Vấn đề thế kỷ châu Á (Phần 5)
Vấn đề thế kỷ châu Á
GS, TS Hồ Sĩ Quý*
V. Sự suy yếu tương đối của Mỹ - “Mỹ phai tàn”?
Những dự báo Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để chiếm vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới vào một thời điểm gần đã làm sôi động những tranh luận về việc Mỹ sẽ phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn về vị thế kinh tế - chính trị của mình trong tương lai. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, vai trò của quy mô kinh tế đối với vị thế cường quốc, không luôn luôn và không nhất thiết có quan hệ nhân quả với nhau - đây là điều khá tinh tế mà không phải mọi nhà chiến lược đều đã ý thức rõ. Tự thân kinh tế không phải là một thước đo đầy đủ và chính xác sức mạnh thực của các quốc gia trong hệ thống thế giới, nhất là với những nền kinh tế lớn về quy mô và phạm vi nhưng lại chưa cao về trình độ và cơ cấu như Trung Quốc. Vả lại, Trung Quốc ngay từ thế kỷ XIX, đã có lúc là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng vào đúng những thời điểm như vậy, Trung Quốc lại đã từng cúi đầu khuất phục những quốc gia chẳng to lớn gì ở châu Âu. Còn ngày nay, cho dù Trung Quốc có thực sự vươn lên đỉnh cao kinh tế và quân sự, quốc gia này cũng không dễ rút ngắn sự tụt hậu khá xa so với Mỹ và Châu Âu về GDP bình quân đầu người, về chỉ số HDI (phát triển con người), về khoa học, giáo dục và về nhiều phẩm chất văn hóa - văn minh khác mà chính người Trung Quốc đang tự phàn nàn[1].
Những người tin tưởng chắc chắn vào khả năng lớn mạnh hơn nữa của châu Á có vẻ vẫn đang nhiều thêm. Ngay cả Thomas Friedman, nhà báo nổi tiếng của tờ New York Times, tác giả cuốn “Thế giới phẳng” gây xôn xao dư luận mấy năm vừa rồi, cũng đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Washington để nước Mỹ tụt hậu đáng kể trong cuộc chạy đua với những đối thủ châu Á. Tháng 8/2011 cùng với Michael Mandelbaum, một trong những nhà tư tưởng hàng đầu về chính sách đối ngoại của Mỹ, giáo sư Đại học Johns Hopkins, Friedman đã xuất bản cuốn sách “Chúng ta đã từng như thế: Mỹ tụt hậu trong thế giới mà Mỹ đã tạo ra như thế nào và làm thế nào để chúng ta quay trở lại” (That Used to Be Us: How America Fell Behind in the World It Invented and How We Can Come Back). Friedman và Mandelbaum đã dẫn ra những số liệu đáng chú ý về thâm hụt ngân sách và phân tích những yếu kém trong quản lý vĩ mô của Mỹ về mặt kinh tế - xã hội. Theo các ông, toàn bộ nền kinh tế Mỹ đến nay đã giảm sút nghiêm trọng về trình độ và tốc độ tăng trưởng. Mức độ sụt giảm kinh tế Mỹ, theo Friedman và Mandelbaum, đáng phê phán đến mức kỳ lạ, nếu đem so với bất kỳ nền kinh tế mới nổi nào như Ấn Độ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ…, mà đặc biệt là với Trung Quốc. Trong chính trị và quân sự, Mỹ cũng không nắm được vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên, bị động trước sự biến động của khu vực Arap và các khu vực khác. Những biểu hiện của quyền lực Mỹ suy tàn đã và đang hiện ra rất rõ. Friedman và Mandelbaum không ngần ngại kết luận, thời kỳ Mỹ “lãnh đạo thế giới và có khả năng bắt các nước làm theo” đã kết thúc rồi[2].
