Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tiếp tục phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ lên một tầm cao mới, toàn diện hơn và hiệu quả hơn

Tiếp tục phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ lên một tầm cao mới, toàn diện hơn và hiệu quả hơn

Tháng 10/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn dầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 18 tại Jakarta, Indonesia, với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng Thư ký ASEAN. Lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ nhất trí xác định năm 2022 là Năm hữu nghị ASEAN - Ấn Độ, hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ vào năm 2022.

01:18 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Để tiếp tục phát triển mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ lên tầm cao mới, toàn diện hơn, hiệu quả hơn, ngoài việc tiếp tục duy trì, phát huy những thành tựu đạt được trong chính trị, kinh tế, ngoại giao, viện trợ, vấn đề Biển Đông và hợp tác ứng phó với đại dịch Covid-19 như đã phân tích ở phần trước, Việt Nam và Ấn Độ cần thẳng thắn xác định một số vấn đề chưa đạt được nhiều thành tựu, để có phương pháp, cách thức thúc đẩy cho tốt hơn. Một số vấn đề cần được thúc đẩy tốt hơn nữa, bao gồm: Tăng cường quảng bá du học; Tăng cường quảng bá sức mạnh mềm Ấn Độ; Tăng cường giao lưu văn hóa và ngoại giao nhân dân; và Tăng cường kết nối.

Thứ nhất, tăng cường quảng bá du học Việt Nam - Ấn Độ. Ấn Độ là thị trường giáo dục khổng lồ với thế mạnh trong các ngành công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, văn hóa, tôn giáo, với lợi thế học bằng ngôn ngữ tiếng Anh và chương trình học có nhiều điểm tương đồng về nội dung, hình thức, thời gian và chia sẻ nhiều giá trị chung với chương trình đào tạo của nhiều nước nói tiếng Anh khác. Có rất nhiều chương trình học bổng cho các khóa học từ đào tạo ngắn hạn, chuyên sâu, đến đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, và sau tiến sĩ với nguồn ngân sách phong phú của Chính phủ Ấn Độ, các tổ chức phi chính phủ, và các doanh nghiệp Ấn Độ. Đáng chú ý, phải kể đến chương trình học bổng Tiến sĩ Ấn Độ - ASEAN, theo đó Ấn Độ tài trợ 1.000 học bổng tiến sĩ trị giá 45 triệu USD tại 23 Học viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) cho sinh viên ASEAN. Chương trình có ngân sách ban đầu là 3 tỷ Rupee (khoảng 45 triệu USD) là sáng kiến về phát triển năng lực lớn nhất của Ấn Độ trong quan hệ đối tác với ASEAN. Phía Ấn Độ sẽ chi trả toàn bộ chi phí học tập và chi phí sinh hoạt trong tối đa 5 năm cho chương trình tiến sĩ[1]. Tiếp theo, phải kể đến các nhóm học bổng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ trong khuôn khổ chương trình học bổng của Hội đồng Giao lưu văn hoá Ấn Độ (ICCR), bao gồm: Chương trình Học bổng chung (GSS); Chương trình Hợp tác Sông Hằng - Sông Mekong (MGC); Chương trình Trao đổi giáo dục (EEP); và Chương trình Học bổng Văn hoá Ấn Độ (SSIC). Ngoài ra còn có học bổng AYUSH của Chính phủ Ấn Độ dành cho sinh viên Việt Nam theo học các bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ về Yoga và y học cổ truyền Ấn Độ. Bên cạnh đó, còn rất nhiều học bổng với các mức hỗ trợ khác nhau do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ kết nối để giúp đưa sinh viên, học viên Việt Nam đến du học tại Ấn Độ.

Ở chiều ngược lại, cũng đã có những kế hoạch để đưa sinh viên Ấn Độ đến Việt Nam du học. Biên bản ghi nhớ về việc tuyển sinh viên y khoa Ấn Độ sang học tại Việt Nam đã được ký vào ngày 1/7/2021 giữa trường Đại học Hồng Bàng và một công ty của Ấn Độ. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu kỳ vọng chương trình sẽ đưa 200 sinh viên Ấn Độ tới Việt Nam trong năm học này, theo thông cáo của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.[2] Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu: “Hoạt động hợp tác này đánh dấu bước trưởng thành về uy tín và trình độ đào tạo y khoa của các trường đại học tại Việt Nam và lần đầu đưa Việt Nam vào bản đồ điểm đến du học của sinh viên y khoa thế giới”. Đây là sự kiện mang tính đột phá và mang lại cách nhìn mới về nhau của người dân Việt Nam và Ấn Độ. Đại sứ Phạm Sanh Châu bày tỏ tự hào khi Việt Nam lần đầu trở thành điểm đến cho sinh viên Ấn Độ, giúp thay đổi truyền thống từ trước tới nay chỉ có sinh viên Việt Nam qua du học tại Ấn Độ.

Tuy nhiên, các chương trình du học nói trên bị đình trệ nhiều do đại dịch Covid-19, các quốc gia đều đóng cửa biên giới và chưa mở lại các chuyến bay thương mại. Hầu hết các chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ Việt Nam theo chương trình học bổng ITEC đã được chuyển thành đào tạo qua mạng trong chương trình e-ITEC. Vì vậy, để các chương trình du học được tái khởi động, cả hai bên cần chuẩn bị các chương trình quảng bá ở cấp độ sâu rộng hơn và chuẩn bị các điều kiện để hoạt động trở lại trên quy mô lớn ngay sau khi tình hình Covid-19 được kiểm soát.

Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến du học Ấn Độ. Trong phiên thảo luận mở trực tiếp kết hợp trực tuyến ngày 17/3/2021 với chủ đề “Tiềm năng và thách thức với việc Ấn Độ trở thành điểm đến du học cho sinh viên ASEAN” do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ kết hợp với Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ - Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, và Trung tâm nghiên cứu Việt Nam (New Delhi) tổ chức, ông Vũ Thế Cường, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ chỉ ra, bên cạnh những thế mạnh về đào tạo công nghệ thông tin, kỹ thuật, hệ thống các trường đại học trải rộng, tương đối phổ biến với các sinh viên từ châu Phi và Đông Âu, giáo dục Ấn Độ cần khắc phục một số rào cản để trở nên phổ biến hơn với khối ASEAN, như sự khác biệt trong ẩm thực và giá trị học bổng được trao, nhất là khi so sánh với học bổng từ các quốc gia khác[3]. Cần xây dựng hệ thống các đại lý tư vấn du học Việt Nam - Ấn Độ để đảm trách chức năng quảng bá du học.

Thứ hai, tăng cường quảng bá sức mạnh mềm Ấn Độ tại Việt Nam. Sức mạnh mềm được học giả Mỹ Joseph Nye định nghĩa là một loại năng lực, có thể giúp đạt được mục đích thông qua sức hấp dẫn chứ không phải cưỡng ép hoặc dụ dỗ. Sức hấp dẫn này đến từ quan điểm giá trị về văn hóa, chính trị và chính sách ngoại giao của một nước[4]. Tại Việt Nam, Ấn Độ đang sử dụng Yoga, Phật giáo và y học cổ truyền như các phương tiện ngoại giao sức mạnh mềm.

Sự phát triển và hoàn thiện nội dung có tính thực dụng của Yoga làm mờ dần yêu tố tín ngưỡng trong thực hành Yoga, và nhờ đó tránh được sự xung đột văn hóa khi triển khai Yoga trong các hoạt động ngoại giao ở nước ngoài. Chính phủ Ấn Độ đã xem Yoga là phương tiện trung tâm của thực thi chiến lược ngoại giao sức mạnh mềm. Chính quyền Modi đã đạt được những thành công nhất định trong việc sử dụng Yoga như một công cụ ngoại giao sức mạnh mềm, từ đó nâng cao tầm ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Trước đây, Ấn Độ đã dùng điện ảnh Bollywood làm công cụ ngoại giao sức mạnh mềm, nhưng điện ảnh có những hạn chế nhất định về không gian, thời gian, vượt ra ngoài phạm vi hoạt động ngoại giao thông thường, nên Chính phủ đã chuyển sang dùng Yoga làm công cụ ngoại giao sức mạnh mềm và đã thành công.[5]

Ấn Độ được xem là cái nôi Phật học từ thế kỷ XII với sự xuất hiện của sáu trường đại học Phật giáo có tầm ảnh hưởng rất sâu rộng cho sự phát triển các học thuyết và phương pháp tu tập trong Phật giáo, không những ở Ấn Độ mà còn lan tỏa đến những quốc gia khác. Sáu trường Phật giáo cổ đại là: Đại học Nalanda, Đại học Vikramashila, Đại học Valabhi, Đại học Pushpagiri, Đại học Odantapuri và Đại học Somapura. Ngoài ra, theo thống kê của Hiệp hội đại học Ấn Độ, hiện nay có 18 trường đại học có phân khoa chuyên về Phật học.[6] Các cơ sở đào tạo Phật học là điểm đến lý tưởng cho việc học Phật pháp dành cho Tăng Ni sinh thời hiện đại, ở các cấp bậc từ cử nhân đến tiến sĩ, và là điểm nhấn trong nền Phật học Ấn Độ hiện nay. Cũng tương tự như Ngày Quốc tế Yoga, Đại lễ Phật Đản Vesak được Liên hợp quốc chọn là ngày lễ chính thức, và được tổ chức trang trọng trong những năm gần đây tại Việt Nam, với sự tham dự của Thủ tướng Nepal và Phó Tổng thống Ấn Độ trong năm 2019.

Công cụ tiếp theo để Ấn Độ triển khai sức mạnh mềm là Y học cổ truyền Ayurveda, nổi tiếng vì mang lại hiệu quả chữa bệnh từ gốc mà không cần dùng thuốc. Ayurveda theo tiếng Phạn có nghĩa là tri thức cuộc sống, đây là hệ thống y học truyền thống của Hindu - Ấn Độ. Khái niệm này cũng có thể hiểu là sự kết hợp tinh tế đến từ các yếu tố như thể thất, tinh thần và tâm linh trong đó chú trọng luôn ưu tiên sử dụng các loại cỏ cây quý hiếm để cân bằng các yếu tố này.

Để tăng cường quảng bá sức mạnh mềm Ấn Độ, cụ thể bằng các công cụ ngoại giao nêu trên, hai quốc gia đã có một số nỗ lực đáng ghi nhận như: đưa nội dung về sức mạnh mềm Ấn Độ vào giảng dạy tại các lớp lý luận chính trị cấp chiến lược tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong năm 2019-2020; tổ chức nghiên cứu và xuất bản, phổ biến tri thức về sức mạnh mềm Ấn Độ; tổ chức hoạt động quy mô lớn nhân ngày Quốc tế Yoga; và tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề về các công cụ ngoại giao sức mạnh mềm. Tuy nhiên, cần nỗ lực hơn nữa để thực sự định vị sức mạnh mềm Ấn Độ trong quan niệm của quần chúng nhân dân Việt Nam khi suy nghĩ về Ấn Độ.

Thứ ba, tăng cường giao lưu văn hóa và ngoại giao nhân dân. Bộ Nội vụ Ấn Độ ngày 7/10/2021 thông báo, Ấn Độ sẽ bắt đầu mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài nhập cảnh thông qua các chuyến bay thuê bao từ ngày 15/10/2021 sau hơn một năm đóng cửa do đại dịch COVID-19. Cơ hội mới cho giao lưu văn hóa và ngoại giao nhân dân giữa hai nước đang mở ra trong bối cảnh hậu đại dịch. Theo ông Trần Phong Bình, Vụ phó Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2019, du lịch Việt Nam - Ấn Độ có sự tăng trưởng khoảng 27%/năm. Khách Việt Nam đến Ấn Độ tăng trung bình 17%/năm, khách Ấn Độ đến Việt Nam tăng khoảng 25%/năm. Năm 2019, khoảng 33.000 du khách Việt Nam đến Ấn Độ và khoảng 170.000 du khách Ấn Độ đến Việt Nam. Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Du lịch Việt Nam, chia sẻ, đến Ấn Độ, du khách sẽ có các trải nghiệm kỳ thú như thiền định, yoga, du lịch Phật giáo, chèo thuyền trên sông Hằng huyền thoại hoặc leo núi, trượt tuyết dãy Himalaya. Ngoài ra, du lịch chăm sóc sức khỏe và các khóa tu yoga cũng là một sức hút to lớn của Ấn Độ mà khách du lịch có thể tham gia điều trị. Đây đều là những trải nghiệm vô cùng thú vị mà du khách Việt Nam yêu thích. Trong khi đó, Việt Nam lại là điểm đến hấp dẫn bởi sự an toàn, an ninh, tài nguyên du lịch phong phú. Theo đánh giá từ đại diện Bộ Du lịch Ấn Độ, Việt Nam không chỉ trở thành điểm đến tổ chức tiệc cưới sang trọng được giới nhà giàu Ấn Độ ưa chuộng mà còn đang nhận được sự quan tâm của giới làm phim Bollywood[7].

Hoạt động giao lưu văn hóa và ngoại giao nhân dân được thực hiện thông qua các hội hữu nghị ở hai nước. Tại Ấn Độ, chúng ta cần lưu ý giữ gìn và phát triển mối quan hệ với các đối tác quan trọng sau: Uỷ ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam bang Tây Bengal; Hội hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam toàn quốc; Hội hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam bang Haryana; Tổ chức Hợp tác Văn hóa và Hữu nghị Ấn Độ; Tổ chức Đoàn kết Hòa bình toàn Ấn Độ. Tại Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, cùng các chi hội tại các tỉnh thành, là cơ quan có chức năng tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa và ngoại giao nhân dân. Hàng năm, Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ đều tổ chức các hoạt động thường niên như tọa đàm, triển lãm, chiếu phim tại Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của Ấn Độ như: Ngày Cộng hòa 26/1/1950, ngày Độc lập 15/8/1947, lễ tưởng niệm cố Thủ tướng Indira Gandhi (31/10/1984), Radjiv Gandhi (21/5/94), ngày sinh của Jawaharlan Nehru (14/11/1889-5/1964), ngày sinh – ngày mất của Mahatma Gandhi ( 2/10/1869-30/1/1948), ngày Tết ánh sáng Diwali dân tộc cổ truyền (tháng 11), ngày ITEC (Chương trình học bổng ITEC) và ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ (7/1/1972).

Cần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động giao lưu văn hóa và ngoại giao nhân dân vì đây là tiền đề cơ sở để thông qua đó phát triển mối quan hệ rộng rãi với các tổ chức chính trị, xã hội, các nhà doanh nghiệp ở Ấn Độ vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Thứ tư, tăng cường kết nối: bao gồm cả kết nối giao thông và các hoạt động kết nối trực tuyến. Năm 2019 chứng kiến sự phát triển đột phá của kết nối hàng không giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ. Sau nhiều vòng đàm phán, hai bên đã mở các đường bay thẳng của các hãng hàng không Indigo (Ấn Độ) và Viet Jet (Việt Nam) giữa hai nước, rút ngắn thời gian bay giữa hai nước chỉ còn hơn 3 giờ, so với việc phải bay nhiều chặng với tổng thời gian trên 10 giờ bay như trước đây.

Ngoài kết nối đường hàng không, việc hợp tác phát triển giao thông và tiếp vận hậu cần (logistics) qua đường thủy, đường bộ, giữa Ấn Độ và ASEAN nói chung và với Việt Nam nói riêng có vai trò rất quan trọng. Đây là cơ sở góp phần thúc đẩy thương mại, giao lưu văn hóa, dịch vụ và đầu tư, tạo cơ hội phát triển vùng, đặc biệt là khu vực phía Đông Bắc Ấn Độ và cửa ngõ ASEAN. Trong hai năm 2016-2017, Ấn Độ đầu tư 4,7 tỷ USD để xây dựng và phát triển tuyến đường biên giới với các quốc gia láng giềng. Năm 2017, Chính phủ Ấn Độ phê duyệt dự án 256 triệu USD để nâng cấp nhiều tuyến đường biên giới vùng xa. Trong đó bao gồm tuyến đường cao tốc kết nối đường bộ dài gần 1.400km, khởi đầu từ khu vực Moreh, bang Manipur (Ấn Độ) đến thị trấn Tamu (Myanmar) và Mae-sot (Thái Lan). Tuyến đường này giúp vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ tại vùng Đông Bắc Ấn Độ với Thái Lan, Myanmar. Đây cũng là cửa ngõ để hàng hóa Ấn Độ và các quốc gia khác của ASEAN xâm nhập thị trường lẫn nhau một cách thuận lợi hơn. Tuyến đường cao tốc này sẽ mở ra cơ hội mới về dầu mỏ và khí đốt ngoài khơi Myanmar và Việt Nam. Tuy nhiên, vì nhiều lý do trong đó có lý do chính là đại dịch Covid-19, kết nối giao thông đường bộ chưa được thực hiện hoàn chỉnh như kế hoạch. Đây sẽ là nội dung hợp tác cần được đầu tư chú ý và thúc đẩy nhiều hơn trong thời gian tới.

Trong kết nối trực tuyến và kỹ thuật số, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Hai nước là đối tác chiến lược và nên thúc đẩy hợp tác chiến lược trong lĩnh vực Công nghệ thông tin. Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma cho biết: Việt Nam có vị trí trung tâm trong chính sách Hành động Phía Đông cũng như trong tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ. Đại sứ khẳng định: “Chúng tôi coi Việt Nam là đối tác tin tưởng nhất. Ấn Độ cũng có hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông thông qua nhiều sự kiện và các dự án hợp tác về công nghệ thông tin như thành lập Trung tâm phát triển phần mềm tại Thành phố Hồ Chí Minh hay dự án đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin cao cấp tại Hà Nội”.[8] Ấn Độ là nước có thế mạnh về công nghệt hông tin và mong muốn được tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin đặc biệt trong lĩnh vực về an ninh mạng, chính phủ điện tử hay các chương trình đào tạo nhân lực. Ấn Độ cũng quan tâm đến các kinh nghiệm của Việt Nam trong việc phát triển 5G với những bước tiến trong thời gian vừa qua. Một số công ty Việt Nam đang phát triển thiết bị 5G cũng có hợp tác với các công ty Ấn Độ. Đây hoàn toàn là lĩnh vực hai nước có thể hợp tác mạnh mẽ và sâu sắc hơn.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ


[1] https://baoquocte.vn/an-do-tai-tro-1000-hoc-bong-tien-sy-cho-sinh-vien-asean-101271.html

[2] https://vnexpress.net/an-do-ky-thoa-thuan-dua-sinh-vien-sang-du-hoc-viet-nam-4303580.html

[3] https://baotintuc.vn/nguoi-viet-4-phuong/cong-bo-chuong-trinh-hoc-bong-cua-cac-dai-hoc-an-do-danh-cho-sinh-vien-viet-nam-20210318055103502.htm

[4] Nye, Joseph S., Jr. 2005. Soft Power: The Means to Success in World Politics. PublicAffairs Books. 

[5] http://vifahanoi.org.vn/tin-tuc-su-kien/tin-tuc-an-do/An-Do-thuc-hien-chien-luoc-ngoai-giao-suc-manh-mem-thong-qua-Yoga#.YX6zIGBBzb0

[6] https://vbgh.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=le-ky-niem-35-thanh-lap-hoc-vien-phat-giao-vn-tp-hcm/09-an-do-4-truong-dai-hoc-gautam-buddha-mot-diem-nhan-trong-nen-phat-hoc-an-do-hien-nay-ts-dd-phuong-anh-dat-chuong-trinh-phat-hoc-tai-viet-nam-va-tren-the-gioi-831.html

[7] https://nhandan.vn/baothoinay-quocte-hoinhap/viet-nam-an-do-thuc-day-hop-tac-du-lich-369777/

[8] https://ictvietnam.vn/viet-nam-de-xuat-hop-tac-manh-me-voi-an-do-ve-5g-chuyen-doi-so-20200421164332713.htm

Nguồn:

Cùng chuyên mục