Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Vai trò của văn hóa trong xây dựng thế giới hòa bình

Vai trò của văn hóa trong xây dựng thế giới hòa bình

Trong kỷ nguyên hiện tại, văn hóa được coi là “quyền lực mềm”, so với sức mạnh quân sự và kinh tế, văn hóa còn có sức mạnh lớn hơn, bởi nó thống nhất mọi người và truyền tải thông điệp tình anh em quốc tế thiện chí và thế giới hòa bình.

01:19 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Vai trò của văn hóa trong xây dựng thế giới hòa bình

GEETESH SHARMA*

Ấn Độ và Việt Nam không chỉ có chung một chương vàng trong lịch sử quan hệ hòa thuận mà ngay cả trong kỷ nguyên hiện đại này mối quan hệ hai bên vẫn thể hiện sự nồng ấm tuyệt vời và khía cạnh nổi bật nhất trong mối quan hệ hòa thuận thân ái này là bất chấp hệ tư tưởng, mọi chính quyền từ Jawahar Lal Nehru cho đến Narendra Modi đều là người ủng hộ đáng tin cậy của mối tình hữu nghị với Việt Nam.

Câu hỏi dễ thấy nhất đối với chúng ta hôm nay là, liệu chúng ta có bằng lòng và thỏa mãn với mối quan hệ mà chúng ta đã có hay cố gắng theo đuổi để bảo đảm rằng mối quan hệ song phương của chúng ta sẽ tiếp tục phát triển đơm hoa kết trái hơn nữa? Trên thực tế, nhân dân hai nước, đặc biệt là những người trí thức và đội ngũ báo chí không chỉ phấn đấu gìn giữ vẹn tròn mối quan hệ song phương mà còn đóng góp hết sức mình để làm phong phú thêm di sản quý giá của mối quan hệ này trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng.

Dĩ nhiên, mối quan hệ mật thiết giữa Ấn Độ và Việt Nam là vì lợi ích tốt nhất của hai dân tộc đồng thời hoàn toàn đúng rằng mối quan hệ hòa thuận của chúng ta cũng vì lợi ích của khu vực châu Á nói chung.

Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam luôn là một mối quan hệ lý tưởng, chưa bao giờ phai nhòa. Thủ tướng Ấn Độ Jawahar Lal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đảm bảo những tầm cao mới cho mối quan hệ song phương của chúng ta trong kỷ nguyên hiện đại.

Đối với mỗi vấn đề quốc tế, Việt Nam không chỉ sát cánh bên Ấn Độ mà còn thể hiện sự ủng hộ vô tư. Trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Ấn Độ năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi phát biểu trước Hội nghị Báo chí ở New Delhi và Calcutta, đã tuyên bố bằng những lời nói rõ ràng rằng Jammu và Kashmir là bộ phận không thể tách rời của Ấn Độ và rằng Ấn Độ có đầy đủ các quyền để giải phóng một phần đất Goa khác của mình khỏi ách cai trị của người Bồ Đào Nha.

Việt Nam luôn ủng hộ tuyên bố của Ấn Độ trở thành thành viên Hội đồng Bảo an LHQ. Tương tự, Ấn Độ không chỉ ủng hộ hết mình sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước mà còn thể hiện sự giúp đỡ quí báu đối với công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh của Việt Nam.

40 năm trước Ấn Độ đã phát triển hơn Việt Nam nhưng ngày hôm nay nếu nói về cơ sở hạ tầng Việt Nam đã vượt xa Ấn Độ.

Thay đổi quan trọng nhất là qua bấy nhiêu năm, Việt Nam đã có thể giải phóng xã hội và hệ thống gia đình khỏi kết cấu phong kiến. Tất cả mọi người đều làm việc, nhờ đó đảm bảo được vai trò quan trọng và chân giá trị của lao động.

Ngoài trừ hệ thống đẳng cấp bẩm sinh, có rất nhiều sự tương đồng trong điều kiện xã hội ở Việt Nam và Ấn Độ. Vậy thì làm thế nào Việt Nam lại đảm bảo được nước sạch cho người dân, nhà vệ sinh cho mọi gia đình và trường học là những lĩnh vực mà Ấn Độ có thể học hỏi kinh nghiệm rất nhiều từ Việt Nam.

Được giáo dục trong môi trường Việt Nam, một người Việt Nam có thể trở thành bác sỹ, nhà khoa học, kỹ sư, doanh nhân v.v. Tiếp đó là cần giáo dục tiếng Anh.

Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam không chỉ là những hiệp định về kinh tế, chính trị và quốc phòng mà còn thấm đẫm tình cảm sâu nặng.

Triết lý Phật giáo cũng là một sự gắn kết mạnh mẽ giữa Ấn Độ và Việt Nam. Đã có những vương quốc Hindu ở Miền Trung Việt Nam khoảng 1400 năm trước. Do đó, rõ ràng có sự ảnh hưởng lớn của văn hóa Ấn Độ ở Việt Nam và mức độ nổi bật của ảnh hưởng này là ở chỗ những vương quốc Hindu ở Việt Nam không được thiết lập bằng sự xâm lược hay bạo lực mà bằng sự đồng thuận và các vị vua Hindu cùng thần dân đã sinh sống hòa thuận như là một phần không tách rời trên mảnh đất Việt Nam. Trên thực tế họ đã từ bỏ mối liên hệ với Ấn Độ và khi Da Viet đánh bại Vương quốc Hindu, các thần dân Hindu không bị coi là người ngoại bang và cũng không bị đuổi khỏi Việt Nam. Đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử mà những người di cư từ Ấn Độ đến sinh sống ở Việt Nam không bị coi là người nước ngoài. Nhiều di tích đền thờ Hindu ghi nhận sự hiện hữu uy nghi từ Phan Thiết đến Mỹ Sơn là bằng chứng hùng hồn cho mối quan hệ lịch sử giữa Ấn Độ và Việt Nam.

Một điều trớ trêu là thế hệ hiện nay ở cả hai nước gần như đã bỏ quên quá khứ vinh quang của mối quan hệ hai nước. Do vậy chính phủ và các tổ chức nhân dân của cả Ấn Độ và Việt nam cần thúc đẩy nhiều hơn những mối quan hệ trực tiếp giữa hai nước thông qua việc trao đổi nhiều hơn các đoàn đại biểu văn học, nghệ thuật, hoạt động văn hóa xã hội để đảm bảo cho mối quan hệ nồng ấm hơn nữa.

Thảo luận về mối quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, điều quan trọng phải kể đến những mối quan hệ mà Ấn Độ có chung với Brunei đến Thái Lan. Đó là một thực tế lịch sử rằng nhân dân Ấn Độ, những người đã đến sinh sống ở Brunei, Indonesia, Cambodia, Lào v.v. đã thiết lập được những vương quốc của mình ở đó. Cũng như ở Việt Nam họ không hề xâm lược những đất nước này để thiết lập sự cai trị của mình và họ cũng không mang của cải châu báu của những nước này về Ấn Độ. Họ đến đó và sinh cơ lập nghiệp đời đời.

Đã có chiến tranh giữa họ với những quốc gia khác và với những vương quốc khác không phải Ấn Độ. Theo thời gian, khi các vương quốc Hindu bị đánh bại và tiêu hủy, người Ấn Độ đã định cư và đồng hóa không bị coi là người ngoại bang và không bị đánh đuổi. Ngay cả hiện tại ta cũng thấy ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Ấn Độ ở hầu hết các quốc gia khu vực ASEAN.

Trong kỷ nguyên hiện tại, văn hóa được coi là “quyền lực mềm”, so với sức mạnh quân sự và kinh tế, văn hóa còn có sức mạnh lớn hơn, bởi nó thống nhất mọi người và truyền tải thông điệp tình anh em quốc tế thiện chí và thế giới hòa bình. Người dân gắn với văn hóa sẽ tôn trọng lẫn nhau và tin tưởng vào nỗ lực chung. Văn hóa sẽ đem lại tình hữu nghị trong khi sức mạnh quân sự tạo ra sự hoảng sợ và lo âu của mọi người. Các dân tộc hùng mạnh thiết lập sự thống trị đối với những dân tộc yếu hơn và tình trạng mất an ninh dẫn đến tình cảm tự ti của họ.

Sức mạnh kinh tế bắt nguồn từ việc đầu cơ trục lợi nhận sự giúp đỡ của sức mạnh quân sự nhằm thiết lập sự thống trị đối với thị trường nếu thấy cần thiết. Một quốc gia có sức mạnh kinh tế không bao giờ muốn những quốc gia yếu hơn cạnh tranh với họ trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp. Những quốc gia có ảnh hưởng kinh tế sẽ luôn có ý định rằng những nước lạc hậu mãi mãi lạc hậu. 

Gần đây thôi ta có thể dễ dàng thấy rằng có những thế lực, được hỗ trợ bằng sức mạnh kinh tế và quân sự, muốn thiết lập vị trí thống trị bá chủ lên khu vực châu Á và thậm chí còn không hề e ngại thách thức chủ quyền của những nước láng giềng. Bởi vì những nước nhỏ hơn không thể sánh với sự vượt trội về kinh tế và quân sự của những quốc gia đó, cách duy nhất đối với họ là sự đoàn kết các dân tộc và sức mạnh nhân dân của mình. Hiện nay có những thế lực nhất quyết thiết lập sự thống trị của mình trên biển và bầu trời, theo đó thách thức chủ quyền của các nước láng giềng và các nước xung quanh. Những thế lực này cần bị thách thức và đấu tranh đoàn kết nếu không các nước ASEAN, trong đó có cả Ấn Độ sẽ phải đối mặt với những hệ quả khôn lường.

Để đối phó với thái độ thống trị này, sự đoàn kết thống nhất các nước yếu là cần thiết và để có được sự đoàn kết này thì văn hóa đóng một vai trò quan trọng.

Rõ ràng là nhân dân Việt Nam yêu nước không chỉ đương đầu với những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới bằng tinh thần bất khuất mà còn thắng lợi đuổi chúng ra khỏi tổ quốc mình. Tuy nhiên, ta cũng không thể phủ nhận thực tế rằng hàng triệu người trên khắp thế giới đã tích cực ủng hộ sự nghiệp của nhân dân Việt Nam. Ngay cả người dân của nước xâm lược cũng đã biểu tình vì sự nghiệp của Việt Nam và thể hiện sự giúp đỡ quý báu qua ngòi bút của mình khi viết những vần thơ, những vở kịch và tạo ra nhận thức của nhân dân ủng hộ Việt Nam bằng những bức tranh biếm họa hay tác phẩm nghệ thuật. Sự ủng hộ đồng lòng của tính anh em thế giới là mạnh đến nỗi khiến cái gọi là những siêu cường đó phải lo sợ, và điều đó không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước Mỹ La tinh, châu Phi, châu Á mà người dân tham gia vào những phong trào lật độ sự cai trị độc tài và những lực lượng dân chủ yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới bày tỏ sự ủng hộ nhiệt thành đối với những phong trào này.

Tuy nhiên, đáng tiếc là những lực lượng này gần đây đã bị suy yếu và để củng cố lại cần xây dựng một cầu nối nhân dân đủ mạnh. Không hề phải hy sinh lợi ích của mình, những nước ASEAN và Nam Á cần đoàn kết và đi theo một chính sách hợp tác với nhau để bảo đảm một sự phát triển toàn diện. Nói phát triển toàn diện là tôi muốn nói rằng lợi ích của phát triển phải đến được với những tầng lớp bên dưới và khốn khó của xã hội chứ không chỉ một nhúm người chà đạp lên những người dân thường.

Chúng ta cần luôn ghi nhớ rằng nếu còn bất bình đẳng nhiều hơn thì sẽ còn bất bình mà sớm hay muộn sẽ dẫn đến bạo lực hỗn loạn. Ngoài ra, bất bình đẳng trầm trọng sẽ đẩy mạnh tham nhũng mà rốt cục sẽ làm sụp đổ sự cân bằng của xã hội và hình thành một môi trường dẫn đến nội chiến hoặc chiến tranh khu vực, nó cũng thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan cho dù đó là chủ nghĩa dân tộc tôn giáo hay chủ nghãi dân tộc cực đoan.

Tôi rất vinh dự được là trong số nhóm người từ nhiều nước khác nhau đã hết sức hết lòng vì mục đích Hòa bình, Hữu nghị và Phát triển trong một môi trường thân ái hữu nghị thông qua những nỗ lực đoàn kết nhất trí. Tất cả chúng ta cùng đồng lòng thiết lập nền móng vững chắc cho ngôi nhà tuyệt đẹp này để mọi người thuộc các dân tộc khác nhau và hệ tư tưởng khác nhau có thể ở bên nhau. Điều đó nghe có vẻ không tưởng nhưng không hề không tưởng tý nào. Nếu tư tưởng về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc có thể phổ biến toàn thế giới thì tại sao tư tưởng về việc chung sống hòa thuận trên tinh thần hợp tác lại không thể tồn tại.

Tôi muốn kết luận bằng việc chia sẻ một kinh nghiệm của chính tôi. Tôi là người Ấn Độ và tự hào được như vậy, nhưng mỗi khi đi thăm nước ngoài và được ở với gia đình của họ một cách tự nhiên trong thâm tâm tôi cảm thấy như ở nhà mình.

Thế Việt Nam thì sao? Tôi gắn bó với Việt Nam đến mức có thể coi Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi và đó là lý do từ năm 1982 đến 2015 tôi đã đến mảnh đất này không dưới 21 lần và đã ở đây tổng cộng thời gian khoảng một năm rưỡi. Tình yêu và sự quí mến mà tôi nhận được bao la ở đây đã khiến tôi cảm thấy mình như là một chàng thanh niên kể cả khi tuổi đã 84. Chính tình yêu thương của nhân dân Việt Nam mà bất chấp cả sức khỏe đang yếu dần tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội đến nơi đây và mỗi lần các bạn gọi điện cho tôi, tôi lại đến đây như được tăng thêm sinh lực.

Tôi nhớ những lời Hồ Chủ tịch khi người nói chuyện ở thành phố Calcutta quê hương tôi ngày 13 tháng 2 năm 1958.

“Tình đoàn kết Á Phi muôn năm!

Hòa bình thế giới muôn năm!”


* Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn – Việt bang Tây Belgan, Ấn Độ.

Nguồn:

Cùng chuyên mục