Việt Nam - Ấn Độ: Kết nối thông qua văn hóa
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trân trọng kính mời cán bộ, giảng viên, nhà nghiên cứu tới tham dự buổi thông tin chuyên đề “Việt Nam - Ấn Độ: Kết nối thông qua văn hóa”. Thời gian: 15h00-17h00, thứ Sáu, ngày 4 tháng 8 năm 2023. Địa điểm: Phòng hội thảo quốc tế, tầng 4, nhà A14, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 135 Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội.
TS Vinay Sahasrabuddhe sinh năm 1957 (66 tuổi), là một chính trị gia người Ấn Độ. Ông là Thành viên của Quốc hội Ấn Độ và đại diện cho bang Maharashtra tại Rajya Sabha từ năm 2016-22. Ông cũng từng là Phó Chủ tịch Quốc gia của Đảng Bharatiya Janata (là đảng cầm quyền hiện nay tại Ấn Độ) từ tháng 8 năm 2014 - tháng 9 năm 2020. Tiến sĩ Sahasrabuddhe được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ năm 2018. Ông còn là Phó Chủ tịch của Rambhau Mhalgi Prabodhini, Học viện Nghiên cứu và Đào tạo các đại biểu dân cử & các nhà hoạt động xã hội. Ông từng là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ấn Độ về Giáo dục, Phụ nữ, Trẻ em và Thanh niên & Thể thao.
Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ (ICCR), do Chính phủ Ấn Độ thành lập tháng 4/1950, có chức năng thiết lập và củng cố mối quan hệ văn hóa của Ấn Độ với các quốc gia trên toàn cầu, thông qua các chương trình trao đổi văn hóa với các quốc gia. ICCR có nhiều văn phòng tại Ấn Độ và 20 văn phòng tại nước ngoài. Tại Việt Nam, ICCR mở Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda (SVCC) tại Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trân trọng giới thiệu một số nội dung chính sẽ được TS Vinay Sahasrabuddhe chia sẻ trong buổi thông tin chuyên đề “Việt Nam - Ấn Độ: Kết nối thông qua văn hóa”
----------------------------------------
Ấn Độ là hiện thân của hòa bình, tình anh em, và những lý tưởng mạnh mẽ của 'Sarve Bhavantu Sukhinah' (Cầu cho mọi người được hạnh phúc) & 'Vasudhaiva Kutumbakam' (Thế giới là một gia đình). Sức mạnh mềm của Ấn Độ, ảnh hưởng văn hóa của Ấn Độ, luôn chinh phục được trái tim và khối óc trên toàn thế giới. Từ sử thi, Yoga, Ayurveda (y học cổ truyền Ấn Độ) đến âm nhạc và vũ điệu khuấy động tâm hồn, văn hóa Ấn Độ đã tạo nên những mối liên hệ sâu sắc với cộng đồng toàn cầu. Bản chất văn hóa đã làm cho Ấn Độ trở thành quốc gia thịnh vượng nhờ hòa bình, hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau.
Lịch sử hàng thiên niên kỷ về việc tiếp cận toàn cầu một cách hiệu quả của Ấn Độ là minh chứng cho thực tế rằng, mặc dù việc chiếm đoạt quyền lực bằng các biện pháp quân sự có thể mang lại vinh quang ngắn ngủi cho một số người, nhưng ảnh hưởng lâu dài luôn là ảnh hưởng của triết học, ngôn ngữ, nghệ thuật và văn hóa. Sử thi Ấn Độ như Ramayana và Mahabharata, truyền thống ngôn ngữ và văn học, âm nhạc và các điệu múa, nghệ thuật ẩm thực, thủ công mỹ nghệ và dệt may, tất cả đều có ảnh hưởng đến các cộng đồng trên toàn thế giới. Người Ấn Độ thời cổ đại có thể hiếm khi chinh phục được những vùng đất xa lạ, nhưng họ chắc chắn đã giành được con tim và khối óc của con người. Điều này đã đạt được thông qua tính độc đáo của các thuộc tính văn hóa sáng tạo. Tính đúng đắn của cách tiếp cận khoa học, tính sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú cùng nền tảng tinh thần sâu sắc là những đặc điểm nổi bật của những khả năng đã được người Ấn Độ trau dồi và nuôi dưỡng trong nhiều thiên niên kỷ. Một khía cạnh quan trọng là sự tiếp cận toàn cầu của người Ấn Độ dẫn đến kiến thức và nghệ thuật truyền thống của Ấn Độ có ảnh hưởng tới thế giới mà không cần có bất kỳ sức mạnh vũ lực hay sự áp đặt nào. Bất cứ điều gì Ấn Độ mang lại cho các cộng đồng toàn cầu khác không chỉ được chấp nhận mà còn được chào đón và tiếp nhận một cách chân thành.
Nhờ những nguyên tắc cơ bản trong thế giới quan của Ấn Độ, có nhiều người e ngại khi sử dụng thuật ngữ quyền lực mềm. Điều này khá dễ hiểu vì văn hóa ở Ấn Độ là một lối sống chứ không phải là một công cụ được sử dụng để gây ấn tượng hay ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Quyền lực mềm, như chúng ta hiểu, không phải là sự thay thế cũng như không thể so sánh với quyền lực cứng.
Quyền lực mềm, trong bối cảnh của Ấn Độ, không chỉ giới hạn trong nghệ thuật và văn hóa. Về cơ bản, nó nói về triết học Ấn Độ có khả năng cung cấp định hướng học thuyết cho những nỗ lực của nhân loại để vượt qua vô số thách thức. Từ tâm linh đến tính bền vững, từ dân chủ đến phát triển và từ bình đẳng giới đến quản trị toàn cầu, các quan điểm triết học cơ bản của Ấn Độ luôn là một phần của giải pháp. 'Ekam Sat Vipra Bahuda Vadanti' (sự thật là một, người khôn ngoan gọi nó bằng nhiều tên) đưa ra hướng giải quyết các mối quan tâm như cách tiếp cận độc quyền đối với các vấn đề liên quan đến đức tin. Triết lý Antyodaya của những người theo tư tưởng Gandhi hướng chúng ta bỏ qua cách chia nhị phân (như Trái và Phải). Bên cạnh đó, trong khi sự đa dạng cần được tôn trọng và bảo vệ, thì sự thống nhất thiết yếu của loài người chắc chắn không thể bị hủy hoại. Theo nghĩa đó, chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, tính thống nhất bẩm sinh của con người thể hiện dưới nhiều hình thức và màu sắc khác nhau, làm cho cả hai, thống nhất trong đa dạng và đa dạng trong thống nhất, trở thành nền tảng cho sự hội nhập của loài người. Tư duy tiêu dùng bền vững của chúng tôi đảm bảo sự hài hòa với Mẹ Thiên nhiên. ‘Vasudhaiva Kutumbakam’ là cơ sở trong cách tiếp cận của Ấn Độ đảm bảo toàn cầu cùng chung tay giải quyết các thách thức, lấy Nhân đạo làm nguyên tắc cơ bản.
Và đừng quên nhà tư tưởng của Ấn Độ, họ đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt ý tưởng cốt lõi của Ấn Độ ra thế giới. Từ những anh hùng sử thi Ấn Độ như Rama và Krishna cho đến những vị lãnh đạo quốc gia có tư tưởng lớn như Tiến sĩ S Radhakrishnan và Tiến sĩ APJ Abdul Kalam, Ấn Độ đã sản sinh ra một số anh hùng của thế giới trong quá khứ, cả xa và gần. Đức Phật Gautam, Vardhman Mahaveer, Kabeer, Tulsidas, Guru Nanak, Swami Vivekananda, Rabindranath Tagore, Sri Aurobindo, Lokmanya Tilak và Mahatma Gandhi là một số nhà lãnh đạo Ấn Độ vĩ đại đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử nhân loại. Tất cả họ đều là những người biết cho đi và suy nghĩ của họ về cơ bản bắt nguồn từ triết học Ấn Độ.
Bên cạnh đó, khả năng cân bằng giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể của triết học Ấn Độ cũng rất đáng chú ý. Ở Ấn Độ, chúng tôi coi trọng chủ nghĩa cá nhân, không gian cá nhân, quyền riêng tư, v.v., nhưng đồng thời, chúng tôi cũng hiểu giá trị của chủ nghĩa tập thể. Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể, như chúng ta biết, luôn phải song hành với nhau. Cuối cùng, ý tưởng về công bằng giới của người Ấn Độ được tượng trưng một cách đúng đắn thông qua biểu tượng 'Ardhnarinateshwar'. 'Ardhnarinateshwar' công nhận sự tồn tại của yếu tố nữ tính trong mỗi người đàn ông và yếu tố nam tính trong mỗi người phụ nữ. Do đó, không nảy sinh câu hỏi liệu đàn ông vượt trội hơn phụ nữ hay phụ nữ vượt trội hơn nam giới không.
Quyền lực mềm của Ấn Độ không chỉ là về văn hóa; nó mở rộng đến một triết lý sâu sắc. Từ tâm linh đến tính bền vững, dân chủ đến phát triển, bình đẳng giới đến quản trị toàn cầu, các giá trị cơ bản của Ấn Độ đưa ra giải pháp cho vô số thách thức. Khái niệm tiêu dùng bền vững gắn liền với sự hài hòa của Mẹ Thiên nhiên. Chủ đề của Chủ tịch G20 của Ấn Độ, 'Vasudhaiva Kutumbakam' (Thế giới là một gia đình), phản ánh trách nhiệm tập thể đối với các thách thức toàn cầu từ góc độ nhân đạo.
Sự tiếp cận toàn cầu của văn hóa Ấn Độ diễn ra một cách tự nhiên, không áp đặt, mọi người hết lòng đón nhận những món quà của Ấn Độ. Việt Nam, trong hơn hai thiên niên kỷ, chia sẻ mối quan hệ văn hóa sâu sắc với Ấn Độ, thông qua các mối rang buộc trong lịch sử và di sản triết học đóng một vai trò quan trọng.
Trong bối cảnh triết học đó, giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ và Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Ngoài ra, các tuyến thương mại hàng hải đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa, gia vị, dệt may và kiến thức quốc tế.
Ngôn ngữ và nghệ thuật thể hiện sự kết nối của Ấn Độ tại Việt Nam. Tiếng Việt mang những dấu vết của tiếng Phạn và tiếng Pali, minh chứng cho sự liên kết ngôn ngữ. Nghệ thuật biểu diễn truyền thống, như múa rối nước, tìm thấy những điểm tương đồng trong sân khấu cổ của Ấn Độ.
Ngoài ra, đức tin còn kết nối Ấn Độ và Việt Nam như một dòng sông. Cuộc hành hương thiêng liêng của các nhà sư Phật giáo Ấn Độ đến Việt Nam đã khơi dậy một mối liên hệ sâu sắc về tâm linh và triết học.
Vương quốc Champa thịnh vượng ở miền Trung Việt Nam từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ 16 sau Công nguyên đã thể hiện ảnh hưởng văn hóa của Ấn Độ. Nghệ thuật, điêu khắc và kiến trúc của nền văn minh Chăm Pa phản ánh sự pha trộn hài hòa giữa Ấn Độ giáo và Phật giáo. Theo truyền thuyết, Chử Đồng Tử (nhân vật thần thoại của Việt Nam) đã trở thành đệ tử của một nhà sư Phật giáo Ấn Độ và Luy Lâu, tỉnh Bắc Ninh đã trở thành trung tâm của Phật giáo.
Trong những năm gần đây, Ấn Độ và Việt Nam cùng nhau đối mặt với những gánh nặng của lịch sử, cùng nhau chống lại chủ nghĩa thực dân và sự thống trị của nước ngoài. Cuộc đấu tranh chung này đã làm sâu sắc thêm tình đoàn kết và sự hiểu biết của họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mahatma Gandhi được suy tôn là anh hùng dân tộc vì sự lãnh đạo mạnh mẽ của họ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân.
Sau khi giành được độc lập, Ấn Độ và Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác hiện đại. Quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1972 đã dẫn đến các thỏa thuận song phương, trao đổi văn hóa và liên minh chiến lược, củng cố hành trình của họ cùng nhau.
Các tổ chức học thuật của cả hai quốc gia đã hợp tác, tìm kiếm sự tri thức thông qua nghiên cứu, trao đổi sinh viên và nghiên cứu văn hóa, làm phong phú thêm sự hiểu biết về lịch sử chung.
Sự kết nối giữa Ấn Độ và Việt Nam vượt qua thời gian, văn hóa và địa lý. Nó là minh chứng cho sức mạnh bền bỉ của văn hóa, trí tuệ và các giá trị chung. Khi các sợi dây liên kết của họ tiếp tục đan xen, hành trình của Ấn Độ và Việt Nam được định sẵn cho một tương lai đoàn kết, hữu nghị và thịnh vượng.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục