Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Xung đột Biển Đông qua nhìn nhận của một số học giả và chính khách Mỹ và phương Tây (Phần 2)

Xung đột Biển Đông qua nhìn nhận của một số học giả và chính khách Mỹ và phương Tây (Phần 2)

01:04 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Xung đột Biển Đông qua nhìn nhận của một số học giả và chính khách Mỹ và phương Tây

GS, TS Hồ Sĩ Quý*

I. Khi con sư tử Trung Hoa thức dậy

1. Nếu coi nhận định của Napoleon về Trung Quốc cách đây gần trọn 200 năm là một dự báo, thì dự báo đó ngày nay đã có thể gọi là một tiên đoán - một tiên đoán thuộc loại chậm được chứng thực trong lịch sử nhân loại: “Khi con sư tử Trung Quốc thức dậy, cả thế giới sẽ run sợ” - năm 1816, Napoleon Bonaparte đã nói như vậy[i].

Nỗi lo ngại của Napoleon được coi là có cơ sở vì nó xuất phát từ toàn bộ nền văn hóa chính trị đối nội và đối ngoại của các Vương triều Trung Hoa. Nỗi lo ngại đó ám ảnh nền chính trị Châu Âu và thế giới đến nỗi, năm 1973, khi Trung Quốc vẫn còn ngập chìm trong hỗn loạn của cách mạng văn hóa, mà Alain Peyrefitte[ii], một chính trị gia thân tín của Charles De Gaulle và là nhà văn Pháp, vẫn mượn câu nói của Napoleon làm tiêu đề cho cuốn sách của mình “Quand la Chine s'éveillera, le monde tremblera” (“Khi Trung Quốc thức dậy, cả thế giới sẽ run sợ”). Theo Peyrefitte, với số dân khổng lồ, khi Trung Quốc đạt đến một trình độ nào đó về văn minh và công nghệ, họ sẽ áp đặt cách hành xử Trung Hoa lên phần còn lại của thế giới. Năm 1996, sau một thời gian dài thấy kinh tế Trung Quốc liên tục tăng trưởng cao, quốc phòng lớn mạnh, sự kiện Thiên An Môn 1989 cũng không làm Trung Quốc chùn tay, Peyrefitte viết tiếp cuốn sách thứ hai về chủ đề này “Trung Quốc đã thức tỉnh” (La Chine s'est éveillée). Cả hai cuốn sách đều gây ấn tượng mạnh với người đọc Châu Âu và Phương Tây[iii].

2. Không biết có bao nhiêu người Trung Quốc biết hai cuốn sách này, nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc hiểu được thế giới nghĩ gì về mình, nên năm 2003, trong một chuyến thăm Mỹ, tại Đại học Harvard, Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Trung Quốc lúc đó đã đưa ra quan niệm “Trung Quốc trỗi dậy hòa bình” (中国和平崛起). Lý luận “Trỗi dậy hòa bình” hóa ra lại khiến thế giới lo ngại thêm. Bởi vậy, năm 2004 tại diễn đàn Bác Ngao, Hồ Cẩm Đào đã thay chữ “trỗi dậy” của Ôn Gia Bảo bằng chữ “Phát triển” - “Trung Quốc phát triển hòa bình” (中国 和平 发展). Tháng 3 năm nay trong chuyến thăm Pháp, Chủ tịch Tập Cận Bình không ngần ngại đối diện với lời nhận xét của Napoleon, nhưng giải thích khác đi: “Hôm nay con sư tử Trung Quốc đã thức dậy. Nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc là con sư tử hòa bình, thân thiện, văn minh” (The rise of China as a head than 'peace, amiable, civilized' lion[iv]).

Lúc Tập Cận Bình đang ở Pháp cũng là lúc Trung Quốc bí mật chuyển vật liệu để xây dựng sân bay ở bãi đá Gạc Ma, nơi Trung Quốc đã cưỡng chiếm bằng vũ lực năm 1988, làm 64 chiến sỹ Việt Nam hy sinh. Sau đó chỉ hơn một tháng, 5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ Haiyang 981 đi kèm hàng trăm tàu hộ tống và hàng chục máy bay quân sự vào khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ngày 26/5/2014, tàu Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Đà Nẵng. Tháng 6/2016, Trung Quốc tiếp tục đưa nhiều giàn khoan khác xuống Biển Đông, trong đó giàn khoan 09 nằm ngay tại Vịnh Bắc Bộ, nơi hai bên đang thảo luận để phân định ranh giới. Ngày 23/6/2014, Trung Quốc công bố bản đồ dọc, sửa đường 9 đoạn trên biển thành đường 10 đoạn ôm trọn Biển Đông của Việt Nam và vi phạm lãnh hải nhiều nước Đông Nam Á; bản đồ này còn vẽ luôn cả bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ vào lãnh thổ Trung Quốc. Ngày 24/6/2014, cùng một lúc 4 tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc xuất hiện tại đảo Hải Nam. Ngày 3/7/2014, quân đội Trung Quốc bắt 6 ngư dân Việt Nam khi đang đánh cá trong ngư trường Việt Nam truyền thống.

Mặc dầu hành xử như vậy, nhưng trong lễ kỷ niệm 60 năm Hội Hữu nghị nhân dân Trung Quốc ngày 16/5/2014, Tập cận Bình vẫn nói “Trong máu của dân tộc Trung Hoa không có gen xâm lược, thống trị thế giới”. Và để bào chữa cho hành động xâm lăng Biển Đông, ngày 27/6/2014 trong một cuộc họp có nhiều quan chức cao cấp của Trung Quốc, Tập Cận Bình giải thích, trong quá khứ Trung Quốc yếu về phòng thủ trên biển và trên đất liền nên “bị các nước khác bắt nạt”. Bởi vậy, ngày nay quân đội Trung Quốc phải tăng cường kiểm soát biên giới trên bộ và trên biển của nước này[v](Xem tiếp phần 3)

* Viện Thông tin khoa học xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.


[i]. Xem: Gabriel Racle (2005). L' Eveil de la Chine. L'Express 13-19 décembre 2005.http://www.lexpress.to/archives/94

[ii]. Alain Peyrefitte (1925-1999) là nhà văn, viện sỹ Hàn lâm. Ông đã có một thời gian dài giữ các trọng trách trong chính phủ Pháp: Nhà ngoại giao ở Đức và Ba Lan, Bộ trưởng Bộ Thông tin 1962-1966, Bộ trưởng Bộ Tư pháp 1977-1981. Ông là tác giả của nhiều ấn phẩm có giá trị: “The Immobile Empire” (Đế chế bền vững), “Quand la Chine s'éveillera, le monde tremblera” (Khi Trung Quốc thức dậy, thế giới có run sợ), “Le Mal Français” (Người Pháp xấu xí)… Sau khi qua đời 1999, ông được vinh danh và thi hài được giữ trong Les Invalides, nơi yên nghỉ của Napoleon và các vĩ nhân khác.

[iii]. Xem: Gabriel Racle (2005). Sđd.

[iv]. Xem: Xi Jinping: the Chinese foreign media attention compared to the peace "Lion". http://www.newshome.us/news-7406458-Xi-Jinping-the-Chinese-foreign-media-attention-compared-to-the-peace-Lion.html

[v]. “中华民族的血液中没有侵略他人、称霸世界的基因,中国人民不接受'国强必霸'的逻辑。” Xem:http://mp.weixin.qq.com/s?__biz=MjM5NjI0Mjk0MA==&mid=200565954&idx=1&sn=29d8276f57d73d0cb4331431a91872ee   //  Tập Cận Bình nói Trung Quốc bị bắt nạt: Sự thật là gìhttp://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tap-can-binh-noi-tq-bi-bat-nat-su-that-la-gi-3044372/

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục