Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới (Phần 2)

Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới (Phần 2)

Hai nước Việt Nam- Ấn Độ có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, Ấn Độ là người bạn lớn và đáng tin cậy của Việt Nam, trong khi Việt Nam là một trụ cột trong Chính sách Hướng Đông, nay là Hành động Phía Đông của Ấn Độ. Với việc nâng cấp quan hệ hai nước trở thành đối tác chiến lược vào năm 2007, hai nước Việt Nam và Ấn Độ đang nỗ lực hướng đến một tầm nhìn mới trong một bối cảnh khu vực và thế giới mới có nhiều biến động hàm chứa nhiều cơ hội cũng như đầy rẫy thách thức.

01:55 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới

PGS, TS Trương Thị Thông*

 

2. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ

Hai nước Việt Nam - Ấn Độ có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, mối quan hệ giữa hai dân tộc đã được hai vị lãnh đạo tiền bối kiệt xuất của hai nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru tạo dựng nền móng, các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Năm 1954, Ấn Độ mở Tổng Lãnh sự quán tại Hà Nội. Năm 1956, Việt Nam lập Tổng Lãnh sự quán tại New Delhi. Ngày 07/01/1972, hai nước nâng quan hệ lên cấp đại sứ. Trên 60 năm qua, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ ngày càng phát triển tốt đẹp và hiệu quả. Ấn Độ tích cực ủng hộ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước hiện nay. Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao đến thăm và làm việc như năm 1978 và 1980 Việt Nam có Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang thăm Ấn Độ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam  do đồng chí Lê Duẩn dẫn đầu sang thăm Ấn Độ năm 1984, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1989), Tổng Bí thư Đỗ Mười (1992), Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm Ấn Độ (1994), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1997), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (1999), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (2003) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (7/2007), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (2009). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ( 2014). Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, hai nước đã ký “Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai nước bước vào thế kỷ XXI”. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên ký Tuyên bố chung chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Phía Ấn Độ thăm Việt Nam có:  Tổng thống Rajendra Prasad (1959), Thủ tướng R.Gandhi (1985 và 1988), Tổng thống R. Venkatraman (1991), Phó Tổng thống K.R. Narayanan (1993), Thủ tướng P.V. Narasimha Rao (1994), Thủ tướng A.B. Vajpayee (1/2001), Chủ tịch Quốc hội Somnath Chatterjee (3/2007), Tổng thống Pratibha Patil (2008)… Năm 1982, hai nước thành lập Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật (UBHH). Đây là cơ chế quan trọng giúp hai bên trao đổi và thúc đẩy nhiều lĩnh vực hợp tác về kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đối ngoại, an ninh quốc phòng… trong đó có việc xây dựng Chương trình Hành động 3 năm 1 lần. Quan hệ thương mại giữa hai nước tăng khá nhanh, từ 72 triệu USD (1995), lên trên 1 tỷ USD (2006) và 2,5 tỷ USD (2008). Tính đến tháng 10/2009 đạt 1,643 tỷ USD. Theo công bố mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư trực tiếp của Ấn Độ vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2016 đạt xấp xỉ 229 triệu USD, gần bằng toàn bộ giá trị đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam từ trước đến nay tăng gần 77% trong 9 tháng quan nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực của Ấn Độ vào Việt Nam lên 111 dự án. Tính đến hết 11 tháng năm 2014, kim ngạch trao đổi thương mại Việt Nam - Ấn Độ đạt khoảng 5,18 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 2,27 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này 2,87 tỷ USD. Nâng kim ngạch thương mại Việt Nam-Ấn Độ lên 20 tỷ USD năm 2020.

 Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ấn Độ sang Việt Nam là: Thức ăn gia súc, điện thoại di động, máy móc thiết bị, tân dược, chất dẻo nguyên liệu, sắt thép và kim loại khác, nguyên phụ liệu dược phẩm, nguyên phụ liệu dệt may và da, vải các  loại, thuốc trừ sâu... Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Ấn Độ là: than đá, hạt tiêu, linh kiện điện tử, cao su, quế, máy móc và thiết bị, thép, sợi, giày dép… Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Ấn Độ vào Việt Nam: tính đến tháng 9/2009, Ấn Độ có tổng cộng 35 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 201,1 triệu USD, đứng thứ 32 trong tổng số 88 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Đáng chú ý, từ năm 2007, nhiều tập đoàn lớn khác của Ấn Độ như Essar, Tata đã quan tâm xúc tiến đầu tư vào Việt Nam. Về tín dụng: Từ năm 1976, Ấn Độ dành cho Việt Nam nhiều khoản tín dụng ưu đãi. Năm 2007, Ấn Độ công bố dành cho Việt Nam một khoản tín dụng ưu đãi trị giá 45 triệu USD cho dự án Thủy điện Nậm Chiến, hiệp định vay tín dụng này đã được ký vào tháng 1/2008. Ấn Độ tiếp tục công bố một khoản tín dụng mới cho Việt Nam trị giá 19,5 triệu USD. Về giáo dục-đào tạo: Ấn Độ giúp Việt Nam nhiều chương trình đào tạo ngắn và dài hạn với trên 100 suất học bổng các loại hàng năm, cả trong khuôn khổ song phương và đa phương (Hợp tác sông Hằng - sông Mê-công, Kế hoạch Colombo), trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là đào tạo nông nghiệp, tin học và tiếng Anh, viễn thám. Ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam sang Ấn Độ học tự túc do chất lượng và chi phí hợp lý. Việt Nam cũng đã cấp cho sinh viên Ấn Độ học bổng đào tạo tiếng Việt từ những năm 2006 . Về khoa học - công nghệ: Hiệp định Hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Ấn Độ được ký năm 1976, ký lại năm 1996. Tiểu ban Hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam và Ấn Độ được thành lập năm 1997 và kỳ họp lần thứ 7 của Tiểu ban được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 7/2008. Nghị định thư về Công nghệ thông tin Việt Nam - Ấn Độ được ký năm 1999. Dự án Hỗ trợ Phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp phần mềm ở Việt Nam sử dụng khoản viện trợ 2,5 triệu USD của Ấn Độ chuyển từ khoản lãi phạt tín dụng lương thực (do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì) đã được triển khai hiệu quả từ năm 2001, kết thúc tháng 6/2008 với kết quả tốt. Về hợp tác văn hóa: Hiệp định hợp tác văn hóa giữa hai nước được ký năm 1976, là cơ sở cho Chương trình trao đổi văn hóa giữa hai nước, được gia hạn định kỳ (gần đây nhất được gia hạn trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tháng 7/2007). Hai bên tiếp tục trao đổi đoàn nghệ thuật hàng năm. Về an ninh -quốc phòng: Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này phát triển tốt. Hai nước cũng hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ các diễn đàn khu vực và quốc tế: Ấn Độ ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Việt Nam luôn ủng hộ Ấn Độ tăng cường quan hệ với ASEAN, tham gia vào hợp tác Đông Á, ủng hộ Ấn Độ làm Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mở rộng.

Hai nước đã ký các Hiệp định Thương mại, Tránh đánh thuế hai lần, Khuyến khích và bảo hộ Đầu tư, Lãnh sự, Hợp tác Văn hóa, Hàng không, Du lịch, Tương trợ tư pháp về hình sự...; hai bên đã ký các Thỏa thuận về Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, hợp tác về Mỏ và địa chất, môi trường, y học dân tộc và Nghị định thư về hợp tác quốc phòng. Về khoa học - công nghệ: Ấn Độ là một trong những đối tác quan trọng trong lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam. Ngoài việc thành lập Tiểu ban Hợp tác về khoa học công nghệ, hai nước cũng ký Nghị định thư đầu tiên về Công nghệ thông tin vào tháng 8/1999. Ấn Độ đang giúp Việt Nam rất có hiệu quả trong một số dự án công nghệ thông tin, trong đó có Dự án Hỗ trợ Phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp phần mềm ở Việt Nam và Dự án thành lập Trung tâm Nguồn nhân lực cao ở Hà Nội. Ngoài ra, hai nước cũng đang có quan hệ hợp tác tốt trong các lĩnh vực tiên tiến như: sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình, công nghệ sinh học (lai tạo giống cây, giống con)... Về giáo dục và đào tạo: Từ đầu những năm 90, hàng năm, Chính phủ Ấn Độ dành cho Việt Nam trên 100 suất  học bổng (14 suất học sau Đại học theo Chương trình Trao đổi văn hoá CEP và hơn 100 suất theo Chương trình kinh tế kỹ thuật ITEC ngắn hạn) để đào tạo đại học, sau đại học trong hầu hết các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, y tế, nông nghiệp, thú y, ngân hàng, bảo hiểm, năng lượng hạt nhân v.v... Ngoài ra, Ấn Độ cũng cấp mới cho Việt Nam một số học bổng trong khuôn khổ Hợp tác Sông Hằng - Sông Mekông, Kế hoạch Colombo. Ấn Độ cũng giúp Việt Nam thành lập Trung tâm Phát triển doanh nghiệp Việt - Ấn (VIEDC), Trung tâm đào tạo tiếng Anh tại Đà Nẵng. Ấn Độ đang và sẽ là điểm đến đầy hứa hẹn cho sinh viên Việt Nam, với học phí hợp lý, lại được đào tạo bằng tiếng Anh.Trong lĩnh vực văn hoá, hàng năm hai bên đều tiến hành trao đổi các đoàn nghệ thuật và văn hoá. Hai bên đang chuẩn bị ký kết Chương trình Trao đổi văn hoá giai đoạn 2007-2009. Ngoài các lĩnh vực kinh tế, hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực an ninh và quốc phòng cũng có những bước phát triển tốt đẹp thông qua việc trao đổi đoàn, trao đổi thông tin, tài liệu, hợp tác đào tạo... giúp bổ trợ cho quan hệ hợp tác gắn bó và tin cậy giữa hai nước. Các công ty Ấn Độ ngày càng hướng đến Việt Nam như một thị trường tiềm năng với nhiều lợi thế to lớn với những cơ hội hội nhập nền kinh tế khu vực và quốc tế. Đặc biệt, doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm đến lĩnh vực mở rộng hơn nữa các cơ sở tín dụng, hàng không, du lịch… để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao thương, đầu tư giữa hai nước. (Xem tiếp phần 3)

Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục