Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

TỪ “CUỘC TÁI LẬP VĨ ĐẠI” (GREAT RESET) CHO ĐẾN “CHÍNH SÁCH XANH MỚI” (GREEN NEW DEAL) CHỦ NGHĨA TƯ BẢN CẢI CÁCH CÓ KHẢ THI SAU ĐẠI DỊCH COVID-19?

TỪ “CUỘC TÁI LẬP VĨ ĐẠI” (GREAT RESET) CHO ĐẾN “CHÍNH SÁCH XANH MỚI” (GREEN NEW DEAL) CHỦ NGHĨA TƯ BẢN CẢI CÁCH CÓ KHẢ THI SAU ĐẠI DỊCH COVID-19?

04:00 30-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đỗ Khương Mạnh Linh dịch

Nguồn: Chương 5 cuốn sách "COVID-19 and the Future of Capitalism: Postcapitalist Horizons Beyond Neo-Liberalism" - Efe Can Gurcan, Selen Yanmaz, and Ömer Ersin Kahraman

Đại dịch COVID-19 đã làm dấy lên những nghi vấn rộng lớn về chủ nghĩa tư bản tân tự do. Ngay cả trong các nhà kinh tế học chính thống và giới tinh hoa kinh doanh ngày càng có nhiều nỗ lực nhằm tái cấu trúc triệt để chủ nghĩa tư bản toàn cầu và loại bỏ mô hình tân tự do chủ nghĩa. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) chính là sự thể hiện mạnh mẽ cho những nỗ lực ấy, WEF vốn được coi là hòn đá tảng của của bá quyền tư bản chủ nghĩa toàn cầu. WEF được thành lập vào năm 1971 bởi Klaus Schwab, một chuyên gia có tầm ảnh hưởng lớn về chính sách kinh doanh. Về sau, diễn đàn này đã phát triển từ một diễn đàn dành cho các CEO châu Âu, trở thành một mạng lưới giới tinh anh các tập đoàn lớn, tập hợp các nhà tư bản toàn cầu, các chính trị gia cấp cao và những người đứng đầu các tổ chức quốc tế bá quyền như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) (Carroll và Sapinski, 2016). Mạng lưới này cũng được mở rộng bao gồm các học giả chính thống, các chuyên gia truyền thông, nghệ sĩ và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự. Họ được gọi là “giới tinh hoa Davos”, được đặt theo tên của thành phố tổ chức các cuộc họp thường niên của WEF. Đồng thời, WEF cũng tổ chức các hội nghị khu vực thu hút giới tinh hoa địa phương từ các quốc gia hoặc khu vực nam bán cầu như Trung Quốc, Ấn Độ và châu Phi.

Các hội nghị của WEF thiết lập chương trình nghị sự cho chủ nghĩa tư bản toàn cầu thông qua các hội đồng dựa trên vấn đề. Những hội đồng này theo dõi các xu hướng toàn cầu và đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm giải quyết các rủi ro toàn cầu trong các lĩnh vực chiến lược, bao gồm kinh tế, địa chính trị, khoa học, bền vững và sức khỏe (Carroll và Sapinski, 2016). WEF đã phát huy vai trò tương tự trong đại dịch COVID-19, đề xuất của tổ chức này về cái gọi là "Sự tái lập vĩ đại của chủ nghĩa tư bản" đã có sức hút đáng kể từ giới truyền thông toàn cầu. Trong khi đó, điều đáng lưu ý là, đề xuất “Sự tái lập vĩ đại” này đã tìm thấy một đề xuất đối ứng từ các nhà cải cách tư bản trung tả dưới cái tên “Chính sách Xanh mới”. Đây không chỉ là tiếng nói của giới chủ nghĩa Keynes và các nhà kinh tế học phi chính thống, mà cũng là tiếng nói của giới chính trị gia phái tự do như chính trị gia Mỹ Ed Markey, người ủng hộ cuộc chiến Iraq năm 2003, và những người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ  như Alexandria Ocasio-Cortez.

Tất cả những cuộc thảo luận về việc tái lập chủ nghĩa tư bản và kích thích một “Chính sách mới”  đều chỉ ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan hơn 100 năm về "cải cách hay cách mạng", xoay quanh câu hỏi liệu chủ nghĩa tư bản có thể được cải cách hay không. Trong cuốn sách nhỏ có ảnh hưởng có tựa đề “Cải cách xã hội hay Cách mạng?” (Social Reform or Revolution?) (1899), Rosa Luxemburg đã đưa ra vấn đề này và chỉ trích những nhà cải cách tư bản chủ nghĩa đã cự tuyệt tính tất yếu của cuộc cách mạng, luận điểm này rất nổi tiếng:

Thay vì đứng trên lập trường xây dựng một xã hội mới, họ [tức những người tuyên bố ủng hộ phương pháp cải cách lập pháp hiện hành, phản đối chinh phục quyền lực chính trị] lại đứng trên lập trường cải tạo bề mặt xã hội cũ. Nếu chúng ta tuân theo các quan niệm chính trị của chủ nghĩa xét lại, chúng ta sẽ đi đến cùng một kết luận khi chúng ta tuân theo các lý thuyết kinh tế của chủ nghĩa xét lại. Kế hoạch của chúng ta không phải thực hiện chủ nghĩa xã hội, mà là cải cách chủ nghĩa tư bản; không phải trấn áp thể chế lao động tiền lương, mà là sự giảm bớt sự bóc lột, tức trấn áp sự xấu xa cực đoan của chủ nghĩa tư bản, chứ không phải là trấn áp bản thân chủ nghĩa tư bản.

Xuất phát từ sự hoài nghi của Luxemburg về chủ nghĩa cải cách tư bản chủ nghĩa, chương này tiến hành đánh giá một cách phê phán các đề xuất chính thống nhằm cải cách hệ thống kinh tế toàn cầu trong thời đại hậu Covid. Trong hai phần đầu tiên, chúng tôi thảo luận các chủ đề chính đứng đằng sau hai đề xuất “Sự tái lập vĩ đại” của WEF và “Chính sách Xanh mới” của giới chủ nghĩa Keynes. Phần thứ ba đánh giá một cách phê phán tính chất cải cách của những đề xuất nói trên thông qua việc tham chiếu các khái niệm về chủ nghĩa tư bản xanh và chủ nghĩa đế quốc sinh thái. Kết luận của chúng tôi cung cấp một kế hoạch chi tiết về xã hội chủ nghĩa sinh thái để vượt qua chủ nghĩa cải cách tư bản chủ nghĩa trong thời kỳ hậu Covid.

CUỘC TÁI LẬP VĨ ĐẠI CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN: CHỦ NGHĨA TƯ BẢN CẢI CÁCH VƯỢT QUA QUAN NIỆM CHÍNH THỐNG TÂN TỰ DO CHỦ NGHĨA

“Covid-19: Sự tái lập vĩ đại”  (COVID-19: The Great Reset) - cuốn sách do Klaus Schwab và nhà kinh tế học người Pháp Thierry Malleret (2020) đồng tác giả - đã trở thành một trong những cuốn sách được tranh luận nhiều nhất năm 2020, giữ vai trò chủ đạo trong các cuộc thảo luận về cải cách chủ nghĩa tư bản liên quan đến đại dịch Covid. Trong khi đề xuất "Sự tái lập vĩ đại" được Thái tử Charles của nước Anh trình bày trước công chúng, nhưng các nhà lãnh đạo thế giới như Justin Trudeau, Joe Biden và Boris Johnson cũng đã sử dụng diễn ngôn ủng hộ cải cách gần tương tự với "Sự tái lập vĩ đại" (Inman 2020; Wherry 2020). "Sự tái lập vĩ đại" thừa nhận rằng, đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu với quy mô vô tiền khoáng hậu, làm lộ ra “những đường đứt gãy của thế giới, mà rõ ràng nhất là sự chia rẽ xã hội, thiếu công bằng, thiếu hợp tác, thất bại trong quản trị và lãnh đạo toàn cầu” (Schwab và Malleret, 2020:8). Theo Schwab và Malleret, cuộc khủng hoảng này sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng, không chỉ về mặt kinh tế mà còn lan sang các lĩnh vực chính trị cũng như xã hội và địa chính trị. Để ứng phó với những thách thức của một thế giới hậu Covid, các tác giả đề xuất một sự thay đổi mô hình có thể giúp chủ nghĩa tư bản đứng vững trở lại. Sự thay đổi này tập trung vào năm lĩnh vực chính ở cấp vĩ mô: kinh tế, xã hội, địa chính trị, môi trường và công nghệ.

Điều mà Schwab và Malleret (2020:28) gọi là “Sự tái lập kinh tế” đã thách thức “chuyên chế về tăng trưởng GDP”. Theo quan điểm của họ, kinh tế học cần một la bàn mới để đo lường sự tiến bộ. Theo đó, người ta nên suy tính đến khả năng phục hồi kinh tế tốt hơn bằng cách tham khảo một số nhân tố mang tính quyết định như thể chế hóa, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, dự trữ vốn khẩn cấp, hệ sinh thái sáng tạo và tính bền vững. Thêm vào đó, các tác giả còn đốc thúc các nhà hoạch định chính sách xây dựng các mục tiêu chính sách công mới để giải quyết vấn đề bất bình đẳng về thu nhập và giàu nghèo, đồng thời hạ thấp mức sống và phúc lợi xã hội. Chương trình nghị sự toàn diện này bao gồm một số chỉ số hạnh phúc như dịch vụ y tế dễ tiếp cận, sức khỏe tâm thần, tình trạng nghèo đói ở trẻ em và bạo lực gia đình. Hơn nữa, Schwab và Malleret cho rằng, sự tái lập kinh tế này sẽ giải phóng tiềm năng của chủ nghĩa tư bản kỹ thuật số, từ đó hồi sinh nền kinh tế toàn cầu dựa trên cách tiếp cận dựa về công nghệ và sáng tạo. Về vấn đề này, các tác giả kêu đốc thúc giá trị được tạo ra trong nền kinh tế kỹ thuật số nên được coi như một la bàn khác để theo dõi sự tiến bộ về kinh tế. Đây cũng là lý do tại sao các tính toán GDP sẽ được điều chỉnh để tương thích với nền kinh tế kỹ thuật số. Một la bàn quan trọng khác do Schwab và Malleret đề xuất liên quan đến việc phát triển nền kinh tế xanh và kích thích đầu tư vào các lĩnh vực xã hội như giáo dục và y tế, với hy vọng không chỉ chấn hưng động lực sáng tạo của chủ nghĩa tư bản, mà còn tạo ra cơ hội việc làm.

Tái lập xã hội để giải quyết những tác động tiêu cực của COVID-19 đối với sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng và bất ổn xã hội, điều này cần đến sự hồi quy của “chính phủ lớn” (Schwab và Malleret 2020: 38). Schwab và Malleret kêu gọi sự chú ý đến thực tế là đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm và phơi bày bất bình đẳng xã hội. Tình trạng này cũng được phản ánh trong điều kiện lao động, tức “tầng lớp thượng lưu và trung lưu làm việc từ xa và con cái họ tự học (cấp tiểu học hoặcthấp hơn, trung học, ở những nơi xa hơn được coi là an toàn hơn), trong khi các thành viên của tầng lớp lao động (đối với những người có việc làm) - họ không ở nhà và không giám sát việc học của con cái, mà thay vào đó, họ làm việc trên tuyến đầu để giúp cứu sống con người (trực tiếp hoặc không) và kinh tế - dọn dẹp bệnh viện, sắp xếp nhân viên, vận chuyển nhu yếu phẩm , và đảm bảo an ninh của chúng ta”(35). Tương tự, Schwab và Malleret chỉ ra rằng, các nhóm có thu nhập thấp và các nhóm dễ bị tổn thương, chẳng hạn như các cộng đồng người Mỹ gốc Phi nghèo đói và người vô gia cư ở Mỹ, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, đặc biệt khi tử vong do COVID-19. Điều này có lợi cho tình trạng bạo loạn trên phạm vi rộng, cụ thể là tội phạm bạo lực, bạo loạn và các cuộc biểu tình chống chính phủ, chỉ có thể được xoa dịu thông qua “tăng cường bảo vệ người lao động” và “cung cấp trợ cấp xã hội, bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe rộng rãi hơn, nếu không phải là phổ cập, cung cấp sự trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, y tế và các dịch vụ chất lượng cơ bản”(41).

Schwab và Malleret cũng kêu gọi sự tái lập địa chính trị để đối đầu với chủ nghĩa dân tộc cánh hữu đang lan tràn và sự đối đầu Trung-Mỹ ngày càng gia tăng. Điều có liên quan là, chúng chỉ ra nguy cơ phi toàn cầu hóa ngày càng gia tăng, điều này có thể dẫn đến khu vực hóa lớn hơn và sự phân chia ngày càng lớn giữa Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Điều đặc biệt cần chú ý là, cho đến hiện tại, cách các nhà lãnh đạo quốc gia đã tập trung sức lực ứng phó với đại dịch này bằng cái giá là hy sinh hợp tác quốc tế. Điều này được minh họa rõ ràng qua việc Mỹ rời khỏi Tổ chức Y tế Thế giới trong suốt thời kỳ đại dịch. Đặc biệt, đại dịch này đã bộc lộ sự xói mòn quyền lực mềm của Mỹ với sự thất bại của chính quyền Trump trong việc ứng phó với tình trạng khẩn cấp toàn cầu:

Trong khi trước đây, Mỹ luôn là người đầu tiên đến nơi cần viện trợ (như vào ngày 26 tháng 12 năm 2004 khi trận sóng thần tấn công Indonesia), thì vai trò này hiện thuộc về Trung Quốc ... Vào tháng 3 năm 2020, Trung Quốc đã gủi cho Italia 31 tấn thiết bị y tế (máy thở, khẩu trang và quần áo bảo hộ) thứ mà EU không thể cung cấp. (50)

Schwab và Malleret thừa nhận rằng, “Mỹ đã loạng choạng trong cuộc khủng hoảng đại dịch và ảnh hưởng của nó đã suy yếu” (52). Điều này cũng cộng hưởng với lập luận trước đây của họ về sự tái lập kinh tế: đại dịch có thể góp phần làm xói mòn sự thống trị của đồng đô la Mỹ, mặc dù chưa có lựa chọn thay thế thực sự nào để thay thế bá quyền tài chính của Mỹ.

Đối với việc tái lập môi trường, Schwab và Malleret chỉ ra thế lưỡng nan về chính sách quan trọng của thế giới hậu Covid. Một khả năng là, do những thách thức kinh tế liên quan đến đại dịch, giá dầu thấp và lòng tham của doanh nghiệp, chính phủ các nước có thể ưu tiên phục hồi kinh tế hơn các chính sách nhắm vào biến đổi khí hậu. Một yếu tố khác là, chính phủ các nước có thể lợi dụng "sự xuất hiện của lương tâm xã hội mới dù cuộc sống có thể khác nhau” (58) để nắm bắt thời cơ thúc đẩy nền kinh tế xanh. Kết quả như vậy phụ thuộc vào sự tồn tại của tầng lớp lãnh đạo sáng suốt, sự nâng cao nhận thức về rủi ro, sự phát triển của một thái độ xã hội đối với "cuộc sống xanh" và tăng cường chủ nghĩa cấp tiến (58-60).

Một lĩnh vực cuối cùng mà Schwab và Malleret hình dung ra cải cách trên phạm vi rộng là công nghệ, lĩnh vực mà đại dịch đã làm gia tăng mức độ liên quan của robot, trí tuệ nhân tạo và hệ thống theo dõi. Các tác giả có thái độ lạc quan về đại dịch đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của nền kinh tế toàn cầu. Điều này đặc biệt rõ ràng về phương diện đại dịch đã tạo điều kiện cho “làm việc trực tuyến, giáo dục, mua sắm, thuốc men và giải trí” (62), những thứ có thể trở nên lâu dài trong thời kỳ hậu Covid. Trong khi đó, Schwab và Malleret cảnh báo về tốc độ phát triển nhanh chóng của hệ thống giám sát kỹ thuật số, vì chúng dễ bị tấn công bởi "xâm nhập mạng, các vấn đề lòng tin vào người điều hành hệ thống và thời gian lưu giữ dữ liệu" (65).

Nhìn chung, Sự tái lập vĩ đại - với tư cách là một đề xuất bá quyền thu hút giới tinh hoa Davos - đã đưa ra một mô hình chủ nghĩa tư bản xanh mới, phát triển một cách tiếp cận nhân văn hơn và toàn diện hơn đối với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Schwab và Malleret kêu gọi sự trở lại của "chính phủ lớn", được hy vọng sẽ đẩy nhanh quá trình số hóa chủ nghĩa tư bản và đổi mới công nghệ. Chính phủ lớn cũng được kỳ vọng sẽ giải quyết sự chênh lệch kinh tế xã hội và giảm bớt căng thẳng xã hội đang ngày càng gia tăng trong điều kiện đại dịch. Ngoài ra, "Sự tái lập vĩ đại" đã xác định một số thách thức lớn cần suy xét cẩn thận. Nhiều thách thức trong số này đều có liên quan đến những thách thức đã được thảo luận ở các chương trước, đặc biệt liên quan đến việc số hóa chủ nghĩa tư bản, chuyển biến trong mới quan hệ giữa lao động và tiền lương, sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản giám sát và sự đa cực của chính trị thế giới.

HƯỚNG TỚI MỘT CHÍNH SÁCH XANH MỚI? SỰ HỒI SINH CỦA CHỦ NGHĨA KEYNES SAU COVID-19

Những lời kêu gọi cải cách chủ nghĩa tư bản đã không xuất hiện trên phạm vi toàn cầu cùng với sự bùng nổ của đại dịch COVID-19. Những lời kêu gọi này đã trở nên cấp thiết hơn sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2007-08, đây được coi là cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Sau cùng, "Chính sách Xanh mới" (Green New Deal) đã trở thành khẩu hiệu thúc đẩy của những lời kêu gọi như vậy. Từ đầu những năm 2000 trở lại đây, Đảng Xanh Mỹ đã đề xuất ý tưởng về Thỏa thuận Xanh mới (Atkin, 2019), nhưng bài báo "Lời cảnh báo từ khu vườn" (A Warning from the Garden) của Thomas L. Friedmans (2007) đã giúp quảng bá ý tưởng này. Về sau, Obama đã dung nạp ý tưởng này vào nền tảng của ông ta. Hơn nữa, vào năm 2008, những người theo chủ nghĩa Keynes của Anh đã tổ chức Nhóm Chính sách Xanh mới (Green New Deal Group, GNDG) và Quỹ Kinh tế mới (New Economics Foundation) đã đi đầu trong việc đề xướng Chính sách Xanh mới. Họ đã đưa ra một báo cáo có ảnh hưởng mang tên "Một Chính sách Xanh mới: Chính sách liên hợp nhằm giải quyết ba nguy cơ khủng hoảng về tín dụng, biến đổi khí hậu và giá dầu cao (Green New Deal Group, 2008). Đề xuất này sau đó đã được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và các chính trị gia châu Âu như Gordon Brown và các nghị sĩ thuộc các đảng Xanh ở Nghị viện châu Âu (Pettifor 2019) thông qua.

Tương tự như đề xuất "Cuộc tái lập vĩ đại", ý tưởng về một "Chính sách Xanh mới" đang trở nên ngày càng phổ biến trong đại dịch COVID-19. Bản tóm tắt chính sách của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhấn mạnh rằng, đại dịch COVID-19 đã chỉ rõ “tầm quan trọng của sức khỏe môi trường và khả năng phục hồi như là một sự bổ sung quan trọng cho y tế công” (OECD, 2020: đoạn 9). Tuy đại dịch dự kiến sẽ dẫn đến sự suy giảm lượng khí thải carbon toàn cầu, ô nhiễm không khí giảm xuống và chất lượng nước được cải thiện, nhưng nó cũng đã cho thấy thách thức về quản lý chất thải mới và tầm quan trọng của sự can thiệp của con người đối với đa dạng sinh học. Bản tóm tắt chính sách nhấn mạnh rằng, việc xây dựng lại nền kinh tế toàn cầu ngày càng phụ thuộc vào việc xây dựng năng lực phục hồi trước những cú sốc trong tương lai và cải thiện phúc lợi chung. Bên cạnh các mối quan tâm đơn thuần về môi trường, bản tóm tắt này còn nhấn mạnh tiềm năng của nền kinh tế xanh trong việc tạo ra các cơ hội việc làm mới, tăng tốc đổi mới song song với việc giải quyết bất bình đẳng (OECD, 2020).

Hàn Quốc đã tiến một bước quan trọng trong việc thực hiện Chính sách Xanh mới. Vào tháng 7 năm 2020, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã khởi động cái gọi là Thỏa thuận mới của Hàn Quốc, trong đó hứa hẹn đầu tư 135 tỷ USD vào công nghệ xanh và kỹ thuật số để ứng phó với đại dịch. Theo kế hoạch này, hơn 87% khoản đầu tư này đến từ chính phủ, trong khi phần còn lại do khu vực tư nhân đảm nhận. Là một phần của Chính sách Xanh mới, Hàn Quốc ưu tiên phát triển tấm pin mặt trời, tuabin gió, các cộng đồng lưới điện vi mô, xe điện, xe điện pin nhiên liệu chạy bằng hydro và các chính sách tiết kiệm năng lượng. Những lĩnh vực ưu tiên này được hy vọng sẽ tạo ra “việc làm xanh” (Sung Young, Thurbon, Tuo và Mathews, 2020; OECD, 2020).

Báo cáo GNDGs 2008 cung cấp một nền tảng tri thức toàn diện cho Chính sách Xanh mới. Điều đáng chú ý là, báo cáo xuất phát từ các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Keynes, chủ yếu tuân thủ hai lĩnh vực ưu tiên: giải quyết các vấn đề về thất nghiệp và suy giảm nhu cầu:

[Chính sách Xanh mới] này đòi hỏi phải tái điều chỉnh tài chính và thuế, cộng với một chương trình cải cách khổng lồ nhằm mục đích giảm đáng kể việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, và trong quá trình đó giải quyết tình trạng thất nghiệp và suy giảm nhu cầu gây ra bởi thắt chặt tín dụng. (Green New Deal Group, 2008: 2)

Ý tưởng chính ở đây là sử dụng chi tiêu công chủ yếu dùng cho các công ty trong nước, với hy vọng những công ty này có thể đổi mới công nghệ và tăng lương, đồng thời góp phần tạo ra tiêu dùng thân thiện với môi trường:

Bất kỳ khoản chi tiêu công nào cũng nên được nhắm đến mục tiêu để các công ty trong nước được hưởng lợi, và sau đó tiền lương được tạo ra sẽ tạo ra thêm chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Vì vậy, các sáng kiến nhiệt và điện kết hợp tạo ra thu nhập cho các công ty xây dựng và công nghệ, sau đó tiền lương của công nhân được chi cho thực phẩm, quần áo, giải trí gia đình, rạp hát, v.v., và rồi tạo ra nhu cầu cho các ngành đó. (27)

Báo cáo của GNDG chỉ ra rằng, cuộc khủng hoảng 2007-2008 không thể đơn giản hoá như hiện tượng một chiều. Mà thay vào đó, nó bắt nguồn từ một loạt các tình huống khẩn cấp chồng chéo lên nhau, mà biểu hiện nổi bật nhất chính là "cuộc khủng hoảng tài chính được thúc đẩy bởi chính tín dụng, biến đổi khí hậu tăng tốc và giá năng lượng leo thang được củng cố bởi việc sản xuất dầu dần tiệm cận mức đỉnh" (28). Theo báo cáo trên, giải pháp cuối cùng cho cuộc khủng hoảng này nằm ở việc cơ cấu lại hệ thống tài chính, thuế và năng lượng của chúng ta, điều này có thể tóm tắt trong 9 điểm sau: áp dụng hệ thống năng lượng carbon thấp, tạo ra "việc làm trong lĩnh vực xanh" bằng cách chuyển trọng tâm nền kinh tế ra khỏi khu vực tài chính và chủ nghĩa tiêu dùng, đảm bảo giá nhiên liệu hóa thạch thực tế hơn, tăng các khoản đầu tư thông minh để phát triển cơ sở hạ tầng và đổi mới hiệu quả năng lượng, áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với khu vực tài chính trong nước, buộc các tập đoàn tài chính và ngân hàng lớn phải chia tách, hạn chế lĩnh vực tài chính quốc tế, giám sát quản lý các sản phẩm phái sinh và các công cụ ngoại lai khác, và chống trốn thuế doanh nghiệp.

Điều thú vị là, báo cáo này ca ngợi thành công lịch sử của Cuba trong việc xây dựng năng lực chống chịu với khí hậu, chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ và đạt được khả năng tự cung cấp lương thực thông qua nông nghiệp mô hình nhỏ và nông nghiệp đô thị:

Cách tiếp cận của Cuba hoàn toàn trái ngược với mô hình phát triển thường được các tổ chức tài chính quốc tế bảo trợ. Mô hình này được quản lý cao độ, tập trung vào việc thoả mãn nhu cầu trong nước hơn là hướng đến xuất khẩu, phần lớn là sản phẩm hữu cơ và được xây dựng dựa trên sự thành công của các trang trại nhỏ. Nó khác biệt đến mức đã được Ngân hàng Thế giới gọi là “mô hình chống đối”, nhưng nó cũng nhận được sự kính trọng đáng kính ngạc. Ít nhất một nhà phân tích cho rằng, thử nghiệm ở Cuba “có thể nắm giữ nhiều chìa khóa cho sự sinh tồn trong tương lai của nền văn minh”. (31)

Trong cuốn sách mang tên "Trường hợp của Chính sách Xanh mới" (The Case for the Green New Deal) (2019), nhà kinh tế Ann Pettifor thuộc GNDG đã trình bày chi tiết hơn về đề xuất Chính sách Xanh mới. Cuốn sách đưa ra một chiến lược toàn diện và bao trùm trong khi vẫn tuân thủ các nguyên lý cơ bản của kinh tế học Keynes về khuyến khích đầu tư và quản lý nhu cầu:

Chúng tôi kêu gọi một kế hoạch bền vững để đầu tư và triển khai năng lượng tiết kiệm và năng lượng tái tạo, đồng thời với việc quản lý nhu cầu một cách hiệu quả. (Pettifor, 2019: 43)

Pettifor lập luận rằng, điều mà đề xuất này theo đuổi không chỉ là sự thay đổi về hành vi, cộng đồng và công nghệ. Nó đòi hỏi những chính phủ thay đổi thông qua việc chuyển đổi một cách triệt để các hệ thống kinh tế và sinh thái. Bà quy kết nguyên nhân của các cuộc khủng hoảng kinh tế và sinh thái hiện nay là do buông lỏng quy định tài chính, trong đó tín dụng vô hạn độ đã khuyến khích chủ nghĩa tiêu dùng không bền vững với môi trường. Tương tự như "Sự tái lập vĩ đại" của Schwab và Malleret (2020), bà nghi ngờ về quyền lực đế quốc của Mỹ, với đại diện là vị thế siêu việt của đồng đô la, đồng thời chỉ trích sự ủng hộ của Obama đối với Phố Wall. Bà thậm chí lập luận một cách thiếu kiềm chế rằng, “chủ nghĩa tư bản tài chính đô la hóa đã dịch chuyển ra nước ngoài, đã làm suy yếu quyền lực của các chính phủ dân chủ và cộng đồng địa phương trong việc phát triển các chính sách kinh tế nhằm thoả mãn các nhu cầu cấp thiết” (Pettifor, 2019: 31). Cuối cùng, theo Pettifor, Chính sách Xanh mới dựa trên bảy nguyên tắc sau: áp dụng nền kinh tế ổn định với đặc trưng là các chính sách bền vững, cách tiếp cận dựa trên nhu cầu và loại trừ chủ nghĩa tiêu dùng, nguyên tắc tự cung tự cấp đã giúp các nước Nam bán cầu thoát khỏi “chuỗi thực dân”, áp dụng nền kinh tế hỗn hợp, thực hiện các chính sách có lợi cho người lao động, điều phối tiền tệ và tài khóa, và thực hiện các mô hình kinh tế dựa trên tăng trưởng. Pettifor tin rằng, cần phải huy động các nguyên tắc này để có thể toàn cầu hoá Chính sách Xanh mới.

Ý tưởng "Chính sách Xanh mới" đã tạo được tiếng vang mạnh mẽ trong Đảng Dân chủ Mỹ. Vào tháng 2 năm 2019, Thượng nghị sĩ Edward J. Markey và Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez đã đệ trình nghị quyết Chính sách Xanh mới lên Thượng viện và Hạ viện Mỹ (Ocasio-Cortez et al., 2019). Tương tự như Pettifor, nghị quyết của họ cho rằng, Mỹ đang trải qua một cuộc khủng hoảng nhiều mặt, đặc trưng bởi sự suy giảm về mặt tuổi thọ và chất lượng sống. Cuộc khủng hoảng này không chỉ biểu hiện về phương diện biến đổi khí hậu, mà còn biểu hiện ở khả năng tiếp cận hạn chế của người dân đối với "không khí sạch, nước sạch, thực phẩm lành mạnh, chăm sóc sức khỏe đầy đủ, nhà ở, giao thông và giáo dục" (Ocasio-Cortez et al., 2019: 3). Tất cả điều này là do sự trì trệ về tiền lương, phi công nghiệp hóa và các chính sách chống người lao động. Nghị quyết còn nhấn mạnh rằng, mặc dù nước Mỹ sở hữu năng lực về công nghệ, nhưng chiếm đến 20% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Do đó, “Mỹ phải đóng vai trò chủ đạo trong việc giảm phát thải thông qua chuyển đổi kinh tế” (3). Về phương diện này, các chính sách khẩn cấp trước mắt là phải tạo ra việc làm trong lĩnh vực Xanh với mức lương cao, xây dựng cơ sở hạ tầng xanh, cho phép tiếp cận các nhu cầu cơ bản của con người, thúc đẩy nông nghiệp bền vững và chống lại sự áp bức sắc tộc.

"Chính sách Xanh mới" bày tỏ cho khát vọng của chủ nghĩa Keynes về môi trường, đồng thời chia sẻ những điểm tương đồng nổi bật với đề án "Sự tái lập vĩ đại". Có vẻ như diễn ngôn "Chính sách Xanh mới" như một mô hình bá quyền đã được một số nhân vật quan trọng trong nền chính trị thế giới áp dụng theo cách nhận thức về sự hấp dẫn của đề án "Sự tái lập vĩ đại" đối với giới tinh hoa Davos.

Chính sách Xanh mới dựa trên sự phê phán đối với chủ nghĩa tân tự do và triển vọng chính sách tập trung vào tài chính của nó, chủ nghĩa tân tự do vốn được coi là thủ phạm chính của cuộc khủng hoảng hiện tại và càng trở nên trầm trọng bởi đại dịch COVID-19. Tương tự như "Sự tái lập vĩ đại", Chính sách Xanh mới đề xuất một chương trình nghị sự đa dạng và bao trùm của “chính phủ lớn”, tuy nhiên lại ưu tiên lợi ích của khu vực tư nhân. Trọng tâm chính của chương trình nghị sự này là chấn hưng chủ nghĩa tư bản bằng cách kích thích việc làm và tiêu dùng thông qua việc sử dụng các phương thức “xanh”. Trong khi đó, điều ngạc nhiên là, chủ nghĩa Keynes về môi trường kêu gọi tự cung tự cấp nhân danh phá bỏ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân mới (hay chủ nghĩa đế quốc) đối với khu vực Nam bán cầu, đồng thời ca ngợi một cách rõ ràng về những thành tựu lịch sử của Cuba. Tuy nhiên, lời ca tụng “theo chủ nghĩa thế giới thứ ba” này của chủ nghĩa Keynes về môi trường lại mâu thuẫn với sự kiên trì mang tính giáo điều của nó về việc duy trì hệ thống tư bản-đế quốc, đồng thời khiến người ta nghĩ đến khả năng thực tế là từ bỏ chủ nghĩa tư bản để kiếm tìm một sự khả năng hiện thực “triệt để hơn và tự chủ hơn” (Veltmeyer và Rushton 2012: 150 ), tức nói một cách đơn giản là  “chủ nghĩa xã hội”.

TƯƠNG LAI CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN XANH: BÁ QUYỀN TOÀN CẦU VÀ CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC SINH THÁI

Các cuộc thảo luận xung quanh Chính sách Xanh mới được kích hoạt bởi đại dịch Covid-19 đặt ra câu hỏi về tính khả thi của chủ nghĩa Keynes trong việc thực hiện những chuyển đổi như mong muốn. Người ta phải chú ý thấy rằng, chủ nghĩa Keynes về môi trường chủ yếu lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của kỷ nguyên Chính sách kinh tế mới (US New Deal) (1933-45) và tác động mở rộng của nó giữa những năm 1950 và 1960. Khi Franklin D. Roosevelt lên làm tổng thống, chính trường Mỹ đã được đánh dấu bằng những cuộc biểu tình lan rộng và cái gọi là mối đe dọa ngày càng tăng của chủ nghĩa xã hội nhằm phản ứng với tình trạng Đại suy thoái (1929-33) (Panitch và Gindin, 2012). Đối mặt với những thách thức này, Roosevelt khuyến khích việc áp dụng các giá trị quan xã hội cao quý hơn lợi nhuận tiền tệ đơn thuần ”(Franklin D. Roosevelt, trích dẫn bởi Panitch và Gindin, 2012: 55). Vì thế, ông chỉ ra rằng, nhà nước cần thực hiện một chương trình nghị sự cải cách xã hội và giám sát quản lý mạnh mẽ, để cứu chủ nghĩa tư bản khỏi chính nó. Ông dựa vào các khẩu hiệu như "chủ nghĩa cấp tiến lý trí" và "hãy cải cách nếu bạn muốn duy trì" (55).

Chí ít có hai vấn đề quan trọng nổi bật trong ý tưởng của Roosevelt về việc ban hành một “thỏa hiệp giai cấp to lớn” (great class compromise). Một là, thỏa hiệp này ban đầu được cho là như một biện pháp cấp tiến, mặc dù tạm thời, là sự áp đặt chính nó trong quá trình phát triển của chủ nghĩa xã hội. Xét cho cùng, thỏa hiệp này về cơ bản không tương thích với bản chất tối đa hóa lợi nhuận của chủ nghĩa tư bản, vì nó được thúc đẩy bởi cuộc theo đuổi tích lũy tư bản vô tận. Roosevelt đã nói rõ về tính lâm thời và tác dụng mang tính công cụ của “Chính sách kinh tế mới” rằng:

Theo tôi, không nghi ngờ gì nữa, đã đến lúc đất nước phải trở nên khá cấp tiến trong ít nhất một thế hệ. Lịch sử cho thấy rằng, ở những nơi điều này thỉnh thoảng xảy ra, các quốc gia được cứu khỏi các cuộc cách mạng. (55)

Cuối cùng, điều này đặt ra câu hỏi không chỉ là liệu chủ nghĩa tư bản có thể cải cách một cách toàn diện hay không, mà còn đặt ra câu hỏi rằng, liệu một phiên bản “Xanh hóa” của chủ nghĩa tư bản cải cách có khả thi trong bối cảnh COVID-19 hay không.

Vấn đề thứ hai là, sự tái cấu trúc triệt để chủ nghĩa tư bản theo đường lối cải cách chủ nghĩa đã trực tiếp định hình nên hệ thống chủ nghĩa đế quốc trên thế giới. Cần lưu ý rằng, bản thân Roosevelt không chống lại ý tưởng về chủ nghĩa can thiệp quân sự nước ngoài. Khi phê bình về sự đơn phương của Học thuyết Monroe ở Mỹ Latinh, ông thừa nhận sự cần thiết phải định hình lại chủ nghĩa can thiệp của Mỹ trong khuôn khổ đa phương “nhân danh tất cả các nước châu Mỹ và chỉ hợp tác với các nước cộng hòa khác” (56). Về phương diện này, điều quan trọng hơn là cách thức “chủ nghĩa can thiệp trong nước” vào thời đại Chính sách kinh tế mới sau này được mở rộng thành “chủ nghĩa can thiệp quốc tế” nhằm theo đuổi lợi ích của chủ nghĩa đế quốc (Panitch và Gindin, 2012: 63). Năm 1944, trong quá trình chủ nghĩa đế quốc Mỹ thực hiện Chính sách kinh tế mới, nó đã phát triển một khuôn khổ đa phương xung quanh hệ thống Bretton Woods. Là một phần của hệ thống này, cái được gọi là hệ thống Bretton Woods, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và sau đó là Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT), nhằm thúc đẩy bá quyền toàn cầu của Mỹ. Như miêu tả của Leo Panitch và Sam Gindin (2012: 74), "ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Bretton Woods là nó đã thể chế hóa vai trò chủ đạo của Mỹ trong quản lý tiền tệ quốc tế như một phần của sự chấp nhận chung đồng đô la Mỹ như là tiền tệ nền tảng của nền kinh tế quốc tế. ” Những nỗ lực phát động chủ nghĩa tư bản toàn cầu này được kết hợp với Kế hoạch Marshall, kế hoạch này trao quyền cho các ngân hàng và tập đoàn Mỹ trong việc tái thiết Tây Âu thời hậu chiến và xoa dịu bất ổn xã hội để ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa xã hội. Như vậy, Châu Âu đã áp dụng “các hình thức sản xuất và tích lũy đã được phát triển trước đó ở Mỹ” cùng với “quan hệ lao động sản xuất kiểu Mỹ” (Panitch và Gindin, 2012: 100). Trong quá trình này, chủ nghĩa Keynes toàn cầu đã phát triển thành một dự án đế quốc chủ nghĩa sử dụng nhiên liệu dầu mỏ được lãnh đạo bởi các công ty dầu mỏ và quân đội Mỹ. Hơn nữa, cùng với việc xây dựng thị trường đô la Mỹ ở châu Âu, chủ nghĩa Keynes toàn cầu đã dẫn đến một cấu trúc tài chính quốc tế hóa do Mỹ lãnh đạo (Panitch và Gindin, 2012). Suy cho cùng, lịch sử của chủ nghĩa đế quốc Mỹ có thể gọi là "kỷ nguyên Keynes" đặt ra câu hỏi liệu việc thực hiện Chính sách Xanh mới hoặc Sự tái lập vĩ đại có thể kích hoạt một giai đoạn bành trướng mới của chủ nghĩa đế quốc hay không.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác, khả năng cải cách của chủ nghĩa tư bản dường như rất đáng nghi ngờ, nó sẽ vấn đề hoá chủ nghĩa tư bản xanh, "tẩy xanh" (greenwashing) và chủ nghĩa đế quốc sinh thái. Ở đây, chủ nghĩa tư bản xanh có thể được lý giải là “nền chính trị môi trường với phạm vi rộng lớn coi hệ thống kinh tế - chính trị của chủ nghĩa tư bản và các thể chế giữ vai trò chủ đạo của nó là điều đương nhiên, và cho rằng, có thể giải quyết thỏa đáng những ảnh hưởng sinh thái tiêu cực của hoạt động kinh tế mang tính bóc lột bằng các chính sách nhà nước tốt hơn và thực thi quy định tốt hơn, điều chỉnh các hoạt động của thị trường và hoạt động các ngành nghề, cải tiến khoa học và sử dụng công nghệ, nâng cao kiến thức và giáo dục, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ về môi trường và/hoặc các hành động tự nguyện của các doanh nghiệp và cá nhân”(Holleman, 2018: 74-75). Ngay cả những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản xanh cũng thừa nhận rằng, chủ nghĩa tư bản cải cách với hình thức này này sẽ dẫn đến sự xuất hiện của một chế độ tích lũy mới thông qua cái gọi là cải cách chính sách "mang tính đột phá" như Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015 và các hành động chính sách khác phát triển chủ nghĩa tư bản carbon thấp trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và nông nghiệp (Guttmann, 2018: 57).

Suy xét rằng “mục tiêu chủ yếu của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa là tích lũy tư bản” (Graham, 2019: 20), người ta có thể suy ra rằng, các cải cách xanh đối với chủ nghĩa tư bản chắc chắn sẽ dẫn đến các quá trình hàng hóa và bóc lột mới không thể tránh khỏi.

Hơn nữa, người ta không thể không đặt câu hỏi rằng, những cải cách như vậy sẽ sâu sắc hoá đến mức độ nào về phương diện cải thiện công bằng xã hội và tính bền vững (Graham, 2019). Như các đề xuất "Sự tái lập vĩ đại" và "Chính sách Xanh mới" đã được đóng khung, chủ nghĩa tư bản xanh đề xuất một kế hoạch xã hội chủ nghĩa đầy tham vọng, thậm chí là nhắm vào sự bất bình đẳng giàu nghèo. Nếu chúng ta tin xác tín rằng, khuôn khổ bao trùm này không chỉ là một phần của một chiến dịch quan hệ công chúng (PR) nhằm khôi phục bá quyền của chủ nghĩa tư bản toàn cầu, thì các đề xuất cấp tiến của nó như đạt được bình đẳng tài sản nên được chi tiết hóa với mức độ nghiêm ngặt hơn. Thậm chí có thể có trường hợp: khẩu hiệu của chủ nghĩa tư bản xanh được tái triển khai để tận dụng các điều kiện của đại dịch nhằm đẩy nhanh sự phát triển của chủ nghĩa tư bản kỹ thuật số và chương trình nghị sự các tập đoàn xanh. Về mặt này, người ta cho rằng, rất nhiều cá nhân và tổ chức đang nỗ lực thích ứng với kỹ thuật số, chẳng hạn như phân phối hiệu quả các nguồn lực vật chất, tổ chức hệ thống sản xuất và cho phép làm việc từ xa, sẽ mang lại kết quả tích cực cho môi trường thông qua việc giảm các dấu chân carbon[1] và loại bỏ việc sử dụng tài nguyên không cần thiết (LaBerge et al. 2020). Tuy nhiên, như đã thảo luận trong các chương trước, những đánh giá này thường bỏ qua chi phí xã hội của những thay đổi như vậy, đặc biệt là trong điều kiện bóc lột và áp bức lao động.

Tẩy xanh thường được sử dụng bởi các doanh nghiệp. Tiêu biểu cho những nỗ lực này là chương trình “Chúng tôi đồng ý” (We Agree), chiến dịch quảng cáo này của Chevron nhằm truyền đạt ấn tượng rằng công ty này kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng để phát triển bền vững. Tuy nhiên, trên thực tế, các lãnh đạo cộng đồng đã được lựa chọn thông qua các cuộc tuyển chọn "diễn viên". Chiến dịch này là để đánh lạc hướng dư luận khỏi hồ sơ nhân quyền và môi trường tệ hại của Chevron (Bowen, 2014). Một ví dụ khác về việc tẩy xanh là cách Exxon Mobil giải ngân số tiền trị giá 16 triệu USD trong giai đoạn 1998-2005 cho các tổ chức nghiên cứu (think-tanks) cánh hữu và các tổ chức khoa học tuyên bố trung lập bất chấp mối quan hệ hữu cơ của họ với ngành công nghiệp carbon. Mục đích là để hỗ trợ nghiên cứu làm sáng tỏ những tác động tiêu cực đến môi trường của ngành công nghiệp carbon (Wall, 2010). Tương tự, việc dán nhãn sinh thái thường bị một số công ty lợi dụng để đánh lừa người tiêu dùng rằng hàng hóa của họ thân thiện với môi trường hơn hàng hóa của đối thủ cạnh tranh (Markham, Khare và Beckman, 2014). Ở bình diện hệ thống, việc xem nhiên liệu sinh học như một giải pháp thay thế sinh thái đã cấu thành một hành động tẩy xanh nghiêm trọng, vì nó đòi hỏi các hoạt động độc canh mang tính tàn phá, và hy sinh an ninh lương thực trong nước, tàn phá rừng nhiệt đới và sử dụng quá nhiều phân bón lẫn thuốc trừ sâu. Điều này làm tăng thêm thực tế là, nhiên liệu sinh học thải ra một lượng CO2 tương tự như nhiên liệu dầu mỏ (Wall, 2021). Cuối cùng, trong chủ nghĩa tư bản xanh, quy mô của hoạt động tẩy xanh được nâng từ cấp độ doanh nghiệp riêng lẻ lên cấp độ toàn bộ hệ thống.

Rõ ràng là các khoản chi tiêu công dưới chế độ tư bản xanh ưu tiên cho “lợi ích kinh tế tư nhân” và đưa ra các biện pháp xử lý hời hợt như tăng chi tiêu cho các ngành và công nghệ thân thiện với môi trường, tạo việc làm xanh và thúc đẩy tiêu dùng (Blackwater, 2012: 51, 58, 71-72) . Người ta có thể mong đợi rằng, những ưu tiên như vậy cuối cùng sẽ làm lu mờ những yêu cầu cấp tiến về bình đẳng thu nhập và tài sản, còn địa vị vượt trội của lợi ích tư nhân sẽ hạn chế lợi ích bình đẳng thực chất. Một mặt, các chiến lược định hướng tiêu dùng vẫn ‘’được dự đoán trên cơ sở siêu vật chất hóa ở tầm vĩ mô ”(Graham, 2019: 24). Hơn nữa, những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản xanh rất ít khi đề cập đến việc chuyển đổi quan hệ quyền lực trong sản xuất và sở hữu tư liệu sản xuất. Nếu chúng ta xã hội hóa bằng cách nào đó các phương tiện sản xuất trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều carbon và hóa thạch, thì cũng có khả năng mở rộng nỗ lực xã hội hóa này sang các ngành khác, bao gồm hậu cần, bán hàng và dịch vụ, văn phòng, chăm sóc sức khỏe và giáo dục (Graham, 2019 ; Sica, 2020). Rõ ràng, khả năng như vậy là điều không thể tưởng tượng được trong phạm vi của chủ nghĩa tư bản.

Một vấn đề quan trọng khác cần giải quyết trong điều kiện đại dịch là liệu chăm sóc sức khỏe và nghiên cứu phát triển có thể được quốc hữu hóa để phá vỡ độc quyền quyền lực doanh nghiệp hay không. Hơn nữa, có thể lập luận rằng, không thể đạt được lợi ích đáng kể nào trừ khi kiến thức được phi hàng hoá hoá (de-commodified) vượt ra khỏi chế độ quyền sở hữu trí tuệ (Wall, 2010). Điều này đặc biệt quan trọng đối với các công nghệ thân thiện với môi trường và lĩnh vực dược phẩm, bởi trong bối cảnh đó, đại dịch là công cụ để phát triển một khuôn khổ bá quyền chủ nghĩa tư bản xanh và kỹ thuật số. Nếu không, quyền lực chính trị và các nguồn lực kinh tế sẽ tiếp tục tập trung vào tay các tập đoàn kinh tế và giới kỹ trị (Graham, 2019).

Cuối cùng, nếu "Sự tái lập vĩ đại" và "Chính sách Xanh mới" đã “chế ngự” thành công chủ nghĩa tư bản thì các nhà hoạch định chính sách cũng phải có khả năng uốn nắn khuynh hướng đế quốc của nó, đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, về mặt lý luận, điều này là một nhiệm vụ bất khả thi, bởi vì chủ nghĩa đế quốc là một đặc điểm cố hữu của chủ nghĩa tư bản hiện đại, nó cũng thể hiện trong quá trình toàn cầu hóa của Chính sách kinh tế mới trong thời đại Keynes như đã được thảo luận ở phần trước trong chương này. Do đó, một câu hỏi quan trọng nảy sinh liên quan đến khả năng tồn tại của "Chính sách Xanh mới" trong thời kỳ hậu Covid: liệu chính sách mới này có thể giải quyết những mâu thuẫn của chủ nghĩa đế quốc chỉ thông qua cải cách?

Câu trả lời là không khó. Hiện tại, chủ nghĩa đế quốc quân sự Mỹ là “người sử dụng nhiên liệu hóa thạch lớn nhất của quốc gia này” (Wall, 2010: 95). Chủ nghĩa đế quốc Mỹ kiểm soát các căn cứ quân sự ở hơn 150 quốc gia, một phần quan trọng trong số đó được sử dụng để kiểm soát nguồn cung dầu ở Trung Đông (Wall, 2010). Hiện tại, chi tiêu quân sự của Mỹ chiếm gần 50% chi tiêu quân sự toàn cầu, và phần chi tiêu của NATO lên tới 70% chi tiêu quân sự toàn cầu (Golub, 2010). Chi phí ước tính cho các cuộc xâm lược Iraq và Afghanistan của Mỹ là khoảng 4,4 nghìn tỷ USD (Creswell, 2019: 484). Cần nhấn mạnh rằng, chi tiêu quân sự quá mức của đế quốc Mỹ cũng là trở ngại lớn nhất đối với việc tăng chi tiêu công nhằm mục đích phát triển xã hội và chuyển đổi sinh thái. Không có gì ngạc nhiên khi chính quyền Obama đã chứng kiến “mức tăng sản lượng dầu trong nước lớn nhất trong mọi nhiệm kỳ tổng thống trong lịch sử Mỹ”, bất chấp những diễn ngôn ủng hộ cải cách của Obama đối với Chính sách Xanh mới (Holleman, 2018: 31). Từ đó có thể thấy rằng, không có cuộc cải cách nào có thể loại bỏ được chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Tương tự, người ta rất nghi ngờ rằng, luận điệu tư bản xanh có thể đảo ngược cơn sốt toàn cầu về an ninh lương thực, nước và năng lượng cũng như chủ nghĩa khai thác tài nguyên của các công ty phương Tây ở Nam bán cầu (Frame, 2016).

Để kết luận chương này, một điểm cuối cùng là về chủ nghĩa đế quốc là theo thứ tự. Như đã thảo luận trong chương trước, chủ nghĩa tư bản sử dụng các sửa lỗi về "thời không" để giải quyết các mâu thuẫn của nó bằng cách khởi động các chiến dịch mở rộng địa lý mới (Harvey, 2001: 24). Đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, chúng ta nhận thấy rằng, hệ thống đế quốc có nhu cầu cấp thiết để tạo ra những cơ hội tích lũy mới trên quy mô toàn cầu. Về phương diện này, có thể lập luận rằng, Sự tái lập vĩ đại và Chính sách Xanh mới sẽ đóng vai trò là một bản sửa chữa về mặt công nghệ và sin thái xã hội cho hệ thống đế quốc chủ nghĩa.

Do đó, suy cho cùng, người ta có thể lập luận rằng, các đề xuất "Sự tái lập vĩ đại" và "Chính sách Xanh mới" được xây dựng dựa trên “chủ nghĩa cấp tiến lý tính” trong thời đại Chính sách kinh tế mới, nơi các nhà hoạch định chính sách đã áp dụng các cải cách tạm thời để duy trì chủ nghĩa tư bản và chống lại chủ nghĩa xã hội. Những cải cách này về sau đã được mở rộng ra môi trường quốc tế nhằm thúc đẩy lợi ích của chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Trong thế giới hậu Covid, cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc của hệ thống tư bản-đế quốc đòi hỏi phải thực thi một loạt các cải cách mới nhằm thúc đẩy một loại “chủ nghĩa cấp tiến lý tính” tương tự. Do đó, chủ nghĩa tư bản xanh được sử dụng như một phần của chiến dịch tẩy xanh có hệ thống nhằm trì hoãn sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản và khôi phục bá quyền toàn cầu của nó bằng cách khởi động một giai đoạn mới của tích lũy tư bản và chủ nghĩa tiêu dùng thông qua việc sửa chữa môi trường và công nghệ.

Do đó, suy cho cùng, người ta có thể lập luận rằng, các đề xuất "Sự tái lập vĩ đại" và "Chính sách Xanh mới" được xây dựng dựa trên “chủ nghĩa cấp tiến lý tính” trong thời đại Chính sách kinh tế mới, nơi các nhà hoạch định chính sách đã áp dụng các cải cách tạm thời để duy trì chủ nghĩa tư bản và chống lại chủ nghĩa xã hội. Những cải cách này về sau đã được mở rộng ra môi trường quốc tế nhằm thúc đẩy lợi ích của chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Trong thế giới hậu Covid, cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc của hệ thống tư bản-đế quốc đòi hỏi phải thực thi một loạt các cải cách mới nhằm thúc đẩy một loại “chủ nghĩa cấp tiến lý tính ” tương tự. Do đó, chủ nghĩa tư bản xanh được sử dụng như một phần của chiến dịch tẩy xanh có hệ thống nhằm trì hoãn sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản và khôi phục bá quyền toàn cầu của nó bằng cách khởi động một giai đoạn mới của tích lũy tư bản và chủ nghĩa tiêu dùng thông qua việc sửa chữa môi trường và công nghệ. Thuật ngữ “chính phủ lớn” mới không nêu cụ thể mức độ xã hội hóa và quốc hữu hóa cần thiết. Suy cho cùng, lợi ích cá nhân thay vì lợi ích tập thể là cốt lõi của kết cấu bá quyền này, đó là lý do tại sao sẽ hợp lý khi kết luận rằng, diễn ngôn bao trùm và thân lao động của kế hoạch này chỉ có tác dụng trang trí nhằm khích lệ giai cấp công nhân.

ĐÁNH GIÁ VÀ THẢO LUẬN

Đại dịch COVID-19 đã khơi lại các sáng kiến toàn cầu để cải cách chủ nghĩa tư bản. Sau khi được giới tinh hoa toàn cầu chấp nhận, các đề xuất Sự tái lập vĩ đại và Chính sách Xanh mới đã đi đầu trong các sáng kiến cải cách này. Câu hỏi thực sự đặt ra ở đây là: Chúng ta nhìn nhận như thế nào những sáng kiến cải cách này? Không cần phải ngờ rằng, điều gì sẽ xảy ra trong thời kỳ hậu Covid là một câu hỏi về quyền lực chính trị và đấu tranh giai cấp hơn là những giải pháp tạm thời và những lời ngụy biện ở vẻ bề ngoài. Sự phát triển của những yếu tố này sẽ quyết định ai sẽ kiểm soát cái gọi là “chính phủ lớn” và lợi ích của ai sẽ được ưu tiên ở cấp chính phủ. Trên thực tế, bất kỳ giải pháp nào loại trừ chủ nghĩa tư bản và chống chủ nghĩa đế quốc đều không thể hoạt động như một bản vá lỗi tạm thời và có khả năng phục vụ sự khôi phục bá quyền của chủ nghĩa tư bản toàn cầu trong dài hạn.

Bản kế hoạch về một giải pháp thay thế cho chủ nghĩa cải cách tư bản có thể bắt nguồn từ tư tưởng xã hội chủ nghĩa sinh thái, tư tưởng này dựa trên “kế hoạch sinh thái dân chủ” với sự hợp tác của nhà nước xã hội chủ nghĩa và các cộng đồng đại diện cho quần chúng lao động (Wall, 2010; Lowy, 2018). Các lĩnh vực chiến lược như năng lượng và khai khoáng, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, quốc phòng, y tế và chăm sóc sức khỏe, và giáo dục đều cần quốc hữu hoá toàn diện. Trong khuôn khổ này, các quyết sách trên quy mô lớn sẽ được lập kế hoạch, trong khi sự tự quản của công nhân sẽ phát huy quyền chủ động trong các quyết định quy mô nhỏ hơn liên quan đến các vấn đề như nhà hàng, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng nhỏ hoặc doanh nghiệp thủ công.

Bản kế hoạch về một giải pháp thay thế cho chủ nghĩa cải cách tư bản có thể bắt nguồn từ tư tưởng xã hội chủ nghĩa sinh thái, tư tưởng này dựa trên “kế hoạch sinh thái dân chủ” với sự hợp tác của nhà nước xã hội chủ nghĩa và các cộng đồng đại diện cho quần chúng lao động (Wall, 2010; Lowy, 2018). Các lĩnh vực chiến lược như năng lượng và khai khoáng, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, quốc phòng, y tế và chăm sóc sức khỏe, và giáo dục đều cần quốc hữu hoá toàn diện. Trong khuôn khổ này, các quyết sách trên quy mô lớn sẽ được lập kế hoạch, trong khi sự tự quản của công nhân sẽ phát huy quyền chủ động trong các quyết định quy mô nhỏ hơn liên quan đến các vấn đề như nhà hàng, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng nhỏ hoặc doanh nghiệp thủ công. Dựa trên sự phê phán của chúng tôi về chủ nghĩa tư bản kỹ thuật số và lao động tư bản chủ nghĩa trong các chương trước, công nghệ sẽ phụ thuộc vào chúng ta, chứ không phải vì động cơ lợi nhuận, mà là để thoả mãn nhu cầu đích thực của chúng ta (ví dụ: “nước, thực phẩm, quần áo, nhà ở và các dịch vụ cơ bản như y tế , giáo dục, giao thông và văn hóa”) và tạo ra thời gian tự do, chứ không phải là tăng cường công việc và thất nghiệp (Lowy, 2018: 4).

Tài liệu tham khảo

Atkin, E. 2019. “The Democrats Stole the Green Party’s Best Idea.” The New Republic, February 22. <https://newrepublic.com/article/ 153127/democrats-stole-green- partys-best-idea>.

Bowen, F. 2014. After Greenwashing: Symbolic Corporate Environmentalism and Society. Cambridge: Cambridge University Press.

Blackwater, B. (2012). “Two Cheers for Environmental Keynesianism." Capitalism Nature Socialism, 23(2), 51-74.

Carroll, W., and J. Sapinski. 2016. “Neoliberalism and the Transnational Capitalist Class.” In S. Springer, K. Birch and J. MacLeavy (eds.), Handbook of Neoliberalism (pp. 39-49). New York: Routledge.

Creswell, M. 2019. "Wasted Words? Ihe Limitations of U.S. Strategic Communication and Public Diplomacy.” Studies in Conflict & Terrorism 42, 5: 464-492.

Frame, M. 2016. “The Neoliberalization of (African) Nature as the Current Phase of Ecological Imperialism." Capitalism Nature Socialism 27,1:87-105.

Freidman, T. 2007. "A Warning from the Garden.” New York Times, January 19. <http5.//www.nytimcs.com/2007/01/19/opinion/19friedman.htnil>.

Golub, P.S. 2010. Power, Profit and Prestige: A History of American Imperial Expansion. London: Pluto Press.

Graham, S. 2019. "'Green Capitalism’: A Critical Review of the Literature." Revolutionary Socialism in the 21th Century, <https://www.rs21.org.uk/wp- content/uploads/2019/03/S-Graham-Green-capitalism-RR-15- 16-March-2019. pdf>.

Green New Deal Group 2008. “A Green New Deal: Joined-Up Policies to Solve the Triple Crunch of the Credit Crisis, Climate Change and High Oil Prices." <https://neweconomics.org/uploads/files/8f737eal95fe56db2f_xbm6ihwbl. pdf>.

Guttmann, R. 2018. Eco-Capitalism: Carbon Money, Climate Finance, and Sustainable Development. London: Palgrave Macmillan.

Harvey, D. 2001. "Globalization and the ‘Spatial Fix’." Geographische Revue Zeitschrift fiir Literatur und Diskussion 3,2: 23-30.

Holleman, H. 2018. Dust Bowls of Empire: Imperialism, Environmental Politics, and the Injustice of “Green" Capitalism. London: Yale University Press.

Inman, P. 2020. "Pandemic Is Chance to Reset Global Economy, Says Prince Charles.” The Guardian, June 3. <https://www.theguardian.com/uk-news/2020/jun/03/ pandemic-is-chance-to-reset-global-economysays-prince-charles>.

LaBerge, L., C. O’Toole, J. Schneider, and K. Smaje. 2020. "How covid-19 Has Pushed Companies over the Technology Tipping Point—And Transformed Business Forever” McKinsey & Company, Oct. 5. <https://ww5v.mckinsey.com/ business-functions/strategy-and-corporate-finance/our-insights/how-covid-19- has-pushed-companies-over-the-technology-tipping-point-and-transformed- business-forever>.

Lowy, M. 2018. "Why Ecosocialism: For a Red-Green Future.” Great Transition Initiative, December. <https://greattransition.org/publication/why- ecosocialism-red-green-future>.

Luxemburg, R. 1899. Social Reform or Revolution?London: Militant Publications.

Markham, D., A. Khare, and T. Beckman. 2014. “Greenwashing: A Proposal to Restrict its Spread.” Journal of Environmental Assessment Policy and Management 16,4:1-16.

Ocasio-Cortez, et al. 2019. “H. Res. 109 (Recognizing the duty of the Federal

Government to create a Green New Deal)." <https://www.c0ngress.g0v/l 16/ bills/hres 109/BILLS-l 16hreslO9ih.pdf>.

OECD. 2020. "oecd Policy Responses to Coronavirus (covid-19): Making the Green Recovery Work for Jobs, Income and Growth." <https://www.oecd. org/coronavirus/policy-responses/making-the-green-recovery-work-for-jobs- income-and-growth-a505£3e7/ >.

Panitch, L., and S. Gindin. 2012. The Making of Global Capitalism: The Political Economy of American Empire. New York: Verso.

Pettifor, A. 2019. The Case for the Green New Deal. New York: Verso Books.

Schwab, K., and T. Malleret. 2020. covid-19: The Great Reset. Forum Publishing.

Sica, C. 2020. “For a Radical Green New Deal: Energy, the Means of Production, and the Capitalist State.” Capitalism Nature Socialism 31,4: 34-51.

Sung-Young, K., E. Thurbon, H. Tuo, and J. Mathews. 2020. ’South Koreas Green New Deal Shows the World What a Smart Economic Recovery Looks Like.” The Conservation, September 9. <https://theconversation.com/south-koreas- green-new-deal-shows-the-world-what-a-smart-economic-recovery-looks- like-14-5032>.

Veltmeyer, H., and M. Rushton. 2012. The Cuban Revolution as Socialist Human Development. Hollanda: Brill.

Wall, D. 2010. The Rise of the Green Left Inside the Worldwide Ecosocialist Movement. London: Pluto Press.

Wherry, A. 2020. "The ‘Great Reset’ Reads Like a Globalist Plot With Some Plot Holes.” cbc, November 28. <https:// www.cbc.ca/news/politics/great-reset- trudeau-poilievre-otoole-pandemic-covid-1.5817973

[1] Dấu chân carbon (Carbon footprint) là tổng lượng mức độ của khí thải nhà kính xuất phát từ quá trình sản xuất, sử dụng các sản phẩm công nghiệp hoặc dịch vụ của co người và cũng là vòng đời cuối cùng của một sản phẩm hoặc dịch vụ đó. (ND chú thích)

Nguồn:

Cùng chuyên mục