Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Vấn đề thế kỷ châu Á (Phần 2)

Vấn đề thế kỷ châu Á (Phần 2)

01:57 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Vấn đề thế kỷ châu Á

GS, TS Hồ Sĩ Quý*

II. Sự dịch chuyển văn minh và hai khái niệm châu Á

Từ cuối thế kỷ XIX, những lý thuyết về sự hưng vong của các nền văn minh đã thấy xuất hiện. Bắt đầu từ Oswald Spengler, với tác phẩm “The Decline of the West” (1918)những lý thuyết về sự dịch chuyển của nền văn minh thế giới, về ngày tàn, buổi hoàng hôn của châu Âu ngày một được chú ý hơn[1]. Nhưng mãi nhiều thập niên sau đó, sự trỗi dậy của châu Á vẫn là một chủ đề ít được coi là thực tế. Chỉ từ sau những năm 80 (thế kỷ XX), khả năng vươn tới thịnh vượng của châu Á mới được bàn luận nhiều hơn. Rồi từ những năm 90, sau khi mấy con rồng châu Á xuất hiện, đặc biệt khi Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng cao và liên tục trong nhiều năm liền, thì việc dự báo thế kỷ XXI sẽ là Thế kỷ của châu Á mới thực sự trở thành chủ đề nóng trên các diễn đàn học thuật và chính trị - xã hội.

Khá nhiều học giả phương Tây, với những cách lý giải từ các góc nhìn khác nhau, về những nội dung tưởng như khác nhau, nhưng lại cùng đi vào một chủ đề chung, với cùng một mối quan tâm - vấn đề vị thế mới của châu Á - châu Á, với những gì mà người ta đã chứng kiến trong hơn nửa thế kỷ qua, liệu có tiếp tục phát triển và làm lan tỏa sự thịnh vượng đến các quốc gia còn lại, để trở thành một trung tâm văn minh mới trong thế kỷ này? Trong tương quan với một châu Á phát triển nhanh và liên tục, thì châu Âu, phương Tây và Mỹ sẽ thế nào? Liệu có giống như tình huống trên chiếc cầu bập bênh, nếu một bên lên cao thì bên kia phải hạ xuống hay không? Và đặc thù hơn, Biển Đông - Thái Bình Dương có phải là khu vực mang trong nó những vấn đề ảnh hưởng đến toàn cục, giống như một “ngòi nổ” chi phối sự an toàn của trật tự toàn cầu?

Có thể bắt gặp những thuật ngữ ấn tượng thuộc các nội dung khác nhau nhưng có liên quan trực tiếp đến số phận của châu Á thường được nhắc đến trong những năm gần đây: Thế kỷ Thái Bình Dương, Thế kỷ Châu Á, Mô hình đàn sếu bay, Con sư tử Trung Hoa thức giấc, Châu Âu già nua, Phương Tây cáo chung, Nước Mỹ phai tàn v.v [2] … Cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998 ở châu Á tuy có làm các nhà dự báo giật mình, khi phải đối mặt với lời mỉa mai thế kỷ châu Á chưa đến nhưng đã qua rồi, nhưng ngay sau đó, châu Á đã lấy lại nhịp điệu tăng trưởng, thậm chí ngay cả trong cơn lốc khủng hoảng 2008-2009, khiến chẳng mấy ai còn dám nghi ngờ vị thế mới của châu Á sẽ xác lập trong thế kỷ mới. Mới đây, 8/2011, bằng một nghiên cứu định lượng công phu, Ngân hàng ADB còn xuất bản một Báo cáo 130 trang dự báo chi tiết lộ trình của việc hiện thực hóa thế kỷ châu Á đến năm 2050[3].

Ở một phạm vi khác, hẹp hơn và có vẻ xoáy sâu hơn vào những bàn luận địa chính trị, đặc biệt là từ mấy năm gần đây, thì vấn đề tập trung vào vị thế so sánh giữa Mỹ với Trung Quốc. Trung Quốc tăng trưởng nhanh, can thiệp mạnh hơn vào các vấn đề của khu vực và thế giới, vươn khắp toàn cầu về sản xuất hàng hóa, trong khi đó, Mỹ suy giảm đáng kể về kinh tế trong 2 năm khủng hoảng 2008-2009, gặp khó khăn và thậm chí sa lầy tại một vài điểm nóng chính trị, ít nhiều điều chỉnh sức mạnh can thiệp…, khiến nhiều dự báo càng nghiêng về sự trỗi dậy của Trung Quốc và châu Á hưng thịnh, đồng thời cho rằng vai trò của Mỹ ngày một “tàn phai”.

Trong giới lý luận, những người xem nền văn minh phương Tây đang đi đến hồi kết và tới đầu thế kỷ XXI sẽ buộc phải nhường bước cho châu Á, có khá nhiều. Nhưng người có tiếng nói nổi trội hơn cả, với nhiều tác phẩm khẳng định sự suy tàn của “đế chế Tây phương” là Niall Ferguson, giáo sư lịch sử tại Đại học Havard. Sau nhiều năm giảng dạy và viết khá nhiều về “ưu thế phương Tây" - phương Tây với hơn 5 thế kỷ đã kiến tạo nên những giá trị rực rỡ và đã trở thành “động lực chính của sức mạnh toàn cầu”, năm 2011 ông đã cho ra mắt cuốn sách “Văn minh: Phương Tây và phần còn lại của thế giới” (Civilization: The West And The Rest)[4]. Ngay lập tức cuốn sách gây được tiếng vang, được xuất bản tại nhiều nước và được đề nghị giải thưởng. Theo ông, thế giới đang chứng kiến giai đoạn cuối của thời kỳ chi phối của phương Tây, nền văn minh được nảy sinh từ cuộc cách mạng khoa học và đã đạt được cực thịnh trong thời đại công nghiệp và hậu công nghiệp. Vài chục năm gần đây, phương Tây suy yếu dần và trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, thời điểm rẽ ngoặt của của nền văn minh phương Tây chính là khi sự thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ lớn đến mức nghiêm trọng, và ngay lúc đó, các ngân hàng trung ương Trung Quốc và châu Á nhảy vào hỗ trợ. Khi đó, nhiều nước phương Tây nghiêng ngả vì khủng hoảng và suy thoái, còn Trung Quốc, trái với nhiều dự báo bi quan, lại chỉ suy giảm nhẹ, nhờ vào gói kích cầu của chính phủ và sự nới rộng tín dụng.

Niall Ferguson đã so sánh thành tựu của Trung Quốc từ năm 1978 đến năm 2004, GDP tăng trưởng 10 lần trong 26 năm, với những gì mà nước Anh đạt được trong giai đoạn 1830-1900, GDP tăng trưởng 4 lần trong 70 năm. Đầu thế kỷ XXI, GDP của Mỹ gấp 8 lần của Trung Quốc, còn hiện nay, chỉ gấp khoảng 4 lần. Khả năng tổng sản lượng GDP Trung Quốc vượt Mỹ có thể rất gần. Theo Niall Ferguson, 6 yếu tố (kẻ sát thủ tạo nên sự thịnh vượng - killer apps of prosperity) giúp phương Tây vượt lên trong suốt 500 năm qua là 1/Cạnh tranh (Competition), 2/ Cách mạng khoa học (Scientific Revolution), 3/ Quyền sở hữu (Property Rights), 4/ Y tế hiện đại (Modern Medicine), 5/ Xã hội tiêu dùng (The Consumer Society) và 6/ Đạo đức trong công việc (The Work Ethic)[5]. Nếu phương Đông biết ứng dụng cả 6 ý tưởng này, thì quyền lực chi phối thế giới chuyển từ Tây sang Đông sẽ diễn ra như một qui luật.

Và, dường như trong khi vẫn ứng dụng tốt 6 nhân tố này, phương Đông lại đang sáng tạo được thêm những yếu tố khác để đạt được thịnh vượng.

Theo dõi chủ đề này, các nhà nghiên cứu có thể bắt gặp khá nhiều tác giả có quan điểm về một châu Á hưng thịnh, với một Trung Quốc trỗi dậy khó có thể cản bước, bất chấp tất cả những nghi ngại đang lớn dần về những thái độ chưa xứng tầm cường quốc. Nhưng ở đây, về mặt học thuật, có sự phân biệt thú vị xung quanh khái niệm châu Á.

Theo Anthony Bubalo và Malcolm Cook, hai học giả của Viện chính sách quốc tế Lowy tại Sydney, Australia, có ít nhất hai cách hiểu về khái niệm châu Á. Nếu hiểu châu Á với trục các quốc gia gắn liền với Thái Bình Dương, trải dài từ Triều Tiên, Nhật Bản tới Indonesia, Australia…, thì đó là một châu Á theo chiều dọc. Còn ít nhất là một châu Á khác - châu Á nằm ngang, với trục các quốc gia như Nga, Ấn Độ, Trung Quốc[6]… Nếu nhìn châu Á theo khái niệm thứ hai này thì sự hưng thịnh của châu Á còn rõ hơn nữa. Việc phân biệt châu Á theo chiều dọc và theo chiều ngang đã chỉ ra những điểm và những hiện tượng chỉ có tính chất tương đối trong các quan niệm học thuật, nhất là trong địa chính trị. Nếu người nghiên cứu và các nhà chiến lược chú ý tới điều này, người ta có thể tránh được những thiên kiến võ đoán khi quá thiên về chỉ một logic của các hiện tượng. Tuy nhiên, đằng sau các quan niệm ấy, sự phát triển của châu Á và khả năng chi phối thế giới của khu vực này trong tương lai gần là điều mà phần đông các học giả đã gần như khẳng định.

Cái nhìn tổng thể về một châu Á lớn mạnh trong thế kỷ XXI và sự dịch chuyển nền văn minh thế giới từ Tây sang Đông là một thực tế tưởng như đơn giản, nếu nhìn từ góc độ kinh tế học phát triển. Nhưng vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn nếu nó được phân tích từ góc độ xã hội – văn hóa hoặc lịch sử. Và thế kỷ châu Á sẽ trở nên đặc biệt phức tạp, thậm chí rất không tất nhiên, nếu khái niệm này được coi là khái niệm thuần túy địa chính trị - vấn đề thế kỷ châu Á trong tư duy chiến lược - chính trị, phụ thuộc một cách đáng kể vào việc giải quyết các vấn đề khác như thế kỷ Thái Bình Dương hay Sự suy yếu tương đối của Mỹ… (Xem tiếp phần 3)

* Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Thông tin khoa học xã hội.


[1]. Xem: Oswald Spengler (1918, 1922).  The Decline of the West (Der Untergang des Abendlandes) t.1. 1918, t.2. 1922). // Francis Fukuyama (1992). The End of History and The Last Man”. // Philip Atkinson (2012). The End Of Western Civilization. http://www.ourcivilisation.com/theend.htm. // David Marquand (2011). The End of the West: the Once and Future Europe. Princeton University Press. // Зиновьев А. А (1995). Запад.http://www.deloteca.ru/st2/r29/t1/id501

[2]Asian Century, Pacific Century, Asia-Pacific Century, Flying-geese Pattern, Chinese lion woke, Old Europe, Secular Europe; The End of West, America Fade Away…

[3]Asia 2050: Realizing the Asian Century. ADB Published 2011.http://www.unido.org/fileadmin/user_media/UNIDO_Worldwide/Asia_and_Pacific_Programme/Documents/AsianDevelopmentBankreport_asia-2050.pdf

[4]. Niall Ferguson (2011). Civilization: The West And The Rest. Penguin Press.

[5]. Xem: Niall Ferguson (2011). The 6 killer apps of prosperity.http://www.ted.com/talks/niall_ferguson_the_6_killer_apps_of_prosperity.html

[6]. Xem: Anthony Bubalo, Malcolm Cook (2010). Horizontal Asia. American Interest. May/June.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục