Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới (Phần 4)

Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới (Phần 4)

Hai nước Việt Nam- Ấn Độ có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, Ấn Độ là người bạn lớn và đáng tin cậy của Việt Nam, trong khi Việt Nam là một trụ cột trong Chính sách Hướng Đông, nay là Hành động Phía Đông của Ấn Độ. Với việc nâng cấp quan hệ hai nước trở thành đối tác chiến lược vào năm 2007, hai nước Việt Nam và Ấn Độ đang nỗ lực hướng đến một tầm nhìn mới trong một bối cảnh khu vực và thế giới mới có nhiều biến động hàm chứa nhiều cơ hội cũng như đầy rẫy thách thức.

01:13 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 3)

Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới

PGS, TS Trương Thị Thông*

 

Tạo đà phát triển

Tăng cường hợp tác kinh tế là một mục tiêu chiến lược của quan hệ song phương Việt Nam và Ấn Độ - hai nền kinh tế năng động, đang vươn lên mạnh mẽ ở châu Á. Hai bên phấn đấu đạt kim ngạch thương mại 15 tỷ USD vào năm 2020. Và để thể hiện quyết tâm chính trị đó, Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố, Ấn Độ sẵn sàng cho Việt Nam vay khoản tín dụng 300 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu cho một số ngành kinh tế, giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào, tránh bị lệ thuộc vào một thị trường; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi xem xét mở cửa thị trường đối với đầu tư, hàng hóa của Việt Nam.

Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng trong những năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Hai nước đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhau, kim ngạch thương mại song phương năm 2013 đạt 5,23 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2012. Tính đến tháng 10-2014, Ấn Độ có 84 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 260 triệu USD. Các biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ được hai bên nhất trí triển khai trong thời gian tới gồm: phát huy tối đa các cơ chế song phương và đa phương sẵn có, nhất là triển khai hiệu quả hiệp định thương mại, tránh đánh thuế hai lần; khuyến khích và bảo hộ đầu tư, lãnh sự, du lịch, hàng hải thương mại, dịch vụ hàng không; tiếp tục phối hợp lợi ích chung trên các diễn đàn kinh tế khu vực và quốc tế, như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thiết lập Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Ấn Độ, đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Lĩnh vực hàng không cũng được hai nước chú trọng đẩy mạnh thông qua việc tăng cường hợp tác kết nối về hàng không và đường biển; tận dụng cơ hội có được khi các hãng hàng không hai nước mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ để đẩy mạnh hợp tác du lịch, thương mại, đầu tư.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp hai nước được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phân tích những nét tương đồng và thế mạnh riêng mà Việt Nam và Ấn Độ có thể bổ trợ cho nhau cùng phát triển, nhất là Ấn Độ có thể trở thành nhà cung cấp nguyên phụ liệu đầu vào cho Việt Nam trong các ngành dệt may, da giày, chế tạo máy; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa tiêu dùng, hàng điện tử, nông thủy sản, sản phẩm gỗ của Việt Nam thâm nhập thị trường Ấn Độ. Doanh nghiệp hai nước hướng tới việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư trong lĩnh vực thế mạnh, như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, chế tạo máy, hóa chất, dược phẩm, điện, dầu khí, chế biến nông - thủy sản.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam mong muốn các tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ tham gia phát triển kết cấu hạ tầng tại Việt Nam. Doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh và du lịch văn hóa. Việt Nam luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Ấn Độ tới kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam cũng hoan nghênh chương trình phát triển kinh tế “Sản xuất tại Ấn Độ” sẽ tạo nhiều cơ hội thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Ấn Độ.

Hợp tác toàn diện

Trên nền tảng quan hệ chính trị ngoại giao tốt đẹp và tiềm năng hợp tác to lớn về kinh tế, hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực đã phát triển mạnh mẽ. Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước với trọng tâm là hợp tác kinh tế; đồng thời, phát triển sâu rộng hơn quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quốc phòng - an ninh, khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục - đào tạo.

Về an ninh - quốc phòng, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác về quốc phòng và an ninh trên cơ sở các cơ chế và thỏa thuận hợp tác hiện có; tăng cường trao đổi đoàn, đối thoại chính sách quốc phòng, an ninh, tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về quốc phòng và an ninh, phối hợp tại các diễn đàn đa phương liên quan, như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Thời gian vừa qua, hai bên đã đạt nhiều tiến bộ trong hợp tác quốc phòng, như tiến hành trao đổi đoàn, Đối thoại Chính sách quốc phòng hằng năm, hợp tác giữa các quân, binh chủng, trao đổi tàu thăm viếng, đào tạo, nâng cao năng lực và hợp tác tại các diễn đàn khu vực, trong đó có Chương trình Hành động bom mìn vì mục đích nhân đạo.

Hợp tác văn hóa, giáo dục được đẩy mạnh với việc thành lập các viện nghiên cứu nâng cao năng lực tại Việt Nam về công nghệ thông tin, đào tạo tiếng Anh, phát triển doanh nghiệp, máy tính công nghệ cao và các lĩnh vực khác. Các dự án thành lập Trung tâm đào tạo tiếng Anh và tin học tại trường Đại học Thông tin liên lạc ở Nha Trang, Trung tâm Tài năng phát triển phần mềm và đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm dò tìm tín hiệu vệ tinh và tiếp nhận dữ liệu hình ảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục được hoàn thiện. Bên cạnh đó, việc thường xuyên phối hợp tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước, trong đó có việc tổ chức hiệu quả Liên hoan Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ hai năm một lần và Ấn Độ đang xúc tiến để sớm mở Trung tâm Văn hóa Ấn Độ tại Hà Nội được hai bên thống nhất.

Về các vấn đề khu vực, Việt Nam và Ấn Độ nhất trí cao về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông. Theo đó, hai bên tiếp tục hợp tác tốt tại các diễn đàn quốc tế, như ASEAN - Ấn Độ, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Hợp tác Sông Hằng - Sông Mê-công, Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Phong trào Không liên kết, hợp tác Nam - Nam và Liên hợp quốc; đẩy nhanh đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Ðộ khẳng định, chuyến thăm Ấn Ðộ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh dấu bước ngoặt lớn trong quan hệ song phương giữa hai nước vì từ năm 2015, Việt Nam sẽ là điều phối viên Đối thoại Ấn Độ - ASEAN và Việt Nam là cơ hội để Ấn Ðộ tiếp cận khối ASEAN.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển Liên hợp quốc 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và ủng hộ việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ấn Độ khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông, yêu cầu cần bảo đảm tự do hàng hải, hàng không không bị cản trở, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ở Biển Đông. Ấn Độ nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam thăm dò, khai thác dầu khí tại các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông, đồng thời khẳng định sẵn sàng hợp tác với Việt Nam và ASEAN trong việc triển khai các sáng kiến nhằm xây dựng các cơ chế về duy trì và bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực này. Phát biểu với báo chí về chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh khẳng định, chuyến thăm đã làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ và phát triển toàn diện, hiệu quả, chất lượng quan hệ hợp tác hai nước trên các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư đến quốc phòng, an ninh, hợp tác dầu khí, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân; đồng thời, tạo điều kiện để hai nước khai thác các tiềm năng và các lĩnh vực hợp tác mới, tiếp tục hỗ trợ, bổ sung cho nhau trên cơ sở cùng có lợi, trong đó có việc đẩy mạnh hợp tác về nông nghiệp, thủy sản, kết cấu hạ tầng, điện, dầu khí, vũ trụ, công nghệ, thông tin.


Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn:

Cùng chuyên mục