Thế nhưng, bất chấp số người tin tưởng châu Á sẽ vượt lên trước phương Tây ngày một nhiều thêm, vẫn có rất nhiều tiếng nói cho là quá sớm khi tụng ca thế kỷ châu Á và coi Mỹ đang lụi tàn giống như đế quốc Anh quốc nửa đầu thế kỷ XX. Vì ngoài sức mạnh kinh tế vẫn còn khá nghèo so với Mỹ và phương Tây, châu Á đang đối mặt với những thử thách lớn về dân số, chính trị, môi trường và đặc biệt là liên kết khu vực; châu Á còn quá xa vời với kiểu liên kết như Liên minh châu Âu. Hơn thế nữa, theo Joshua Kurlantzick, chuyên gia về Đông Nam Á của Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ, tất cả những cường quốc châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc hay Nhật Bản, thực tế, vẫn muốn gây chiến với nhau hơn là hợp tác để tạo ra những định chế chung[3].
Phải chăng Mỹ đang lụi tàn, như gần đây nhiều chính khách và học giả đang tin là thế? Có phải Mỹ đã từ bỏ những đức tin và ý chí đã giúp họ thành công trong quá khứ và ngày nay Mỹ hoàn toàn thiếu tiềm lực và sức mạnh để giải quyết những vấn đề họ đang đối mặt? Hay liệu Washington sẽ phải tự kết liễu vị thế siêu cường của mình vì nhận thấy sự dịch chuyển nền văn minh đang khiến cho sức mạnh Mỹ không tránh khỏi suy giảm? Mặc cho Niall Ferguson vẫn thu hút khá đông cử tọa đến giảng đường nghe lý luận về phương Tây lụi tàn của ông, mặc cho Friedman và Mandelbaum vẫn đang lôi cuốn độc giả cười nhạo hình ảnh một Chú Sam già yếu và bất lực, trật tự thế giới ngày nay, như nhiều nhà nghiên cứu đã phân tích khá cặn kẽ tới mức khó có thể phủ nhận được - vẫn đang là trật tự phản ánh sự thắng thế và hợp lý của nhiều nguyên tắc Mỹ, mô hình Mỹ, quan niệm Mỹ, lối sống Mỹ và nói chung là ưu thế Mỹ trong hầu hết các khía cạnh chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự. Sự suy tàn của Mỹ, rất có thể chỉ là sự phản ánh tâm lý bức xúc của những người không muốn nước Mỹ yếu đi, nhiều lắm nó cũng chỉ là hồi chuông đánh động nhà cầm quyền. Còn nếu như có thực, sự suy tàn của Mỹ chắc chắn sẽ đồng nghĩa với việc mở ra một thế giới khác cho nhân loại.
Nhưng giả dụ, nếu điều này xảy ra thì đáng mừng hay đáng lo?
Theo James Kurth, thế kỷ XX mới là thế kỷ Mỹ thứ nhất, thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ Mỹ thứ hai. Những trụ cột làm nên một siêu cường Mỹ ở thế kỷ thứ hai có thể sẽ khác, nhưng Mỹ vẫn sẽ là cường quốc mạnh nhất thế kỷ XXI mặc dù không dựa vào kiểu thống trị như trong thế kỷ vừa qua. James Kurth cho rằng, Mỹ còn rất lâu nữa vẫn tồn tại dựa vào những trụ cột mà Trung Quốc và những cường quốc khác khó có thể tạo ra cho mình những cái gì đó tương tự. Bên cạnh những trụ cột thuộc kinh tế, chính trị, quân sự, và văn hóa…, Mỹ hiện vẫn là tấm gương khiến cả thế giới muốn bắt chước về sự sáng tạo công nghệ và một lối sống hấp dẫn[4]. Dù lâu nay người ta đã nói nhiều về việc châu Á sẽ vươn lên làm chủ công nghệ trong tương lai, nhưng một năng lực sáng tạo công nghệ liên tục và thường xuyên như Mỹ đã làm trong suốt nửa sau thế kỷ XX thì không hề đơn giản đối với bất kỳ quốc gia nào. Mặc dù Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay Trung Quốc đã thành công về kinh tế, nhưng những cường quốc của khu vực này vẫn chưa đủ đảm bảo để các nước khác yên tâm với sức mạnh của sự tiến bộ - như Mỹ đã tạo nên cho các đồng minh của Mỹ. Ngoài ra, không tham vọng lãnh thổ còn là một phẩm chất mà xưa nay người ta thấy chỉ có ở đế chế này[5].
Và gần đây, chính quyền Obama dường như đã ý thức hơn về sức mạnh dài lâu của Mỹ.
Trong theo dõi của chúng tôi, người có tiếng nói đáng chú ý hơn cả trong việc khẳng định vị thế cường quốc của Mỹ trong thế kỷ XXI là Robert Kagan, nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại của Viện Brookings, bình luận viên báo Washington Post, nhà tư tưởng chiến lược có ảnh hưởng lớn ở Mỹ (One of the country's most influential strategic thinkers). Trong cuốn sách mới nhất của mình “Thế giới mà nước Mỹ tạo ra” (The World America Made) xuất bản năm 2012 và trong bài “Chưa phai tàn. Phản biện huyền thoại về sự suy tàn của Mỹ” (Not Fade Away. Against the myth of American decline) đăng trên tờ The New Republic số tháng 2/2012, Kagan đã một lần nữa bàn về vai trò và vị thế hiện tại của Mỹ, với quan điểm gần như là đối lập hoàn toàn với Niall Ferguson, với Thomas Friedman và Michael Mandelbaum. Ngay từ khi công bố, cuốn sách và bài báo này đã nhận được sự phản hồi sôi nổi của đông đảo độc giả[6].
Theo Robert Kagan, hiện đang có nhiều sự bi quan được đặt không đúng chỗ; chuyện Mỹ đang suy tàn, thực ra là một huyền thoại thiếu căn cứ. Thế giới sẽ trở thành một thế giới khác và có thể trở nên nguy hiểm hơn nếu Mỹ giảm bớt vai trò lãnh đạo toàn cầu để dồn sức chỉ vào việc giải quyết các vấn đề nội bộ. Sự trở lại của chiến tranh sẽ tăng lên khi các quốc gia chen lấn vì quyền lực thế giới. Sự rút lui của dân chủ sẽ diễn ra ở những nước như Nga. Sự độc đoán sẽ có thêm sức mạnh ở những nước như Trung Quốc. Và sự yếu kém sẽ ngự trị trong nền kinh tế thị trường tự do toàn cầu, một trật tự đáng mơ ước mà Mỹ đã tạo ra và liên tục hỗ trợ trong hơn 60 năm qua. Bằng các căn cứ định lượng và định tính cụ thể, Robert Kagan đã vẽ nên một bức tranh sống động, thậm chí đáng báo động về việc nếu Hoa Kỳ có ý định để cho ảnh hưởng của mình suy yếu đi[7].
Theo Robert Kagan, không phải chỉ nhờ may mắn hay nhờ cầu nguyện mà trong quá khứ Mỹ đã vượt qua những cuộc khủng hoảng và trỗi dậy mạnh mẽ hơn các nước khác trong khi nhiều đối thủ của Mỹ đã suy sụp. Vấn đề là ở chỗ, sự suy tàn, đối với Mỹ, là một lựa chọn. Nếu Mỹ lựa chọn chiến lược để tàn lụi thì nước Mỹ sẽ suy tàn. Quyết định nằm trong tay người Mỹ; suy tàn không phải là một định mệnh không thể tránh được, ít nhất là cho tới thời điểm hiện nay. Dĩ nhiên, nền văn minh thế giới rồi sẽ dịch chuyển. Các đế chế hưng thịnh - đến như La Mã - rồi cũng sẽ suy vong. Nhưng vào lúc nào? Nếu Mỹ bắt đầu sự suy tàn của mình trong hai thập niên tới, điều đó sẽ có ý nghĩa hệ trọng cho hai thế kỷ tiếp theo, không chỉ đối với người Mỹ mà còn đối với bản chất của thế giới mà Mỹ và nhân loại đang sống[8].
Trong thế kỷ XX, Mỹ đã gây ảnh hưởng lớn, lớn hơn bất cứ cường quốc nào kể cả thời Đế chế La Mã. Mỹ đã đạt được nhiều thành tựu và cũng giúp cho thế giới đạt được nhiều thành tựu. Nhưng Mỹ vẫn có những yếu kém và sai lầm. Mỹ không hoàn hảo và cũng đừng bao giờ mong Mỹ hoàn hảo[9]. (Xem tiếp phần 6)
*Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Thông tin khoa học xã hội.
[1]. Xem: Lưu Á Châu (2012). Sự đáng sợ của nước Mỹ. http://trankinhnghi.blogspot.com/2012/03/nghe-nguoi-trung-hoa-noi-ve-hoa-ky-va.html.
[2]. Xem: Thomas Friedman, Michael Mandelbaum (2011). That Used To Be Us. How America Fell Behind in the World It Invented and How We Can Come Back. http://www.thomaslfriedman.com/bookshelf/that-used-to-be-us. // That Used to be Us By Thomas L. Friedman and Michael Mandelbaum. http://www.nytimes.com/2011/09/11/books/review/that-used-to-be-us-by-thomas-l-friedman-and-michael-mandelbaum-book-review.html?pagewanted=all
[3]. Xem: Joshua Kurlantzick (2011). Tài liệu đd. // Xem thêm: Haruhiko Kuroda (2011). Tài liệu đd.
[4]. Xem: James Kurth (2009). Pillars of the Next American Century. Tracing the foundations of American global strength, from past to future. The American Interest. Volume 5, Number 2. November/ December.
[5]. Trích theo: Viện những vấn đề phát triển http://www.vids.org.vn/vn/asp/News_Detail.asp?tabid=1&mid=802&ID=2138:
Trong một cuộc họp báo, Tổng Giám Mục Giáo xứ Canterbury, Anh, gay gắt hỏi Ngoại trưởng Mỹ Collin Powell việc Mỹ đem quân sang Iraq và Afganistan có phải là thí dụ điển hình về tham vọng bành trướng lãnh thổ của Mỹ hay không? Ngoại trưởng Collin Powel trả lời: Thưa Đức Cha, từ bao nhiêu năm qua, Mỹ đã gửi không biết bao nhiêu nam thanh, nữ tú của mình dấn thân vào lửa đạn để tranh đấu cho tự do ngoài biên cương Mỹ. Tham vọng về đất đai của chúng tôi, nếu có là chỉ xin vừa đủ đất để chôn những người tử trận không thể trở về nhà.
[6]. Xem: Robert Kagan (2012). The World America Made published by Alfred A. Knopf, 2012.// Robert Kagan (2012). Not Fade Away. Tài liệu đd.
Bình luận của bạn
Tin bài liên quan
Vấn đề thế kỷ châu Á (Phần 3)
Vấn đề thế kỷ châu Á (Phần 2)
Vấn đề thế kỷ châu Á (Phần 1)
Gia tăng sức mạnh, gia tăng căng thẳng: Mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và Ấn Độ (Phần 3)
Gia tăng sức mạnh, gia tăng căng thẳng: Mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và Ấn Độ (Phần 2)
Gia tăng sức mạnh, gia tăng căng thẳng: Mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và Ấn Độ (Phần 1)
Thư mục Các bài nghiên cứu khoa học về Ấn Độ (Đăng trên các báo, tạp chí của Việt Nam) (Phần 4)
Thư mục Các bài nghiên cứu khoa học về Ấn Độ (Đăng trên các báo, tạp chí của Việt Nam) (Phần 3)
Thư mục Các bài nghiên cứu khoa học về Ấn Độ (Đăng trên các báo, tạp chí của Việt Nam) (Phần 2)
Tin bài khác
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tham gia triển lãm kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Thông tin Khoa học
Diễn văn chào mừng lễ kỷ niệm 60 năm Viện Thông tin Khoa học
Ấn Độ vẫn chưa tán thành các mục tiêu của khuôn khổ kinh tế khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Thủ tướng Narendra Modi cam kết đưa Ấn Độ trở thành một quốc gia phát triển trong 25 năm
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Ấn Độ tại Việt Nam thăm và chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam
Ý nghĩa của các dự án tác động nhanh của Chính phủ Ấn Độ dành cho Việt Nam
Tàu sân bay INS Vikrant: biểu hiện độc đáo cho sự tự lực của Ấn Độ
Thông tin chuyên đề: “Hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong các dự án Tác động nhanh do chính phủ Ấn Độ tài trợ tại Việt Nam”
Đông dân nhất thế giới - liệu sẽ có một “điều kỳ diệu” khác mang tên Ấn Độ?
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục