong số này bao gồm duy trì hòa bình và yên tĩnh ở vùng biên giới tranh chấp, giải quyết tranh chấp biên giới thông qua các cơ chế thể chế, giữ lập trường trung lập về vấn đề Kashmir, tăng cường thương mại song phương và thậm chí đảm bảo đủ không gian cho hai nước cùng phát triển thịnh vượng. Cân nhắc những đề nghị tích cực này, Ấn Độ đã gia nhập nhóm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi (BRICS) và Nga, Ấn Độ, Trung Quốc (RIC). Theo một nghĩa nào đó, Trung Quốc thúc đẩy Ấn Độ duy trì “quyền tự chủ chiến lược” với mục tiêu cô lập Mỹ ở châu Á. Tuy nhiên, bất chấp sự cam kết đó, Bắc Kinh vẫn duy trì cách tiếp cận “cắt lát xúc xích” bằng cách củng cố cơ sở hạ tầng trên khắp các khu vực biên giới và xâm phạm những nơi mà Ấn Độ tin là lãnh thổ của Ấn Độ (Brewster 2020).
Từ năm 2014, với những đề nghị chủ nghĩa dân tộc của chính phủ Modi và mối quan hệ được tăng cường với ASEAN và các thành viên Bộ tứ, Trung Quốc coi Ấn Độ là nước gây cản trở trật tự do Bắc Kinh lãnh đạo ở châu Á. Để giải quyết, Trung Quốc đã cố gắng thích ứng với Ấn Độ bằng cách mở rộng thương mại song phương và thúc giục Ấn Độ tham gia các khuôn khổ thể chế như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á do Bắc Kinh đã khởi xướng, để cân bằng với ảnh hưởng của Mỹ ở Châu Á. Tuy nhiên, chứng kiến ý đồ chiến lược của Bắc Kinh nhằm kiềm chế sức mạnh của Ấn Độ thông qua mạng lưới các cảng biển lưỡng dụng ở Ấn Độ Dương (chuỗi ngọc trai) và lấy lòng các nước láng giềng trực tiếp của Ấn Độ, Ấn Độ đã nhận ra ý định thực sự của các thách thức an ninh và địa chiến lược mà Ấn Độ phải đối mặt (Prakash 2017). Để đối phó, Ấn Độ không tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) vì theo quan điểm của Ấn Độ, dự án hàng đầu của BRI là Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan đi qua vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan (vùng Kashmir do Pakistan quản lý—PAK), do đó vi phạm chủ quyền của Ấn Độ. Điều khó hiểu hơn đối với Ấn Độ là sự dè dặt của Bắc Kinh đối với các hoạt động khủng bố xuất phát từ Pakistan, và việc ký kết thỏa thuận với Islamabad để xây dựng đập Diamer-Bhasha ở PAK, nơi mà Ấn Độ tuyên bố ảnh hưởng đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ.
Để cân bằng với trục Trung Quốc-Pakistan và ứng phó với sự gia tăng các hoạt động khủng bố và nổi dậy ở Jammu và Kashmir (J&K) của Ấn Độ, chính phủ Modi đã thu hồi quy chế đặc biệt được cấp cho J&K và chia khu vực này thành hai vùng lãnh thổ liên minh vào tháng 8 năm 2019. Một trong hai vùng đó là Ladakh, bản đồ vùng này bao gồm khu vực Aksai Chin nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc từ cuộc chiến tranh năm 1962 và Thung lũng Shaksgam mà Pakistan đã lấy của Ấn Độ cho Trung Quốc vào năm 1963 (Warikoo 2020, 180–81). Trung Quốc đánh đồng sự thay đổi bản đồ này giống như việc mất Aksai Chin, do đó, “sẽ gây nguy hiểm cho sự ổn định của toàn bộ biên giới phía tây của Trung Quốc” (Sun 2020). Tình huống này đã dẫn đến đối đầu nghiêm trọng vào tháng 5 đến tháng 6 năm 2020 khi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) xây dựng cơ sở hạ tầng trong phạm vi 8 km tính từ đường biên giới tranh chấp ở Thung lũng Galwan mà Ấn Độ tuyên bố là lãnh thổ của mình (Ruser 2020). Sau khi cấp chỉ huy đàm phán để giảm leo thang, giải tán và tránh bất kỳ hành động nào đe dọa lẫn nhau, nỗ lực của quân đội Trung Quốc nhằm xây dựng một tiền đồn trong vùng đệm được hai bên thống nhất ở ngã ba sông Galwan và sông Shyok đã dẫn đến một cuộc giao tranh nữa giữa hai bên. Điều đó dẫn đến việc 20 binh sĩ Ấn Độ không vũ trang bị giết chết và một số lượng quân nhân Trung Quốc không xác định đã tử vong. Ấn Độ lên án hành động này là một cuộc “phục kích” được dàn xếp và lên kế hoạch trước (Mohan 2020).
Sự cố đó đã diễn ra bất chấp các biện pháp xây dựng lòng tin được khởi xướng trong cuộc đối đầu hậu Doklam năm 2017 và các hội nghị thượng đỉnh sau đó giữa Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm 2018 và 2019. Trong cuộc đụng độ Doklam lần đầu tiên, các lực lượng Ấn Độ đã vượt qua biên giới biên giới tranh chấp và ngăn cản PLA làm con đường dẫn ra Hành lang Siliguri chiến lược của Ấn Độ nối tám bang phía đông bắc với phần còn lại của Ấn Độ (Ahlawat và Hughes 2018). Xung đột Doklam và Galwan là những bước ngoặt trong mối quan hệ song phương Trung Quốc - Ấn Độ khi Modi tuyên bố rằng “Sự hy sinh cao cả này của các Liệt sĩ của chúng ta sẽ không vô ích” (Modi 2020).
Có vẻ như Trung Quốc dự định kéo dài việc giải quyết tranh chấp biên giới để duy trì lợi thế địa chiến lược và khiến Ấn Độ mất tập trung vào các hoạt động của Bộ tứ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Để can dự lâu dài với Ấn Độ trong tranh chấp biên giới, Trung Quốc đưa ra “chủ quyền đối với khu vực thung lũng Galwan” mà Ấn Độ coi là một phần không thể chia tách khỏi Ấn Độ (Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 2020). Với vụ việc này, thế trận tấn công quân sự dọc biên giới và các vấn đề liên quan khác như phản đối việc Ấn Độ trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mở rộng và tư cách thành viên của Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân, Ấn Độ dường như bị đẩy mạnh vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh để tìm kiếm các lựa chọn đáng tin cậy khác để đối trọng với các cuộc đàm phán của Trung Quốc.
Mặc dù Quad hỗ trợ các lợi ích chung toàn cầu có ý nghĩa sống còn đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tuy nhiên, một số khác biệt vẫn tồn tại giữa các thành viên trong nhóm. Úc và Nhật Bản là đối tác liên minh của Mỹ cảm thấy thoải mái hơn với Mỹ so với Ấn Độ. Ấn Độ nhận thấy Quad là một nhóm các nền dân chủ lớn không gồm các nước ASEAN lớn có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri La vào tháng 6 năm 2018, Modi, trong khi ủng hộ Quad vì đã ban hành “tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế”, đã chỉ trích các chế độ (ngụ ý là Trung Quốc) rằng đặt các quốc gia khác dưới “gánh nặng nợ nần chồng chất” (Bộ Ngoại giao 2018a). Đồng thời, trong khi nhắc lại tầm quan trọng của Trung Quốc, ông Modi khuyến nghị “Châu Á và thế giới sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn khi Ấn Độ và Trung Quốc hợp tác với nhau trong với lòng tin, nhạy cảm với lợi ích của nhau” (Bộ Ngoại giao 2018a).
Điều mà ông Modi nhấn mạnh là ông ủng hộ cách tiếp cận toàn diện bao gồm cả Trung Quốc. Hơn nữa, ông lưu ý rằng con đường Ấn Độ đi tới Quad sẽ thông qua ASEAN. Điều đó có nghĩa là phải cân nhắc thỏa đáng các thỏa thuận khu vực như Hội nghị cấp cao Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADDM-PLUS), như những nền tảng tiềm năng để đối thoại với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ở một mức độ lớn, mục tiêu của các tổ chức này cũng trùng khớp với mục tiêu của Quad, bao gồm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không, nằm trong nhiệm vụ của Diễn đàn Hàng hải ASEAN và Diễn đàn Hàng hải ASEAN Mở rộng (Saha 2018). Do đó, Ấn Độ dường như có ý định rõ ràng về việc coi ASEAN có vai trò trung tâm. Điều này là cốt lõi của chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ và hợp pháp hóa vai trò của Ấn Độ trong số các nước ASEAN bằng cách hỗ trợ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, tăng cường phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực ASEAN và điều chỉnh các lĩnh vực an ninh, quốc phòng và thương mại để đối trọng với Trung Quốc và tăng cường vai trò của Ấn Độ là một siêu cường phụ.
Ý định đó đã được củng cố trong Tuyên bố Delhi sau hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ năm 2017 hướng tới hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 (Bộ Ngoại giao 2018b). Tương tự như vậy, trong Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 16 được tổ chức vào tháng 11 năm 2019, bày tỏ sự hài lòng về việc thực hiện Tuyên bố Delhi, một Kế hoạch hành động mới (2021–25) đã được đưa ra như một tài liệu định hướng nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho việc “thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực” (Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 16 Bangkok/Nothaburi 2019).
Bằng cách tham gia đồng thời vào ASEAN, Quad, RIC, SCO và BRICS, Ấn Độ đang phát đi tín hiệu rằng họ ủng hộ các nguyên tắc của Quad, cam kết với Trung Quốc và ghi nhận vai trò trung tâm của ASEAN ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Phòng vệ chiến lược này giống một mô hình châu Á đa cực hơn là một hệ thống liên minh có tổng bằng không, nơi Ấn Độ có thể duy trì quyền tự chủ chiến lược và độc lập đưa ra các quyết định phục vụ lợi ích quốc gia một cách tốt nhất.
Yếu tố Nga trong tính toán chiến lược của Ấn Độ
Cam kết của Ấn Độ đối với Quad cũng phải được xem xét trong bối cảnh mối quan hệ chiến lược đặc biệt đang diễn ra giữa New Delhi với Moscow. Sự sụp đổ của Liên Xô đã tác động lâu dài đến quan hệ chiến lược song phương. Các ưu tiên chiến lược của Nga dưới thời Tổng thống đầu tiên Boris Yeltsin đã thay đổi, kết quả là Ấn Độ không còn được coi là một nhà cân bằng địa chính trị quan trọng đối với Trung Quốc và Pakistan. Hơn nữa, Moscow bắt đầu tích cực thúc đẩy khái niệm của Evgeniy Primakov về quan hệ đối tác ba bên lớn Moscow-Bắc Kinh-New Delhi, cố gắng thuyết phục Ấn Độ vượt qua sự lo lắng chiến lược về Trung Quốc và chấp nhận khái niệm của Primakov (Primakov 2011, 159). Do tình thế khó khăn mà Ấn Độ phải đối mặt, các ưu tiên chiến lược đang phát triển của nước này và sự cấp bách để có được hệ thống vũ khí tiên tiến đã khiến New Delhi xích lại gần Mỹ hơn.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ tổng thống của Vladimir Putin đã đánh dấu một bước ngoặt trong đối thoại chiến lược Moscow-New Delhi. Trong thập kỷ qua, mức độ hợp tác kinh tế song phương Ấn Độ-Nga đã chứng kiến quỹ đạo đi lên. Ấn Độ đã đầu tư 1 tỷ USD vào việc phát triển vùng Viễn Đông của Nga như một bước tiến tới hoàn thành mục tiêu đầu tư 15 tỷ USD vào Nga và tăng thương mại hai chiều lên 60 tỷ USD vào năm 2025 (Chaudhury 2019). Các công ty năng lượng Ấn Độ đã mua cổ phần trong các công ty và mỏ dầu của Nga trị giá 5,5 tỷ đô la Mỹ vào năm 2016. Tập đoàn năng lượng khổng lồ Rosneft của Nga đã mua lại công ty năng lượng Essar của Ấn Độ với giá 13 tỷ đô la Mỹ (Đại sứ quán Ấn Độ, không ghi ngày). Công ty Rosatom của Nga đã xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân ở Tamil Nadu (Nam Ấn Độ) và đang trong quá trình xây dựng thêm bốn lò phản ứng nữa.[2] Ngoài ra, hai quốc gia tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực thám hiểm không gian, thông tin liên lạc, du lịch và các lĩnh vực khác.
Trục xoay của mối quan hệ chiến lược hiện nay là hợp tác an ninh và quốc phòng song phương. Điều quan trọng nhất là Hợp tác Kỹ thuật Quân sự (MTC) song phương, đây là một biện pháp xây dựng lòng tin hiệu quả và là bước đệm tiềm năng hướng tới mối quan hệ kiểu đồng minh. Ấn Độ phụ thuộc vào Nga để có hầu hết công nghệ quân sự tiên tiến, hơn 70% tất cả vũ khí và thiết bị quân sự hiện đang được quân đội Ấn Độ vận hành là do Liên Xô/Nga thiết kế/sản xuất. Lực lượng quốc phòng của Ấn Độ vẫn phụ thuộc nhiều vào công nghệ quân sự của Nga (Bảng 1).
Lực lượng | Năm, ký hợp đồng | Nền tảng chiến đấu, hệ thống | Số lượng |
Hải quân | 2004 | Project 1143.4(I) aircraft carrier | 1 |
2004, 2019 | Akula II class SSN* | 1+ (leasing) | |
2004, 2010 | MiG-29K/KUB fighter aircraft | 45 | |
2006 |
Project 11356 guided-missile frigates | 3 | |
2009, 2020 | Ka-31 helicopters | 11 | |
2018 | Project 11356 guided-missile frigates | 4 (partially local production) | |
Phòng không, không quân | 2000, 2007, 2020 | Su-30MKI tactical aircraft | 192 (licensed production) |
2004 | A-50EI AWACS aircraft | 3 | |
2020 | MiG-29 fighter aircraft | 21 (plus 59 to be refitted) | |
2008, 2012 | Mi-17V-5 helicopters | 151 | |
2015 | Mi-17V-5 helicopters | 48 | |
2015 | Ka-226T helicopters | 200 (partially local production) | |
2018 | S-400 SAMs | 5 regiments | |
2018 | Igla-S MANPADs | 5175 (partially licenced production) | |
Bộ binh | 2005–2006 | 300 mm 9A52 Smerch MRLs | 28 |
2019 | T-90S/SK | 1000 (partially local production) | |
2019 | T90MS | 464 (licensed production) | |
2019 |
AK-203 assault rifles | 750,000 (licenced production) |
Bảng 1: Xuất khẩu quốc phòng chính của Nga sang Ấn Độ, 2000–2020
Nga dự định cung cấp công nghệ quân sự tiên tiến nhất cho Ấn Độ, điều mà nước này thường không chia sẻ với một quốc gia không phải là đồng minh. Ngoài ra, Nga không chỉ tích cực hỗ trợ sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” và thúc đẩy sản xuất tại địa phương nhiều nền tảng và hệ thống do họ cung cấp mà còn có kế hoạch giúp New Delhi chuyển từ mua sẵn sang hợp tác phát triển năng lực, đại diện cho giai đoạn tiến bộ nhất của hợp tác an ninh và quốc phòng. Một ví dụ nổi bật nhất là việc hợp tác sản xuất dòng tên lửa siêu thanh dẫn đường trên tàu và trên không Brahmos ở Ấn Độ.
Dựa trên mức độ tin cậy và tin tưởng lẫn nhau cao, Ấn Độ trở thành quốc gia nước ngoài duy nhất mà Moscow có chương trình MTC dài hạn chính thức (2011–2020). Trong chuyến thăm Ấn Độ của ông Putin vào tháng 10 năm 2018, Moscow và New Delhi đã ký một số thỏa thuận song phương, trong đó có một thỏa thuận về việc Nga cung cấp 5 trung đoàn tên lửa đất đối không tầm xa (SAM) tiên tiến S-400 Triumf trị giá khoảng 5,5 tỷ USD, đây là hợp đồng quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay được ký kết giữa hai nước (Gady 2018). Trong năm 2019 và giữa năm 2020, hai bên đã thống nhất thêm một loạt hợp đồng quốc phòng quan trọng. Tổng khối lượng các hợp đồng quốc phòng đã được xác nhận của Nga với Ấn Độ là trên 14,5 tỷ USD. Hơn nữa, cả hai quốc gia đã đi tới thỏa thuận về các con số quan trọng của MTC song phương cho đến năm 2030 (Chugunov và Belov 2020, 15).
Tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng đặc biệt của Ấn Độ với Nga được làm sáng tỏ vào tháng 6 năm 2020 trong thời điểm căng thẳng biên giới giữa New Delhi và Bắc Kinh leo thang nghiêm trọng nhất. Sau các cuộc đụng độ biên giới và tăng cường quân sự nhanh chóng ở Thung lũng Galwan, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh trong khi chính thức tham dự lễ kỷ niệm 75 năm chiến thắng của Liên Xô trước Đệ tam Quốc xã đã tận dụng cơ hội này ở Moscow để hội đàm với các quan chức quốc phòng cấp cao của Nga nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển giao S-400 SAM cho Ấn Độ. Ông cũng nhấn mạnh về việc mua 21 máy bay MiG-29 Fulcrum và 12 máy bay Su-30MKI Flanker, đạn dược và phụ tùng cho các hệ thống khác do Nga sản xuất để tăng cường năng lực tác chiến của Ấn Độ (Raghuvanshi 2020; Strokan 2020, 2).
Ngoài MTC và hoạt động ngoại giao quân sự đang diễn ra, quân đội hai nước đã tham gia vào các hoạt động huấn luyện chung hàng năm có tên hiệu là Indra từ năm 2014. Năm 2017, mối quan hệ giữa quân đội hai nước đã được thúc đẩy hơn nữa khi các cuộc tập trận Indra hàng năm được mở rộng thành ba quân chủng bộ binh (Indra), hải quân (Indra-Navy) và không quân (Avia-Indra). Ấn Độ chỉ tham gia các cuộc tập trận ba quân chủng với Nga và Mỹ, do đó không chỉ làm nổi bật niềm tin đối tác mạnh mẽ mà còn đánh giá cao các cơ hội thực tế để đạt được khả năng tương tác chiến thuật và tác chiến chặt chẽ với cả hai cường quốc quân sự chính.
Từ năm 2015, quân đội Ấn Độ đã thường xuyên tham gia Hội thao quân sự quốc tế (ArMI) do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức và các sự kiện quân sự quốc tế có sự tham gia của các đồng minh và đối tác thân cận nhất của Nga, bất chấp việc Mỹ và các đồng minh của Mỹ tẩy chay. Một ví dụ khác về mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ là sự tham gia của quân đội Ấn Độ trong các cuộc duyệt binh kỷ niệm Chiến thắng, được tổ chức tại Moscow vào tháng 5 năm 2015 và tháng 6 năm 2020. Những cuộc giao lưu như vậy có hai tầng ý nghĩa. Thứ nhất, Ấn Độ đã thể hiện mối quan hệ chiến lược đặc biệt với Nga bất chấp các biện pháp trừng phạt có mục tiêu mà Mỹ và các nước khác áp đặt đối lên Nga. Thứ hai, một đơn vị quân đội Ấn Độ đã diễu hành trên Quảng trường Đỏ vào năm 2015 và 2020 cùng với một đơn vị PLA. Điều đáng chú ý là quân đội Ấn Độ đã tham gia cuộc diễn tập chiến lược Tsentr-2019 (Trung tâm-2019) do Nga dẫn đầu, cuộc diễn tập này cũng có sự tham gia (trong số các cuộc diễn tập khác) của các đơn vị quân đội PLA và Pakistan. Dựa trên các hoạt động chung này, Ấn Độ và Nga đã tiến gần đến việc ký kết hiệp ước chia sẻ hậu cần quốc phòng vào giữa năm 2020 nhằm cung cấp quyền tiếp cận đối ứng cho các tàu chiến và máy bay để lựa chọn các căn cứ hải quân và không quân (Pubby và Chaudhury 2020).
Sự tham gia của Ấn Độ vào một số khuôn khổ chính trị-kinh tế và an ninh khu vực được nhắm mục tiêu với Nga như BRICS, SCO, RIC và các khuôn khổ rộng hơn, từ ADDM-PLUS đến G-20 mang lại cho cả hai nước nhiều lựa chọn để tham vấn và phát triển chính sách bên ngoài định dạng song phương . Các định dạng này dường như không bị Quad làm lu mờ (Hình 1). Ví dụ, các điều khoản trong thể thức ba bên của RIC sẽ ngăn Moscow tham gia vào bất kỳ cuộc tham vấn song phương nào với Bắc Kinh trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra giữa Ấn Độ và Trung Quốc (Kupryanov 2020).
Hình 1: Sự tham gia của Ấn Độ với các cường quốc chủ chốt (Mỹ, Nga, Trung Quốc) thông qua các khuôn khổ và thể chế chính trị, an ninh quốc tế.
Bất chấp những tiến triển đáng chú ý trong quan hệ an ninh và quốc phòng giữa Ấn Độ và Nga, New Delhi vẫn muốn duy trì quyền tự chủ chiến lược của mình bằng cách đồng thời phát triển quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Mỹ, Israel, Pháp và các nước châu Âu khác. Đổi lại, các quốc gia này đã giành được một số hợp đồng quốc phòng quan trọng, làm giảm thị trường ngách trước đây của Nga. Ví dụ: với việc Ấn Độ tăng mua các nền tảng và công nghệ quân sự từ Mỹ, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (2018) “nhập khẩu vũ khí từ Mỹ đã tăng 557% từ năm 2008 đến 2017, khiến Mỹ trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai của Ấn Độ” sau Nga.
Việc đa dạng hóa cũng dẫn đến việc đình chỉ hoặc chấm dứt tham gia vào một số dự án phát triển năng lực chung Nga-Ấn như Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và Máy bay vận tải đa năng. Thêm vào đó, quyết định của Ấn Độ hủy bỏ sự tham gia vào cuộc diễn tập chiến lược Kavkaz-2020 (Caucasus-2020) do Nga dẫn đầu là một ví dụ khác về việc Ấn Độ thể hiện quyền tự chủ chiến lược của mình, ngay cả với Moscow (Peri 2020; Mukhin 2020).[3]
Ấn Độ dường như trở nên e ngại về mối quan hệ an ninh và quốc phòng rất chặt chẽ của Moscow với Bắc Kinh và Pakistan; điều đó đã được nhấn mạnh trong chuyến công du Nam Á của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov vào tháng 4 năm 2021 (Malhotra 2021). Tương tự, Nga lo ngại về MTC của New Delhi với Ukraine cũng như tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng với Mỹ. Cùng với đó, sự tham gia của Ấn Độ với Quad là một vấn đề khó khác mà Moscow cho là sự ngăn chặn tích cực trước một Trung Quốc đang trỗi dậy bằng các biện pháp chính trị và quân sự (Chernenko 2020, 5).
Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn duy trì vị thế đặc biệt của một đối tác đặc quyền với Nga và rằng Moscow sẽ tiếp tục ưu tiên can dự chiến lược với New Delhi, một thực tế đã được nhấn mạnh trong ấn bản Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2021 của Nga (Strategiya Natsional’noi Bezopasnosti Rossiiskoi Federatsii 2021). Tương tự, người Ấn Độ hiểu rằng bất chấp sự khác biệt về quan điểm trong một số vấn đề địa chính trị, New Delhi và Moscow sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ mà không cần phải đưa ra lựa chọn (Pradhan 2021).
Xem xét cân bằng chiến lược với Nga và chính sách tự chủ chiến lược của nước này, Ấn Độ khó có thể tham gia vào bất kỳ liên minh chính thức nào. Trong khi cảnh giác với Bắc Kinh, New Delhi có thể sẽ tiếp tục lôi kéo Mỹ và Nga duy trì mối quan hệ chặt chẽ với cả hai trung tâm ảnh hưởng toàn cầu lớn này.
Yếu tố Mỹ trong tính toán chiến lược của Ấn Độ
Từ khi hình thành khuôn khổ Quad, Ấn Độ đã coi yếu tố Mỹ là vô cùng quan trọng, mặc dù hai nước có chung lịch sử nhiều trắc trở. Ấn Độ và Mỹ vẫn bất hòa với nhau trong Chiến tranh Lạnh, chủ yếu là do tuyên bố không liên kết của New Delhi, tranh chấp Kashmir với đối tác Chiến tranh Lạnh của Mỹ là Pakistan, và việc New Delhi nghiêng về Liên Xô. Hơn nữa, việc Mỹ nối lại quan hệ với Trung Quốc và việc Ấn Độ tiến hành các vụ thử hạt nhân vào năm 1974 đã chứng tỏ sự khó chịu trong mối quan hệ song phương Mỹ-Ấn Độ. Cuối cùng, các vụ thử hạt nhân của Ấn Độ năm 1998 đã dẫn đến việc Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Ấn Độ.
Tuy nhiên, việc Ấn Độ biện minh cho các vụ thử hạt nhân năm 1998 là hành động nhằm ngăn chặn “mối đe dọa từ Trung Quốc”, cũng như thể hiện sự không hài lòng với sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với chương trình hạt nhân của Pakistan, đã dẫn đến sự hội tụ lợi ích của Ấn Độ-Mỹ. Mỹ, trong nỗ lực ứng phó với Trung Quốc đang trỗi dậy và tìm kiếm lợi thế hạn chế trong việc hỗ trợ Islamabad,[4] coi đây là cơ hội để lôi kéo Ấn Độ làm đồng minh và tận dụng các cơ hội mà một Ấn Độ mới nổi mang lại. Mỹ đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc yêu cầu Pakistan rút lực lượng khỏi Kargil sau một cuộc xung đột biên giới ngắn với Ấn Độ vào năm 1999. Một sự thay đổi nữa trong chính sách Kashmir của Mỹ trở nên rõ ràng khi họ “khuyên Islamabad hãy khép lại lịch sử và nhìn về phía trước” ( Mahmud 2005, 84–5). Ấn Độ đã đáp lại những lập trường chính sách ban đầu này của Mỹ bằng cách mở rộng hỗ trợ vô điều kiện cho cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế của Washington sau vụ tấn công 11/9.
Sự gần gũi ngày càng tăng dẫn đến việc hai nước ký kết Thỏa thuận khung phòng thủ vào năm 2005. Thỏa thuận quốc phòng 10 năm đó đã củng cố thêm mối quan hệ bằng cách mở ra những triển vọng mới cho việc chuyển giao công nghệ, sản xuất vũ khí và hợp tác phòng thủ tên lửa, cuối cùng dẫn đến việc Ấn Độ được trao danh hiệu là “quốc gia có trách nhiệm với công nghệ hạt nhân tiên tiến” và được công nhận trên thực tế là một quốc gia có vũ khí hạt nhân (Gopal 2016, 27).
Thay đổi nhận thức về nhau được phản ánh trong sự thay đổi tích cực đáng kể trong quan hệ, loại bỏ các rào cản đã tồn tại trước đây. Hơn nữa, Washington coi New Delhi là một thế cân bằng tiềm năng trước sự trỗi dậy chiến lược của Trung Quốc. Hai nước tăng cường tham vấn cấp cao, trong đó có việc Tổng thống Mỹ thăm Ấn Độ. Từ năm 1947 đến 1999, chỉ có ba tổng thống Mỹ đến thăm Ấn Độ khi đương chức. Từ năm 1999 đến năm 2020, bốn tổng thống Mỹ đã đến thăm Ấn Độ năm lần khi đương chức. Mối quan hệ song phương đã được thúc đẩy hơn nữa với chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới Ấn Độ vào tháng 2 năm 2020, trong đó có thông báo rằng mối quan hệ đã được nâng lên thành “Đối tác Chiến lược Toàn diện Toàn cầu” (Bộ Ngoại giao 2020). Trong bài phát biểu của mình, Trump rõ ràng đã ám chỉ Trung Quốc khi so sánh nền dân chủ Ấn Độ với một “quốc gia không nêu tên tìm kiếm quyền lực thông qua cưỡng bức, đe dọa và gây hấn” (The Print Team 2020). Bằng cách so sánh đó, dường như ông muốn ám chỉ rằng hai nền dân chủ lớn nhất thế giới đã đoàn kết chống lại một kẻ thù chung, do đó nhấn mạnh sự hội tụ hơn nữa giữa Ấn Độ và Mỹ.
Bắt đầu với Thỏa thuận bảo mật chung về thông tin quân sự (GSOMIS) được ký kết vào năm 2002, hai nước đã tiến tới ký kết một số thỏa thuận bảo mật (Pandit 2020), bao gồm Bản ghi nhớ thỏa thuận trao đổi hậu cần (LEMOA). Các thỏa thuận này cung cấp cho cả hai quốc gia quyền truy cập vào thông tin và cơ sở quân sự đã được phân loại của cả hai bên cho mục đích tiếp nhiên liệu và hậu cần. Mỹ và Ấn Độ đã ký thỏa thuận nền tảng thứ ba, Thỏa thuận bảo mật và tương thích truyền thông (CCSA), vào tháng 9 năm 2018, tại “Đối thoại cấp bộ trưởng 2 + 2” đầu tiên. Thỏa thuận đó cho phép Ấn Độ có được thiết bị chuyên dụng để liên lạc được mã hóa cho các nền tảng quân sự có nguồn gốc từ Mỹ mà họ đã mua từ Mỹ. Cũng như LEMOA, CCSA là một phiên bản thỏa thuận dành riêng cho Ấn Độ mà Mỹ ký kết với các đối tác quân sự của mình. Cả hai quốc gia đã ký Thỏa thuận hợp tác và trao đổi cơ bản, thỏa thuận cuối cùng trong bốn thỏa thuận nền tảng vào tháng 10 năm 2020 (Express Web Desk 2020). Sau khi được phê chuẩn, nó sẽ cấp cho Ấn Độ quyền truy cập vào các bản đồ không gian địa lý của Mỹ và độ chính xác cấp độ quân sự mà các hệ thống phần cứng tự động và vũ khí như tên lửa hành trình và đạn đạo của họ yêu cầu.
Tương tự, hai nước đã ký kết Thỏa thuận An ninh Thông tin, chương trình Hoạt động Trực thăng từ Tàu không phải Tàu sân bay và nhất trí về Quy trình Hoạt động Tiêu chuẩn Sáng kiến Thương mại và Công nghệ Quốc phòng. Để phù hợp và hưởng lợi từ công nghệ của Mỹ, Ấn Độ đã mua máy bay, trực thăng và pháo dã chiến từ Mỹ (Levesques và Solanki 2020) (Bảng 2).
Lực lượng | Năm, ký hợp đồng | Nền tảng chiến đấu, hệ thống | Số lượng |
Hải quân | 2009 | Boeing P8-I Maritime Surveillance Aircraft |
8 |
2011 |
Mk-54 All-Up-Round Lightweight Torpedoes | 32 | |
2016 | Boeing P8-I Maritime Surveillance Aircraft | 4 | |
2019 | MH-60R Multi-mission Helicopters | 24 | |
2019 | MK-45 5-inch/62 Calibre (MOD 4) Naval Guns | 13 | |
2020 | Boeing P8-I Maritime Surveillance Aircraft | 6 | |
Phòng không, không quân | 2008 | HARPOON Block II Missiles | Không công bố |
2008 | CBU-105 Sensor-Fused Weapons | Không công bố | |
2010 | Boeing C-17 GLOBEMASTER III Aircraft | 10 | |
2010 | AGM-84L HARPOON Block II Missiles | 21 | |
2011 | Lockheed-Martin C-130J Aircraft | 6 | |
2014 | UGM-84L HARPOON Missiles | Không công bố | |
2017 | Boeing C-17 GLOBEMASTER III Aircraft | 1 | |
2019 | 777 Large Aircraft Countermeasures Self-Protection Suite | 2 | |
2019 | C-17 Sustainment Follow-on Support | Không xác định | |
2020 | Integrated Air Defence Weapon System | Không công bố | |
2020 | AGM-84L HARPOON Air-launched Block II Missiles | 10 | |
Bộ binh | 2010 | M777 155mm Light-Weight Towed Howitzers | 145 |
2010 | AH-64D Block III APACHE Helicopters | 22 | |
2018 | AH-64E APACHE Helicopters | 6 | |
2018 | CHINOOK Heavy-Lift Helicopters | 15 | |
2019–2020 | Sig-Sauer 716 Assault Rifles | 145,000 |
Bảng 2: Xuất khẩu quốc phòng chính của Mỹ sang Ấn Độ, 2000–2020 (Nguồn: Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ, nhiều năm).
Thương mại quốc phòng giữa Ấn Độ và Mỹ đã tăng đáng kể từ 200 triệu đô la Mỹ năm 2000 lên hơn 20 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020. Ngoài ra, để hỗ trợ sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” của New Delhi và các yêu cầu quốc phòng của nước này, các nhà thầu hàng không vũ trụ lớn của Mỹ Lockheed-Martin và Boeing đã công bố kế hoạch nội địa hóa sản xuất máy bay chiến đấu F-16 và F/A-18 cho Không quân Ấn Độ (Press Trust of India 2018a, b).
Mối quan tâm chung của hai nước liên quan đến Trung Quốc đã được đề cập đến trong “Tầm nhìn chiến lược chung của Mỹ-Ấn Độ về khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương” năm 2015 (Văn phòng thư ký báo chí Nhà Trắng 2015). Tài liệu đó đã đưa ra sự hội tụ giữa chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ và các nỗ lực tái cân bằng của Mỹ ở Đông và Đông Nam Á. Để chính thức hóa Tầm nhìn, cả hai đã thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung (Wadhwani Chair trong Nghiên cứu Chính sách Mỹ-Ấn Độ, không rõ ngày tháng).[5] Một số cuộc tập trận như Cope India, được tiến hành giữa lực lượng không quân Ấn Độ và Mỹ được nối lại vào năm 2018; Tiger Triumph được tiến hành vào tháng 11 năm 2019 với sự tham gia của cả ba quân chủng của Ấn Độ; Vajra Prahar lần gần đây nhất được tổ chức tại Seattle vào tháng 10 năm 2019; Yudh Abhyas vào tháng 9 năm 2019; và cuộc tập trận hải quân ba bên Malabar được tiến hành với Nhật Bản đến năm 2019. Vào tháng 10 đến tháng 11 năm 2020, Úc cũng tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia Malabar 2020 (Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ 2020). Tháng 5 năm 2019, để đối phó với các hoạt động cưỡng chế đang diễn ra của Trung Quốc, các tàu chiến từ hải quân Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines đã tổ chức triển khai phối hợp qua các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
Bất chấp mối quan hệ đang được củng cố giữa Ấn Độ và Mỹ, New Delhi vẫn thận trọng về cách tiếp cận và sự chân thành của Washington. Ví dụ, trong cuộc xung đột biên giới tháng 6 năm 2020 ở Thung lũng Galwan, Trump đã đề nghị làm trung gian hòa giải giữa hai nước. Lời đề nghị đó được Ấn Độ nhận thấy rằng thay vì gây sức ép buộc Trung Quốc phải rút lui, lời đề nghị này chỉ đơn giản là đàm phán về lập trường phía trước của Trung Quốc trong vùng lãnh thổ tranh chấp, điều này dường như đặt Ấn Độ vào một mối quan hệ đối tác ít bình đẳng hơn. Mặt khác, ngay sau cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Mike Pompeo đã điện thoại cho người đồng cấp Ấn Độ, S. Jaishankar, để chuyển thông điệp ủng hộ (Roy 2020). Tuy nhiên, bản chất của “hỗ trợ” là gì vẫn chưa được xác định.
Ngoài ra, việc xuất khẩu công nghệ tiên tiến của Mỹ phải tuân theo các điều khoản và điều kiện nghiêm ngặt, trong đó có các hạn chế đối với Ấn Độ nhập khẩu công nghệ quân sự từ các nước khác. Ví dụ, vào tháng 10 năm 2018, sau khi Ấn Độ ký thỏa thuận với Nga để mua S-400 SAM, Washington đã đe dọa New Delhi bằng Đạo luật Chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt.
Tuy nhiên, một khía cạnh khác là với chính quyền mới tại Nhà Trắng, các ưu tiên trong chính sách an ninh và chiến lược sẽ thay đổi, trong khi Ấn Độ muốn có một mối quan hệ lâu dài, đáng tin cậy và đáng tin tưởng. Tổng thống Joe Biden đã tuân theo một số chính sách của người tiền nhiệm đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, đáng chú ý là ông đã tái hợp tác với các đồng minh truyền thống của Mỹ để làm điều đó, do đó bác bỏ chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Trump. Biden khẳng định tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (McGrath 2020). Ông cũng sẽ đảm bảo rằng Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ của họ. Rất khó có khả năng Biden sẽ đánh đổi lợi ích của Mỹ khi chứng kiến sự phát triển hơn nữa của Quad để lấy việc Trung Quốc tuân thủ các đề xuất về biến đổi khí hậu. Ngay cả khi trong quá trình đàm phán, Trung Quốc nỗ lực đàm phán để loại bỏ một số hạn chế và ràng buộc do chính quyền Trump áp đặt và giảm bớt sự nhấn mạnh vào Bộ tứ, thì rõ ràng là chính quyền Biden sẽ không dỡ bỏ một số hạn chế đó để giảm bớt căng thẳng gia tăng hiện nay (Pamuk và Shepardson 2021). Nếu Biden đi theo chính sách cân bằng Trung Quốc từ bên trong các thể chế quốc tế đã được thiết lập, thì có thể Mỹ sẽ tìm cách tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mới được thành lập. Tuy nhiên, với cách Biden lãnh đạo trên cương vị Tổng thống, ngay cả nếu Trung Quốc một lần nữa tìm cách yêu cầu Mỹ giảm ít nhất một số hạn chế thương mại đối với Trung Quốc như một điều kiện tiên quyết để Washington tham gia RCEP, thì không chắc là Biden sẽ đồng ý với yêu cầu đó.
Nếu chính quyền Biden đồng ý với những yêu cầu đó, thì Trung Quốc sẽ có nhiều không gian chiến lược hơn để tập trung vào việc ngăn chặn Ấn Độ, do đó buộc New Delhi một lần nữa quay sang Moscow để được hỗ trợ thêm. Mặt khác, nếu chính quyền Biden coi biến đổi khí hậu và những căng thẳng hiện tại là hai vấn đề không liên quan với nhau, hoặc nếu nó tạo ra sự tái hoạt động của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương trước đây và lôi kéo Ấn Độ vào nhóm mới, thì nó có khả năng là mối quan hệ Ấn Độ-Mỹ sẽ tiếp tục hội tụ. Do đó, việc chính quyền Biden nhấn mạnh vào các vấn đề như biến đổi khí hậu và thương mại với Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ song phương Mỹ-Ấn.
Bất chấp những e ngại về Mỹ, quy mô và chiều sâu của các thỏa thuận an ninh được ký kết giữa Ấn Độ và Mỹ, và sự hội tụ lợi ích chiến lược cho thấy rằng cả hai dường như ở trong mối quan hệ “gần như liên minh” (Kliem 2020, 296; Hemmings 2020, 153; Sheikh 2020). Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, S. Jaishankar “Quá trình chuyển đổi ở Ấn Độ là một biểu hiện của sự tự tin hơn. Khía cạnh chính sách đối ngoại của Ấn Độ là mong muốn trở thành một cường quốc hàng đầu, chứ không chỉ là một cường quốc cân bằng” (Bộ Ngoại giao 2015). Hơn nữa, các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ dường như không thích sử dụng thuật ngữ “liên minh”, thay vào đó thuật ngữ “chủ nghĩa đa phương” thường được bộ trưởng ngoại giao của nước này nhấn mạnh hơn (Jaishankar 2021).
Kết luận
Không còn nghi ngờ gì nữa, tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh hiện nay sẽ tiếp tục chiếm ưu thế đối với Ấn Độ trong tương lai gần. Quad đang và sẽ có tầm quan trọng cao đối với New Delhi. Ngoài việc tăng cường quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn với các cường quốc hàng hải khu vực có cùng chí hướng (Úc và Nhật Bản) và ASEAN, khuôn khổ này tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác chiến lược của Ấn Độ với Mỹ. Mục đích và phạm vi của các thỏa thuận mà Ấn Độ đã ký với Mỹ thể hiện sự hội tụ của Ấn Độ đối với các động lực chiến lược đang phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thúc đẩy các đề nghị bá quyền của Trung Quốc. Do đó, nếu Ấn Độ chưa chính thức tham gia vào một mối quan hệ “gần như liên minh” với Mỹ, thì chắc chắn nước này đang ở ngưỡng của mối quan hệ đó.
Tuy nhiên, theo mô hình “gần như liên minh” với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ có thể vẫn giữ một số quyền tự chủ chiến lược trong khuôn khổ “gần như liên minh” với Mỹ. Xem xét các mối quan hệ thương mại hiện có và MTC dài hạn với Nga, bất kể quy mô hay giá trị của các giao dịch mua tương tự từ Mỹ, Ấn Độ sẽ tiếp tục phụ thuộc vào Moscow vì từ năm 2015 đến 2019, Ấn Độ chiếm 25% xuất khẩu quân sự của Nga ( Wezeman và cộng sự 2020). Do đó, nó không thể dễ dàng thay thế các hệ thống vũ khí thời Liên Xô và Nga bằng các hệ thống tương tự của Mỹ. Mặc dù Mỹ sẵn sàng bán “các công nghệ quốc phòng mang tính đột phá” cho Ấn Độ, nhưng khả năng tiếp thu những công nghệ đó của New Delhi có vẻ hạn chế. Ví dụ, Ấn Độ đã chọn mua tên lửa dẫn đường chống tăng Spike của Israel thay vì Javelin thế hệ tiếp theo của Mỹ (Pandit 2015). Chi phí liên quan đến việc mua các sản phẩm công nghệ cao tương đương cũng là một yếu tố đáng kể trong quá trình mua lại của Ấn Độ. Rõ ràng là Ấn Độ vẫn rất tin tưởng vào việc Nga sẵn sàng cung cấp cho họ các nền tảng và hệ thống quân sự. Do đó, sau cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan, New Delhi đã ngay lập tức quay sang Nga để mua nhanh thêm máy bay chiến đấu và các loại vũ khí khác (Kumar 2020).
Bỏ qua yếu tố Nga, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Mặc dù vậy, Bắc Kinh đã thực hiện các cuộc xâm nhập vào khu vực biên giới tranh chấp mà Ấn Độ tuyên bố vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Dù Bắc Kinh coi những bước tiến này là không thể đảo ngược, New Delhi bất chấp sự cố Doklam và Galwan vẫn hy vọng giải quyết tranh chấp biên giới thông qua đàm phán. Do đó, Ấn Độ đã áp dụng một cách tiếp cận gia tăng. Cách tiếp cận này dựa trên tiền đề rằng trong quá khứ Trung Quốc đã giải quyết các tranh chấp biên giới với các nước khác khi chịu áp lực (Fravel 2005, 52–53). Vì vậy, xem xét tiền lệ đó khi ở trong mối quan hệ “gần như liên minh” với Mỹ, Ấn Độ có thể sẽ để ngỏ cơ hội ít nhất cho đến khi cuộc đối thoại đang diễn ra giữa hai bên đi đến hồi kết.
Bất chấp mối quan hệ “gần như liên minh” với Liên Xô, Ấn Độ vẫn duy trì quyền tự chủ chiến lược của riêng mình để đưa ra các quyết định phù hợp nhất với lợi ích quốc gia. Do đó, trong khi tham gia vào mối quan hệ “gần như liên minh” khác với Mỹ, Ấn Độ có thể sẽ theo khuôn mẫu tương tự để duy trì quyền tự chủ chiến lược. Điều này sẽ tạo điều kiện cho Ấn Độ thể hiện uy tín với tư cách là một cường quốc thay thế Trung Quốc ở châu Á, để tránh bị gán cho cái mác “phó cảnh sát trưởng” của Mỹ và theo đuổi tham vọng trở thành cường quốc hàng đầu ở châu Á. Khẳng định này đã được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ, S. Jaishankar (2021) tóm tắt ngắn gọn rằng “trở nên đa cực là một trong những thành tố thiết yếu của châu Á”. Do đó, việc New Delhi tham gia vào mối quan hệ “gần như liên minh” với Washington và duy trì quyền tự chủ trong khuôn khổ này mang lại cho Ấn Độ cơ hội nâng cao tầm vóc quốc tế mà không cần phải đưa ra những lựa chọn chiến lược khó khăn. Ấn Độ, với tiềm năng và mong muốn trở thành một cường quốc hàng đầu, thay vì chỉ là một cường quốc cân bằng, sẽ tiếp tục tham gia với các cường quốc và tránh hệ thống liên minh có tổng bằng không.
Tài liệu tham khảo
· Ahlawat, D., and L. Hughes. 2018. India–China Stand-off in Doklam: Aligning Realism with National Characteristics. The Round Table 107 (5): 613–625.
· Bennett, Y.C., and J. Garrick. 2020. China’s actions have driven the evolution of the Quad. The Strategist, 29 October. https://www.aspistrategist.org.au/chinas-actions-have-driven-the-evolution-of-the-quad/. Accessed 16 July 2021.
· Brewster, D. 2020. Australia should support India in the Himalayas. The Interpreter, 22 June. https://tinyurl.com/yy25efu5. Accessed 24 December 2020.
· Chairman’s Statement of the 16th ASEAN-India Summit Bangkok/Nothaburi. 2019. 3 November. https://tinyurl.com/y2awamyr. Accessed 24 December 2020.
· Chaudhury, D.R. 2019. Modi launches Act Far East Policy for Russia; announces $1bn support. The Economic Times, 5 November. https://tinyurl.com/y4l5vsdv. Accessed 24 December 2020.
· Chernenko, E. 2020. Sergei Lavrov Sygral ne po Pravilam [Sergei Lavrov did not play by the rules]. Kommersant, 16 January, 5.
· Chugunov, A., and P. Belov. 2020. Sotrudnichestvo dlay Zashchity Respubliki [Cooperation to defend the republic]. Kommersant, 27 January, 15.
· Editorial. 2020. India's attempt to replace China is self-righteous. Global Times, 19 May.
· Embassy of India. N.D. Ambassador Pankaj Saran's visit to Chechnya Republic. Moscow. https://tinyurl.com/y5bv8bas. Accessed 24 December 2020.
· Express Web Desk. 2020. 2 + 2 dialogue: India, US sign crucial agreement on geo-spatial intelligence. The Indian Express, 27 October. https://tinyurl.com/y5uvhaay. Accessed 24 December 2020.
· Fravel, M.T. 2005. Regime Insecurity and International Cooperation: Explaining China’s Compromises in Territorial Disputes. International Security 30 (2): 46–83.
· Gady, F.S. 2018. India, Russia Sign $5.5 Billion S-400 Deal During Modi-Putin Summit. The Diplomat, 5 October. https://tinyurl.com/yy8ol9av. Accessed 24 December 2020.
· Gopal, D. 2016. Towards a Strategic Triangle in the Indo-Pacific: India’s Initiatives with China and the United States. In Indo-Pacific: Emerging Powers, Evolving Regions and Challenges to Global Governance, ed. D. Gopal and D. Ahlawat, 15–32. New Delhi: Aakar Books.
· Gromyko, A.A., A.G. Kovalev, P.P. Sevostyanov, and S.L. Tikhvinskiy, eds. 1986. Diplomaticheskiy Slovar [Diplomatic Dictionary]. Moskva: Nauka.
· Haacke, J. 2019. The Concept of Hedging and Its Application to Southeast Asia: A Critique and a Proposal for a Modified Conceptual and Methodological Framework. International Relations of the Asia-Pacific 19 (3): 375–417.
· Hemmings, J. 2020. The evolution of the U.S. alliance system in the Indo-Pacific since the Cold War’s end. In Hindsight, Insight, Foresight: Thinking About Security in the Indo-Pacific, ed. A.L. Vuving, 145–159. Honolulu: Daniel K. Inouye Asia-Pacific Center for Security Studies.
· Jaishankar, S. 2021. Keynote Address by External Affairs Minister at the 13th All India Conference of China Studies. Ministry of External Affairs, 28 January. https://www.mea.gov.in/Speeches-Statements.htm?dtl/33419/Keynote+Address+by+External+Affairs+Minister+at+the+13th+All+India+Conference+of+China+Studies. Accessed 16 July 2021.
· Jervis, R. 1978. Cooperation under security dilemma. World Politics 30 (2): 167–214.
· Jha, L.K. 2020. Pompeo slams China's aggressive military behaviour. The Telegraph, 10 October. https://tinyurl.com/yxbu56vl. Accessed 24 December 2020.
· Kliem, F. 2020. Why Quasi-Alliances Will Persist in the IndoPacific? The Fall and Rise of the Quad. Journal of Asian Security and International Affairs 7 (3): 271–304.
· Kuik, C.-C. 2008. The Essence of Hedging: Malaysia and Singapore’s Response to a Rising China. Contemporary Southeast Asia 30 (2): 159–185.
· Kumar, C. 2020. Indian Air Force plans to buy 12 Sukhoi, 21 MiG-29s amid India-China standoff. Business Today, 9 July. https://tinyurl.com/y4p44sw7. Accessed 24 December 2020.
· Kupryanov, A. 2020. Posle Draki: Vstrecha Rossii, Indii i KNR na Fone Intsidenta v Ladakhe [After a fight: meeting of Russia, India and the PRC after the Ladakh incident]. Izvestia, 20 June. https://tinyurl.com/yync68uo. Accessed 24 December 2020.
· Levesques, A., and V. Solanki. 2020. India–US relations in the age of Modi and Trump. London: International Institute for Strategic Studies, 27 March. https://www.iiss.org/blogs/analysis/2020/03/sasia---us-india-relations-trump-and-modi. Accessed 16 July 2021.
· Mahmud, E. 2005. Post-Cold War US Kashmir Policy. Policy Perspectives 2 (1): 83–110.
· Malhotra, J. 2021. Jaishankar’s Slip of Tongue, Lavrov’s Pakistan Trip-why all’s not well with India-Russia. The Print, 13 April, Jaishankar’s slip of tongue, Lavrov’s Pakistan trip—why all's not well with India-Russia (theprint.in). Accessed 12 July 2021.
· McGrath, M. 2020. Joe Biden: How the president-elect plans to tackle climate change. BBC News, 10 November. https://www.bbc.com/news/science-environment-54858638. Accessed 24 December 2020.
· Ministry of External Affairs. 2012. History and Evolution of Non-Aligned Movement. New Delhi, 22 August.
· Ministry of External Affairs. 2015. IISS Fullerton Lecture by Dr. S. Jaishankar, Foreign Secretary in Singapore, 20 July 20, https://www.mea.gov.in/. Accessed 16 July 2021.
· Ministry of External Affairs. 2017. India-Australia-Japan-U.S. Consultations on Indo-Pacific. Press Release. New Delhi, 12 November.
· Ministry of External Affairs. 2018a. Prime Minister’s Keynote Address at Shangri La Dialogue. New Delhi, 1 June.
· Ministry of External Affairs. 2018b. Delhi Declaration of the ASEAN-India Commemorative Summit to mark the 25th Anniversary of ASEAN-India Dialogue Relations. New Delhi: Media Center, 25 January.
· Ministry of External Affairs. 2020. Joint Statement: Vision and Principles for India-U.S. Comprehensive Global Strategic Partnership. New Delhi, 25 February.
· Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China. 2020. Foreign Ministry Spokesperson Zhao Lijian's Regular Press Conference, 17 June.
· Modi, N. 2020. PM’s remarks on the situation in India-China Border areas, 17 June. https://www.pmindia.gov.in/en/news_updates/pms-remarks-on-the-situation-in-india-china-border-areas/?comment=disable. Accessed 16 July 2021.
· Mohan, C.R. 2020. Acknowledging Beijing’s rise, scale of challenge it presents, are first steps in crafting a new China policy. The Indian Express, 23 June. https://tinyurl.com/y9ww9qd7. Accessed 24 December 2020.
· Mohan, C.R. 2021. From G-7 summit, a template for Indian engagement with the West. Indian Express, 15 June. https://indianexpress.com//opinion/columns/g-7-nations-meet-statement-on-open-societies-climate-change-india-7359182/. Accessed 16 July 2021.
· Mukhin, V. 2020. ‘Kavkaz-2020’ Neset Poteri eshche do Nachala Ucheniy [The Kavkaz-2020 is taking casualties prior to the start of the exercises]. Nezavisimaya Gazeta, 10 September. https://tinyurl.com/y3u5vvhj. Accessed 24 December 2020.
· Nicholson, D. 2020. What does the future hold for the Quad? Defence Connect, 20 March. https://tinyurl.com/y3okhs48. Accessed 24 December 2020.
· Pamuk, H., and D. Shepardson. 2021. The U.S. is set to add more Chinese companies to blacklist over Xinjiang. Reuters. https://tinyurl.com/xzbekf5h. Accessed 13 July 2021.
· Pandit, R. 2015. India, US to kick off joint production on 4 defence projects. Times of India, 26 January. https://tinyurl.com/y4s3gvbb. Accessed 24 December 2020.
· Pandit, R. 2020. India, US agree to expedite work on BECA, strengthen defence ties. The Times of India, 26 February. https://tinyurl.com/y5rkeopl. Accessed 24 December 2020.
· Peri, D. 2020. India Decides to Pull out of Kavkaz 2020 Military Exercise in Russia due to Chinese Participation. The Hindu, 29 August. https://tinyurl.com/y2pfu8pv. Accessed 24 December 2020.
· Pradhan, S.D. 2021. Assessing Significance of Russian Foreign Minister Lavrov’s Visit to India. The Times of India, 11 April, Assessing significance of Russian Foreign Minister Lavrov’s visit to India (indiatimes.com). Accessed 12 July 2021.
· Prakash, A. 2017. Rise of the PLA Navy and Its Implications for India. Indian Defence Review, 6 April. http://www.indiandefencereview.com/. Accessed 1 July 2021.
· Press Trust of India. 2018a. Make in India boost: Lockheed Martin ready to manufacture F-16 jets in India. The Economic Times, 11 July. https://tinyurl.com/y5ytddhq. Accessed 24 December 2020.
· Press trust of India. 2018b. Boeing to manufacture F/A-18 with HAL, MDS in India. The Economic Times, 12 April. https://tinyurl.com/y6hdm2mm. Accessed 24 December 2020.
· Primakov, E. 2011. Mysli Vslukh [Thoughts out loud], Moskva: Rossiiskaya Gazeta.
· Pubby, M., and D.R. Chaudhury. 2020. India, Russia Defence Logistics Sharing Pact likely to be Signed by Year-End. The Economic Times, 22 July. https://tinyurl.com/y2quxx4a. Accessed 24 December 2020.
· Raghuvanshi, V. 2020. India Accelerates Weapons Purchases in Wake of Border Clash with China. Defence News, 6 July. https://tinyurl.com/y4gr9s2z. Accessed 24 December 2020.
· Roy, S. 2020. As tensions soared after Galwan, Pompeo made quiet call to Jaishankar. The Indian Express, 5 July. https://tinyurl.com/ycmyd5zp. Accessed 24 December 2020.
· Roy-Chaudhury, R., and K. Sullivan de Estrada. 2018. India, the Indo-Pacific and the Quad. Survival 60 (3): 181–194.
· Ruser, N. 2020. Satellite images show positions surrounding deadly China–India clash. The Strategist, 18 June. https://tinyurl.com/yxjkcrvr Accessed 24 December 2020.
· Saha, P. 2018. The Quad in the Indo-Pacific: Why ASEAN remains cautious. Observer Research Foundation, 26 February.
· Sheikh, S.R. 2020. Will India’s Anti-China Alliance With the US work? Asia Sentinel, 29 June. https://www.asiasentinel.com/p/will-indias-anti-china-alliance-with Accessed 16 July 2021.
· Steele, T.L. 2002. The politics of Anglo-American aid to nonaligned India, 1962. Journal of International History 7: 1–10.
· Stockholm International Peace Research Institute.(2018. Asia and the Middle East lead rising trend in arms imports, US exports grow significantly, says SIPRI, 12 March https://tinyurl.com/ybqdylmp. Accessed 24 December 2020.
· Strategiya Natsinonal’noi Bezopasnosti Rossiiskoi Federatsii. 2021. [The National Security Strategy of the Russian Federation], 2 July, Укaз Пpeзидeнтa Poccийcкoй Фeдepaции oт 02.07.2021 № 400 ∙ Oфициaльнoe oпyбликoвaниe пpaвoвыx aктoв ∙ Oфициaльный интepнeт-пopтaл пpaвoвoй инфopмaции (pravo.gov.ru). Accessed 5 July 2021.
· Strokan, S. 2020. Rossiiskoe Oruzhie Speshit v Indiu [Russian weapons hurry to India]. Kommersant, 26 June, 2.
· Subrahmanyam, K. 2012. Grand Strategy for the First Half of the 21st Century. In Grand Strategy for India: 2020 and Beyond, ed. K. Venkatshamy and P. George, 1–18. New Delhi: Institute for Defence Studies & Analyses.
· Sun, Y. 2020. China’s Strategic Assessment of the Ladakh Clash. War on the Rocks, 19 June. https://tinyurl.com/y9rrodn5. Accessed 24 December 2020.
· The Print Team. 2020. This is why I have come to India. The Print, 24 February. https://tinyurl.com/t2c4u4t. Accessed 24 December 2020.
· The White House. 2021. Quad Leaders’ Joint Statement: “The Spirit of the Quad”, 12 March. https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2021/03/12/quad-leaders-joint-statement-the-spirit-of-the-quad/. Accessed 16 July 2021.
· The White House Office of the Press Secretary. 2015. U.S.-India Joint Strategic Vision for the Asia-Pacific and Indian Ocean Region, 25 January. https://tinyurl.com/y6cecdjs. Accessed 24 December 2020.
· Twining, D. 2020. India’s Heavy Hedge Against China, and its New Look to the United States to Help. Joint U.S.-Korea Academic Studies, 38. https://keia.org/wp-content/uploads/2020/05/indias_heavy_hedge_against_china.pdf. Accessed 16 July 2021.
· United States Defence Security Cooperation Agency. N.D. Major Arms Sales. https://tinyurl.com/y3zttdnl Accessed 24 December 2020.
· U.S. Indo-Pacific Command. 2020 India Hosts Japan, Australia, U.S. in Naval Exercise MALABAR 2020. https://tinyurl.com/yywxa3xa. Accessed 24 December 2020.
· Wadhwani Chair in U.S.-India Policy Studies. N.D. U.S.-India Security and Defence Cooperation. Washington, DC: Center for Strategic and International Studies, https://tinyurl.com/y4vpzkjj. Accessed 24 December 2020.
Warikoo, K. 2020. Ladakh: India’s Gateway to Central Asia. Strategic Analysis 44 (3): 177–192.
[1] Điều này tới giờ vẫn đúng cho dù Ngoại trưởng Mỹ nhiều lần lên tiếng phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc tại biên giới Trung-Ấn.
[2] Năm 2018, Ấn Độ và Nga đã ký thỏa thuận xây dựng thêm 6 lò phản ứng hạt nhân ở Ấn Độ.
[3] Ấn Độ lấy lý do là do đại dịch COVID-19 và cũng do Ấn Độ không sẵn sàng tham gia cùng với các đơn vị PLA và Pakistan trong bối cảnh căng thẳng biên giới ở Kashmir.
[4] Osama bin Laden bị ám sát khi ẩn náu ở Pakistan, Pakistan giao những mảnh vỡ của chiếc trực thăng của Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ bị bắn rơi cho Trung Quốc, và sau quyết định rút quân khỏi Afghanistan.
[5] Ấn Độ hiện tổ chức nhiều cuộc tập trận quân sự thường niên với Mỹ hơn các quốc gia khác.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục