Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Vấn đề thế kỷ châu Á (Phần 3)

Vấn đề thế kỷ châu Á (Phần 3)

01:23 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

Vấn đề thế kỷ châu Á

GS, TS Hồ Sĩ Quý*

III. Trung Quốc với thế kỷ châu Á

Vấn đề thực sự được bắt đầu từ những năm 50 với hiện tượng “Thần kỳ Nhật Bản”. Cụ thể là, sau thế chiến II, Nhật Bản với những kinh nghiệm công nghiệp hóa có từ trước chiến tranh, nuốt nỗi cay đắng của kẻ bại trận, chấp nhận là mắt xích của Mỹ trong “vòng cung chống Cộng”, quyết tâm làm lại nước Nhật bằng phát triển kinh tế. Kết quả thật ngoạn mục. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm từ năm 1945 đến năm 1950 đạt 9,4%; từ năm 1950 đến năm 1955 đạt 10,9%; từ năm 1950 đến năm 1987 đạt 7,1%. Năm 1952, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật đã tương đương với trước chiến tranh. Năm 1968, nợ nước ngoài đã thấp hơn cho vay, Nhật Bản vươn lên vị trí thứ hai về tổng GDP trong thế giới tư bản. Năm 1982, GDP tính tổng thể là 4.177 tỷ USD, bình quân đầu người là 10.326,34 USD, Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế, khẳng định điều thần kỳ của nước Nhật hậu chiến[1].

Xu thế phục hưng của Nhật Bản, ngay từ lúc thoát khỏi chế độ chiếm đóng của Mỹ vào năm 1952, đã gây tiếng vọng đến Hàn Quốc, Đài Loan và nhiều nước châu Á khác, đánh thức khát vọng thoát nghèo ở khu vực này. Hồng Kông, Philipines, Indonesia rồi Thái Lan, và sau đó là Singapore, Malaysia đã nhận ra tiếng vọng và bắt đầu thấy bức bối với tình trạng lạc hậu. Khi các nền kinh tế giữ được tốc độ tăng trưởng ngày càng ổn định thì giấc mơ “cất cánh” ngày càng hiện rõ và thôi thúc cơn khát phát triển.

Không rơi vào những cái bẫy của sự phát triển để rồi phải dừng lại ở mức vài nghìn USD đầu người/năm, bốn nền kinh tế Đông Á gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore tiếp tục phát triển và đạt ngưỡng 10.000 USD đầu người chỉ chưa đầy 20 năm sau mốc đầu tiên của thu nhập trung bình. Đó là năm 1987 với Đài Loannăm 1988 với Hồng Kông, năm 1989 với Singapore và năm 1990 với Hàn Quốc. Cả thế giới giật mình - bốn nền kinh tế Đông Á đã “cất cánh”, hay còn gọi là “hoá rồng”, trở thành các nước công nghiệp mới (NICs/NIEs[2]), làm nên điều kỳ diệu châu Á thế kỷ XX.

Còn Trung Quốc, bằng quá trình tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ đầu thập niên 90 sau chuyến “tuần du phương Nam” của Đặng Tiểu Bình năm 1992 với tuyên bố “mèo trắng mèo đen” nổi tiếng[3], đến nay, quốc gia đông dân nhất thế giới này đã chứng tỏ được là “con sư tử đã tỉnh ngủ” (lời Napoleon gần 200 năm trước[4]). Việc duy trì tính chất của chế độ chính trị cũ, nhưng lại cải cách táo bạo về kinh tế, tham dự và can thiệp sâu vào đời sống quốc tế, trên cơ sở kích thích tham vọng phục hưng nền văn minh Trung Hoa truyền thống, đã tạo ra một Trung quốc đại lục có vai trò khó phủ nhận đối với châu Á và đối với thế giới ở thế kỷ XXI.

Sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng cao, đạt 9,1% năm 2003, 9,5% năm 2004 và 9,8% năm 2005. Tính bình quân 1970-2008, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là 7,9%, thuộc loại cao nhất thế giới[5]. Tháng 12/2005, Tổng cục thống kê Trung Quốc đã tính toán và công bố, Trung Quốc trở thành nền kinh tế đứng thứ sáu thế giới (vượt Italia với GDP khoảng 2.000 tỷ USD). Năm 2006, Trung Quốc tự công bố là nền kinh tế đứng thứ tư thế giới, tính theo USD, vượt Pháp và Anh. Ngày 16/8/2010, theo tờ New York Times, Trung Quốc được công nhận là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới sau khi Nhật Bản thông báo GDP của mình là 1.286 tỷ USD (= 5.474 tỷ USD tính theo PPP), thấp hơn so với con số 1.335 tỷ USD (= 5.800 tỷ USD tính theo PPP) của Trung Quốc. Nghĩa là, Trung Quốc đã thế chỗ Nhật Bản ở vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới[6]. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, nếu giữ được mức tăng trưởng như năm 2010 là 10,3%, trong thập niên sau, quy mô kinh tế Trung Quốc sẽ ngang ngửa với Mỹ.

Sự phát triển của Trung Quốc bên cạnh các con rồng châu Á từ cuối thế kỷ XX đã làm dấy lên những dự báo, bàn luận về diện mạo mới của châu Á. Có những nghi ngại về một khái niệm châu Á không thống nhất (tương đối) do ở khu vực này vẫn hiện rõ tính cục bộ và thiếu liên kết, hay thiếu tương đồng giữa các nước trong sự phát triển. Nhưng khác với châu Âu, châu Á xưa nay chưa bao giờ là một khối thống nhất, dù là thống nhất về cách thức hay chiều hướng phát triển. Và điều đó chỉ làm phức tạp hơn các kế sách trong chiến lược vĩ mô của nhiều nước trên thế giới đối với một châu Á của thế kỷ mới mà thôi.

Dù châu Á được hiểu theo các khái niệm khác nhau đến thế nào và dù châu lục này không phải chỉ là Trung Quốc do trên thực tế có một loạt nước châu Á trong hơn 30 năm nay đang tham dự vào sự trỗi dậy của khu vực, nhưng thành phần đáng kể nhất, đáng nói nhất để thế giới tin rằng có một châu Á đang lớn mạnh và sẽ chi phối thế giới nhiều hơn trong thế kỷ XXI là sự tăng cường vai trò và vị thế của Trung Quốc. Với hơn 30 năm cải cách và mở cửa, thế giới ngày nay đã quen với nhiều tác động toàn cầu của nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc thực tế đã là một nhà đầu tư và thương mại có uy quyền, một chủ nợ lớn của nhiều nước Á, Phi, kể cả nước Mỹ và là một nhân tố có thể làm thay đổi các xu thế của thị trường toàn cầu. Các nhà chiến lược của nền kinh tế Trung Quốc thời gian gần đây thường không ngần ngại tìm cách điều chỉnh lại các chuẩn thương mại và các điều kiện đầu tư quốc tế cho phù hợp với quan điểm của mình. Dĩ nhiên các nước khác cũng tìm cách đàm phán với Trung Quốc nhằm định hướng lại đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, có nhiều điều đã vượt ra khỏi kinh nghiệm của WTO và một vài hiệp ước quốc tế. Sự nghi ngại dần tăng theo thời gian, không hẳn do lệ thuộc vào các nỗ lực mở rộng quân sự có xu hướng dân tộc chủ nghĩa cùng với những tham vọng trở thành cường quốc biển mà người ta thấy đặc biệt rõ từ năm 2009. “Chết dưới tay Trung Quốc” đã trở thành cuốn sách bán chạy năm 2011 ở Mỹ và ở nhiều nước khác; và nếu tính đến mức độ phổ biến trên mạng thì cuốn sách này gần như là lời cảnh báo toàn cầu[7].

Trong mối tương quan, phải nói là không kém phần trực tiếp tới hiện tượng Trung Quốc trỗi dậy - thế kỷ châu Á, cần thiết phải nói đến vấn đề Biển Đông - vùng biển đã thực sự “bị khuấy động” (Stirring) trong thời gian gần đây[8]. Vấn đề là ở chỗ, khác với các vùng biển khác, kể cả vùng Đông bắc Thái Bình dương, Biển Đông khi “bị khuấy động” đã gây ảnh hưởng không nhỏ, thậm chí làm thay đổi quan điểm chiến lược của một số nước, trong đó có Mỹ. Và trên thực tế, vấn đề Biển Đông từ năm 2010 đã chi phối khả năng thực tế của Thế kỷ châu Á. (Xem tiếp phần 4)

*Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Thông tin khoa học xã hội.


[1] Các số liệu này do CIA, OECD, IMF và WB công bố. Chúng tôi chọn và soạn theo http://www.indexmundi.com.

[2] NIEs - gọi đầy đủ là “Các nền kinh tế công nghiệp hóa mới” (Newly Industrialized Economies). NICs - “Các nước công nghiệp hóa mới” (Newly Industrialized Countries). Số liệu nói về năm GDP của Đài Loan và Hàn Quốc đạt tới 10.000 USD đầu người không thống nhất trong các tài liệu khác nhau. Theo IMF, Đài Loan đạt 10.000 USD đầu người năm 1990 và Hàn Quốc năm 1992. Còn theo các tài liệu khác thì Đài Loan năm 1987 và Hàn Quốc năm 1990 hoặc 1991. Tuy nhiên nhanh chậm 1-2 năm ở đây không làm thay đổi bản chất vấn đề đang bàn.

[3] Năm 1962, tại hội nghị Lư Sơn, để nói lý lẽ của mình về quan hệ sản xuất, Đặng Tiểu Bình nhắc lại một câu ngạn ngữ Tứ Xuyên: “Bất kỳ mèo trắng mèo đen, hễ bắt được chuột thì đều là mèo tốt” (不 管 黑 貓 白 貓, 捉 到 老 鼠 就 是 好 貓 - Bất quản hắc miêu bạch miêu, tróc đáo lão thử tựu thị hảo miêu). Tháng 2/1976, Mao Trạch Đông ra chỉ thị phê phán và bắt giam Đặng vì “lý luận con mèo”. Khi thăm Thâm Quyến năm 1992, dường như Đặng đã nhắc lại câu nói này và từ đó, tư tưởng này được ca ngợi nhiều.

[4] Napoleon nói về Trung Quốc, 1816. Xem thêm: Nguyễn Lưu Viên. Trung Quốc đã thức dậy rồi... thế giới có run sợ chưa. http://vietnamlibrary.informe.com/

[5] UNDP. Human Development Report 2010. tr. 207.

[6] Xem: Vinh Nguyễn (2010). Tài liệu đd.

[7] Navarro, Peter & Greg Autry (2011). Dead by China, Confronting Dragon – A Global Call for Action. Publishing as Prentice Hall. http://www.deathbychina.com/DBC-excerpt.pdf

[8] Xem: International Crisis Group (2012). Stirring up the South China Sea (I&II). tài liệu đd.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục