Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tứ giác kim cương: Nato của châu Á hay giấc mộng viển vông (Phần 2)

Tứ giác kim cương: Nato của châu Á hay giấc mộng viển vông (Phần 2)

Mùa xuân năm 2017, khi Dhruva Jaishankar, nhà nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Viện Brookings (ở cả Washington D.C. và New Delhi), viết bài kêu gọi sự "hồi sinh" lại "Tứ giác Kim cương", ông không nghĩ mọi thứ sẽ bắt đầu thành hình vào mùa đông.

05:06 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

III. Vì một trật tự dựa trên luật lệ

Trong hoàn cảnh như vậy, "Tứ giác Kim cương" nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức một cơ chế hợp tác lỏng lẻo. Chuyên gia CSIS Zack Cooper cho rằng, "Bộ tứ" trong tương lai sẽ là một "cơ chế không chính thức, trong đó các nhà lãnh đạo gặp gỡ thường xuyên, bàn thảo về các vấn đề mà các nước có lợi ích chung, đôi khi ra tuyên bố chung hoặc tiến hành tập trận, huấn luyện cùng nhau".

"Các nước sẽ triển khai dần dần vì họ không muốn gây sự chú ý. Có nhiều thế lực không thích thú với sự hợp tác kiểu này, nghĩa là, giữa các nước lớn nhưng không có Trung Quốc. Nhiều nước muốn dĩ hòa vi quý với Bắc Kinh hoặc cho rằng, bất cứ hợp tác nào trong khu vực cũng cần có Trung Quốc", ông Vuving bình luận với Zing.vn. 

Theo ông, "Bộ tứ" sẽ đi từ những bước nhỏ. "Cuộc gặp ở Philippines vừa qua chỉ diễn ra ở cấp độ chuyên viên. Các nguyên thủ cũng không gặp cùng lúc mà chỉ gặp tay đôi, nhằm tránh sự chú ý".

Đầu tiên, có thể là những cuộc họp ở mức độ chuyên viên nhằm điều phối hoạt động cứu trợ nhân đạo, đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống. Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ từng triển khai tập trận chung nên sẽ duy trì hoạt động này. Washington và New Delhi đã có thỏa ước về việc hỗ trợ hậu cần hải quân trên Ấn Độ Dương. Những bước mạnh mẽ hơn sẽ được triển khai trong tương lai.

"Tóm lại, hợp tác giữa các nước sẽ đi theo kiểu tay đôi hoặc tay ba, nằm trong tổng thể của không chỉ bộ tứ mà còn với một số nước khác có mối lo về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Các nước đó sẽ hợp tác với một hoặc nhiều nước trong bộ tứ này", ông Vuving nói.

Ý tưởng "Bộ tứ" nếu được triển khai vào thực tiễn, sẽ tạo dựng cuộc chơi địa chính trị mới hơn, rộng lớn hơn nhằm duy trì và tăng cường những lợi ích chiến lược mà cả 4 nước đang hướng đến. 

Theo giới quan sát, cơ chế 4 bên này sẽ tồn tại song song và bổ trợ cho các cơ chế hợp tác hiện thời. Chẳng hạn, Mỹ đã thiết lập các quan hệ đồng minh và đối tác song phương với nhiều quốc gia trong khu vực theo một hệ thống “trục và nan hoa”, nhưng mạng lưới này có những hạn chế nhất định và chưa gắn kết hiệu quả. Vì thế, liên kết 4 bên được kỳ vọng sẽ giúp các nước phối hợp hiệu quả hơn trong các cơ chế đa phương.

Đối với khu vực, lợi ích to lớn nhất nó có thể mang lại về mặt an ninh là cổ vũ cho một trật tự khu vực dựa trên luật pháp. “Tứ giác Kim cương” sẽ đẩy mạnh hợp tác, đảm bảo an ninh cho khu vực nói chung và các quốc gia nhỏ tại Đông Nam  và Đông Á nói riêng. "Bộ tứ" sẽ đóng vai trò bổ trợ chứ không phủ nhận các định chế hiện có, trong đó có ASEAN.

"Chừng nào 'Bộ tứ' còn được xem như sự bổ sung, thay vì sự thay thế, thì cơ chế này sẽ củng cố cho trật tự dựa trên nguyên tắc trong khu vực, với kiến trúc dựa trên ASEAN (ASEAN là trung tâm - PV) vốn phát triển mạnh mẽ trong vòng hai thập niên qua", ông Poling nhận định với Zing.vn.

Chuyên gia này đánh giá, mặc dù ASEAN chưa sẵn sàng đảm nhiệm vai trò lèo lái các vấn đề như Biển Đông, "điều đó không có nghĩa rằng, ASEAN không phải cơ chế hữu hiệu để xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại và củng cố các chuẩn mực của khu vực".

"Tôi nghĩ 'Bộ tứ' sẽ gián tiếp tăng sức mạnh cho ASEAN và giúp đối trọng lại sự trỗi dậy của Trung Quốc", Poling cho hay.

Bên cạnh đó, hình thức liên kết này sẽ góp phần thúc đẩy tự do thương mại, bằng cách tự do hóa các thiết chế thương mại khu vực và ủng hộ tự do hàng hải. Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia đều là những nền kinh tế hàng đầu thế giới, sự hợp tác giữa 4 quốc gia này mở ra mối liên kết lớn về kinh tế cho khu vực. 

Sự hình thành của "Tứ giác Kim cương" sẽ có tác động nhất định đến cục diện Ấn Độ - Thái Bình Dương, sắp xếp lại bàn cờ khu vực. Cán cân chiến lược tại đây sẽ thay đổi, nhưng mức độ ảnh hưởng của mối liên kết này đến đâu còn phụ thuộc vào sự hợp tác của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia trong thời gian tới.

Cho đến giờ phút này, với những nỗ lực thấy rõ từ Thủ tướng Shinzo Abe và chính phủ Nhật Bản, rõ ràng Tokyo đang là động lực chính để thúc đẩy sự hồi sinh của "Bộ tứ". Vấn đề các chuyên gia lo ngại là liệu Nhật Bản có sẵn sàng để lãnh đạo lâu dài không hay họ vẫn hy vọng đến cuối cùng, Mỹ là người cầm trịch.

"Tổng thống Trump nhiều khả năng sẽ không mang đến một sự lãnh đạo hiệu quả và lâu dài", ông Kingston dự đoán.

Nguồn: https://news.zing.vn/tu-giac-kim-cuong-nato-cua-chau-a-va-su-troi-day-cua-trung-quoc-post799250.html

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục