Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới (Phần 3)

Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới (Phần 3)

Hai nước Việt Nam- Ấn Độ có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, Ấn Độ là người bạn lớn và đáng tin cậy của Việt Nam, trong khi Việt Nam là một trụ cột trong Chính sách Hướng Đông, nay là Hành động Phía Đông của Ấn Độ. Với việc nâng cấp quan hệ hai nước trở thành đối tác chiến lược vào năm 2007, hai nước Việt Nam và Ấn Độ đang nỗ lực hướng đến một tầm nhìn mới trong một bối cảnh khu vực và thế giới mới có nhiều biến động hàm chứa nhiều cơ hội cũng như đầy rẫy thách thức.

01:14 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới

PGS, TS Trương Thị Thông*

Tóm lại, cây hữu nghị Việt - Ấn đang ngày càng phát triển xanh tươi, đơm hoa thơm và kết trái ngọt. Bốn mươi tư năm qua là thời kỳ quan hệ hai nước đang phát triển mạnh mẽ, toàn diện cả chiều rộng lẫn chiều sâu với nhiều thành tựu quan trọng trong quan hệ truyền thống, hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ. Là hai nền kinh tế đang vươn lên mạnh mẽ, triển vọng tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới là hết sức to lớn. Việt Nam luôn mong muốn không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Ấn Độ. Những chuyến thăm chính thức các đoàn cấp cao 2 nước Việt Nam - Ấn Độ trong  thời gian qua là dịp tốt để lãnh đạo hai nước bàn và thống nhất những chủ trương quan trọng để tạo ra những bước chuyển lớn trong quan hệ hai nước, góp phần đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam - Ấn Độ trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hoá, khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo... lên một tầm cao mới, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế ở mỗi nước và nâng cao vị thế của hai nước trên trường quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Ấn Độ 2014 đã phát biểu khẳng định, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, quý báu mà Ấn Độ dành cho Việt Nam trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Việt Nam vui mừng nhận thấy quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đang phát triển hết sức tốt đẹp. Chính phủ Việt Nam mong muốn Quốc hội Ấn Độ ủng hộ chính phủ hai nước triển khai hợp tác mạnh mẽ, đạt được kết quả cao hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch; hợp tác về khoa học, kỹ thuật, giáo dục đào tạo, quốc phòng an ninh; giao lưu nhân dân, hợp tác trên các diễn đàn đa phương nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp, tiềm năng, lợi thế và mong muốn của hai bên. Trong chuyến thăm và làm việc tại Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký hợp tác giữa 2 nước trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, hàng không mở các đường bay thẳng Ấn Độ - Việt Nam, nâng mức đầu tư của Ấn Độ lên 20 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, trong phát biểu của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ chính trị khóa XI sang thăm Ấn Độ đã chỉ rõ, kim ngạch thương mại Ấn Độ -Việt Nam vẫn còn rất nhỏ so với tiềm năng của hai nước. Các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp hai nước cần tìm ra nguyên nhân và nắm bắt cơ hội để thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại song phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Trong phát biểu của mình, Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Trần Quang Tuyến, đã nhấn mạnh: Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Ấn Độ là người bạn lớn và đáng tin cậy của Việt Nam, trong khi Việt Nam là một trụ cột trong Chính sách Hướng Đông, nay là Hành động Phía Đông của Ấn Độ. 

Hai nước chia sẻ nhiều điểm tương đồng và có tiềm năng lớn chưa khai thác trong lĩnh vực du lịch. Ấn Độ đã nổi lên thành thị trường có khách du lịch ra nước ngoài tăng nhanh nhất, với lượng du khách đi nước ngoài tăng bình quân hơn 13%/năm, từ 4,4 triệu lượt người năm 2000 lên khoảng 17 triệu lượt người năm 2013, dự kiến sẽ tăng lên 50 triệu vào năm 2020. Có tới 64% số khách du lịch Ấn Độ tới châu Á, trong đó 2,5 triệu lượt du khách này tới Đông Nam Á trong năm 2013. 

Việt Nam hiện là điểm hấp dẫn khách du lịch, thu hút 7,87 triệu lượt người tới thăm trong năm 2014, trong đó khoảng 5,3 triệu từ châu Á. Tuy nhiên, hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn thấp hơn nhiều so với tiềm năng. 

Mặc dù du khách Ấn Độ tới Việt Nam đã tăng từ khoảng 12.000 trong năm 2007 lên khoảng 55.000 năm 2014, song chỉ chiếm 0,07% tổng số du khách nước ngoài tới Việt Nam và 0,03% tổng số du khách Ấn Độ ra nước ngoài. 

Phía Việt Nam cũng chỉ có khoảng 12.000 lượt du khách tới thăm Ấn Độ mỗi năm, hầu hết tới thăm các Phật tích như Gaya, Varanasi và Kushinagar. 

Những con số trên chứng tỏ, hợp tác du lịch đang tụt xa so với các lĩnh vực khác trong quan hệ Đối tác chiến lược Ấn - Việt. Vậy nên, hai nước cần thúc đẩy các họat động tăng cường quảng bá du lịch, hợp tác mở đường bay thẳng càng sớm càng tốt.

Trước khi khai mạc chương trình trên, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Tôn Sinh Thành, và Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, Nguyễn Văn Tuấn, đã có các cuộc gặp với Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ấn Độ, Suman Bila, và giám đốc một số doanh nghiệp du lịch Ấn Độ. 

Phát biểu tại các cuộc gặp này, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, Nguyễn Văn Tuấn, và Đại sứ Tôn Sinh Thành đã nêu những tiềm năng và cơ hội của ngành du lịch Việt Nam mà các đối tác Ấn Độ có thể khai thác. 

Tuy nhiên, theo Đại sứ Tôn Sinh Thành, hãng JetAirays của Ấn Độ đã mở đường bay tới Việt Nam song vẫn dừng tại Bangkok nên chưa tạo thuận lợi cho việc đi lại của du khách hai nước. 

Theo Đại sứ, hai bên cần thúc đẩy mở thêm đường bay thẳng, chính phủ hai nước cần hỗ trợ các hãng hàng không triển khai kế hoạch mở đường bay thẳng càng sớm càng tốt, đồng thời hai nước cần tăng cường các chương trình xúc tiến du lịch tới các địa phương của mỗi nước.

Bước ngoặt lớn trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ

Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Tấn Dũng, từ ngày 27 đến 28-10-2014 một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của Ấn Độ trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, cũng như thể hiện tiềm năng của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. 

Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra chỉ một tháng sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ, Pranab Mukherjee. Đây là tín hiệu vui mừng khi mà chỉ trong hai tháng, hai nước liên tiếp có những cuộc trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao. Lý giải cho điều này là nội dung hợp tác vô cùng phong phú, thực chất của hai nước vốn có quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp bấy lâu nay, được thể hiện ở các thỏa thuận quan trọng đã được ký trong chuyến thăm, như: Biên bản ghi nhớ về Trường Đại học Nalanda, Biên bản ghi nhớ về Bảo tồn và trùng tu các công trình kiến trúc Chàm tại Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam, Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Trung tâm tiếng Anh và Đào tạo Tin học tại trường Đại học Thông tin liên lạc tại Nha Trang, Chương trình trao đổi Văn hóa giai đoạn 2015 - 2017, Biên bản ghi nhớ về Hợp tác phát thanh giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Prasar Bharati, Thỏa thuận khung Hợp tác giữa Công ty ONGC Videsh Limited (OVL) và Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), Hợp đồng Nguyên tắc về dự án BOT xây dựng đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng giữa Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam (VIDIFI) và Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông Ấn Độ (IL&FS). Nhân dịp này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trao giấy chấp thuận Ngân hàng Ấn Độ mở chi nhánh hoạt động tại Việt Nam. Hãng hàng không Jet Airways của Ấn Độ cũng tổ chức lễ công bố mở đường bay thẳng giữa Ấn Độ và Việt Nam.  Nhằm tăng cường quan hệ hợp tác phát triển, lãnh đạo hai nước tái khẳng định cam kết phát triển toàn diện mối quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện, nhấn mạnh việc tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa trụ cột kinh tế, thương mại, đầu tư và quốc phòng - an ninh trong quan hệ hai nước. Hai bên cũng thống nhất phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có như: Ủy ban Liên chính phủ, Tham khảo chính trị, Đối thoại chiến lược, Đối thoại chính sách quốc phòng, Hợp tác kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, dầu khí,…; thực hiện tốt các thỏa thuận đã được ký kết giữa hai nước; thúc đẩy thiết lập các cơ chế hợp tác mới, phù hợp với yêu cầu phát triển quan hệ, hợp tác giữa hai nước. Trên tinh thần xác định hợp tác kinh tế là mục tiêu chiến lược của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, hoan nghênh sự tăng trưởng mạnh mẽ về thương mại song phương trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi ký Hiệp định Thương mại tự do Ấn Độ - ASEAN về trao đổi hàng hóa, hai bên nhất trí sớm triển khai Hiệp định Tín dụng trị giá 100 triệu USD do Ấn Độ dành cho Việt Nam phục vụ mua sắm quốc phòng.

Với chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, năm 2014 tiếp tục là năm lãnh đạo cấp cao Việt Nam liên tiếp tới Ấn Độ kể từ năm 2011, sau chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 10-2011), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ tại Ấn Độ (tháng 12-2012), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 11-2013). Về phía Ấn Độ, lãnh đạo cấp cao sang thăm Việt Nam có Phó Tổng thống H. Ansari (tháng 01-2013); Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee (tháng 9-2014). Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 07-01-1972. Tuy nhiên trước đó, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền móng từ những thập niên đầu của thế kỷ XX, và được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp. Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển hiện nay, Ấn Độ luôn dành cho Việt Nam sự ủng hộ tích cực. Quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước được thiết lập năm 2007 và đang trên đà phát triển ngày càng sâu rộng, đặc biệt là trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ và văn hóa - giáo dục. Ấn Độ coi Việt Nam là trụ cột trong Chính sách Hướng Đông của mình và Việt Nam xác định quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ là ưu tiên trong chính sách đối ngoại. (Xem tiếp phần 4)

* Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn:

Cùng chuyên mục