Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Việt Nam: Trụ cột của chính sách Hành động Phía Đông

Việt Nam: Trụ cột của chính sách Hành động Phía Đông

05:31 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Rup Narayan Das*

Tổng thống Ấn Độ Ramnath Kovind đã đến thăm Việt Nam trong tháng 11/2018 theo lời mời của người đồng cấp phía Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Thực tế là, ông Kovind đã chọn Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên trong việc tiếp cận khu vực này, điều này không chỉ nói rõ ý nghĩa chiến lược của chính sách "Hành động Phía Đông" của nước này, mà còn là sự đồng cảm của ông với đất nước và nhân dân Việt Nam anh hùng. Mặc dù Việt Nam luôn chiếm một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ, nhưng trong những năm gần đây, ý tưởng về Ấn Độ - Thái Bình Dương và chính sách Hành động Phía Đông – một sự điều chỉnh mới của chính sách Hướng Đông của Ấn Độ đã nhận được sự quan tâm đáng kể. Hai quốc gia đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2007, và nâng cấp thành Đối tác Chiến lược toàn diện vào năm 2016.

Nhờ vào vị trí địa lý, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nằm ở ngã tư đường các tuyến hàng hải của thế giới. Hơn một nửa thương mại hàng hải của thế giới đi qua các tuyến đường thủy này. Eo biển Malacca chiếm khoảng 25% tổng lượng hàng hóa và dầu giao dịch đi bằng đường biển. Đây được xem là một trong những tuyến đường thủy chiến lược và nhạy cảm nhất trên thế giới. Ấn Độ có những lợi ích chiến lược lớn cũng như lợi ích kinh tế và thương mại trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực này. Biển Đông là một tuyến đường thủy chính với hơn 5 nghìn tỷ USD thương mại nằm trên tuyến đường biển trong khu vực này. Hơn 55% thương mại của Ấn Độ đi qua Biển Đông.

Sự chuyển đổi địa chính trị từ Đại Tây Dương sang Châu Á - Thái Bình Dương, sự nổi lên của khu vực này như là động cơ tăng trưởng của thế giới, thương mại và thương mại trên biển, sự trỗi dậy của Trung Quốc là những động lực của chính sách "Hành động Phía Đông" của Ấn Độ. Các tranh chấp trên biển tái diễn trở lại, những thay đổi về quân sự, và sự cạnh tranh giữa các siêu cường đã làm gia tăng sự phức tạp về an ninh trong khu vực. Đặc biệt, những tranh chấp chủ quyền đang diễn ra trên các hòn đảo ở châu Á - Thái Bình Dương đã làm trầm trọng thêm căng thẳng khu vực.

Với sự linh hoạt và khéo léo, Ấn Độ đã tham gia nhằm duy trì trạng thái cân bằng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đồng thời tăng cường quan hệ song phương với cả Trung Quốc và Việt Nam. Ở đây có hai bộ phận lớn hợp thành. Một là, tiếp xúc đa mũi nhọn (multi-pronged) với Trung Quốc. Hai là, tăng cường năng lực quốc phòng Ấn Độ và tăng cường năng lực quốc phòng của các nước như Việt Nam. New Delhi cũng đã cố gắng thúc đẩy hợp tác kinh tế Trung Quốc - Ấn Độ, nhấn mạnh mối liên kết văn hóa giữa hai nước về Phật giáo và chủ động tiếp cận Trung Quốc để trung hòa bất kỳ tổn hại tiềm ẩn nào đối với mối quan hệ song phương. Do đó, Ấn Độ đã vận dụng lập trường chính sách  tránh ủng hộ Mỹ để khắc chế Trung Quốc, đồng thời tránh bị nhìn nhận dưới lăng kính đó trong việc tăng cường mối quan hệ chiến lược và an ninh với Mỹ.

Trong tuyên bố chung của Ấn Độ - Việt Nam đã nhắc lại lập trường tinh tế của Ấn Độ trong khu vực này, đặc biệt là đối với các tranh chấp ở Biển Đông. Hai bên nhấn mạnh vào việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, thông qua con đường ngoại giao và tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, đồng thời nhắc nhở các bên liên quan tránh sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Về việc thăm dò dầu của Ấn Độ ở Biển Đông, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy đầu tư song phương và hợp tác trong thăm dò dầu khí trên đất liền, thềm lục địa và khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tổng thống Ấn Độ Kovind cũng đã có vinh dự hiếm hoi phát biểu tại Quốc hội Việt Nam, nơi ông tái khẳng định sự ủng hộ của Ấn Độ đối với sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN và một cơ chế về an ninh khu vực và cấu trúc kinh tế khu vực do ASEAN dẫn đầu để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong khu vực. Ông Kovind cho rằng: “Ấn Độ đưa ra một mô hình hợp tác không yêu cầu bạn bè của mình đưa ra lựa chọn mà mở rộng sự lựa chọn”, điều này được cho là có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc.

Tuy nhiên, một điểm nổi bật khác trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Ấn Độ đến Việt Nam là hai nước bày tỏ sự hài lòng với tiến độ giải ngân dòng tín dụng 100 triệu USD để đóng tàu tuần tra tốc độ cao cho Bộ đội Biên phòng Việt Nam. Tuy nhiên, hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai nước lại có ý nghĩa chiến lược nhất trong chuyến thăm. Tuyên bố chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ trong giai đoạn 2015 - 2020 nhằm hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và thúc đẩy sự hợp tác dịch vụ quân sự và bảo vệ bờ biển. Ngoài ra, còn có cơ chế tổ chức đối thoại chính sách hàng năm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giữa hai nước. Năm 2018, hai bên đã tổ chức thành công “Đối thoại an ninh” lần đầu tiên và đã đồng ý tổ chức “Đối thoại An ninh hàng hải” đầu tiên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tàu bảo vệ bờ biển cập các cảng của nhau. Những hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai nước đều cho thấy những gì mà Ashley J Tellis gọi là "cân bằng chứ không ngăn chặn".

* Nguyên học giả cao cấp Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Phân tích, New Delhi, Ấn Độ.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục