Về quá trình phát triển và phân phái của Phật giáo Ấn Độ
Ra đời vào khoảng thế kỷ VI trước CN ở miền Bắc Ấn Độ, với những tư tưởng tiến bộ và tích cực, Phật giáo đã nhanh chóng chiếm được tình cảm và niềm tin của đông đảo quần chúng, trở thành ngọn cờ đầu của phong trào cách tân tư tưởng và xã hội ở Ấn Độ cổ đại. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, do cuộc đấu tranh tư tưởng giữa các trường phái triết học, tôn giáo khác nhau, cũng như sự thay đổi của cuộc sống, Phật giáo cũng có sự thay đổi, được hoàn chỉnh dần để thích nghi. Qua quá trình này, đặc biệt là qua các cuộc kết tập kinh điển, Phật giáo phân ra thành nhiều phái khác nhau, với sự khác nhau về giới luật, triết học, giáo lý, nghi thức mà điển hình là hai bộ phái Tiểu thừa và Đại thừa.
Trong lịch sử tư tưởng nhân loại, có một hiện tượng mang tính quy luật, đó là sự phân phái của các hệ thống triết lý tôn giáo lớn trong quá trình phát triển của chúng. Phật giáo cũng không nằm ngoài quy luật đó. Ra đời vào khoảng thế kỷ VI TCN., ở miền Bắc Ấn Độ, trong làn sóng đòi tự do tư tưởng và bình đẳng xã hội, Phật giáo, một mặt, phủ nhận những giáo lý, lễ nghi khắt khe của đạo Bà la môn và chế độ phân biệt đẳng cấp xã hội khắc nghiệt; mặt khác, lại kế thừa những tư tưởng, những yếu tố tích cực của nó như đề cao lòng nhân ái, từ bi, với mục đích tối cao là “giải thoát” con người khỏi bể khổ của cuộc đời bằng sự tu luyện đạo đức, tu luyện trí tuệ, thiền định (giới, định, tuệ). Nhờ đó, Phật giáo đã nhanh chóng chiếm được tình cảm và niềm tin của đông đảo quần chúng, trở thành ngọn cờ đầu của phong trào cách tân tư tưởng và xã hội ở Ấn Độ cổ đại. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Phật giáo đã phân chia thành nhiều bộ phái khác nhau, do những nguyên nhân nội bộ nảy sinh và những nguyên nhân tác động bên ngoài.
Sau khi Đức Phật diệt độ, các môn đệ cũng như các tăng sỹ trong hàng ngũ tăng già có quan điểm khác nhau về giáo lý và giới luật của Đức Phật, thể hiện rõ ở hai quan điểm bảo thủ và cách tân. Đại đa số các tăng sỹ, trong đó có Ca Diếp, đều theo quan điểm bảo thủ, chủ trương bảo vệ truyền thống, nghĩa là “không ai được thêm bớt chút nào trong các luật lệ mà Đức Thế Tôn đã ban hành”(1), giữ nguyên lời giảng của Đức Phật lúc còn tại thế. Trái lại, những người theo quan điểm cách tân như A Nan lại cho rằng, tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể, có thể thêm bớt vào những lời giảng, những giới luật của Đức Phật cho phù hợp. Theo họ, không nên gò bó gượng ép lời dạy, giới luật vào ngôn từ chữ nghĩa hẹp hòi, mà phải thấu hiểu ý nghĩa sâu xa những lời dạy của Đức Phật để áp dụng cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Vì thế, ngài Đại Thiên chủ trương: Khi Phật còn tại thế, chư Thiên và Tứ chúng nói ra, đều phải được Phật ấn chứng, mới gọi là Kinh, nay Phật đã diệt độ, nếu trong đại chúng có người thông minh, có tài thuyết pháp, cũng có thể trước tác được “Kinh Điển”(2).
Sự khác nhau trong quan niệm về giới luật là nguyên nhân thứ hai của quá trình phân phái. Có thể nói, đây là nguyên nhân tác động mạnh mẽ nhất dẫn đến sự phân phái. Khác nhau về quan điểm, lập trường tư tưởng, không phải bất cứ ai, lúc nào cũng thấy được, nhưng khác nhau về giới luật luôn được thể hiện một cách khá rõ ràng và nhanh chóng làm cho các tăng sỹ, phật tử phân rẽ. Nói chung, các phật tử đều sống theo các giới luật cơ bản của Phật tổ như Ngũ giới, Lục độ… Nhưng sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, những người theo quan điểm tiến bộ chủ trương sửa đổi lại một số luật lệ truyền thống cho phù hợp với hoàn cảnh thực tại. Theo họ, nếu tất cả những điều xưa kia bị cấm, thì trong hoàn cảnh hiện tại, có thể được phép làm mà không phạm giới. Trong khi đó, phần lớn các trưởng lão, các tăng sỹ cương quyết giữ nguyên giới luật truyền thống, không thay đổi, thêm bớt, dù là nhỏ nhất. Điều này dẫn đến sự khác nhau về giới luật giữa các tăng đoàn.
Nguyên nhân thứ ba, đó là sự khác nhau về triết học và giáo lý trong nội bộ Phật giáo. Chẳng hạn, ở phạm vi triết lý, có hai lập trường khác nhau về vấn đề bản thể luận. Quan điểm “hữu luận” chủ trương thế giới vật chất tồn tại chân thực và hiện hữu tương đối. Ngược lại, quan điểm “không luận” lại cho rằng, thế giới vạn vật hiện hữu đấy, nhưng không có thật, cái gốc của nó vẫn là “không” (sunya). Cũng tương tự như vậy, ở phạm vi giáo lý, các tăng sỹ phật tử cũng theo một mục đích tôn chỉ phấn đấu cho sự giải thoát cuối cùng là Niết bàn, nhưng họ lại có quan điểm khác nhau về cách thức giải thoát. Một số chủ trương mỗi người tự tu luyện để đạt Niết bàn, không ai có thể làm thay hoặc trợ giúp. Đó là sự giải thoát mang tính cá nhân – tự giác. Số khác lại quan niệm rằng, để giải thoát, con người không chỉ dựa vào bản thân, mà còn cần đến sự giúp đỡ từ bên ngoài - “giác giả giác tha”. Vì thế, có một số vị Bồ Tát đã đạt Niết bàn, tự nguyện ở lại cứu nhân độ thế, giải thoát chúng sinh.
Có thể thấy rằng, lịch sử phát triển triết lý tôn giáo Ấn Độ gắn liền với những cuộc đấu tranh tư tưởng rất sôi động và gay gắt giữa các trường phái triết học tôn giáo khác nhau. Quá trình phát triển, phân phái của Phật giáo cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng của những cuộc tranh luận ấy, nhất là khi Bà la môn giáo bắt đầu phục hồi, Hồi giáo tràn vào Ấn Độ. Qua sự phê phán, công kích của các trường phái triết học tôn giáo truyền thống hoặc ngoại lai, Phật giáo đã bộc lộ những điểm yếu cần khắc phục trong quan điểm triết học, hay trong phạm vi giáo lý, nghi thức, giới luật… Tuy nhiên, khi khắc phục những hạn chế ấy, các tăng sỹ, phật tử, với những cách tiếp cận khác nhau, đi đến giải quyết vấn đề khác nhau, nảy sinh những hệ luận tư tưởng không giống nhau. Từ đó, sự phân phái là điều khó tránh khỏi. Ví dụ, khi còn tại thế, với tuyên ngôn nổi tiếng đầy tính nhân văn: “Cũng như đại dương chỉ có một vị mặn, đạo của ta không có gì khác ngoài mục đích giải thoát”(3), Phật tổ có vẻ không quan tâm lắm đến vấn để bản thể luận triết học. Nhưng sau khi Phật diệt độ, trước sự phê bình của các trường phái triết học, tôn giáo khác, Phật giáo nhận ra hạn chế này và bắt đầu khắc phục. Và, khi giải quyết vấn đề bản thể luận, Phật giáo đã phân chia thành hai phái với hai quan điểm “Hữu luận” và “Không luận”.
Tuy nhiên, xét cho cùng, nguyên nhân cơ bản, sâu xa nhất dẫn đến sự phân phái của Phật giáo, đó là sự thay đổi cuộc sống hiện thực xã hội. Tư tưởng bao giờ cũng là tấm gương phản ánh hiện thực xã hội. Khi thực tiễn xã hội thay đổi, tất yếu tư tưởng cũng thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Đó là quy luật khách quan. Cuộc sống xã hội Ấn Độ thay đổi, muốn tồn tại, Phật giáo cũng phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh trong từng giai đoạn cụ thể. Sự thay đổi thích nghi ấy, một mặt, tạo ra sự phát triển và mặt khác, đã dẫn đến sự phân phái.
Quá trình phân phái của Phật giáo có mầm mống ngay sau khi Đức Phật diệt độ và gắn liền với bốn cuộc kết tập kinh điển.
Cuộc kết tập lần thứ nhất: Theo lịch sử Phật giáo, không bao lâu sau khi Phật tổ nhập diệt, một số tăng sỹ bắt đầu có những biểu hiện sống tự do vượt ra ngoài những giới luật ràng buộc. Trước tình hình đó, Ca Diếp, đệ tử tối cao của Đức Phật đã triệu tập một đại hội kết tập lại giáo pháp Phật tổ dạy một cách thống nhất để mọi người tuân theo. Hội nghị kết tập lần này diễn ra ở thành Vương Xá, kinh đô nước Ma Kiệt Đà, kéo dài bảy tháng. Thành phần hội nghị gồm 500 vị đã chứng quả A La Hán, do Ca Diếp chủ toạ. Vì thế, hội nghị này được gọi là cuộc “Kết tập năm trăm” hay “Vương Xá kết tập”. Trong hội nghị, A Nan được cử tụng lại pháp, Ưu Ba Ly được cử tụng lại giới luật của Phật tổ. Sau khi tụng xong được sự thảo luận và thừa nhận của đại chúng cho là đúng với lời Phật nói, người ta bắt đầu ghi lại. Tạng Kinh, Tạng Luật có bắt đầu từ đó(4). Riêng Tạng Luận do Ca Diếp phụ trách biên soạn, gồm bảy đoạn, nói về triết lý, đạo lý, siêu hình, phong hoá và nghiêm luật(5). Cuộc kết tập lần này có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong lịch sử Phật giáo. Bước đầu nó đã hình thành nên cơ cấu tổ chức giáo hội, Luật và Pháp được phân chia rõ ràng. Tuy nhiên, cũng trong cuộc kết tập này, sự phân chia bộ phái đã bắt đầu nhen nhóm với hai quan điểm bảo thủ và cách tân. Nếu Ca Diếp lặp đi lặp lại ba lần: Không ai được thêm bớt chút nào trong các luật lệ mà Đức Thế Tôn ban hành, thì A Nan bày tỏ giữa hội nghị “có thể bớt đi những điều luật lặt vặt và nhỏ nhặt”(6), ý tưởng của A Nan cũng được một số vị đồng tình ủng hộ.
Cuộc kết tập kinh điển lần thứ hai: 100 năm sau kỳ kết tập lần thứ nhất, 12.000 tăng sỹ thành Tỳ Xá Lỵ không sống theo tất cả giới luật. Theo họ, trong giới luật có 10 điều được châm chế và họ đã không giữ những giới luật này, vốn là những điều cấm kỵ: để dành muối trong một cái sừng để dùng trong những ngày sau; ăn khi mặt trời đã xế, bóng dài quá hai ngón tay; đã ăn rồi lại ăn nữa khi sắp đi xa; hành lễ Bồ Tát tập trung; tự quyền hành lễ; tự tiện bắt chước các bậc tôn sư làm việc; ăn bơ sữa sau khi đã ăn bữa chính; được uống rượu pha loãng với nước; được dùng tấm thảm trải giường không viền.
Để xem xét lại 10 điều luật trên, cũng là để một lần nữa xác định lại giới pháp nhằm ngăn ngừa mọi điều phi pháp có thể xảy ra, hội nghị kết tập lần thứ hai được triệu tập. Hội nghị quy tụ 700 vị trưởng lão tại thành Phệ Xá Lỵ kéo dài khoảng 8 tháng, nên cũng được gọi là “Đại hội các vị trưởng lão” hay “Kỳ kết tập bảy trăm”. Nói chung, sau nhiều lần thảo luận với nhiều ý kiến khác nhau, cuối cùng, hội nghị tuyên bố, 10 điều trên vẫn là những giới luật cần tuân giữ, nếu không sẽ phạm giới. Tuy nhiên, đa số các vị Đông bộ không phục tùng nghị quyết này, họ cùng nhau hội họp ở nơi khác để kết tập kinh điển, gọi là Đại chúng kết tập. Nội dung của Đại chúng kết tập là Kinh tạng, Luật tạng, Đại Pháp tạng, Tập tạng và Bồ Tát tạng. Gọi là ngũ tạng(7). Từ đấy, giáo đoàn Phật giáo chia thành hai bộ phái khác nhau. Thượng toạ bộ theo khuynh hướng bảo thủ, Đại chúng bộ theo khuynh hướng cách tân. Sau này trong quá trình phát triển, Thượng toạ bộ và Đại chúng bộ tiếp tục phân liệt thành 20 bộ phái khác nhau.
Cuộc kết tập kinh điển lần thứ ba: vào khoảng thế kỷ III TCN., dưới thời vua A Dục – một người sùng đạo. Thời kỳ này Phật giáo phát triển mạnh mẽ. Chùa chiền, tháp Phật được xây dựng khắp nơi. Số người theo đạo đông đảo, thuộc đủ mọi tầng lớp phú gia, cơ hàn, quý chức, thương gia, kỹ nghệ… nhưng với nhiều mục đích khác nhau. Vì thế, trong số đó, nhiều người không thành tâm với đạo, vẫn giữ những tập tục ngoài đời, không thi hành trọn vẹn giới pháp Phật giáo, gây nhiều nỗi bất hoà, phân tranh phức tạp.
Lo lắng cho tiền đồ của Phật giáo, cùng với ý muốn truyền bá đạo Phật ra nước ngoài, vua A Dục quyết chí tổ chức kỳ đại hội nhằm xác định, thống nhất lại giáo pháp, và chuẩn bị truyền bá ra ngoài. Do đó, cuộc kết tập lần thứ ba diễn ra ở thành Hoa Thị vào năm thứ 18 dưới triều vua A Dục (136 năm sau kỳ kết tập lần thứ hai). Có 1000 tăng sỹ thuộc nhiều bộ phái khác nhau tham dự, dưới sự chủ toạ của đại đức Tích Ha (Tisya), kéo dài chín tháng. Ngoài việc nhuận sắc hai tạng Kinh, tạng Luật và chép thêm tạng Luận cho hoàn chỉnh, thành công nhất trong kỳ kết tập này là việc truyền đạo ra nước ngoài. Sau kỳ đại hội, có 10 nhà truyền giáo đi đến chín nước khác nhau. Do vậy, số tín đồ Phật giáo ở nước ngoài gia tăng nhanh chóng, nhưng các bộ phái vẫn tiếp tục phân liệt.
Cuộc kết tập kinh điển lần thứ tư: đầu thế kỷ II, lúc này Phật giáo đã phân chia thành nhiều bộ phái khác nhau, vua Ca Nhi Sắc Ca (Kaniska) là người sùng mộ đạo Phật, mỗi ngày thỉnh một vị tăng để nghe thuyết pháp và đọc lại các tạng Kinh, tạng Luận. Vua thấy giáo nghĩa không thống nhất, nên quyết định mở đại hội kết tập nhằm thống nhất giáo nghĩa các bộ phái. Đại hội kết tập lần này diễn ra tại Tịnh xá Hoàn Lâm nước Kasmitra, quy tụ 500 vị, toàn những người trí thức thông hiểu Tam tạng, do đại đức Thế Hữu chủ toạ. Ngoài ra, còn có các vị đại đức nổi tiếng khác như Pháp Cứu, Diệu Âm, Giác Thiên, Hiếp Tôn Giả. Đại hội kỳ này không thêm kinh sách mới mà thực chất là duyệt lại, chú thích các Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng, khắc vào bảng đồng. Từ sau kỳ kết tập lần thứ tư, hai bộ phái Thượng toạ bộ (Tiểu thừa) và Đại chúng bộ (Đại thừa) bước vào giai đoạn xung đột gay gắt.
Quá trình phân phái của Phật giáo bắt đầu từ khi Phật tổ diệt độ, kéo dài qua nhiều thế kỷ, đã hình thành nên các bộ phái cơ bản sau:
Từ cuộc kết tập kinh điển lần thứ hai vào 100 trăm năm sau khi đức Phật diệt độ, Phật giáo phân chia thành hai bộ phái: Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ . Sau đó, hai bộ phái này tiếp tục phân biệt thành nhiều phái khác nhau.
Trong khoảng 100 - 200 năm sau khi Phật diệt độ, từ Đại chúng bộ nảy sinh tám bộ phái khác, nếu tính cả Đại chúng bộ, có thể nói, Đại chúng bộ gồm 9 bộ phái sau: Đại chúng bộ, Nhất thuyết bộ, Thuyết xuất thế bộ, Kê dận bộ, Đa văn bộ, Thuyết giả bộ, Chế đa sơn bộ, Tây sơn trụ bộ, Bắc sơn trụ bộ.
Thượng tọa bộ vẫn giữ khuynh hướng bảo thủ, nhưng do chịu ảnh hưởng phân liệt của Đại chúng bộ, nên trong vòng 100 năm từ khoảng 200 - 300 năm sau khi Phật diệt độ, đã phân chia thành 11 bộ phái sau: Thượng toạ bộ (sau là Tuyết sơn bộ), Thuyết nhất thiết hữu bộ, Độc tử bộ, Pháp thượng bộ, Hiền trụ bộ, Chính lượng bộ, Mật lâm sơn bộ, Hoá địa bộ, Pháp tạng bộ, Ẩm quang bộ (Thiện tuế bộ), Kinh lương bộ (Thuyết chuyên bộ).
Trong hệ thống Đại chúng bộ, đáng chú ý nhất là ba bộ phái: Nhất thuyết bộ, Thuyết xuất thế bộ và Thuyết giả bộ. Ba bộ phái này có nhiều giáo nghĩa đặc sắc hơn so với các bộ phái khác trong hệ thống. Nhất thuyết bộ chủ trương “Tam thế chư pháp, giả danh vô thể”(8). Giống như Nhất thuyết bộ, Thuyết xuất thế bộ cũng kế thừa giáo lý “Pháp không luận” của Đại chúng bộ, nhưng Thuyết xuất thế bộ đứng trên lập trường phê phán thực tại luận để bàn luận về thực tướng của chư pháp, chủ trương “Tục vọng, chân thực”. Còn Thuyết giả bộ chủ trương các pháp đều có phần giả, phần thực. Đó là thuyết “Chân giả tịnh hữu” của bộ phái này.
Trong hệ thống Thượng toạ bộ, đáng chú ý nhất phải kể đến phái Hữu bộ. Hữu bộ do Ca Chiên Diên Tử sáng lập vào khoảng thời gian 300 năm sau khi Đức Phật diệt độ. Nó chủ trương giáo nghĩa tuỳ vào sự tiến triển của giáo lý Phật giáo nguyên thuỷ, lấy Luận tạng làm căn bản. Đó là thuyết “Tam thế thực hữu, pháp thể hằng hữu”, đối lập với Thượng toạ bộ lấy Kinh tạng và giáo lý Phật giáo nguyên thuỷ làm căn bản, không thiên trọng về Luật tạng và Luận tạng.
Một bộ phái quan trọng khác trong hệ thống Thượng toạ bộ, đó là Chính lượng bộ. Chính lượng bộ phát sinh từ Độc tử bộ cùng với Pháp thượng bộ, Hiền trụ bộ và Mật lâm sơn bộ. Các bộ phái này đều lấy Luận tạng làm bản vị, đều kế thừa giáo nghĩa của Độc tử bộ. Nhưng giáo nghĩa của Chính lượng bộ trở thành ưu thế. Cho nên Hữu bộ, Chính lượng bộ là hai bộ phái trọng yếu của Thượng toạ bộ.
Từ sau cuộc kết tập lần thứ tư, tức vào khoảng thế kỷ II, lịch sử Phật giáo Ấn Độ không có gì khác hơn là cuộc xung đột giữa hai phái Tiểu thừa và Đại thừa. Trước kia có nhiều phái nhưng về sau các phái đều theo Đại thừa hoặc Tiểu thừa. Khi Đại thừa chưa ra đời, danh từ Tiểu thừa Phật giáo cũng chưa xuất hiện, và chỉ gọi là “Nguyên thuỷ Phật giáo”. Nhưng sau khi Đại thừa xuất hiện, các học giả Đại thừa muốn phân biệt, so bì cao thấp về mặt tư tưởng, giáo lý, nên gọi giáo lý “Nguyên thuỷ Phật giáo” là “Tiểu thừa Phật giáo”.
Tiểu thừa, tiếng Phạn gọi là Hinayana, ví như cỗ xe nhỏ chở được ít người. Đại thừa là Mahayana, ví như cỗ xe lớn chở được nhiều người. Giữa Tiểu thừa và Đại thừa có nhiều điểm khác nhau về mặt tư tưởng, giáo lý… Nếu Tiểu thừa chủ trương “Ngã không pháp hữu”, thì Đại thừa chủ trương “Ngã pháp câu không”. Tiểu thừa cho rằng, con người phải tự tu luyện để đạt chứng quả, không ai có thể làm thay hoặc trợ giúp (tự lợi); Đại thừa cho rằng, mỗi người giác ngộ cho mình và cho tất cả những người khá “giác giả giác tha” (lợi tha). Tiểu thừa quan niệm, cứu cánh của giải thoát là đạt đến bậc A La Hán; Đại thừa quan niệm, cứu cánh ấy là thành Phật. Tiểu thừa thờ một Đức Phật Thích Ca duy nhất; Đại thừa, ngoài Đức Phật Thích Ca, còn thờ các Bồ Tát, La Hán, các vị thánh thần khác. Nói chung, Tiểu thừa muốn bảo tồn gìn giữ giáo lý, giới pháp nguyên thuỷ. Đại thừa theo khuynh hướng tiến bộ, cách tân cho phù hợp với thời đại, nhằm mở rộng Phật giáo. Trong quá trình phát triển, Tiểu thừa phân chia thành hai tông: Tỳ Bà Sa luận sư và Tăng Ca Lan đa bộ. Tương tự như vậy, Đại thừa cũng phân chia thành hai phái chính: Trung luận và Du già.
Phái Tỳ Bà Sa luận sư cho rằng, chỉ có những sự vật hiện tượng nào mà con người nhận thức được bằng giác quan và lý trí mới thực sự tồn tại. Theo họ, sự vật hiện tượng bao gồm hai loại: vĩnh viễn và không vĩnh viễn. Do lấy lý luận làm tôn chỉ, nên phái này coi trọng Luận tạng hơn Kinh tạng. Đối với những người theo phái này, Đức Phật cũng chỉ là một người bình thường như bao người khác, dù theo họ, Đức Phật hơn người ở chỗ là đã giác ngộ thành Phật và tự mình khám phá chân lý mà không phải học ai.
Phái Tăng Ca Lan đa bộ, cũng được gọi là “Kinh bộ”, quan niệm sự vật hiện tượng chỉ là hình ảnh, và con người có thể nhận biết chúng bằng lý trí. Họ phân chia vật thành hai loại. Loại thứ nhất được cấu thành do nhiều pháp, ví dụ: ngũ uẩn gồm sắc, thụ, tưởng, hành, thức; loại thứ hai chỉ có một pháp, ví dụ như “lý tưởng”. Trái với phái Tỳ Bà Sa luận sư, phái này đề cao Kinh tạng, không nhận Luận tạng. Bởi theo họ, Đức Phật là bậc thánh nhân, là đấng đại từ, đại bi.
Phái Trung luận do Long Thọ Bồ Tát sáng lập vào khoảng thế kỷ II (có quan niệm cho rằng vào đầu thế kỷ III). Nội dung chủ đạo cũng là điểm đáng chú ý nhất của phái này là tư tưởng “Trung đạo”, được thể hiện trong hai tác phẩm nổi tiếng của Long Thọ, là “Thập nhị môn luận” và đặc biệt là tác phẩm “Trung quán luận”. Theo Long Thọ, bản chất của thế giới là “Không” đối lập với “Có”, nhưng “Không” không phải là “Hư vô” mà là cái tên vượt ra ngoài vòng “Có và Không”, gọi là “Trung đạo”. Cho nên thế giới:
Không sinh cũng không diệt
Không thường cũng không đoạn
Không một cũng không khác
Không lại cũng không đi(9)
Đưa ra quan điểm “bát bất” trên, một mặt, Long Thọ muốn chống lại quan niệm thông thường cho rằng thế giới có sinh có diệt, có một có khác, có thường có đoạn, có lại có đi; mặt khác, để thuyết minh cho ý nghĩa “Trung đạo” của mình. Đây cũng là quan niệm đánh dấu bước phát triển của triết học Phật giáo về bản thể luận. Phái Trung luận phát triển đến thế kỷ VI thì phân thành hai phái: Ứng thành và Tự tục.
Phái Du già (Yoga), do anh em Vô Trước và Thế Thân Bồ Tát sáng lập vào khoảng thế kỷ V. Nội dung tư tưởng chính yếu của phái này được thể hiện trong tác phẩm “Duy thức luận” của Thế Thân. Theo Thế Thân, chỉ có cái thức – cái tư tưởng là thật. Nó bao hàm vạn vật trong đó. Các sự vật hiện tượng đều do thức mà ra: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Có thức là có sự phân biệt giữa chủ thể và khách thể, có sự sai biệt giữa các hiện tượng trong thế giới. Bản chất thực sự của con người là cái tâm thường tịnh, vắng lặng và vô trụ. Cái tâm này hoàn toàn đồng nhất với bản thể tuyệt đối. Trong cái tâm tĩnh lặng hàm chứa mầm mống của tám loại thức: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, mạt na thức và alaya thức. Chính alaya thức chứa đựng vạn pháp và hàm chứa những tác động (duyên khởi) chuyển từ khả năng thành hiện thực.
Đồng nhất “bản thể tuyệt đối” với “tâm thức” của con người, theo Thế Thân, muốn đạt tới tâm thức tuyệt đối, nghĩa là muốn được giải thoát, con người phải vượt lên trên nhận thức thông thường, tạo thành sự đồng nhất hoàn toàn giữa chủ thể và khách thể, trở về với cái tâm thường tịnh, vắng lặng, vô thức… đó là Niết bàn. Quá trình này phải được thực hiện bằng toàn bộ cuộc sống con người thông qua các phép tu luyện cụ thể, đạt đến trình độ cảm nhận tâm linh trực giác. Với quan điểm này, Thế Thân đã đánh dấu bước phát triển mới trong triết học Phật giáo, hoàn chỉnh hệ thống triết học về mặt nhận thức luận. Thế kỷ VIII, khi Mật tông giáo hưng thịnh, phái Trung luận và Du già có sự dung hợp với nhau tạo thành phái Du già - Trung quán hay Trung quán - Du già.
Mật tông là sự kết hợp giữa Phật giáo Đại thừa, Ấn Độ giáo và tín ngưỡng dân gian, mang tính chất huyền bí, bùa chú… trong phép tu luyện giải thoát. Sau thời kỳ Mật tông, Phật giáo mất chỗ đứng ở Ấn Độ (khoảng thế kỷ IX - X). Nhưng lúc này, Phật giáo đã lan rộng ra nước ngoài, đặc biệt là các nước châu Á, trở thành tôn giáo lớn của thế giới, mang tính quốc tế.
Như vậy, từ một tôn giáo thống nhất, trong quá trình phát triển, Phật giáo đã phân chia thành nhiều bộ phái khác nhau. Đó cũng là điều tất yếu phù hợp với lôgíc phát triển nội tại của nó. Nếu chỉ xét về mặt hình thức, Phật giáo từ một tôn giáo thống nhất, phân liệt thành nhiều bộ phái, rồi đi đến mất chỗ đứng tại quê hương Ấn Độ, thì người ta có thể coi đó là bước thụt lùi của tôn giáo này trong lịch sử. Nhưng nếu xét một cách toàn diện, nhất là về mặt nội dung, phải thừa nhận rằng, quá trình phân phái của Phật giáo cũng là quá trình phát triển và là sự thích ứng không ngừng của nó với điều kiện lịch sử mới. Trong quá trình ấy, học thuyết triết học của Phật giáo được hoàn chỉnh với những đóng góp bổ xung to lớn của Long Thọ và Thế Thân về mặt bản thể luận và nhận thức luận. Đây cũng là hai thành tựu triết học đáng ghi nhận trong quá trình phát triển của Phật giáo. Trong quá trình ấy, số tín đồ của Phật giáo không ngừng gia tăng và mở rộng ra ngoài Ấn Độ. Đồng thời, cơ cấu tổ chức giáo hội được hình thành và hoàn thiện dần, trở thành một hệ thống chặt chẽ từ trên xuống dưới. Các tăng đoàn được tổ chức với những nội quy giới luật rõ ràng cụ thể.
Về kinh điển, lúc đầu, khi Phật tổ còn tại thế, giáo pháp và giới luật Phật giáo thường được giảng dạy theo lối truyền miệng, chưa phân biệt giáo pháp và giới luật. Sau khi Đức Phật nhập diệt, kinh điển được tác thành văn, phân biệt rõ ràng giáo pháp và giới luật, thêm phần bình luận của các nhà thông thái nhằm chú giải, phát triển sâu hơn ý nghĩa kinh điển. Kết quả là, một bộ kinh điển đồ sộ được hình thành với nội dung phong phú sâu sắc, bao gồm Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng, gọi là Tam tạng.
Như vậy, có thể nói, quá trình phân phái của Phật giáo cũng chính là quá trình đi lên của tôn giáo này. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là trong quá trình phát triển và phân phái, Phật giáo đã không có những hạn chế. Chẳng hạn, một trong những hạn chế đó là, với quan niệm “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, triết học Phật giáo từ một học thuyết tư tưởng duy vật vô thần nguyên thuỷ chuyển sang thành hệ thống triết học mang màu sắc duy tâm chủ quan – duy ngã. Mặt khác, với khuynh hướng tôn thờ Phật tổ, Bồ Tát, các vị thánh thần… của các bộ phái, phần nào làm lu mờ đi vẻ trong sáng, tính nhân văn, nhân bản của hệ thống triết học Phật giáo vốn là học thuyết đạo đức nhân sinh, xuất phát từ con người và hướng đến phục vụ con người, dù đó là con người mang tính chất tự nhiên nói chung.
(1) Đoàn Trung Còn. Lịch sử nhà Phật. Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2001, tr. 36.
(2) Thích Thanh Kiểm. Lược sử Phật giáo Ấn Độ. Thánh hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1989, tr.81 – 82.
(3) Tăng chi bộ Kinh, tập 3, Tăng pháp, Phẩm lớn. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1996, tr.563.
(4) Thích Thanh Kiểm. Sđd., tr.40.
(5) Đoàn Trung Còn. Sđd., tr.37.
(6) Đoàn Trung Còn. Sđd., tr.35.
(7) Xem: Thích Thanh Kiểm. Sđd., tr.71.
(8) Thích Thanh Kiểm. Sđd., tr.102.
(9) Long Thọ bồ tát. Trung quán luận. Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2001, tr.12.
Nguồn: Tạp chí Triết học, số 3 (154), tháng 3 - 2004
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục